Phiêu lưu từ cái tên
Theo bà Bích Thuận, cũng như nhiều chuyên gia khác, những gì bà được biết về dự án “công viên hoá” sông Tô Lịch đều qua thông tin từ báo đài “nên để nói ủng hộ hay không ủng hộ với đề xuất này của công ty JVE là rất khó”. Tuy nhiên theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thì với những gì đã công bố trên truyền thông, có thể đưa ra một số trao đổi từ góc nhìn chuyên môn, góp thêm tiếng nói với mong muốn đưa ra được những phương cách cụ thể và hiệu quả để hồi sinh dòng sông đặc biệt này của thủ đô Hà Nội.
Đề xuất "công viên hoá" sông Tô Lịch của JVE đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và của dư luận xã hội. Ảnh: Báo Lao động
Theo bà Bích Thuận thì dự án khó khả thi, mà trước hết là ở ngay tên gọi dự án “Công viên Văn hóa - Lịch sử - Tâm linh”. “Cả quãng chiều dài sông khoảng 15km và chiều rộng lòng sông hẹp trong khi hai bên lại là đường giao thông mà đặt vào đó một không gian công viên thì tính hiệu quả không cao. Có thể nói là phiêu lưu. Bởi, đã là công viên thì phải là chỗ để người ta nghỉ ngơi, vui chơi, thăm quan - là các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Vậy người dân sẽ sinh hoạt ở đâu với khoảng diện tích và hai bên lại là đường giao thông như thế?”, bà Bích Thuận nêu câu hỏi.
“Theo tôi, chỉ có thể cài cắm những sinh hoạt nhỏ lẻ như tập thể dục hay chỗ chơi cho trẻ em, dạo bộ trong lúc nghỉ chứ không thể tổ chức được không gian của công viên (chưa nói về không gian văn hóa, lịch sử, tâm linh ở đây là rất khó). Lồng ghép công viên văn hóa lịch sử tâm linh vào nơi có chiều dài 15km mà hai bên là hai đường giao thông liệu có khả thi hay hông sau khi làm sạch nước sông?”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, nhận định.
Xử lý nước sông Tô Lịch: đừng “bắt cóc bỏ đĩa”
Cũng theo bà Bích Thuận, trước khi “vẽ” ra dự án thì nên tập trung vào vấn đề chính, có thể nói là nan giải, đó là xử lý môi trường cho sông Tô Lịch: “Trong dự án có nhắc tới việc làm sạch nước sông Tô Lịch, quả thật nếu làm được thì quá tốt. Nhưng tôi cũng xin lưu ý rằng, đừng làm kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Như chúng ta thấy, hiện nay nước bẩn của thành phố vẫn đang chảy vào sông Tô Lịch, vậy giải pháp của họ ra sao đối với 280 miệng cống nước thải sinh hoạt này?”
Nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống dọc hai bên bờ sông, từ nhà hàng và quán ăn thải ra là một áp lực rất lớn đối với sông Tô Lịch. Trong ảnh: Công nhân vệ sinh vớt rác trên sông Tô Lịch. Ảnh tư liệu: Người Đưa tin
Bà Bích Thuận cho biết nhiều cơ quan ban ngành, các đơn vị chuyên môn hữu quan trước đây cũng đã có những ý kiến đóng góp về giải pháp cải tạo chất lượng nước sông Tô Lịch. “Giải pháp có rất nhiều, không chỉ có sự tham gia trong nước mà còn cả yếu tố quốc tế nhưng đến nay khi nhìn lại, ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch vẫn là bài toán nan giải”.
“Tôi không phản đối đề xuất dự án nêu trên, nhưng nếu làm cần giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là xử lý môi trường nước. Và phải cho thấy tính khả thi của nó trước đã. Câu chuyện “Công viên Văn hóa – Lịch sử - Tâm linh” nên được nói tới sau khi đã giải quyết được cải tạo chất lượng nước của dòng sông”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, bày tỏ quan điểm, đồng thời chia sẻ thêm, rằng: “câu chuyện này cũng cần phải được bàn bạc với sự đóng góp ý kiến của những chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực liên quan, bởi như hiện nay các chuyên gia chỉ được tiếp cận thông tin dự án qua kênh báo chí. Và nên công khai để có thêm sự đóng góp ý kiến của người dân thủ đô”.
Đề xuất từ quan điểm cá nhân, bà Bích Thuận cho rằng: “Khả thi nhất của việc cải tạo sông Tô Lịch có lẽ nên trở thành một không gian công cộng. Nhất là hiện nay khi Hà Nội đang thiếu không gian công cộng cho người dân. Chỉ cần cải tạo được sông Tô Lịch thành một dòng sông sống với không gian công cộng cho người dân thủ đô đã mang một ý nghĩa rất lớn rồi”.
Phải ưu tiên làm sạch dòng sông Tô Lịch
Trước đề xuất của JVE về việc "biến" sông Tô Lịch thành Công viên Văn hóa – Lịch sử - Tâm Linh, một số chuyên gia cũng đã tham gia luận bàn, bày tỏ quan điểm đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu. Nhiều người cho rằng nếu ý tưởng này làm tốt thì hoan nghênh tuy nhiên củng không ít người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của dự án.
Đưa ra ý kiến trên báo Văn Hóa ngày 18.9, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Ứng xử với con sông Tô Lịch hiện nay, điều đầu tiên cũng là vấn đề mấu chốt vẫn là câu chuyện môi trường. Có xử lý dứt điểm được vấn đề môi trường của con sông chúng ta mới có thể tính đến chuyện khác. Tôi cho rằng, việc này không hề đơn giản như ai đó đã bảy tỏ sự lạc quan. Giải quyết xong bước môi trường, sau đó mới tính đến khía cạnh khác. Nếu chúng ta cứ “vẽ” ra nhưng không làm được thì ăn nói như thế nào, đấy là chưa bàn đến những phác thảo về không gian, cảnh quan lịch sử, văn hoá hai bên bờ sông.
Riêng về vấn đề lớn như thế cần được nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng, cùng với sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, qua đó mới có thể đưa ra được những phác thảo ấn tượng, cô đọng. Ví như không ai dựng lầu trên sông để ngắm cảnh và cũng không ai dựng tượng, kỳ đài trên dòng sông cả...”.
Mô hình cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh” do JVE đề xuất.
Chia sẻ với báo Giao thông ngày 22.9, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), đánh giá đây là một ý tưởng tốt và có tính khả thi. Theo GS. Huỳnh, sông Tô Lịch trước đây rất trong, rất đẹp, nhưng trải qua hàng nghìn năm khi Hà Nội ngày càng đông dân với lượng nước thải lớn xả ra môi trường, sông Tô Lịch trở thành một dòng nước đen. Do đó, cần phải có giải pháp để biến dòng sông “chết” này “sống” trở lại. "Với tư cách là nhà nghiên cứu sinh thái học, tôi hoàn toàn tin tưởng vào đề án này. Nếu dự án thành công sẽ không chỉ xử lý được vấn đề môi trường mà còn biến dòng sông Tô Lịch đi vào tâm thức của mỗi người. Tất nhiên, không có việc gì dễ làm bởi sông Tô Lịch đã quá ô nhiễm nên bây giờ làm lại phải kiên trì. Vừa làm, vừa học, vừa cải tạo bởi điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam khác với Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng qua công nghệ của họ, chúng ta sẽ cải tiến dần để đạt được mục đích cuối cùng là biến dòng này thành một công viên văn hóa, một địa điểm du lịch của Hà Nội", Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật chia sẻ.
Chia sẻ với báo Dân trí ngày 23.9, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng sông Tô Lịch không chỉ là vấn đề môi trường, bởi nếu tiếp cận về mặt tâm linh, sông Tô Lịch từ xa xưa có vị thế rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thăng Long Hà Nội xưa, nó đã từng được coi là vị Thành Hoàng. Ông Quốc nói: "Tôi cho rằng ý tưởng cải tạo được dòng sông này là khá tốt, bởi sau một thời gian khá dài nó bị lãng quên, nó bị xâm hại… Cách đây một thời gian rất dài chúng ta cũng có ý tưởng phục hồi một phần nào dòng sông này nhưng rồi cũng trục trặc. Đến khi sử dụng công nghệ của nước ngoài, nhất là của Nhật Bản để thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch tôi hoan nghênh. Họ thử nghiệm tôi thấy có hiệu quả bước đầu, rất tiếc sau đó có những trục trặc không đáng có khiến dự án phải dừng lại".
Một tiểu cảnh khác của mô hình cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh” do JVE đề xuất.
Chia sẻ với báo Dân Việt, đứng ở góc độ là một chuyên gia về bảo tồn di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho hay, ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh” nên được ủng hộ, nhưng khi triển khai cần nghiên cứu kỹ lưỡng.“Phải thừa nhận rằng con sông Tô Lịch ngày nay đang có xu hướng bị “cống hóa”, mặt khác lại đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng nề. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nó trong lành trở lại? Hướng đi cải tạo này là đúng và cần được ủng hộ. Khi dự án này được thực hiện sẽ góp phần cải tạo môi trường sinh thái của Thủ đô, không kéo dài tình trạng ô nhiễm”, PGS.TS Bài chia sẻ.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng ủng hộ dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên, nhưng cho rằng, khi triển khai cần đồng bộ các giải pháp. “Thời cơ hiện nay cho phép chúng ta thực hiện được các dự án lớn như dự án làm sạch sông Tô Lịch này. Tuy nhiên, cần phải ưu tiên làm nước sạch trong lòng sông Tô Lịch trước, kích thích những vi sinh vật có lợi cho môi trường phát triển. Từ đó thu gom, xử lý nước thải kết hợp đồng bộ với các dự án để phục vụ mục tiêu chung hồi sinh và xây dựng cảnh quan sông Tô Lịch”, ông Nhuệ chia sẻ.
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ ngày 24.9, ông Nghiêm Vũ Khải, ủy viên Uỷ ban KHCN và môi trường Quốc hội, sông Tô Lịch có nguồn thải vô cùng phức tạp nên cần sử dụng nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm khác nhau. Nếu chỉ sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor thì chưa giải quyết triệt để được việc ô nhiễm ở con sông này. "Tôi đánh giá cao tính tiến bộ cũng như những điểm tích cực của công nghệ Nano - Bioreactor. Tuy nhiên, công nghệ này không phải là một phép màu, xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch cần phải có biện pháp tổng thể. Chúng ta phải phân vùng và xử lý từ đầu nguồn, sau đó thì xử lý trên sông và kết hợp với các nguồn nước cung cấp bổ sung" - ông Khải nói.
An Di thực hiện