Thông qua Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Chính phủ Úc hỗ trợ 15 triệu đôla Úc triển khai dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo hướng tới năng lực phục hồi khí hậu và phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long” (*). Đây là cơ hội để ngành sản xuất lúa gạo thực hành các biện pháp giảm phát thải, giảm vật tư đầu vào, tưới nước tiết kiệm trong bối cảnh đồng bằng bộn bề khó khăn.
Vùng châu thổ là một trong những khu vực chịu tổn thương nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Nguồn cung nước tưới thiếu hụt, không ổn định do hệ thống thủy điện chặn dòng trên thượng nguồn Mekong trong khi sản xuất lúa gạo tiếp tục đóng vai trò chủ lực gánh vác nhiệm vụ an ninh lương thực sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết giữ 3,5 triệu hécta đất lúa đến năm 2030.
Chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và thiếu nguồn nước tưới từ sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp phát triển bền vững để có thể tiếp tục gánh vác nhiệm vụ an ninh lương thực. Ảnh: Giang Sơn Đông
Dự án kỳ vọng thu hút sự tham gia của 10 đến 20 doanh nghiệp đầu tàu trong ngành hàng lúa gạo, kéo theo 50 - 60 hợp tác xã tương ứng với 200 ngàn nông hộ canh tác trên diện tích 200 ngàn hécta tại 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Sau 6 vụ (2024 - 2026), 5 doanh nghiệp có thành tích tốt nhất giảm phát thải carbon dioxide sẽ nhận được giải thưởng bằng tiền mặt (tổng giá trị 900 ngàn USD) và tín chỉ carbon “được thế giới công nhận”, hàm ý rằng uy tín của tổ chức thẩm định được xem như yếu tố then chốt quyết định giá trị giao dịch của loại hàng hóa này.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mekong Connect 2023 trung tuần tháng 11 vừa qua, bà Trần Thu Hà - Trưởng nhóm Dự án SNV, cho biết đã tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn đơn vị kiểm định. Về phương pháp luận, nhà thầu sẽ theo dõi toàn bộ quy trình bón phân, tưới nước, kỹ thuật canh tác lúa qua hình ảnh vệ tinh, sử dụng mô hình địa - hóa - sinh để tính toán và lượng hóa trữ lượng phát thải khí nhà kính. Kết quả kiểm định sẽ được thẩm định theo “tiêu chuẩn vàng” (gold standard) bởi một tổ chức độc lập trước khi xác nhận tín chỉ carbon. “Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới ứng dụng mô hình hóa để tính toán lượng phát thải và cấp tín chỉ carbon cho ngành hàng lúa gạo”, bà Thu Hà nói.
Thành tích của doanh nghiệp tham gia dự án được đánh giá dựa trên nhiều chỉ tiêu trong quá trình tham gia liên kết với hợp tác xã và người nông dân. Lợi nhuận của người nông dân trồng lúa tăng thêm tối thiểu 20% trong suốt vòng đời của dự án. Giảm 20 - 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Giảm lượng nước tưới từ 20 - 40%. Giảm 10% khí nhà kính, tương ứng với tối thiểu 200 ngàn tấn CO2 (mỗi tấn CO2 quy đổi thành 1 tín chỉ carbon).
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành sản xuất lúa gạo chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp, tương đương khoảng 104,5 triệu tấn CO2. Thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp, trong đó có lúa gạo, hướng đến mục tiêu thâm nhập và cạnh tranh tại những thị trường cao cấp, cũng là khuyến nghị từ Ngân hàng Thế giới khi thực hiện báo cáo Sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long: Các kịch bản và đề xuất chính sách. Việt Nam nhiều năm nằm trong tốp 3 nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng những thị trường chủ lực chủ yếu thuộc nhóm thu nhập trung bình, trung bình thấp, hạn chế khả năng chi trả. “Khẩu vị thị trường” đã quen với giá gạo thấp đòi hỏi những nhà làm chính sách cân nhắc lộ trình đánh đổi giữa sản lượng và chất lượng.
Bà Trần Thu Hà phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mekong Connect 2023. Ảnh: CTV
Việt Nam chưa có tổ chức đủ năng lực thiết kế, triển khai MRV được quốc tế chấp nhận. Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hiện đang thông qua Viện Lúa Quốc tế (IRRI) để xây dựng bộ công cụ MRV đầu tiên, có nhiều ý nghĩa đối với Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Bộ NN&PTNT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế nên dự án có thể được xem là cơ hội vàng để nhà nông, nhà doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước từ địa phương đến trung ương “thực chiến” tìm hiểu và nâng cao năng lực kỹ thuật, biện pháp sản xuất phát thải carbon dioxide thấp, quy trình sử dụng hệ thống báo cáo thông tin mùa vụ… “Kết quả từ dự án này sẽ góp phần xây dựng, đơn giản hóa công cụ MRV phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam”, bà Hà nói.
Giá dịch vụ kiểm định và xác nhận tín chỉ carbon từ các tổ chức quốc tế hiện “chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam”. Chi phí xác nhận tín chỉ carbon cao hơn doanh thu từ việc thương mại hóa tín chỉ carbon thu được, ảnh hưởng đến tính bền vững của những dự án lúa gạo carbon thấp. Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Đô Thị về cơ chế khuyến khích nhằm giảm chi phí dịch vụ kiểm định tiêu chuẩn quốc tế, bà Trần Thu Hà cho biết nội dung này từng được đưa ra thảo luận tại hội nghị lúa gạo quốc tế tại Manila từ 16-19.10.2023 mà bà tham gia với tư cách diễn giả. Ngoài chi phí kiểm định, bà Hà cho rằng công cụ MRV bớt phức tạp thì “tính bền vững và ứng dụng mới cao”.
Xu hướng doanh nghiệp tự trung hòa carbon trong chuỗi cung ứng
Tháng 1.2023, The Guardian công bố kết quả điều tra cáo buộc 90% tín chỉ carbon được cấp bởi Verra, một trong những tổ chức xác nhận tín chỉ carbon rừng lớn nhất thế giới, vô giá trị. Khách hàng của Verra là những thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực thời trang, năng lượng, giải trí… bị ảnh hưởng danh tiếng.
Ông Đinh Trung Hiếu (phải).Ảnh: CTV
Đây là một trong những rủi ro đối với doanh nghiệp mua tín chỉ carbon từ bên thứ ba độc lập trên thị trường tự nguyện. Rủi ro thứ hai là biến động giá, khả năng tăng mạnh khi chất lượng tín chỉ ngày càng bị siết chặt trong khi doanh nghiệp bị động về nguồn cung.
Những nguy cơ tiềm ẩn này thúc đẩy xu hướng doanh nghiệp tự tạo tín chỉ carbon trong chuỗi cung ứng từ hơn 10 năm qua, theo ông Đinh Trung Hiếu - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Nuoa (chuyên cung cấp các giải pháp báo cáo và quản lý khí thải nhà kính nhằm hỗ trợ các công ty giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các tiêu chuẩn ngành công nghiệp).
Nespresso (thuộc tập đoàn Nestlé) đầu tư vào thượng nguồn hay hãng mỹ phẩm L’Oreal đầu tư từ thượng nguồn đến hạ nguồn nhằm trung hòa carbon - ông Hiếu dẫn chứng.
Thượng Tùng
___________
(*) Dự án mở hồ sơ cho doanh nghiệp đăng ký đến ngày 10.12.2023