Giá nhà đang là chủ đề được nhiều người dân quan tâm nhất hiện nay khi mức giá tăng quá nhanh. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý II.2024, giá rao bán chung cư mới và chung cư đã qua sử dụng tăng mạnh, một số dự án tại Hà Nội tăng trên 30%. Còn tại TP.HCM, mức tăng cao nhất ghi nhận là khoảng 18% so với quý I.
Muốn mua căn hộ có giá bán tăng chậm hơn, người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm. Tuy nhiên, giá bán các căn hộ cũ tại đây cũng không dưới 3 tỷ đồng/căn, Bộ Xây dựng cho biết thêm. Tương tự, giá rao bán chung cư tại một số dự án mới mở bán ở các khu vực xa trung tâm cũng đang duy trì mức rất cao, 60 - 80 triệu đồng/m2.
Việc tăng giá nóng tại thị trường căn hộ chung cư cũng kéo theo giá nhà ở riêng lẻ, nhà liền kề tại các dự án và cả nhà ở tại các khu dân cư hiện hữu tăng lên. Một số khu vực của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có mức biến động giá tăng trong quý.
Giá nhà tăng: Người trẻ “bất lực”, hoãn mua nhà
Đến thời điểm hiện tại, tình trạng tăng giá chung cư có dấu hiệu chững lại vào cuối quý II, do giá đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi, thậm chí “phản kháng”. Trên mạng xã hội Facebook còn có một hội nhóm mang tên “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá”, dù mới thành lập nhưng đã có hơn 65.000 thành viên, tạo nên một hiệu ứng lan tỏa khá đáng kể trên cộng đồng mạng.
Anh Nhật Huy, một bạn trẻ đi tìm nhà Hà Nội mấy tháng qua, bày tỏ “bất lực” khi chứng kiến giá nhà mỗi tháng tăng thêm vài trăm triệu đồng. Anh chia sẻ vào đầu tháng 3, vợ chồng anh đi tìm mua căn hộ 3 phòng ngủ tại Eco Green City Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội) với giá 3,9 tỷ đồng, nhưng vì tầng thấp gần đường khá bụi nên muốn tìm căn tầng cao hơn. Thời điểm đó, giá chung cư đang “sốt”, anh dự định bán lô đất ở quê và vay thêm ngân hàng để mua, nhưng khi hỏi lại thì chủ nhà đã bán.
Đến tháng 7, sau khi bán được mảnh đất ở quê và quay lại xem thêm vài căn ở khu này thì anh bất ngờ thấy giá đã tăng lên 4,6 - 4,7 tỷ đồng/căn, tùy loại. Có một căn anh Huy thấy ưng ý và quyết định mua với giá 4,650 tỷ đồng, song sau đó chủ nhà lại đổi ý và muốn bán với giá 4,8 tỷ đồng.
Sốt ruột với giá nhà tăng nhanh, anh Huy tiếp tục đi tìm căn hộ ở đây nhưng các chủ nhà đã tăng giá lên hơn 5 tỷ đồng/căn 3 phòng ngủ, thậm chí bây giờ là 5,4 - 5,5 tỷ đồng/căn. “Tôi cảm thấy hoang mang, hỏi mọi người thì nghe rất ít giao dịch nhưng giá ngày một tăng. Cứ một tháng tăng thêm vài trăm triệu, thật sự bất lực. Bây giờ, tôi quyết định không mua nữa, chỉ 5 tháng giá tăng hẳn 1,5 tỷ đồng, có khi bằng gần chục năm dân lao động tích góp”, anh Huy bày tỏ.
Cũng rục rịch mua nhà từ đầu tháng 3 giống anh Huy, chị Minh Thư cho biết, 2 vợ chồng thích căn hộ tại Phương Đông Green Park (Hoàng Mai, Hà Nội), lúc đó giá chỉ trên dưới 40 triệu đồng/m2, nhưng do một vài yếu tố nên chưa mua. Bẵng đi một thời gian, đến tháng 6.2024, chị vào xem thì giá đã lên 54 triệu đồng/m2 ở cả 3 tòa đã có sổ, tức là mỗi căn sẽ chênh từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. “Tôi cũng hơi choáng nhưng khi xem giá thị trường thì thấy giá tăng chung nên tạm chấp nhận”, chị Thư cho biết.
Sau khi xem giá căn hộ tại tòa có sổ vượt mức tài chính cho phép nên chị Thư quay sang xem 1 tòa khác chưa sổ, thậm chí có thể không bao giờ có sổ. Ban đầu, vợ chồng chị xem căn 74m2 được môi giới rao bán giá 3,1 tỷ đồng bao phí. Thấy giá vẫn trong tầm tài chính nên chị Thư hẹn gặp trao đổi. 2 ngày sau, môi giới báo lại chủ nhà muốn bán giá 3,3 tỷ đồng, mang đồ đi và không bao phí, gia đình chị vẫn chốt và không cần thương lượng vì muốn chuyển về ở ngay trong tháng. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, môi giới báo lại chủ muốn tăng giá lên 3,5 tỷ đồng.
Thấy giá tăng vô lý, chị Minh Thư đành từ bỏ mua nhà thời điểm này và chờ đợi một thời gian nữa xem diễn biến thị trường. Theo chị Thư, với mức tiền trên, chị có thể mua được căn có vị trí tốt hơn và có sổ đỏ. Chị cũng băn khoăn không biết do chủ nhà hay môi giới tư vấn đưa ra mức giá mỗi ngày tăng hơn 100 triệu đồng như trên.
Chờ đợi giá nhà giảm nhiệt?
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù giá nhà đang ở mức cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên được Bộ Xây dựng nhận định là giá nhà đang chênh lệch lớn so với thu nhập của người dân, xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Ngoài ra, nguồn cung khan hiếm cũng chính là lý do khiến giá chung cư tăng nhanh trong những năm qua. Dòng sản phẩm căn hộ dưới 3 tỷ đồng được xem là bình dân ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn cung này đang ngày càng hạn chế, chỉ chiếm một phần nhỏ nguồn cung sơ cấp 6 tháng đầu năm 2024, chủ yếu nằm cách trung tâm thành phố trên 10km. Khả năng chi trả sẽ là thách thức lớn khi chưa đến 5% nguồn cung tương lai trong 3 năm tới rơi vào phân khúc này, Savills Việt Nam nhìn nhận.
Nghiên cứu từ OneHousing cho thấy, trong giai đoạn 2024 - 2025, mỗi năm toàn thị trường chung cư Hà Nội sẽ có khoảng 22.000 - 23.000 căn hộ mở mới và tiêu thụ. Nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025 dự báo sẽ vượt giai đoạn 2020 - 2022 và cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Nguồn cung căn hộ mới quý II.2024 phần lớn đến từ phân khúc cao cấp và hạng sang, chiếm tổng 97% toàn thị trường. Phân khúc bình dân không còn xuất hiện, trung cấp chỉ chiếm xấp xỉ 3% là dấu hiệu cho thấy thị trường đã sang giai đoạn mới khi nguồn cung cao cấp - hạng sang chiếm gần như toàn bộ nguồn cung thị trường.
Dự báo về diễn biến giá chung cư sắp tới, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc kênh Batdongsan.com.vn, cho rằng trong thời gian tới, giá chung cư Hà Nội sẽ tiếp tục nhích lên do nguồn cung vẫn khan hiếm. Các Luật: Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Nhà ở có hiệu lực sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy nguồn cung nhưng cần một khoảng thời gian nhất định để “ngấm” vào thị trường. Do đó, trong ngắn hạn, giá chung cư Hà Nội chưa thể giảm ngay.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội, cũng dự báo giá chung cư Hà Nội sẽ tiếp tục đi lên. Mức tăng giá của chung cư Hà Nội hiện cao hơn rất nhiều so với TP.HCM. Thị trường chung cư TP.HCM chỉ ghi nhận tăng trưởng giá ổn định 5% - 6%/năm giai đoạn 2015-2019, đà tăng giá đã tạm dừng trong hai năm vừa qua. Cũng theo bà An, phải đến năm 2026, mức tăng giá chung cư Hà Nội mới có thể ổn định, khi đã tạo mặt bằng giá mới.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch G6 Group, nhận định nguồn cung ở Hà Nội sắp tới vô cùng lớn. Từ cuối năm 2025, quỹ nhà ở xã hội bắt đầu có, khoảng 4.000 căn trải dài các quận thuộc khoảng 10 dự án. Giai đoạn 2027-2029, quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300.000 căn. Điều này sẽ làm giảm nhiệt thị trường chung cư. Hiện tại chỉ có người mua chung cư để ở còn nhà đầu tư đã chuyển hướng.
Lệ Chi