Xây khách sạn ở đồi Dinh, Đà Lạt: Một cách tiếp cận phản văn hóa, sai quy định pháp luật!

 06:31 | Chủ nhật, 07/11/2021  0
Đà Lạt được biết đến là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, không chỉ bởi khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, mà còn vì quỹ di sản kiến trúc Pháp lâu đời có giá trị. Không lẽ chúng ta để cho điều mà du khách nhận ra thông qua một công trình/địa điểm di sản bị khai tử, chỉ là sự ngoảnh mặt làm ngơ, vô ơn bạc bẽo, ăn xổi ở thì?

Khu đồi Dinh là mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Khái toán tổng chi phí đầu tư, xây dựng dự án Khu Hòa Bình do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đưa ra là 7.675 tỷ đồng. Trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khu vực đồi Dinh là 751 tỷ đồng. Ảnh: Bùi Văn Hải


Không có cơ sở để thay đổi mục đích sử dụng đất đồi Dinh

Trong Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thuộc Quyết định 704 ngày 12.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quy hoạch chung năm 2014), khu đất đồi Dinh được xác định là “Đất trung tâm văn hóa - hội chợ triển lãm”. Hiện tại chưa có quy hoạch phân khu nào phủ lên khu vực này.

Trong bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất thuộc Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt (Quyết định 229 ngày 12.2.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng) xác định khu vực đồi Dinh là “Đất hỗn hợp”.

Theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất hiện hành trên Cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt, khu đất được xác định là “Đất xây dựng cơ sở văn hóa”.



Theo Thông tư 01 ngày 9.2.2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao:

“Đất xây dựng cơ sở văn hóa là đất xây dựng các công trình về văn hóa, bao gồm: Trung tâm văn hóa; cung thiếu nhi hoặc nhà thiếu nhi hoặc trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; cung văn hóa lao động hoặc nhà văn hóa lao động; rạp chiếu phim; rạp xiếc; nhà hát; nhà triển lãm văn học nghệ thuật; nhà bảo tàng; quảng trường; thư viện; nhà văn hóa thôn; hội trường thôn, trụ sở thôn, câu lạc bộ thôn”. Tức là các công trình kiểu như khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tư nhân (kể cả hội trường hay công viên tư nhân) là không phù hợp xây dựng trên khu đất này.

Như vậy, việc thay đổi mục đích sử dụng đất từ “xây dựng cơ sở văn hóa” sang “hỗn hợp” trong Quyết định 229 ngày 12.2.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng là không có cơ sở pháp lý, hay nói nặng hơn là sai quy định pháp luật.

Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao Lâm Đồng từng có văn bản cho biết Dinh Tỉnh trưởng là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Ảnh: Bùi Văn Hải


Giá trị di sản của Dinh Tỉnh trưởng phải được pháp luật bảo vệ

Quy hoạch chung năm 2014 đã định hướng: “Bảo tồn hệ thống di sản kiến trúc: quản lý các yếu tố ảnh hưởng đến công trình và giá trị cảnh quan xung quanh có giá trị về mặt quy hoạch kiến trúc”. Điều này được nhắc lại trong Quyết định 2221 ngày 23.10.2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng, ban hành quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2014, tại Điều 12, Mục 2c: “Bảo tồn hệ thống di sản kiến trúc: quản lý các yếu tố ảnh hưởng đến công trình và giá trị cảnh quan xung quanh có giá trị về mặt quy hoạch kiến trúc”.

Trên thực tế, ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện quản lý xuyên suốt về chủ đề này, trong đó xếp biệt thự đồi Dinh và khuôn viên của nó vào nhóm 1, là những biệt thự “gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, có giá trị điển hình về kiến trúc. Việc quản lý, sử dụng không được làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự”.

Việc tái sử dụng khuôn viên khu biệt thự đồi Dinh cho các mục đích văn hóa từ trước đến nay là phù hợp về pháp lý. Song, điều mà ngành văn hóa làm chưa tới là, đáng ra họ nên tuyên bố giá trị và định hướng bảo tồn - phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị Đà Lạt, ít nhất với danh mục biệt thự này (tương tự thể loại văn bản lý lịch di tích). 

Giá như có văn bản này từ trước thì đã tránh được rất nhiều nhầm lẫn, lầm tưởng cho nhà đầu tư khi đề xuất sáng kiến phát triển với các cơ quan quản lý nhà nước dưới dạng “đập đi xây lại” thế này, bởi điều đương nhiên là họ không thể được phép xâm phạm đến các giá trị di sản đã được tuyên bố bảo vệ bởi luật pháp.

Theo PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên, nếu cố tìm cách cho xây tổ hợp khách sạn trên khu đồi Dinh, Đà Lạt sẽ phải đối mặt với các nguy cơ: phá vỡ cảnh quan, tạo ra đô thị nén, có những tiền lệ xấu... Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt. Ảnh: Phúc Tiến


Việc biến khu đất này thành công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và giao tư nhân quản lý sẽ là trái quy định pháp luật. Tất nhiên vẫn có thể “làm mới cơ sở pháp lý” cho việc này nếu đạt được một số điều kiện sau:

-Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ hoặc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung năm 2014, trong đó khu đất được xác định là thương mại dịch vụ.

-UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định thay thế Quyết định 47 ngày 8.12.2017 quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt, trong đó loại khu đất biệt thự Dinh Tỉnh trưởng ra khỏi danh sách quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Nếu Đà Lạt đã nghe đủ ý kiến phản biện, mà vẫn quyết định làm biến dạng nghiêm trọng di sản và giao khu đất cho tư nhân quản lý, thì đó cần được xem là việc đánh đổi giá trị chung – lâu dài của cộng đồng cho lợi ích trước mắt của doanh nghiệp.

- UBND tỉnh Lâm Đồng cho lập quy hoạch phân khu, trong đó khu đất một lần nữa được xác định là thương mại dịch vụ. Toàn bộ hệ thống hành chính, chính trị và cộng đồng dân cư liên quan đồng thuận với quy hoạch phân khu. Bộ Xây dựng cũng xem xét và đồng thuận.

- Cập nhật dữ liệu quản lý đất đai nói trên vào bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Đà Lạt hiện hành.

Quan sát một vài động thái gần đây của UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến đề xuất sử dụng nguồn kinh phí tài trợ để thực hiện điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung năm 2014; triển khai lập đồ án Quy hoạch phân khu trung tâm thành phố Đà Lạt tỷ lệ 1/2.000, và khẩn trương rà soát, sửa đổi Quyết định 47,... có thể thấy tiến trình “làm mới cơ sở pháp lý” đang được triển khai.

Liệu họ có vượt qua được làn sóng dư luận đang phản đối quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình và kiến trúc khu đồi Dinh của các kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, bảo tồn di sản và người dân, để đạt được mục đích đó hay không, thì còn phải chờ thêm thời gian và sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Đồ án kiến trúc nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ... đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn. Ảnh: EAI


“Nâng Dinh lên cao”: sự ngụy biện có phần trơ trẽn

Phương án đang được chọn bởi tỉnh Lâm Đồng là bài dự thi mang tên “Hotel du Printemps” của nhóm kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert (EAI), trong cuộc thi “Phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng, thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình”.

Với giải pháp nâng Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28m so với vị trí ban đầu; phần dưới và xung quanh là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế… tỏ ra là một thiết kế được “đặt hàng” bởi nhà đầu tư, trong đó đề bài về cái “tổ hợp” nói trên đã được định sẵn.

Đó là lý do duy nhất có thể giải thích cho việc vì sao các kiến trúc sư đáng kính, nổi tiếng thế giới (tác giả của cả 3 phương án dự thi) đều lựa chọn biến đồi Dinh thành một khu đất thương mại, và công trình biệt thự chính chỉ được giữ lại như một vật trang trí kỷ niệm mà thôi. Đó là một cách tiếp cận phản văn hóa, song tất nhiên là đã chiều được lòng nhà tài trợ.

Đáng ra trong một cuộc thi như vậy, giá trị di sản của quần thể kiến trúc biệt thự đồi Dinh cần được nghiên cứu, và nhìn nhận như một nốt nhạc chính trong bản giao hưởng kiến trúc Đà Lạt. Có được sự bảo tồn, lưu truyền toàn vẹn và chân xác của các bằng chứng sống như thế, người đến thăm Đà Lạt sẽ hiểu biết và yêu văn hóa Đà Lạt hơn, thành phố Tây Nguyên xanh, thành phố của những ngọn đồi, của những công trình với vẻ đẹp kiến trúc lãng mạn được làm ra với sự trân trọng nơi chốn của thế hệ những người đầu tiên kiến tạo đô thị này.

Họ cũng cảm nhận được trình độ văn hóa của thế hệ tiếp nối, thông qua thái độ và hành vi mà thế hệ đó đối xử với di sản. Không lẽ chúng ta để cho điều mà du khách nhận ra thông qua một công trình/địa điểm di sản bị khai tử, chỉ là sự ngoảnh mặt làm ngơ, vô ơn bạc bẽo, ăn xổi ở thì?

Một số hình ảnh phối cảnh khách sạn đồi Dinh của đồ án “Hotel du Printemps”. Ảnh: EAI


Một nhà thiết kế đô thị, khi đã hiểu về giá trị di sản của quần thể này, sẽ sử dụng một thủ pháp thông thường với 3 bước như sau:

(1) Xác định khuôn viên là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn và tôn vinh giá trị gốc của di sản; (2) Xác định một vùng đệm cảnh quan để tạo ra khung cảnh di sản, sao cho hình ảnh của di sản được nhìn thấy như là đối tượng chính của khung hình, ít nhất từ các tụ điểm/tuyến trục công cộng, sao cho hành trình của du khách khi tiếp cận di sản là một chuỗi trải nghiệm của những cảm nhận đầy mỹ cảm về giá trị quá khứ, sao cho các dịch vụ liên quan đến khai thác du lịch văn hóa có thể được phân bố giãn ra, thay vì quá tập trung trong khu đất bảo tồn; (3) Xác định các giới hạn khống chế với công trình liên quan đến vùng đệm trên để đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp. Sau khi dàn xếp ổn thỏa tất cả những điều này, bắt đầu nghĩ đến kế hoạch phát triển.

Những kỹ thuật kể trên không phải do tôi nghĩ ra, mà là thông lệ quốc tế, được nhắc đến trong các công ước quốc tế về bảo tồn, và cũng có mặt trong Luật Di sản văn hóa của Việt Nam.

Thế mà bài thi số 1 lại luận giải một cách khá khôi hài rằng, trước đây Dinh nằm trên đồi là cao điểm đáng kể so với chiều cao chung của kiến trúc thành phố; nay các công trình xung quanh đã xâm lấn chiều cao nhiều rồi, vậy ta nên nâng Dinh lên cao thêm nữa để làm nổi bật nó.

Đó là sự ngụy biện có phần trơ trẽn. Giá trị của nơi chốn đâu chỉ làm nên bởi công trình kiến trúc. Kiến trúc và khuôn viên ấy là không thể tách rời; và cũng không thể tách rời khỏi bối cảnh lịch sử, khỏi quần thể các công trình đồng loại ở cùng thời kỳ mà còn sót lại đến ngày nay.

Ngắt công trình ra khỏi những kết nối đó, công trình chỉ còn là một khối gạch vữa không mấy xuất sắc. Thậm chí trông nó trở nên đặc biệt vô hồn dại dột khi phải nằm trên một đống ban công khách sạn lòe xòe, hệt như quả cherry đỏ trang trí cho cái bánh sinh nhật nhiều tầng.

Thật không giống lắm với những lời lẽ mà UBND tỉnh Lâm Đồng gửi gắm: “Nếu như trước đây, Dinh Tỉnh trưởng nằm lặng lẽ trên đồi thì bây giờ đồi Dinh đến gần hơn, cởi mở hơn và rõ ràng hơn trong tâm trí mọi người. Công trình được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới, mở cửa cho mọi người, bên cạnh đó còn mang đến cho người dân thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại từ dịch vụ khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, đến việc tham quan không gian, cảnh quan đặc sắc...”

Theo PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng, phương án biến đồi Dinh thành tổ hợp khách sạn là đi ngược với bản sắc và thương hiệu mà Đà Lạt đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của mình. Có thể coi đó là “cú đấm” trực diện vào môi trường tự nhiênđồng thời tước đoạt không gian xanh cuối cùng – cũng là không gian có giá trị nhất về cảnh quan của Khu trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Quốc Tuấn


*

Điều hiển nhiên là, chính quyền “của dân, do dân, vì dân” phải tận tụy phục vụ lợi ích chung và dài hạn của nhân dân. Để làm được điều đó, họ cần hiểu rõ giá trị chung của cộng đồng, trong đó có giá trị di sản kiến trúc Đà Lạt và cách ứng xử với di sản.

Đà Lạt được biết đến là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, không chỉ bởi khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, mà còn vì quỹ di sản kiến trúc Pháp lâu đời có giá trị. 

Nếu Đà Lạt vì trình độ quản lý hạn chế mà để cho quy hoạch kém chất lượng, hoặc xây dựng trái phép làm biến dạng, lu mờ dấu ấn di sản, thì đó chỉ là khuyết điểm do hạn chế về trình độ. Song nếu Đà Lạt, mặc dù đã nghe đủ ý kiến phản biện, mà vẫn quyết định làm biến dạng nghiêm trọng di sản và giao khu đất cho tư nhân quản lý, thì đó cần được xem là việc đánh đổi giá trị chung – lâu dài của cộng đồng cho lợi ích trước mắt của doanh nghiệp.

Nguyên Lâm

>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.