Năm 2022 chứng kiến thành công lớn của Sangeeta Kaur, nữ ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ gốc Việt khi cô nhận giải Grammy ở hạng mục Album giọng ca solo cổ điển xuất sắc nhất với album Mythologies. Tên khai sinh là Mai Xuân Loan, Sangeeta Kaur ra đời tại Hoa Kỳ, được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa đầy chất Việt Nam.

 

 

Chị có thể kể lại tuổi thơ của mình?

Tôi lớn lên trong một đại gia đình gồm nhiều chú, dì và anh chị em họ. Năm 1975, mẹ tôi sang Mỹ một mình để tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho gia đình. Mẹ là chị cả trong gia đình có 11 anh chị em. Cha tôi cũng sang Mỹ năm 1975. Ông là con thứ (chính xác là thứ 5) trong gia đình có 9 anh chị em. Cha mẹ tôi đều cùng họ Mai. Họ gặp nhau tại trại Pendleton ở Nam California. 

Nước Mỹ là một cú sốc văn hóa lớn đối với cả hai người. Vài năm sau, cả cha và mẹ tôi đều bảo lãnh cho đại gia đình của họ sang Mỹ. Tôi lớn lên cùng với tất cả họ, đó là lý do tôi cảm thấy văn hóa Việt Nam đã thấm nhuần trong tôi suốt cuộc đời, ngay cả khi tôi sinh ra ở Mỹ. Chúng tôi nói tiếng Việt ở nhà, ăn đồ ăn Việt Nam. Tôi đắm chìm trong truyền thống và ngày lễ tuyệt vời của Việt Nam.

Theo thời gian, ngôi nhà trở nên nhỏ hơn cho tất cả chúng tôi. Cha tôi học kỹ thuật còn mẹ tôi học trường thẩm mỹ. Cha tôi luôn yêu thích máy bay và cuối cùng ông đã làm việc cho Continental Airlines, ngay cả sau khi họ sáp nhập với United Airlines vào năm 1983. Trên thực tế, ông đã làm việc với Continental cả đời cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2018.

Mẹ tôi là một trong những người tiên phong trong ngành làm móng đang bùng nổ. Chúng tôi chuyển đến Los Angeles, nơi bà mở thẩm mỹ viện đầu tiên của mình. Vì vậy, không cần phải nói, tôi là một đứa trẻ lớn lên trong môi trường làm móng với một người cha thích đi du lịch.

 

 

Chị sinh ra ở Montclair City, California. Cộng đồng ở đó như thế nào?

Chúng tôi sống ở thành phố Rancho Cucamonga, cách khu Little Saigon khoảng một tiếng lái xe. Tôi nhớ ở đó không có gì ngoài những con đường đất, trang trại bò và về cơ bản là một thị trấn nông thôn rất nhỏ. Tôi nhớ anh trai, anh em họ và tôi chỉ đi dạo quanh xóm và thăm những đứa trẻ khác trong xóm. Cánh cửa của những ngôi nhà luôn rộng mở.

Khu phố vào thời điểm đó bao gồm hầu hết các gia đình da trắng. Có một gia đình người Hawaii và sau đó là hai gia đình đông người Việt của chúng tôi. Tôi vẫn còn rất nhỏ, chỉ mới 5 tuổi trước khi chúng tôi chuyển đến Los Angeles. 

Người Việt Nam được chào đón nồng nhiệt trong những năm đó.

 

 

Khi còn bé, chị thích nhất là những hoạt động gì?

Khi còn là một đứa trẻ sống ở Rancho Cucamonga, tôi thích chạy nhảy chơi đùa và hòa mình vào thiên nhiên. Chúng tôi trèo cây và chế tạo nhạc cụ từ lon thiếc và đá. Mùa hè nóng nực, chúng tôi chạy qua vòi phun nước ở sân trước, còn mùa đông nhảy lên sau xe bán tải của chú tôi để đi đến núi Baldy, mang tuyết từ trên núi về nhà.

Tất cả thật hồn nhiên và ngọt ngào. Tôi cũng nhớ mình đã đi nhà trẻ và chỉ kéo dài vài ngày. Người ta kể rằng tôi đã khóc đòi mẹ cả ngày. Khi cha mẹ tôi chuyển anh trai tôi và tôi đến Los Angeles, chúng tôi sống ở Manhattan Beach. Cuối cùng tôi sẵn sàng đến trường. Tôi bắt đầu học mẫu giáo và không khóc nữa.

Cha tôi khá tuyệt vời. Ông ấy đã dành rất nhiều thời gian với anh em tôi, ở bên chúng tôi bất cứ khi nào có cơ hội. Cha thích chụp ảnh nên đã đưa chúng tôi đi khắp nơi như Disneyland, sở thú và đến San Francisco (gần như hàng năm). Cha cũng thích đến thăm Washington D.C. nên hầu như năm nào chúng tôi cũng thăm thủ đô. 

 

 

Chính cha là người đầu tiên giới thiệu âm nhạc cho tôi ở một trình độ cao hơn. Một ngày nọ, ông mang về nhà một cuộn băng VHS của phim The Sound of Music. Tôi đã xem đoạn băng đó hàng trăm lần hoặc hơn. Tôi thuộc lòng từng bài hát và từng phần của câu chuyện. Đó là những khoảnh khắc khiến tôi khám phá ra tình yêu của mình đối với âm nhạc. 

Ở trường tiểu học, tôi thường đến thư viện công cộng địa phương. Tôi xem những cuốn sách hát mừng Giáng sinh và cho bạn bè xem rồi dạy bạn hát. Chúng tôi được phép hát những bài hát mừng cho các lớp khác trong mùa Giáng sinh. Tôi là “giám đốc âm nhạc” của chúng bạn. Nhìn lại, tôi nhận ra hình ảnh giáo viên và nhà sản xuất nhỏ bé trong con người tôi khi đó. 

Tôi đã tham gia dàn hợp xướng của trường. Tôi thích hát trong dàn đồng ca và từ đó năm nào tôi cũng hát cho tới đại học.

 

 

Một số nhà quan sát hay nói ở Mỹ, vấn nạn lớn nhất là phân biệt chủng tộc, trong khi ở Anh thì là vấn đề giai cấp. Trải nghiệm của chị về nạn phân biệt ở Mỹ như thế nào?

Đây là một chủ đề lớn đối với tôi. Cho đến khi tôi khoảng 11 tuổi, gia đình tôi sống ở khu vực Los Angeles. Xung quanh tôi là tất cả các sắc da trắng, nâu, châu Á, Ấn Độ, gần như là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa. Nhưng bọn trẻ chúng tôi đều rất hồn nhiên khi ấy, không nhìn thấy màu sắc hay chủng tộc, chỉ có trẻ em và hàng xóm.

Lần đầu tiên tôi gặp nạn phân biệt chủng tộc là trong cuộc bạo loạn Rodney King năm 1992. Tôi nhớ mình đã ở nhà một mình vào ngày hôm đó và xem tin tức. Tôi đã rất sợ rằng ai đó sẽ đột nhập vào nhà. Chúng tôi ở đủ xa để điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng với tôi lúc đó, cảm giác như nó ở ngay bên ngoài cửa nhà. Đó là lần đầu tiên tôi bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với nạn phân biệt chủng tộc. 

Trong số các bạn cùng trang lứa, tôi luôn cảm thấy có thể hòa đồng với hầu hết mọi người nhưng khi lớn hơn, tôi bắt đầu nghe ngày càng nhiều những nhận xét mang tính phân biệt chủng tộc đối với người châu Á, người Latinh và người da đen. Mọi thứ bắt đầu thay đổi.

 

 

Khi tôi 11 tuổi, cha mẹ tôi quyết định chuyển đến Little Saigon. Đây là lúc cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi là một cô gái Việt Nam sinh ra ở Mỹ, đến từ một môi trường có nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong trái tim tôi, tất cả chúng ta đều là duy nhất nhưng giống nhau. Quận Cam lúc đó rất khác. Ở nhóm tuổi của tôi, có một cảm giác phân biệt rất mạnh mẽ. Và có một vấn đề sâu sắc với bạo lực băng đảng.

Đến trường vào ngày đầu tiên, tôi lập tức cảm thấy mình như một kẻ lập dị. Tôi không ăn mặc cũng không hành động giống những cô gái khác. Tất cả người châu Á ở cùng nhau trong một khu vực, người Latinh ở một khu vực khác… Tôi không quen nhìn thấy điều này. 

Sau đó, tôi nhớ lại, khi một số bạn cùng trang lứa biết tôi là người Việt, tôi nghiễm nhiên trở thành một phần trong vòng tay thân ái của họ. Còn nếu không, tôi bị gọi là “Tẩy trắng”.

 

 

Những năm từ cấp hai đến cấp ba là những năm thử thách nhất của tôi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều bạo lực xung quanh mình và cả những cái chết không đáng có của những linh hồn trẻ thơ. Chúng tôi đã chứng kiến những thanh niên Việt Nam trong các băng nhóm đánh nhau với những thanh niên Việt Nam khác. Bạn có thể nói rằng lịch sử lặp lại, điều này đưa tôi đến chủ đề về việc giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều như thế nào bởi các xu hướng và văn hóa đại chúng trong suốt lịch sử. Những điều này ảnh hưởng đến xã hội chúng ta.

Đối với một số người, điều này có thể không nhiều ý nghĩa, nhưng với tôi trong tư cách một nghệ sĩ và muốn phấn đấu nhiều hơn nữa để trở thành một nghệ sĩ có trách nhiệm, tôi biết rằng âm nhạc góp phần rất lớn vào việc định hình và thông báo cho xã hội. Vì vậy, các nghệ sĩ thực sự cần phải hiểu sức mạnh của họ. Mọi suy nghĩ, mọi lời nói và ý định trong âm nhạc mà họ tạo ra đều đi một chặng đường dài và nhiều hơn những gì họ có thể nghĩ.

Nó có thể ăn sâu vào tâm hồn của một người và tác động đến họ theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Những người hiểu sâu sắc về sức mạnh của dòng âm thanh cũng hiểu rằng con người được tạo thành từ âm thanh và vì vậy, nó làm cho tất cả chúng ta trở nên cực kỳ nhạy cảm với âm thanh và đặc biệt là âm nhạc.

Nhìn lại những năm mà bạo lực băng đảng là một vấn đề lớn, chúng ta sẽ thấy rằng loại nhạc phổ biến nhất được phát trên đài phát thanh là gangster rap. Thực tế đã có những cuộc trao đổi ganh đua giữa các băng đảng ở bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ thông qua âm nhạc của họ. Điều này đã trở thành trào lưu, và khuấy động bạo lực, sự giận dữ và hiếu chiến trong thế hệ trẻ, trong đó có nhiều thanh niên trong cộng đồng người Việt trên khắp Hoa Kỳ.

Đó là một trong những trải nghiệm đã hướng tôi vào con đường âm nhạc, phụng sự và tâm linh.

 

 

Sống ở Mỹ, nhưng chị được duy trì cả văn hóa, ngôn ngữ Việt. Đó hẳn là một nỗ lực lớn của cha mẹ chị...

Gia đình tôi không biết gì khác ngoài văn hóa của họ, vì vậy họ đã thích nghi. Họ thích nghi với những gì có sẵn để nấu những món ăn yêu thích của họ. Cho đến ngày nay, tôi tự hỏi làm thế nào họ sống mà không có nước mắm!

Tôi nhớ ở sân sau nhỏ của chúng tôi ở Rancho Cucamonga, có một khu vườn đầy trái cây, rau và thảo mộc. Tôi không chắc làm thế nào họ có được tất cả các loại thảo mộc, nhưng họ có thể trồng một số thứ thiết yếu của Việt Nam tại nhà.

Trong khi cha tôi đang học lấy bằng cử nhân, mẹ tôi vừa đi học vừa chăm sóc gia đình, vừa kinh doanh bánh tráng trứng. Bà đã tìm thấy những nguyên liệu tương tự tuy không giống hoàn toàn, để làm món trứng cuộn Việt Nam và đã bán cho sinh viên các trường. Tôi nghĩ đây là một trong những nét đẹp của người Việt: sử dụng các kỹ năng có trong tay và làm tất cả những gì có thể.

Gia đình tôi hầu như chỉ nói tiếng Việt với anh trai tôi và tôi, là hai người con đầu lòng sinh ra ở Mỹ. Mặc dù tôi chủ yếu nói tiếng Anh với bạn bè ở trường, sau này khi tôi bắt đầu học nhạc Việt và kết nối nhiều hơn với cộng đồng, việc học tiếng Việt trở nên dễ dàng hơn. Tôi rất biết ơn vì hôm nay tôi có thể nói tiếng Việt, có thể không hoàn hảo, nhưng thật tuyệt khi có thể kết nối với người Việt sâu sắc hơn thông qua ngôn ngữ.

Trong các ngày lễ của Việt Nam, mẹ tôi tự tay may cho tôi áo dài và chúng tôi đi nhà thờ, chùa chiền và tham gia các lễ hội với những người Việt khác.

 

 

Gần đây chị được tạp chí Forbes Việt Nam mời phát biểu trong một hội nghị về phụ nữ. Sau đó, trên Facebook cá nhân, chị có chiêm nghiệm, rằng “vì sao trong đời này, tôi lại trở lại là một phụ nữ Việt Nam?”. Chị có thể chia sẻ rõ hơn, liệu trong đời, chị có từng nghi ngờ về bản sắc của mình?

Tôi chưa từng nghi ngờ bản sắc của mình. Tôi cũng chưa từng không thích những gì tôi nhìn thấy trong gương. Tôi lớn lên giữa hầu hết những người không phải dân châu Á, và tất cả chúng tôi đều còn trẻ để quan tâm đến sự khác biệt màu da hay sắc tộc. Tôi chỉ bắt đầu thực sự thấy mình là người châu Á, khi tôi sống giữa những người châu Á khác, những người thực sự tự hào là người châu Á, nhưng không phải lúc nào cũng có lý do chính đáng.

Như tôi đã nói trong bài trả lời phỏng vấn của Forbes, tôi luôn tin rằng mọi thứ đều có lý do. Có lý do tôi sinh ra là người Việt Nam. Có lý do, tâm hồn tôi chọn âm nhạc làm con đường và phương thức thể hiện mình. Có lý do, rằng tôi sinh ra là một phụ nữ. Có lý do khiến tôi nhìn thấy và trải nghiệm tất cả những gì tôi có trong đời, cả tốt lẫn xấu.

Khi tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau, tôi nhận ra rằng hành trình và sứ mệnh cuộc đời mình là phụng sự. Hình thức giao tiếp và thể hiện của tôi là thông qua âm nhạc. Và một phần công việc của tôi là mang lại tình yêu, ánh sáng, nguồn cảm hứng và sự chữa lành cho người Việt Nam và đặc biệt là phụ nữ. Tôi không xem nhẹ điều này. Tôi muốn sống theo những gì Thượng đế và vũ trụ đặt tôi trên trái đất này và trong cơ thể này. Đó là nhiệm vụ của tôi.

 

 

Tác giả nổi tiếng, Viet Thanh Nguyen, từng chia sẻ rằng khi lớn lên ở Hoa Kỳ, ông “luôn nhìn bản thân từ trong và từ ngoài. Luôn cảm thấy thiếu chỗ đứng dù ở đâu…”. Chị có cảm nhận giống vậy không?

Tôi chỉ có thể tưởng tượng những gì tác giả Viet Thanh Nguyen và nhiều người tị nạn khác đã trải qua. Nguồn gốc của họ đã ăn sâu vào một nơi và đột nhiên, việc phải tìm lại nền tảng của mình ở một thế giới hoàn toàn khác có thể rất đáng sợ và gây sốc.

Tôi sinh ra ở Mỹ, vì vậy tôi không biết thế nào là di tản. Lần duy nhất mà tôi thực sự trải qua khi còn nhỏ là chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác, nơi có các nền văn hóa khác nhau nhưng không có gì giống như tác giả Viet Thanh Nguyen và những người Việt trẻ khác phải trải qua. Nhưng một lần nữa, tôi nghĩ đây là một phần của sự kiên cường của người Việt Nam.

Đất nước Việt Nam như các bạn đã biết, trong lịch sử đã bao lần bị đô hộ, đe dọa. Người Việt Nam đã biết thích nghi và không ngừng đi tới. Và bây giờ chúng ta vẫn đang làm điều đó và tôi cúi đầu trước những người đã đạt được rất nhiều thành tựu khi họ xuất thân từ hai bàn tay trắng.

 

 

Nhiều người ngạc nhiên vì chị hát tiếng Việt quá hay. Chị có nhận xét hay lời khuyên gì, nếu gặp các bạn trẻ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài mà không nói được nhiều tiếng Việt?

Bạn biết đấy, tất cả chỉ là tương đối. Tôi không thể nói với ai đó rằng họ không nói được tiếng Việt là thiệt thòi. Nó thực sự tùy thuộc vào mỗi người và ý nghĩa đối với cá nhân họ. Tôi chỉ có thể chia sẻ những suy nghĩ và kinh nghiệm của riêng tôi. Tôi vô cùng biết ơn vì có thể nói tiếng Việt. Kết nối và các mối quan hệ rất quan trọng đối với tôi. Nếu tôi có thể chạm đến trái tim người khác để mang lại niềm vui cho họ theo những cách nhỏ nhất hoặc lớn nhất, điều đó mang lại cho tôi niềm vui.

Tôi dạy thiền và yoga, và một số khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi là dạy cho cộng đồng người Việt. Tôi có những học viên từ 3 tuổi đến 75 tuổi. Nhiều học viên lớn tuổi hầu như không nói được tiếng Anh. Có thể dạy song ngữ với tiếng Việt lõm bõm của tôi. Một số học viên lớn tuổi rất muốn học, nhưng họ không bao giờ đến lớp chỉ nói tiếng Anh. Thật vinh dự khi có thể chia sẻ những thực hành này với họ.

Bên cạnh tiếng Việt, tôi cũng đã học các ngôn ngữ khác. Tôi đã sống ở Venice, Ý trong vài năm và việc biết ngôn ngữ này mở ra nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đã có những người bạn tuyệt vời và tôi cũng học được rất nhiều về văn hóa và ẩm thực Ý. Tôi thực sự học được rằng người Ý và người Việt Nam có những nền văn hóa tương đồng. 

Vì vậy, lời khuyên của tôi dành cho thế hệ trẻ là: Càng đón nhận nền văn hóa của mình hoặc bất kỳ nền văn hóa nào khác, chúng ta càng hiểu nhiều hơn về người khác và về chính mình. Chúng ta sẽ có những kết nối sâu sắc hơn, những khoảnh khắc ý nghĩa hơn và những trải nghiệm biến đổi. 

Đôi khi, chúng ta coi thường những món quà ở ngay trước mắt vì nó quá quen thuộc. Nhưng nếu chúng ta đã được bao quanh và đắm chìm trong nền văn hóa Việt Nam, tại sao không tận dụng cơ hội để đi sâu hơn nữa và xem còn điều gì để khám phá? Nếu có mối liên hệ sâu sắc hơn với văn hóa và những người khác thì sẽ có thể mang lại nhiều hiểu biết và lòng trắc ẩn hơn cho trái tim của chúng ta và cả thế giới.

 

 

Hãy nói về thành tựu nghệ thuật của chị. Cha mẹ có bao giờ nghĩ chị sẽ là nghệ sĩ chuyên nghiệp?

Như tôi đã đề cập, một trong những khoảnh khắc âm nhạc mở mang đầu óc, mở rộng trái tim đầu tiên của tôi là khi thưởng thức vở nhạc kịch The Sound of Music. Nó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều!

Tôi muốn hát giống như những đứa trẻ trong phim. Từ đó tôi hát suốt. Ở trường, năm nào tôi cũng hát trong dàn đồng ca. Khoảng 9 tuổi, tôi muốn học chơi vĩ cầm và vì vậy bố mẹ đã mua cho tôi một cây đàn cũ, có lẽ với ý nghĩ rằng sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi đã hát trong dàn đồng ca của trường suốt quãng đường vào đại học. 

Khi còn trung học, tôi nhớ đã nghe hai giọng nữ cao trong dàn đồng ca. Những giọng hát này rất đẹp và mạnh mẽ, và tôi thực sự muốn học hát như họ. 

Cuối cùng thì tôi cũng bắt đầu học hát chính quy năm 18 tuổi, khi vào đại học. Đối với một số người, điều đó thực sự muộn, nhưng đó là hoàn cảnh của tôi. Chưa có ai khuyến khích tôi theo đuổi âm nhạc. Đó là giấc mơ bí mật của tôi. 

Trong năm đầu tiên học tại trường cao đẳng cộng đồng Santa Ana, tôi học chuyên ngành sinh học, nghĩ rằng mình sẽ trở thành người mà cha mẹ mong đợi: một bác sĩ. Tôi cũng học thêm về âm nhạc. Tôi muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc, muốn học cách đọc nhạc tốt hơn. Về cơ bản, tôi muốn học một ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của âm nhạc. Giáo viên của tôi lúc đó đã giao các bản aria và các bài hát từ các nhà soạn nhạc như Schubert, Mozart và Faure.

Giọng của tôi bắt đầu phát triển nhanh chóng, và tôi bắt đầu nghe ra trong tôi tiếng hát của hai giọng nữ cao mà tôi từng nghe hồi trung học. Cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của các thầy cô, tôi quyết định tự mình đi theo con đường âm nhạc. Và đó là khi tất cả thực sự bắt đầu. Từ đó, tôi lấy bằng cử nhân về biểu diễn opera của Nhạc viện Bob Cole tại California State University ở Long Beach và bằng thạc sĩ âm nhạc về biểu diễn thanh nhạc của Nhạc viện Boston tại Berklee.

 

 

Không dễ dàng để sống như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đâu là động lực để chị vượt qua gian nan?

Nhờ tập yoga, thiền, và nhờ ơn Thượng đế, tôi đã có một tinh thần minh mẫn hơn. Là một nghệ sĩ, cần rất nhiều chánh niệm. Nếu không có chánh niệm, nghệ thuật không thể tiến xa, và người nghệ sĩ đôi khi đi sai đường. Tôi phải nhắc nhở mình rằng làm một nghệ sĩ là trách nhiệm rất lớn.

Như tôi đã đề cập, mọi loại hình nghệ thuật đều có khả năng tác động đến thế giới. Nếu chúng ta, với tư cách nghệ sĩ, nhớ rằng trẻ em, người lớn, người bệnh, người yếu đuối và người mạnh mẽ đang lắng nghe, xem và cảm nhận những gì chúng ta đang thể hiện ngoài kia, thì hãy biết rằng chúng ta đang truyền tải thông điệp, ý định của mình vào tâm thức của họ, lời nói, kinh nghiệm, suy nghĩ và năng lượng.

Đây là động lực của tôi mỗi ngày. Làm cách nào tôi có thể tác động tích cực đến thế giới thông qua âm nhạc, lời nói và tấm gương của tôi với tư cách một con người? Cuộc sống thì không thể đoán trước được. Tại sao không làm cho mỗi khoảnh khắc trở nên đặc biệt, ý nghĩa, đẹp đẽ, hữu ích và có sức ảnh hưởng?

 

 

Những khoảnh khắc nổi tiếng có thể phai nhạt. Tiền bạc có thể không kéo dài. Sức khỏe có thể xấu đi. Những khoảnh khắc và trải nghiệm sẽ mãi mãi trong ký ức và cấu trúc tinh thần của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể mang theo đến cuối đời những ký ức và trải nghiệm về cách chúng ta tác động đến thế giới này và những gì chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau.

Thử thách là phước lành nếu chúng ta có thể nhận thức được chúng. Trong những thời khắc thử thách, chúng ta luôn có sự lựa chọn. Tôi luôn tự hỏi mình trong những tình huống khó khăn: “Lựa chọn nào giúp tôi đi trên con đường của riêng mình và tiếp tục ủng hộ các mục tiêu và ước mơ của mình, đồng thời giúp tôi tốt hơn mỗi ngày?”.

 

 

Giải thưởng Grammy là một trong những biểu tượng của thành công tại Hoa Kỳ. Giải thưởng của chị còn mang ý nghĩa lớn hơn cho cộng đồng ở Mỹ và người Việt. Chị có thể chia sẻ suy nghĩ làm thế nào để một nghệ sĩ thành công ở Hoa Kỳ?

Tôi vẫn đang học hỏi hàng ngày về thế giới kinh doanh âm nhạc và phát triển nghệ sĩ. Ngành công nghiệp này thay đổi rất nhiều. Chúng tôi biết rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã và đang trên đỉnh cao trong nhiều năm. Nhưng chúng ta cũng bắt đầu thấy những nghệ sĩ mới hơn và những nghệ sĩ độc lập phá vỡ rào cản.

Một phần lớn tác động là do công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội. Các nghệ sĩ đầy tham vọng giờ đây có một nền tảng và phương pháp thể hiện bản thân theo những cách rất công phu. Chúng tôi cũng có thể giao tiếp với những người theo dõi qua mạng và người hâm mộ.

Trước đây, trong lịch sử âm nhạc, hầu hết các nghệ sĩ đều không thể vượt rào nếu không có hãng thu âm lớn đứng sau. Giờ không còn như thế nữa. Đây là một điều tuyệt vời, nhưng thế hệ trẻ bây giờ đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Điều rất quan trọng đối với tôi vì tôi đã tự mình trải nghiệm, là có mối liên hệ giữa con người với nhau.

Là con người, chúng ta muốn và cần sự kết nối của con người. Sự hợp tác sáng tạo với các nghệ sĩ và nhạc sĩ khác, ở cùng một phòng, hít thở cùng một bầu không khí và kết nối mạnh mẽ với những người khác là điều mang lại sự kỳ diệu và chân thực cho âm nhạc.

Nghệ thuật và âm nhạc có linh hồn sẽ tồn tại trong nhiều năm và có thể tới cả thế hệ mai sau. Tất cả những thứ khác chỉ chết đi trong thung lũng công nghệ lỗi thời. Vì vậy, quan điểm của tôi là, trước hết, hãy ra khỏi công nghệ và gặp gỡ mọi người, làm việc trực tiếp với họ. Trao sức sống và hơi thở cho nghệ thuật và làm mọi thứ bằng cả trái tim.

 

 

Để có lời khuyên thiết thực hơn, hãy tìm hiểu về kinh doanh âm nhạc. Tìm hiểu doanh nghiệp từ trong ra ngoài để với tư cách là nghệ sĩ, chúng ta có thể đưa ra quyết định tốt hơn và có tất cả thông tin chi tiết về quy trình. 

Có những điều nghệ sĩ có thể làm mà không cần nhiều tiền. Biết cách chọn đúng người để làm việc cùng trong quá trình này. Đội nhóm là tất cả. Và nhóm đó có thể là mẹ của bạn, người bạn thân nhất hay người mà bạn tình cờ gặp trên đường.

Đừng bao giờ nói đồng ý với một người hoặc một tình huống nếu cảm thấy không ổn. Sẽ rất tệ khi lấp đầy không gian bằng những thứ không phục vụ viễn kiến của bạn.

Cuối cùng, khi thế giới biến chuyển và chúng ta ngày càng thấy nhiều thực hành chánh niệm và yoga ngoài kia, thì ngày càng có nhiều người chạm vào một không gian tâm trí nhẹ nhàng và tử tế hơn. Tôi thấy rằng mọi người nói chung đều muốn cảm nhận được sự chân thành, chân thực của nghệ sĩ. Có rất nhiều nghệ sĩ triển vọng, còn những người đứng đầu ngành thì muốn hỗ trợ và dành thời gian cho những người đóng góp cho một môi trường sáng tạo tích cực. Không có nhiều chỗ cho cái tôi vì cái tôi không làm cho trải nghiệm trở nên bền vững. Chúng ta muốn được ghi nhớ là những người vui vẻ khi làm việc cùng nhau; truyền cảm hứng cho những người khác - những người mà từ đó chúng ta có thể học hỏi và phát triển và những người có tinh thần đồng đội. Đó mới là những điều bền vững.

Có lẽ một số điều tôi nói không chỉ dành cho môi trường Hoa Kỳ mà bất kỳ đâu.

 

 

Cảm ơn chị rất nhiều. Kế hoạch cho năm 2023 của chị là gì?

Tôi đang thực hiện một album thể loại ambient classical crossover với hai người bạn thân nhất của tôi, nghệ sĩ piano Nguyễn Vân Anh và người chồng sắp cưới của cô ấy, đồng thời là nhà sản xuất - Mark Olsen. Chúng tôi dự định phát hành album vào tháng 7.2023. 

Tôi cũng đang đồng sản xuất một phiên bản opera từ album được giải Grammy, Mythologies, cùng với nhà soạn nhạc đoạt giải Grammy và là một trong những người bạn thân nhất của tôi - Danaë Vlasse. Chúng tôi hy vọng có thể làm hài lòng thế giới và đặc biệt là Việt Nam với sản phẩm này vào năm 2024. 

Và tôi hy vọng vào năm 2023, tôi sẽ có thể ở Việt Nam để chia sẻ thật nhiều âm nhạc hay với khán giả. 

Trần Lê Quỳnh thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.