UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản ngày 20.8 chỉ đạo rà soát nội dung điều chỉnh Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.
Văn bản cho biết, thực hiện thông báo ngày 31.7.2024 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, liên quan đến nội dung điều chỉnh Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố Đà Lạt:
Rà soát toàn bộ các công trình thuộc quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình (đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.2019) có chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc vượt quá quy định như: Tư Dinh Tỉnh trưởng, các khu đất ký hiệu: I-9, I-10, I-12, II-2, II-3, II-5,… theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12.5.2014.
Theo quy hoạch đã công bố, rạp Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay vào trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Ảnh: Lê Quân
Đồng thời, rà soát lại quy hoạch khu vực công viên Trần Quốc Toản và Ấp Ánh Sáng để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch trung tâm Hòa Bình.
“Trên cơ sở kết quả rà soát, căn cứ quy định hiện hành tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 10.9.2024 để báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật”, trích văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Dinh Tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910) nằm giữa mảng đồi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Quốc Tuấn
Theo phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh ban đầu, đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn, Dinh Tỉnh trưởng sẽ nâng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ... Ảnh: AIE
Như Người Đô Thị đã liên tục thông tin trong hơn 5 năm qua, ngay sau khi phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt, mặc dù lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng có nhiều động thái cầu thị lắng nghe các góp ý chuyên môn nhưng cho đến nay những tranh luận liên quan đến đồ án quy hoạch này vẫn còn gay gắt.
Trong bài viết “Xây khách sạn ở đồi Dinh, Đà Lạt: Một cách tiếp cận phản văn hóa, sai quy định pháp luật!” ngày 7.11.2021, chuyên gia quy hoạch Nguyên Lâm - cán bộ đang làm công tác quy hoạch đô thị, đã sớm lưu ý Đà Lạt:
Trong Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thuộc Quyết định 704 ngày 12.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ, khu đất đồi Dinh được xác định là “Đất trung tâm văn hóa - hội chợ triển lãm”. Hiện tại chưa có quy hoạch phân khu nào phủ lên khu vực này.
Trong bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất thuộc Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt (Quyết định 229 ngày 12.2.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng) xác định khu vực đồi Dinh là “Đất hỗn hợp”.
Theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất hiện hành trên Cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt, khu đất được xác định là “Đất xây dựng cơ sở văn hóa”.
Theo Thông tư 01 ngày 9.2.2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao:
“Đất xây dựng cơ sở văn hóa là đất xây dựng các công trình về văn hóa, bao gồm: Trung tâm văn hóa; cung thiếu nhi hoặc nhà thiếu nhi hoặc trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; cung văn hóa lao động hoặc nhà văn hóa lao động; rạp chiếu phim; rạp xiếc; nhà hát; nhà triển lãm văn học nghệ thuật; nhà bảo tàng; quảng trường; thư viện; nhà văn hóa thôn; hội trường thôn, trụ sở thôn, câu lạc bộ thôn”. Tức là các công trình kiểu như khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tư nhân (kể cả hội trường hay công viên tư nhân) là không phù hợp xây dựng trên khu đất này.
Như vậy, việc thay đổi mục đích sử dụng đất từ “xây dựng cơ sở văn hóa” sang “hỗn hợp” trong Quyết định 229 ngày 12.2.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng là không có cơ sở pháp lý.
Nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư đã phản đối phương án quy hoạch xây khách sạn tại khu vực đồi Dinh - mảng đồi xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh
PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên trong bài viết “Quy hoạch khu Đồi Dinh và Đà Lạt: Cách ứng xử với di sản thể hiện mức độ văn minh đô thị” ngày 30.10.2021, đã khuyến cáo Đà Lạt nếu cố tìm cách cho xây tổ hợp khách sạn trên đồi Dinh theo thiết kế đã tuyển chọn, Đà Lạt sẽ phải đối mặt với các nguy cơ:
Nguy cơ phá vỡ cảnh quan: Khu đồi Dinh Tỉnh trưởng bị đè lên khối khách sạn cao 28m, chiếm chỗ quá lớn, ở tỷ lệ lớn, sẽ làm mất đường chân trời vốn bình yên của khu đồi Dinh và của cảnh quan chung Đà Lạt. Không còn điểm nhìn từ hồ Xuân Hương lên đỉnh LangBiang như ban đầu các quy hoạch gia người Pháp định hướng bài bản. Ở tỷ lệ nhỏ, mất những rặng Long não cổ thụ, công trình Dinh tỉnh trưởng bị đẩy vào môi trường xa lạ trên nóc khách sạn (không phải công trình văn hóa) và công chúng không thể tiếp cận.
Nguy cơ tạo ra đô thị nén: Bản thiết kế mới cho đồi Dinh sẽ gây sức ép cho khu Hòa Bình hiện đang quá tải. Và khi công trình cao tầng như khách sạn này được xây trên điểm cao nhất trung tâm là đồi Dinh thì tương lai sẽ còn nhiều công trình khác tiếp tục được cắm vào lõi di sản khu Hòa Bình này. Các chức năng mới khiến cho Đà Lạt sẽ bị nén như Sài Gòn, điều này làm mất đi hồn nơi chốn của một đô thị có giá trị đặc biệt như Đà Lạt.
“Trước mắt, cần có giải pháp giữ Dinh Tỉnh trưởng trong bối cảnh quần thể kiến trúc chung. Các tiện ích mới với khối tích đồ sộ (các khu dịch vụ lưu trú, các tòa nhà hiện đại) phải rời khỏi trung tâm. Trả lại không gian lịch sử và thảm cây xanh. Đầu tư để tôn tạo và đưa vào các chức năng văn hóa, cộng đồng. Tìm hướng tiếp cận giao thông cho khu đồi Dinh để nơi này đến được gần hơn với cộng đồng…”, PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên đề xuất.
Thông báo kết luận buổi làm việc ngày 7.11.2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng nghe báo cáo phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình, có nội dung đối với vị trí Tư Dinh Tỉnh trưởng cũ: Cân nhắc việc đề xuất một khối công trình quy mô lớn, nên xen cấy các công trình quy mô vừa phải đảm bảo hài hòa không chỉ cục bộ tại khu vực mà hài hòa cho cả tổng thể khu trung tâm Hòa Bình, hài hòa, gắn với phát huy yếu tố văn hóa, kinh tế của khu vực; quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch đảm bảo đáp ứng các yếu tố khoa học, biện chứng, thẩm mỹ, thực tiễn, xã hội và kiến trúc gắn với chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh.
Phạm Tuấn - Hoàng Minh
Liên quan đến Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, trong hơn 5 năm qua, Người Đô Thị đã liên tục đăng tải đa chiều các ý kiến của chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, cán bộ đang làm công tác quy hoạch và ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam…
Một số ý kiến của chuyên gia về quy hoạch khu trung tâm Hoà Bình đăng trên Người Đô Thị được số đông dư luận đồng tình:
GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính: “Phải giữ cho được trung tâm - hạt nhân vô cùng đặc sắc của thành phố Đà Lạt là Hồ Xuân Hương và vùng đất bao quanh khỏi những công trình mới, như trung tâm thương mại (việc đã rồi), như dự án xây dựng khách sạn đồ sộ ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng… Không thể xây dựng đô thị - di sản. Lịch sử tạo nên và lưu lại Đà Lạt – đô thị di sản. Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền, trở thành đô thị có di sản đô thị mà thôi...” (xem tại đây).
TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Không gian khu Hòa Bình đã đạt đến một tỷ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực...” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục: “Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là "thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố" mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng...” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên: "Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt. Hãy nhìn từ giá trị cốt lõi của Đà Lạt, tiềm năng thực sự và những tiêu chí cần đạt được khi phát triển. Chắc chắn khi đó Đà Lạt sẽ có quyết định thông minh hơn, phù hợp hơn với đặc thù của đô thị” (xem tại đây).
PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng: “Việc lựa chọn phương án biến đồi Dinh ở Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt thành tổ hợp khách sạn, thương mại cao tầng là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà thành phố này đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình. Có thể coi đó là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiên, đồng thời tước đoạt không gian xanh cuối cùng – cũng là không gian có giá trị nhất về cảnh quan của Khu trung tâm Hòa Bình...” (xem tại đây)
PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan: “Chính quyền Đà Lạt cần hiểu rằng thành phố này có nhiều yếu tố đặc thù, duy nhất, có tiềm năng trở thành một đô thị di sản, điều rất hiếm hoi trong tổng số hơn 800 đô thị Việt Nam hiện nay. Họ đang sở hữu một gia tài quý để phát triển thành phố lâu dài, bền vững, cho người dân Đà Lạt và cả quốc gia...” (xem tại đây).
TS. Nguyễn Hồng Hạnh: “Đối với những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về di sản, văn hóa, lịch sử như Khu Hòa Bình của Đà Lạt, chính quyền nên có một ứng xử khác, cần có trách nhiệm hoàn lại cho doanh nghiệp đã bỏ kinh phí ra tài trợ thực hiện đồ án quy hoạch, cho dù có theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Nên dùng tiền ngân sách địa phương cho việc nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định pháp luật” (xem tại đây).
KTS. Cao Thành Nghiệp: “Không thể sửa sai bằng việc tiếp tục làm cho cái sai ngày càng trầm trọng hơn. Bộ mặt đô thị khu trung tâm nhếch nhác thì đánh giá nhếch nhác ở điểm nào, cần chỉnh trang thiết kế cải tạo dựa trên cái đẹp, cái vốn có, chứ không thể bằng mọi giá đổi đất lấy hạ tầng. Sao có thể xây dựng trên đỉnh đồi cao nhất của khu trung tâm Đà Lạt (1525m) một công trình 10 tầng với hình thức kiến trúc như một khối bê tông quấn lấy công trình di tích cao hai tầng nằm kế bên?” (xem tại đây).
>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi