Chuyên đề 'Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ dân':

Nhớ người truyền lửa vĩ đại

 10:03 | Thứ sáu, 18/11/2022  0
"Tôi cảm nhận rất rõ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân, là Người truyền lửa vĩ đại. Ngọn lửa của lòng yêu Nước thương Dân, ngọn lửa của tư duy Đổi mới, sáng tạo, ngọn lửa của tinh thần học hỏi, lắng nghe, ngọn lửa của tâm tình bao dung, hòa hợp… Ngọn lửa đó đã lan truyền xuyên suốt mấy thế hệ vừa qua và đang tiếp tục bùng lên trong những thế hệ trẻ tiếp nối", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

“Dân” là bài học đầu tiên từ ông Sáu

Từng đảm nhận chức trách Bí thư Thành ủy TP.HCM, tôi là lớp người đi sau đã học ông Sáu Dân nhiều lắm, không biết bao giờ học cho hết. Tôi học ở ông trước hết là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, tin ở dân và mọi việc làm của mình đều vì lợi ích của nhân dân. Đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước dân và trước đất nước. Đó là bài học có thể nói bao trùm tất cả. 

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Bài học thứ hai mà tôi vận dụng trong công tác ở TP.HCM là phải luôn luôn chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Mặt trận Tổ quốc, xây dựng các đoàn thể vững mạnh. Đây là lực lượng, là chỗ dựa vững chắc để chúng ta tiến hành mọi công việc, xây dựng các lực lượng này, gây dựng được lòng tin đối với dân thì dù khó mấy chúng ta cũng thành công.

Bài học thứ ba là dám nghĩ, dám làm, không sợ mất chức, thấy chuyện lợi ích cho dân phải mạnh dạn làm, đừng nghĩ đến cá nhân mình. Tính cách đó, sự dũng cảm đó không phải ai cũng có và ai cũng có thể học tập. Cái hào sảng của ông Sáu là ở chỗ đó. 

Mô hình khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương cũng là một trong những dấu ấn hào sảng của Võ Văn Kiệt. Sông Bé lúc đó còn nghèo lắm. Ông Sáu bàn với chúng tôi mời ông Lý Quang Diệu và bộ sậu của ông ấy sang tư vấn. Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất thành lập Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Sự hợp tác này đã tận dụng được vị thế lớn và mối quan hệ quốc tế rất rộng của Singapore, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, đưa Sông Bé (sau này là Bình Dương) phát triển nhảy vọt. Hình ảnh của Sông Bé, hình ảnh của Việt Nam đã tỏa sáng trên trường quốc tế.

Cho nên sau đó chẳng những Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore mà các khu công nghiệp khác của Việt Nam cũng nương theo đó mà phát triển lên. Chỉ riêng Bình Dương nay đã có 3 Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, ngoài ra còn có hơn 10 khu ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Có thể nói tiếng vang và tầm ảnh hưởng của các khu công nghiệp này về giá trị kinh tế và kinh nghiệm quản lý có công lớn của ông Sáu Dân, là niềm tự hào của nhân dân Bình Dương và cả nước. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Cùng nhau truyền tiếp ngọn lửa của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Việc tham gia Tổ tư vấn của ông Võ Văn Kiệt thực sự tạo một bước ngoặt trong công việc của bản thân tôi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Từ chỗ chỉ tự học hỏi, nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ của mình ở VCCI, chủ yếu về hai mảng quan hệ kinh tế quốc tế và pháp lý - chính sách về kinh tế và môi trường kinh doanh, rồi tham gia phản biện chính sách chủ yếu với góc độ vì doanh nghiệp, cho doanh nghiệp, tôi chuyển sang học hỏi, nghiên cứu một cách có hệ thống hơn, sâu rộng hơn các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặt trên nền tảng lợi ích chung của đất nước, của dân tộc và trong mối quan hệ tương tác giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe những bậc trí - dũng song toàn mà rất khiêm cung như các ông Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn, những chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau như các ông Đào Công Tiến, Đậu Ngọc Xuân, Nguyễn Mại, Nguyễn Trung, Tương Lai, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Ký, Nguyễn Thái Nguyên, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyễn Đình Cung... và nhiều người khác không thể kể hết tên, tôi học được ở họ biết bao kiến thức và điều hay lẽ phải trên đời.

Tôi cũng được nghe, được học, được "tiếp xúc" qua lời kể của các thành viên kỳ cựu trong Tổ về các chuyên gia trong Nhóm Thứ Sáu - think tank đầu tiên của ông Sáu Dân ở phía Nam. Khó có thể nói hết sự cảm phục và lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với ông Sáu và nhóm đó Thứ Sáu, vì không có sự quả cảm và trí tuệ, tấm lòng của ông và Nhóm, thì không biết nước ta sẽ làm thế nào để ra khỏi cuộc khủng hoảng lúc bấy giờ. 

Bằng chính tấm gương, tấm lòng và cách làm việc của mình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát hiện, tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện và lôi cuốn bao người có ý chí, trí tuệ và năng lực cùng chung tay, dốc sức cho công cuộc Đổi mới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Mặc dù không thường xuyên tham gia các cuộc làm việc liên tục của Tổ tư vấn/Ban nghiên cứu, nhưng ông Sáu Dân luôn luôn hiện hữu trong các hoạt động của Tổ/Ban. Sự hiện hữu đó là tư duy, đường hướng đổi mới của ông, là cách tiếp cận các vấn đề luôn cởi mở, sáng tạo, vừa khoa học vừa thực tế, là mối quan tâm thường trực đến lợi ích của đất nước, của người dân... được ông truyền đến mọi người, chỉ dẫn cho chúng tôi, thành những tiêu chí xuyên suốt trong công việc.

Đó còn là tinh thần trách nhiệm, ý thức học hỏi, cầu thị, lắng nghe đồng nghiệp, lắng nghe cộng sự, đặc biệt là lắng nghe dân mà ông là tấm gương sáng cũng đã thúc đẩy chúng tôi luôn chú trọng đọc từ nhiều nguồn, nghe bằng nhiều tai, đi đến tận nơi, gặp gỡ từng người liên quan trước khi tập hợp lại để làm thành những báo cáo, khuyến nghị gửi ông về vấn đề gì đó.

Không khí làm việc tận tâm, sôi nổi, phóng khoáng trong Tổ/Ban ”5 không” mà ông tạo dựng nên thực sự luôn thúc giục tinh thần trách nhiệm, lòng đam mê đối với công việc và khát khao học hỏi, cống hiến của mọi thành viên, đồng thời đã gắn bó chúng tôi với nhau trong tình bằng hữu sâu đậm.  

Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự sinh nhật lần thứ 15 của nhóm Thứ Sáu. Luật gia Nguyễn Ngọc Bích (ngồi), cùng ông Phan Chánh Dưỡng (đứng bìa trái), ông Huỳnh Bửu Sơn (bìa phải). Ảnh T.L 


Những khi sắp xếp được để đến làm việc cùng Tổ/Ban, ông Sáu lắng nghe, ghi chép cẩn thận, thi thoảng hỏi lại cho rõ hơn những điều người báo cáo chính trình bày, rồi yêu cầu mọi người lên tiếng.

Ông thường hỏi kỹ tại sao lại xảy ra hiện tượng hoặc sự việc nọ kia, tại sao lại làm thế này, có các khả năng hoặc phương án khác không, kinh nghiệm các nước khác trong xử lý những vấn đề tương tự ra sao, làm thế nào để có lợi nhất cho đất nước, cho dân mình...

Ông đặc biệt chú ý tới những hệ quả đa chiều và lâu dài, những hiệu ứng phụ, những mặt trái của vấn đề, hoặc những tác động bất lợi có thể xảy ra dù chỉ với một nhóm nhỏ trong cộng đồng xã hội, và những giải pháp để khắc phục hay ít nhất là giảm nhẹ những bất lợi đó. Những câu hỏi của ông hoàn toàn không dễ trả lời. Nhiều vấn đề ông muốn đưa ra thực hiện cũng không dễ dàng được thông qua trong hệ thống làm việc rất đặc thù ở nước ta. Nhưng cách ông làm việc đã cho chúng tôi bài học vô giá, đó là làm thế nào thuyết phục những người khác, tạo ra sự đồng thuận, hoặc để được thông qua theo hệ thống làm việc rất đặc thù của ta.

Bằng chính tấm gương, tấm lòng và cách làm việc của mình, ông đã phát hiện, tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện và lôi cuốn bao người có ý chí, trí tuệ và năng lực cùng chung tay, dốc sức cho công cuộc Đổi mới.

Ngay ở chính "đồn lũy số một của cơ chế kế hoạch hóa tập trung cũ” là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và sau đó là chính phủ vốn chưa hề quen với cơ chế thị trường - ông, với tư cách Chủ nhiệm Ủy Ban, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã tìm được ở các nơi đó những nhân tố mới và có cách gỡ những rào cản nặng nề vốn có - những lối mòn cả về tư duy và các quy định, cách thức, lề thói, lớp lang tiến hành công việc đã quá lạc hậu, để mở đường cho những nhân tố mới đi lên. Chính những người tài được ông phát hiện và đưa ra từ bộ máy cũ, dưới sự dẫn dắt của ông, đã góp phần tạo nên guồng máy mới năng động, hiệu quả để thực thi các chủ trương, chính sách Đổi mới, góp phần đưa tư duy và các phương thức Đổi mới lan tỏa và thấm sâu dần vào các cấp, các ngành, các vùng trong cả nước. 

Tôi cảm nhận rất rõ ông là Người truyền lửa vĩ đại. Ngọn lửa của lòng yêu Nước thương Dân, ngọn lửa của tư duy Đổi mới, sáng tạo, ngọn lửa của tinh thần học hỏi, lắng nghe, ngọn lửa của tâm tình bao dung, hòa hợp… Ông đã thắp sáng và truyền rộng khắp đất nước này, truyền tới cả hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu. Ngọn lửa đó đã lan truyền xuyên suốt mấy thế hệ vừa qua và đang tiếp tục bùng lên trong những thế hệ trẻ tiếp nối. 

Biết ơn ông, chúng ta cùng nhau truyền tiếp ngọn lửa của ông, và ngọn lửa này chắc chắn sẽ đưa tới một Việt Nam hùng cường trong tương lai.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân đã thắp sáng và truyền rộng khắp đất nước này, truyền tới cả hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu. Ngọn lửa đó đã lan truyền xuyên suốt mấy thế hệ vừa qua và đang tiếp tục bùng lên trong những thế hệ trẻ tiếp nối. Ảnh: Nguyễn Á


Nhà thơ, nhà chính trị Trần Việt Phương:

"Biết tắm mình trong dân"

Là một nhà lãnh đạo gần dân, thân dân, yêu dân, trọng dân, hầu dân, ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt có nét riêng là: sống cùng dân, với từng người, với mọi tầng lớp, với cả dân tộc, trong đó ông đặc biệt chú trọng 5 lớp người như sau:

Nhà thơ Trần Việt Phương.

- Những người nghèo khổ, thiệt thòi, đau thương nhất.

- Những người đứng đầu sóng, ngọn gió, trong chiến tranh là người lính và người chỉ huy ngoài mặt trận, trong hòa bình là người lao động và doanh nhân ở những trọng điểm.
- Những người giàu sáng kiến và thành tựu, làm giàu, làm mạnh, làm đẹp cho đất nước.

- Những người trí thức giàu tâm huyết và tài năng, truyền bá kiến thức, kỹ năng và làm ra kiến thức, kỹ năng.

- Những người tưởng chừng khó đi cùng dân tộc, nhưng thực tế lại rất gắn bó, trung thành và hết lòng dâng hiến.

Ông Sáu Dân biết tắm mình trong dân, đó là tắm mình trong suối nguồn trong sạch, tươi trẻ và sáng suốt. Sống trong dân là sống trong thực tế cuộc sống. Thường xuyên như vậy. Lúc gặp khó khăn, nguy hiểm càng như vậy.

Ông Sáu Dân không ham thích lý luận, không có năng khiếu lý luận, càng không sính lý luận, nhưng không coi thường lý luận. Vấn đề là lý luận thế nào? Lý luận uyên bác hàn lâm thì xa lạ với ông, khó vào ông, đặc biệt đối với cái gọi là “lý luận” mà kinh viện, giáo điều thì ông Sáu Dân rất dị ứng. Lý luận mà ông Sáu Dân quan tâm và chịu lắng nghe là lý luận định hướng thiết thực về đời sống của dân, về công việc của Nhà nước.

Nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Nguyên:

"Đoàn kết dân tộc và dân chủ, tự do gắn kết như hai mặt của một vấn đề"

Trong hơn 10 năm cuối đời, khi không còn giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy công quyền, kể cả khi đã thôi cương vị Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, dù tuổi đã cao, ông Sáu Dân vẫn tìm cách nắm sát tình hình thực tế, không ngừng suy nghĩ, nghiên cứu, đóng góp ý kiến về những công việc hệ trọng đối với đất nước.  

Nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Nguyên.

Trong điều kiện không có bộ máy giúp việc như khi còn đương chức, ông tận dụng các mối quan hệ đồng chí thân thiết để tạo nên môi trường làm việc, nghiên cứu, trao đổi ý kiến về những vấn đề mà ông ấp ủ.

Những người thường được ông Sáu Dân mời gặp, trao đổi ý kiến đều cảm nhận được sự trăn trở của ông trong mấy năm cuối đời tập trung nhiều vào vấn đề đổi mới chính trị. Ông cho rằng trong công cuộc đổi mới của nước ta, nền chính trị đổi mới chậm hơn cả; tuy có một số tiến bộ về từng mặt, nhưng thể chế, tổ chức và phong cách còn nhiều nếp cũ, không theo kịp yêu cầu của cuộc sống, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Điều này càng bộc lộ rõ khi nền kinh tế phải thay đổi mô hình phát triển, từ chỗ thiên về tốc độ tăng trưởng theo chiều rộng chuyển sang coi trọng chất lượng, hướng mạnh về chiều sâu, với những đòi hỏi rất cao về tính năng động, sáng tạo của con người để bảo đảm sự phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

Đổi mới chính trị trên nguyên tắc nào, nhằm mục tiêu gì? Khi đặt ra câu hỏi ấy, ông thường nhắc tới bài học lớn nhất, thấm thía nhất rút ra từ cuộc sống thực tế và từ sự trải nghiệm bản thân qua gần 70 năm hoạt động cách mạng ở nhiều cương vị khác nhau; đó là bài học phát huy đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tự do, mà ông coi là một nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc. 

Theo ông, có thể nói mọi thắng lợi của cách mạng, của kháng chiến, của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong thời gian qua cũng như những sai lầm phải trả giá, đều in dấu của sự thực hiện tốt hoặc chưa tốt về đoàn kết dân tộc và dân chủ, tự do. Không ít lần, ông nhắc nhở chúng tôi: Muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phải thực hiện dân chủ, tự do và phải bảo đảm quyền tự do của công dân thì mới có dân chủ thực sự.

Đó là nhân tố quyết định sự phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, phải được coi là mục tiêu và động lực đổi mới nền chính trị. 

Ông Vũ Quốc Tuấn (nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt):

"Nhà lãnh đạo khát khao tri thức và tôn trọng trí thức"

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo hiếm thấy về đức tính tôn trọng, lắng nghe và phát huy trí thức. Sở dĩ ông có được nhãn quan đó, chính là ông đã đánh giá một cách khoa học, toàn diện về vai trò của tầng lớp trí thức Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông cũng chính là người khát khao tri thức, do đó, với trí thức, ông không chỉ tôn trọng qua lời nói, mà thực sự tôn trọng qua lắng nghe, nhất là nghe những ý kiến trái với suy nghĩ của mình để bồi bổ cho kiến thức của mình; đồng thời quy tụ được và phát huy những đóng góp của trí thức, chân thành mời trí thức tham gia việc nước.

Đức tính ấy thật khác với những người cũng tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của trí thức một cách trang trọng nhưng hình thức, nói “tôn trọng”, “xin tiếp thu những ý kiến quý báu của các vị” song lại dẹp những ý kiến ấy sang một bên, chưa kể một số người phát biểu “trái tai” còn bị lên án và trù dập.

Ông Võ Văn Kiệt không chỉ là người tôn trọng giới trí thức nói chung, mà cũng là người đặc biệt quý trọng lớp trí thức đàn anh cùng thời có cốt cách đáng nể như các ông Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu. Khi ông Ung Văn Khiêm bị kỷ luật, nhiều người xa lánh, sợ vạ lây, có người can ngăn, nhưng ông Kiệt vẫn công khai qua lại thăm hỏi bình thường, vì ông cho rằng “người làm cách mạng, quan điểm có thể khác nhau, nhưng tình người, tình đồng chí không thể bỏ rơi đồng đội khi hoạn nạn” (theo sách Võ Văn Kiệt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2008, tr.88); đó chính là tính cách rất sòng phẳng và nhân ái của ông Võ Văn Kiệt.

Riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông thực sự quý trọng về tài năng, đức độ. Những năm Đại tướng bị kẻ xấu dựng chuyện vu oan, thậm chí Ngày kỷ niệm lần thứ 35 Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng không nhắc đến Đại tướng, song ông Võ Văn Kiệt vẫn bày tỏ lòng kính trọng tính cách nhẫn nhịn, bình thản của Đại tướng. Đến Ngày kỷ niệm lần thứ 40 Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1994), khi soạn thảo bài diễn văn ông sẽ đọc, chúng tôi đề nghị cần có câu tuyên dương công trạng Đại tướng, ông nhất trí ngay.

Ngày lễ 6.5.1994, trong diễn văn do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, có đoạn: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Tổng tư lệnh, Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng” (trích Võ Văn Kiệt, đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo, NXB Quân đội Nhân dân, 2006, tr.98).

Cả hội trường vỗ tay kéo dài; Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi hàng ghế đầu đứng lên, giơ tay chào, đôi mắt rưng rưng, xúc động.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh:

Dấu ấn “Một” và nụ cười sảng khoái

Với riêng tôi, một người học và nghiên cứu kinh tế thuộc thế hệ con cháu của bác Sáu Dân Võ Văn Kiệt, tôi thấy dấu ấn quan trọng nhất mà bác đã để lại, từ góc nhìn chuyên môn, đó là “Một”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh.

Nhờ tầm nhìn đó chúng ta không còn một mình một chợ, không còn một mình một sân, không còn rơi vào hoàn cảnh là chúng ta đi một đường còn thế giới tiến một nẻo. Tôi nghĩ đó là nhãn quan của nhà lãnh đạo, nhà chính trị, họ có được cái gì đó thôi thúc bên trong. Đồng thời có một tri kiến, một tuệ giác bên trong và biết được đây mới là con đường đi đúng, đây mới là con đường của dân tộc. 

Cảm nhận thứ hai của tôi về bác, đó là nhà chính trị sớm có một tác phong rất hiện đại, tác phong đó tạo ra cho các đối tác quốc tế một sự tin cậy và cởi mở. Bởi vì khi đối diện với các nhà chính trị nước ngoài, nhiều khi và nhiều người trong chúng ta vẫn hay đem ý thức hệ của mình vào các nội dung trao đổi, hợp tác và nâng thành quan điểm.

Chính điều đó đã khiến cho việc tìm tiếng nói chung giữa các bên trở nên khó khăn hơn. Bác Võ Văn Kiệt thì không như thế, bác đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Và chính điều đó đã trở thành điểm tương đồng trong thương thảo, bởi vì có đối tác nào lại không muốn, không vì lợi ích dân tộc. Mỗi bên cứ giữ ý thức hệ của mình và đem lợi ích dân tộc ra làm điểm giao thoa trong quá trình tìm giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác. 

Ở bác Võ Văn Kiệt còn có một đặc trưng rất riêng, là nụ cười rất sảng khoái. Nụ cười thân thiện đó trong những lúc thảo luận, trong lúc ngồi chơi với nhau đã xóa tan khoảng cách. Và như tôi nói, những cảm nhận đó có vẻ như rất cá nhân nhưng nó xuất phát từ bên trong con người mà lợi ích dân tộc luôn được đặt lên trên hết, bên trong con người có dự cảm về tương lai mà dân tộc mình sẽ đi, và dự cảm về việc chúng ta phải ra hòa nhập, phải ra đồng hành với thế giới.

Tôi nghĩ đặc điểm đó ở bác Sáu Dân được rất nhiều nhà chính trị thế giới tôn trọng. Họ đánh giá rất cao về thái độ cởi mở, chân thành    đó và họ cảm nhận rằng đây là một trong những người có thể đối thoại được. Mối quan hệ thân tình giữa Võ Văn Kiệt và Lý Quang Diệu cũng xuất phát từ cảm nhận đó. Có thể nói, thông qua mối quan hệ từng có của hai ông, đó là quan hệ tri âm của những người đối thoại xứng tầm.

Người Đô Thị

Nguồn Các ý kiến trích từ bản thảo sách sắp phát hành.
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.