Gần một thế kỷ hoài niệm
Chính thức lăn bánh vào năm 1900 và ngừng hoạt động vào năm 1991, trong vòng hơn 90 năm, tàu điện ở Hà Nội có thời điểm đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển giao thông, bắt kịp với xu thế tiến bộ ở các quốc gia phương Tây. Dần dà, tàu điện cũng biểu tượng văn hóa của mảnh đất này.
Gọi nó là biểu tượng văn hóa là bởi ở trên những toa tàu đó hàm chứa nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc, nào là đi lại, di chuyển giữa địa điểm này tới địa điểm khác, buôn bán những mặt hàng lặt vặt để kiếm kế mưu sinh, và đặc biệt là diễn xướng nghệ thuật dân gian.
Tàu điện ở Hà Nội từng là không gian tổ hợp nhiều sinh hoạt văn hóa, trong đó có hát xẩm. Ảnh tư liệu
Nghệ thuật diễn xướng đặc biệt đó chính là xẩm. Loại hình nghệ thuật này trong lịch sử thường được biết đến là biểu diễn ở các khu chợ, những nơi tập trung đông người qua lại, cũng có khi được biểu diễn trong nhà những người giàu có. Và thật uyển chuyển làm sao, cùng với sự phổ biến của phương tiện đi lại là tàu điện, xẩm lại phát triển thêm một dòng mới, chuyên phục vụ những hành khách đi tàu để kiếm tiền. Hay “tàu điện là không gian động của những người kiếm sống bằng nghề hát xẩm”, như chia sẻ của NSND Xuân Hoạch.
NSND Xuân Hoạch cũng cho biết thêm: “Cung đường của những người đi tàu điện có thể rất ngắn, có khi người ta chỉ có nhu cầu đi từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến cuối phố Hàng Đào (chưa đến 1km) là đã xuống tàu rồi. Vì thế, người hát phải ưu tiên những bài hát rất ngắn để biểu diễn”.
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…” Có lẽ trên một chuyến tàu điện nào đó ở Hà Nội vào thế kỷ trước, người đi tàu đã nghe quen tay câu ca dao ấy được ngân nga qua làn điệu xẩm. Ngày nay, có thật nhiều phương thức để quảng bá vẻ đẹp của một tỉnh, thành phố ngay trên đường phố tại nơi đó, có thể là những màn hình cỡ lớn, những tấm pano,…
Còn với Hà Nội, vào thế kỷ trước, xẩm tàu điện như một đại sứ văn hóa, quảng bá nét đẹp của cả một vùng kinh kỳ trù phú các giá trị văn hóa trên mỗi chuyến đi. Nào là “Bắc kỳ vui nhất Hà thành/Phố phường sầm uất văn minh rợp trời”, rồi “Văn minh đèn điện sáng lòe/Thông thương kỹ nghệ mọi bề chấn hưng”, ta mới thấy, một Hà Nội hiện lên như chốn ăn chơi, thành phố hiện đại bậc nhất phía Bắc.
Hay một Hà Nội tụ hội nhiều món ngon khó cưỡng lại được, “Bún nấu bán rao, chứ hàng nào bún nấu bán rao/Nào hàng kẹo đạn, ấy chứ phở xào/Rồi ngô bung lại thêm bánh rán kẹo vừng”… Với giai điệu dễ nhớ, xẩm tàu điện đã khắc sâu hơn vào lòng những hành khách vội vã trên chuyến tàu nét đẹp ở nơi mà họ đang sống.
Hát xẩm từng là một nghề kiếm sống trên đường phố, ở các khu chợ trong lịch sử. Ảnh tư liệu
Những thăng trầm của xẩm trên đất Thăng Long
Là người đã sống cùng Hà Nội trong những năm tháng thành phố hứng chịu những trận mưa bom bão đạn, nghệ sĩ Xuân Hoạch kể lại: “Trong thời chiến tranh, giao thông bị ngưng trệ, người dân cũng khó có thể họp chợ sôi nổi như trước, nghệ thuật xẩm cũng vì thế bị ảnh hưởng, thiếu đi “sân khấu” để biểu diễn”.
Cho đến năm 1954, Hà Nội tạm thời được hòa bình trước khi bước vào những cuộc chiến tiếp theo, thì bấy giờ, “người hát xẩm dần thưa thớt đi. Nhưng vẫn còn không ít người kiếm kế sinh nhai bằng nghề hát rong này”, ông nói thêm. Bởi thế, nghệ thuật xẩm vẫn còn được diễn xướng. Thế nhưng, cho đến năm 1991, đường ray, cột và dây điện phục vụ cho tàu điện bị tháo dỡ. Tàu điện hoàn toàn chấm dứt hoạt động, sứ mệnh của một dòng xẩm chính thức chìm vào "giấc ngủ đông".
Những năm trở lại đây, thời gian "ngủ đông" của xẩm tàu điện cũng có thể tạm coi là kết thúc, nhờ vào lòng nhiệt huyết, đam mê, nỗ lực của các nghệ sĩ, nghệ nhân và các bạn trẻ yêu hát xẩm. Các hoạt động biểu diễn xẩm được tổ chức lại vào các phiên chợ đêm cuối tuần và ở các địa điểm thu hút khách du lịch qua lại như Ô Quan Chưởng, chợ Đồng Xuân,…
NSND Xuân Hoạch cùng các nghệ sỹ trẻ Phạm Trình, Đinh Thảo, Ngô Văn Hảo, Hoàng Hiệp (từ trái sang phải) đưa nghệ thuật xẩm đến gần hơn với công chúng Thủ đô. Ảnh: BTC
Để có được địa điểm biểu diễn, là nhờ sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Đồng Xuân, theo NSND Xuân Hoạch. Và ông cũng đồng hành cùng với Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Chèo 48h – một dự án của nhóm bạn trẻ mong muốn bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm giới thiệu và truyền dạy nghệ thuật hát xẩm đến gần hơn với giới trẻ.
Có điều, tàu điện đã không còn cách nay hơn 30 năm, vậy sao còn giữ tên gọi xẩm tàu điện? Không ít khán giả đã đặt ra câu hỏi khi đến tham dự sự kiện Say xẩm. NSND Xuân Hoạch đã có những kiến giải rất độc đáo cho thắc mắc này: “Tên gọi xẩm tàu điện đến nay vẫn còn phù hợp. Bởi trước tiên là sự hình thành nó có tính đặc trưng, gắn với sự phổ biến của một phương tiện giao thông công cộng. Cùng với đó, đặc trưng của xẩm tàu điện gắn với các bài hát ngắn, được sáng tác trong thời gian trước đây, mô tả cảnh đẹp vùng đất Thăng Long”.
Các bạn trẻ đến với Say xẩm được thử sức với bộ nhạc cụ trong nghệ thuật hát xẩm. Ảnh: BTC
Yêu xẩm bằng cách rất riêng
Với một tinh thần đương đại, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật cùng các cộng sự của mình thể hiện tình yêu với âm nhạc truyền thống bằng cách rất riêng – mượn ngôn ngữ tạo hình để cất lên tiếng lòng.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Câu chuyện về nghệ thuật xẩm tàu điện được thể hiện trên tác phẩm cùng tên – Xẩm tàu điện (kích thước 7x2m) bởi nghệ sĩ Phạm Khắc Quang. Chất liệu làm nên tác phẩm được anh tận dụng từ phế liệu cũ là thép.
Sau đó, chúng được cắt, ghép lại thành những toa tàu. Bên trên toa tàu hiện lên hình ảnh phảng phất bóng dáng NNƯT Hà Thị Cầu (Ninh Bình) – người được mệnh danh là một pho sử sống về nghệ thuật hát xẩm. Đây là một trong 16 tác phẩm đang nằm trải dài dọc bờ vở sông Hồng, thuộc dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân”.
Còn với các bạn sinh viên ngành Quản lý giải trí và sự kiện, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, tình yêu với loại hình diễn xướng này được ấp ủ và tổ chức thành một chuỗi sự kiện có tên Say xẩm với nhiều hoạt động như: triển lãm nhạc cụ, trang phục hát xẩm, không gian tìm hiểu, trải nghiệm nghệ thuật hát xẩm, chiếu phim tài liệu,…
Một góc trong không gian trưng bày trang phục, nhạc cụ hát xẩm trong sự kiện Say xẩm.
Có cơ duyên đến gần hơn với xẩm trong các cuộc thi, các bài nghiên cứu, chị Nguyễn Anh Thư, thành viên ban tổ chức chương trình, chia sẻ: “Trong tư duy của không ít người, xẩm vẫn là loại hình ít được biến đến hơn so với chèo, tuồng, quan họ,… Bởi vì giai điệu của xẩm có phần man mác buồn, không phù hợp với bối cảnh xã hội trong thời gian trước đây. Cho nên, việc nghe xẩm cũng làm ảnh hưởng tới tinh thần của người nghe. Tuy nhiên, giờ đây nhìn nhận lại, các bài hát xẩm không chỉ gắn liền với đời sống thường nhật, mà còn là loại hình dễ hát, dễ thuộc, mà ai cũng có thể hát theo được”.
Để minh chứng cho việc dễ hát theo, dễ thuộc lời, Anh Thư cùng các thành viên trong ban tổ chức đã lồng ghép hoạt động trải nghiệm hát và chơi các nhạc cụ vào chuỗi hoạt động.
Nghệ thuật xẩm, và trong đó là xẩm tàu điện – một loại hình nghệ thuật đặc trưng của Hà Nội đã trở lại và đón nhận được sự quan tâm của không ít người dân Thủ đô. Song, để có thể tiếp tục được lan tỏa tới nhiều đối tượng hơn, loại hình nghệ thuật ấy cần nhiều hơn nữa những cách thức biểu đạt mới mẻ.
Đoan Túc