Duyên Thệ xuất thứ hai, Hữu Châu gọi cho tôi:
- Chuyện này chưa thấy ở sân khấu IDECAF nha cô! Khán giả đa số đầu bạc hay muối tiêu hết, mà họ cảm nhận từng chi tiết nhỏ. Lúc cô vợ cũ thấy chồng mình đứng ôm người đàn bà khác, hiểu ra mọi chuyện, rớt chiếc nón lá, cả khán phòng nghe rào rào tiếng xót xa giùm. Còn chỗ cô can em đừng để má cô vợ cũ quỳ lạy cô vợ mới, em chỉnh lại cho bà già toan quỳ xuống, cô vợ mới đỡ ngay, hai bên giằng co nhau, rốt bà già cũng dứt ra được, bà vừa khụy chưn xuống, khán giả vỗ tay hưởng ứng đó cô.
Tôi nhớ cô bảy Phùng Há có nói với tôi: “… có nhiều cái mình tưởng mình đúng, ra khán giả rồi mới biết, té ra mình sai đó cô…”
Sân khấu Thiên Đăng mở ra, có nhiều điều không tính trước được. Ngày Thành Lộc rời sân khấu IDECAF, ít ai ngờ Hữu Châu rời theo. Ở sân khấu cũ, Hữu Châu được đãi ngộ tốt, không có gì để phàn nàn. Ở đó, Hữu Châu cũng được làm đạo diễn rồi. Hữu Châu vừa được sân khấu Thế giới Trẻ mời đạo diễn hai vở. Vài sân khấu khác vẫn mời Hữu Châu dạy môn Tiếng nói sân khấu. Lịch đóng phim chiếu rạp lẫn phim bộ nhiều tập cho truyền hình của Hữu Châu cũng dày đặc. Và một điều cơ bản nhứt, theo nhiều người diễn chung, thường cho rằng tánh tình Hữu Châu và Thành Lộc không hợp nhau.
Thành Lộc hơn Hữu Châu năm tuổi, nhưng chất trẻ thơ lí lắc vẫn còn hoài. Trong phòng hóa trang, Thành Lộc đùa như tinh, còn Hữu Châu ít nói, khó tánh đến độ bị bạn diễn lén đặt cho hỗn danh “bà ngoại”.
Thành Lộc là diễn viên khóa III, lớp Hữu Châu khóa VI. Nhiều lớp đàn anh khoa đạo diễn thường níu Thành Lộc nhờ đóng vai trong bài thi của họ. Thành Lộc cũng thường ghé giúp lớp khóa VI của Hữu Châu học mà tôi làm chủ nhiệm… Ngoài các bài tập còn các bài múa, hình thể mà Thành Lộc vốn đã sở trường trước khi vào trường. Hồng Đào học năm thứ hai còn được đóng cặp với Thành Lộc trong vở kịch truyền hình Đêm họa mi. Nói chung, Thành Lộc là một đàn anh thân thiết với lớp của Hữu Châu nhưng trong lớp diễn viên khóa VI đó, giữa Thành Lộc và Hữu Châu không có giao tình gì nhiều.
Thành Lộc và Hữu Châu (đứng sau) trong vở Duyên thệ (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc) trên sân khấu Thiên Đăng.
Hồi đi học, Hữu Châu khác giờ lắm. Cá biệt nhất trong những học sinh cá biệt trong những lớp tôi đã dạy qua chính là Hữu Châu. Trong lớp Hữu Châu thân với Hữu Nghĩa và mấy cô nhỏ tuổi bên nữ là Mai Phương (dân Mỹ Tho), Mai Lan (con thầy Đoàn Bá), Thúy Diệp (cháu ngoại ông Trần Hữu Trang) và Hoàng Oanh. Hữu Châu thường đạt điểm cao môn Kỹ thuật biểu diễn nhờ thông minh và có độ nhạy cảm của người được sống trong không khí nghệ thuật từ nhỏ. Cạnh đó, Hữu Châu có một tiếng cười vang, to, rõ như có gắn ampli cỡ đại trong người. Hữu Châu đi coi lớp khác thi, có thầy cô nghi là cô Ngọc “đặc phái” Hữu Châu sang xem rồi cười để phá hỏng không khí thi cử. Hữu Châu đi coi phim, cười lớn tới độ công an tới hỏi thẻ sinh viên. Tên Hữu Châu từ đó gắn với mấy chữ: Hữu Châu - tiếng - cười - sân - khấu.
Sau này tôi mới hiểu phần nào đằng sau tiếng cười đó là một nỗi lòng nặng trĩu khi mất Thanh Nga, người cô thân thiết mà Châu gọi là má Hai; mất cha mình - nghệ sĩ Hữu Thình; mất bà nội mình - tức bà bầu Thơ nổi danh bà bầu của các bầu; rồi mất em ruột Hữu Lộc. Đa số những cái chết này là những tai nạn thương tâm.
Thường lớp trưởng phải do chi bộ và ban giám hiệu chọn. Khi tôi đề ra ý tưởng cho mỗi em làm lớp trưởng một tuần, nhà trường cho là cái lớp của tôi điên từ thầy tới trò và không tin nổi có ngày Hữu Châu là lớp trưởng. Cuối cùng, sau những tuần thử nghiệm, lớp trưởng xuất sắc nhất chính là Hữu Châu.
Ra trường, đường đời của Thành Lộc và Hữu Châu đều không yên ả. Điểm chung là cả hai đều có tài, và quan trọng nhất, có tâm. Có một thời gian cùng về làm việc với nhau ở sân khấu IDECAF tôi rất vui vì ở đó có những tác phẩm, hai người bạn giỏi nghề ấy làm chung rất được khán giả ủng hộ.
Khi cùng tung tẩy trong 34 chương trình Ngày xửa ngày xưa, Thành Lộc và Hữu Châu như hai điểm nam châm lớn nhất, hút gần hết sự chú ý của khán giả trẻ thơ về mình, nhưng chẳng biết có ai nhận ra không, khi giúp vui cho mọi người, bản thân hai chàng bạn diễn này tự giúp vui cho chính tâm hồn thơ dại của đứa trẻ trong mình.
Về mặt biểu diễn, có thể nói đây là đôi bạn nam - nam hiếm hoi khá ăn ý trong những lớp diễn cần tung hứng trùng khớp với nhau trên sân khấu. Khi sang Mỹ, Hữu Châu cùng Thành Lộc chinh phục khán giả Việt ở Mỹ trong Dạ cổ hoài lang, và đem lại nước mắt cùng nụ cười trong Tía ơi, má dìa.
Khi dựng Bí mật vườn Lệ Chi, đạo diễn Thành Lộc mời Hữu Châu đóng chánh vai Nguyễn Trãi, Thành Lộc thủ vai phụ là Tạ Thanh. Còn đạo diễn Hữu Châu khi phân vai trong Duyên thệ cũng lãnh một vai phụ, dành cho Thành Lộc gây bất ngờ trong vai một anh gốc Bắc chơn chất, thiệt thà, không phải là vai chánh, nhưng là vai quan trọng, chuyên chở tư tưởng của tác phẩm.
Là tổng chỉ huy, nhạc kịch Tiên Nga, Thành Lộc lần này tận dụng tối đa điểm mạnh Hữu Châu, nén cảm xúc khán giả đến với vở vì tên Hữu Châu, sẽ phải đợi hết phần một, sang một khúc hồi hai vẫn chưa có, để rồi khi Hữu Châu xuất hiện là sân khấu bùng nổ.
Các nghệ sĩ tham gia vở Giáng Hương do NSƯT Thành Lộc dàn dựng. Ảnh: Sân khấu Thiên Đăng
Trong vở Giáng Hương, gốc từ kịch bản kinh điển Sân khấu về khuya của soạn giả Năm Châu do Thành Lộc đạo diễn, Hữu Châu lãnh một vai đi ra, đi vô chẳng nói lời nào như một cái bóng. Mãi đến khi “cái bóng” ấy cất lời thì đó là một trường đoạn để hào quang người kép phụ sáng rực, lay động và ở thật lâu trong lòng khách mộ điệu tri âm.
Xem những vở diễn Thành Lộc và Hữu Châu cùng làm việc, ta có thể đoán được cả hai đã có những trao đổi, thậm chí tranh cãi với nhau quyết liệt mà chân thành, với một tinh thần cầu thị. Nhưng ai thân thiết với họ sẽ thấy trong cuộc sống riêng, họ như hai đường song song rồi tẻ ra hai ngả, không ai chạm đến ai. Hay nói đúng hơn là Thành Lộc và Hữu Châu chỉ chạm nhau để cùng thăng hoa trong nghệ thuật.
Thành Lộc thích một mình ngồi quán trà lướt facebook, hay ngồi với ai đó khi cần bàn công việc. Hữu Châu rất thích đọc sách, rảnh ra ngồi với học trò, nhấm nháp vài lon bia.
Thành Lộc nói thẳng nhiều lần là không thích đi dạy. Nhưng rồi cũng có cách truyền nghề, đó là huấn luyện ngay trên sàn tập. Diễn viên được bơm đầy trong quá trình đó và rút ra làm hành trang trên đường hành nghề dù đã tốt nghiệp ở trường rồi. Tiếp thu nhiều nhứt ở chủ trương này có thể kể các diễn viên như: Lê Khánh, Tuấn Khải, Lương Thế Thành, Đông Hải, Chương Hạ… và đặc biệt nhất ở đây lại chính là Đình Toàn, người mà khi Thành Lộc và Hữu Châu về sân khấu Thiên Đăng, đã thay Thành Lộc làm giám đốc nghệ thuật cho sân khấu IDECAF khi Thành Lộc và Hữu Châu về sân khấu Thiên Đăng.
Hữu Châu thì ngay khi vừa tốt nghiệp về Minh Hải thực tập đã báo cho tôi biết em mở lớp dạy Tiếng nói sân khấu cho các diễn viên trẻ trong đoàn. Mấy năm sau này, các sân khấu bạn như sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn mời Hữu Châu về dạy môn Tiếng nói sân khấu. Có lẽ điều đó khiến Hữu Châu có nếp sống mô phạm chuẩn mực, vừa muốn trò chuyện với học trò để chia sẻ cuộc sống, vừa nhận hết những tấm lòng của các em quyến luyến người thầy có những niềm vui đơn giản như đọc sách, xem phim.
NSƯT Hữu Châu và diễn viên Lê Khánh trong vở Giáng Hương. Ảnh: Sân khấu Thiên Đăng
Trong sinh hoạt, thậm chí lúc làm việc, để giảm căng thẳng, hai anh bạn Hữu Châu - Thành Lộc này cũng có nhiều lúc cà khịa ghẹo nhau, nhưng giữa hai người trong sâu thẳm, vẫn luôn là một sự tôn trọng ngầm mới có thể kéo dài một tình bạn hiếm khi tính cách, sở thích khác hẳn nhau.
Bạn sẽ không thắc mắc về việc Hữu Châu đã rời nơi ưu đãi mình để về sân khấu Thiên Đăng nếu bạn biết sơ qua vị trí của gia tộc Thành Lộc và Hữu Châu trong lịch sử sân khấu Việt Nam nói chung, và sân khấu miền Nam nói riêng. Khi một gia tộc có đến ba đời theo nghề sân khấu, thường được phong tặng là Đại gia tộc trong một nền sân khấu.
Trong cuốn Ngũ đại gia của sân khấu cải lương, soạn giả Nguyễn Phương đã kê ra những gia tộc như gia đình nghệ sĩ Năm Phỉ - Bảy Nam - Kim Cương, xuất thân từ phong trào ca ra bộ đã góp phần xây dựng loại hình nghệ thuật cải lương tuồng Tây, tuồng Tàu, thoại kịch xã hội, phim ảnh và kịch truyền hình.
Gia đình nghệ sĩ Hai Núi, Tư Hélène, Kim Hoa, Hương Huyền, Hương Sắc, Thanh Hằng, Thanh Ngân, từ loại cải lương tuồng Tàu, sáng lập một trường phái cải lương tuồng kiếm hiệp… cũng là một gia tộc nhiều đời theo nghề.
Xếp đầu bảng của cuốn sách này chính là gia tộc bầu Thắng, có bảy người con thì hết năm là các nghệ sĩ tài danh như Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc và Đức Phú. Theo ông, gia đình này theo nhu cầu thưởng thức của khán giả đã góp phần “cải lương hóa” nghệ thuật hát bội truyền thống sang nghệ thuật hát bội pha cải lương, tiến tới hình thức hát cải lương tuồng Tàu, cải lương tuồng cổ (dã sử Việt Nam). Huỳnh Mai chính là mẹ của Bạch Liên, “Hồ Quảng chi bảo” Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long và Thành Lộc.
Và chắc chắn không thể thiếu gia đình nghệ sĩ Năm Nghĩa - bầu Thơ, Thanh Nga, Bảo Quốc, xuất thân từ hệ phái tuồng cải lương kiếm hiệp, sáng lập ra một hệ phái cải lương tuồng xã hội Việt Nam, xã hội cận đại và hiện đại. Đặc biệt Thanh Nga, người cô như một huyền thoại của Hữu Châu, là nhân vật được nhiều người trong giới sân khấu đặt ảnh thờ cạnh bàn thờ tổ tại sân khấu mình (như sân khấu Hồng Vân) hay nhà riêng (như bà bầu Thúy Uyển ở Mỹ, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng).
Đọc được trên facebook của Hữu Châu dưới hình một cái miếu:
Mấy nay quay ở đình Dư Khánh - Bình Dương. Ngày nào cũng dâng chút lễ, khi là quýt, khi là bánh...
Có được những ngày quay vui, hiệu quả và bản thân cũng hết bệnh mạnh khỏe lại, có thể là có nhờ Ông Thần nơi đây phù hộ.
Nội của tui dạy nghề hát đi đến đâu ngay cả là nơi bãi đất trống cũng phải biết chào hỏi các vị Ơn Trên hay các vị khuất mày khuất mặt nơi đó.
Cái này quan trọng và tốt cho mình lắm. Vài lời chỉ bảo các em cháu trong nghề giữ gìn điều này!...
Ở trường, tôi làm việc bốn năm với Hữu Châu. Khi ra nghề, tôi lại được cộng tác nhiều hơn với Thành Lộc qua các vở Giấc mộng kê vàng (Thành Lộc và Hồng Đào được giải Mai Vàng năm 1993), Người tốt thành Tứ Xuyên, Người đàn bà thất lạc (diễn ở New York năm 2007), cùng diễn chung trong Những con thú thủy tinh, Ngôi nhà không có đàn ông...
Tôi hiểu cuộc đời của hai đồng nghiệp này đã như các thế hệ sanh ra mình, coi nghề như đạo rồi, nên dẫu có thế nào họ cũng tụ về sân khấu Thiên Đăng, chung tay thắp ngọn đèn trời, cũng là ngọn đèn nghề, đã âm ỉ cháy trong tim nhau, từ những ngày xa xưa lắm, và vì bên cạnh đạo nghề, còn có đạo làm người.
Bài: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Ảnh: Lân Trần