Tư liệu đặc biệt về trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc

 10:49 | Thứ bảy, 05/08/2023  0
Qua “Trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc 1898-1945”, sự hình thành và phát triển của các trường dạy nghề gắn với thị trường lao động Việt Nam, mối quan hệ của nhà trường với các ngành công nghiệp, cũng như thái độ của người Pháp với việc thiết lập các trường dạy nghề... đã được khảo sát một cách tỉ mỉ.

Với nguồn tư liệu phong phú từ các nghiên cứu cùng đề tài, ghi chép của người Pháp, người Việt, báo chí đương thời cũng như hồi ức, hồi ký… tác giả Trần Thị Phương Hoa bên cạnh việc cho thấy lại sự hình thành và phát triển của các trường dạy nghề, thì còn cung cấp những góc nhìn mới về các đóng góp của học sinh trường nghề trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, bởi sự tương đồng về môi trường học tập và các đòi hỏi của dòng lịch sử.

Theo đó, các trường dạy nghề không phải là một chủ đề thường được đề cập trong các nghiên cứu về nền giáo dục thuộc địa nói riêng và các vấn đề của Đông Dương nói chung. Như tác giả chia sẻ, khó khăn mà bà gặp phải khi thực hiện dự án này là có quá ít tư liệu từ các nghiên cứu đi trước, thế nhưng cũng có thuận lợi vì còn nhiều khoảng trống để khai thác và không bị hạn chế bởi tài liệu gốc.

Việt Nam trước khi có trường nghề

Như nhà nghiên cứu Trần Thị Phương Hoa khẳng định “Lịch sử trường dạy nghề gồm hai yếu tố: lịch sử giáo dục và lịch sử phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ. Đó cũng còn là lịch sử của thực tiễn tổ chức nghề nghiệp vốn thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử khác nhau”. Do đó, trong phần đầu tiên, bà đã dẫn dắt độc giả đi vào bối cảnh nước ta trước năm 1945 để có góc nhìn tổng quát về đời sống xã hội cũng như đặc trưng của từng vùng đất, và các động lực đứng sau việc khai thác tiềm năng của thực dân Pháp.

Bìa sách Trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc 1898-1945. Ảnh: Nhã Nam


Tác giả cho thấy ở giai đoạn trung đại thì nghề nghiệp của người Việt chủ yếu gắn liền với gia đình, làng xã, địa phương. Mỗi vùng đất có một nghề riêng, và việc truyền nghề được coi là một việc riêng, do đó thường được giữ gìn như bí quyết riêng dẫn đến truyền dạy cho người ngoài tộc vốn bị ngăn cấm. Cho nên ban đầu ở nước ta chưa có những môi trường đặc biệt như nhà trường để truyền nghề, mà chỉ mang tính tự phát, địa phương.

Dẫu vậy thì người Pháp lại đánh giá cao những sản phẩm do các làng nghề truyền thống làm ra. Trong các ghi chép của người nước ngoài như bác sĩ Edouard Hocquard (tác giả của Một chiến dịch ở Bắc Kỳ), Paul Brunat (đại diện của Phòng Thương mại Lyon về thám hiểm vùng Viễn Đông) hay bác sĩ Edmond Courtois (người đã sống ở Bắc Kỳ một thời gian dài), ta có thể thấy những nhận xét như người Việt dù vóc dáng nhỏ bé, không thể làm việc đòi hỏi nhiều sức lực nhưng có năng khiếu, chăm chỉ, thông minh.

Trong đó miền Bắc vốn được đánh giá từ rất sớm là trung tâm công nghiệp của Việt Nam, với kỹ nghệ phát đạt nhất toàn cõi Đông Pháp vì nhân công nhiều, vật liệu có đủ thứ từ than, thác nước... Trong khi miền Nam mưa thuận gió hòa, dẫn đến nông nghiệp phát triển là chính.

Tác giả Trần Thị Phương Hoa. Ảnh: NVCC

Nói về sản phẩm của các làng nghề, những năm đầu thế kỷ 20 người Pháp đã đánh giá người Việt có ngành nghệ thuật sáng chói trong rất nhiều nghề, như khảm, làm tượng, làm gạch… nhưng giờ đã lụi tàn dần, chỉ còn sản phẩm hạng 2, hạng 3 và thiếu nghệ nhân có tay nghề cao. Ngoài ra các mặt hàng này cũng thiếu sáng tạo khi các sản phẩm có chung mẫu mã, mang tính rập khuôn, nhưng nhìn chung vấn đề này có thể khắc phục.

Ngoài điều đó ra thì miền Bắc có vị trí kinh doanh chiến lược, kết nối cảng biển từ Nhật Bản đến Đông Nam Á cũng như các vùng lân cận như Hồng Kông, Jakarta, Thượng Hải… Dẫn đến xuất phát từ mục tiêu khai thác kinh tế mà chính quyền Pháp thiết lập trường nghề.

Dẫu vậy người Pháp khi bắt tay vào việc dựng trường nghề cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi. Chẳng hạn ảnh hưởng sâu rộng của Nho học, nơi lối giáo dục “tầm chương trích cú” vẫn đang chiếm thế thượng phong, dẫn đến tâm lý những người làm việc tay chân, lao động là hèn kém hơn những người hay chữ, nghiên cứu văn học cũng như triết học vẫn còn bén rễ ăn sâu. Thế nhưng việc “gió đổi chiều” khi phong trào Duy Tân kêu gọi thăng hoa tinh thần dân tộc bằng cách đóng góp thiết thực hơn để phát triển kinh tế, cộng với kinh nghiệm từ nơi mẫu quốc đã giúp người Pháp xây dựng các trường dạy nghề ở Việt Nam.

Nhưng điều này cũng gặp rất nhiều khó khăn trong các quan điểm đối lập giữa việc giáo dục phổ thông và ưu tiên dạy nghề. Trong khi Tổng trú xứ Trung - Bắc kỳ Paul Bert mở trường Pháp Việt, duy trì Nho giáo và coi trường nghề không phải ưu tiên, thì Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương, người đến sau Bert, lại chú trọng dạy nghề hơn giáo dục phổ thông.

Tác giả Trần Thị Phương Hoa đã chứng minh rằng sự đối lập nói trên cũng từng xảy ra ở giáo dục Pháp, giữa hai trường phái và hai tư tưởng khó bề dung hòa.

Những thay đổi đáng kể

Học chính tổng quy năm 1917 quyết định giáo dục ở Đông Dương gồm hai phần là giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp; và Luật dạy nghề năm 1921 hướng dẫn tổ chức chương trình học ở trường nghề - là hai văn kiện mở đầu cho việc xây dựng hình thức giáo dục nói trên ở nước ta. Theo đó người Pháp thuở ban đầu có cách tiếp cận rất gần với bối cảnh xã hội, khi không áp đặt hay dùng khuôn mẫu của nơi mẫu quốc.

Trong giai đoạn này, quan điểm xây dựng trường nghề dựa trên khả năng và nhu cầu thực tiễn của địa phương cũng như lắng nghe tiêu chí tuyển dụng từ phía doanh nghiệp, từ đó chi phối sự phát triển trường nghề ở ba xứ. Họ cũng đưa ra ba hướng phát triển: 1) duy trì các nghề địa phương, 2) tiếp tục duy trì nhưng có cải tiến bằng công nghệ mới và 3) học các nghề mới đến từ châu Âu.

Xưởng thực hành nghề mộc ở trường trường Sư phạm Thực hành năm 1931. Ảnh trích từ báo cáo năm 1931 của Phủ Toàn quyền Đông Dương.


Trong số ba xứ, trường nghề Hà Nội thành lập sớm nhất và đa dạng nhất với nhiều ngành nghề. Thế nhưng lại tương đối ít học viên bởi tâm lý của người An Nam về việc tay chân vẫn còn ăn sâu, cũng như bối cảnh chiến tranh biến động ở giai đoạn này liên tục diễn ra. Điều này dẫn đến việc để có học viên, các trường dạy nghề đã thêm vào các học bổng, yêu cầu xếp hạn ngạch cho những học viên ra trường để đảm bảo việc làm… Thế nhưng nhìn chung doanh nghiệp ở giai đoạn này còn nhiều thờ ơ, khiến việc giáo dục chưa phát huy hết tiềm năng của mình.

Ở xứ Nam Kỳ, trường nghề gồm hai phân nhóm là trường thực hành công nghiệp và trường mỹ thuật bản xứ. Đây cũng là nơi có số trường mỹ thuật nhiều nhất trong các xứ Đông Dương, gồm Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Gia Định. Ban đầu các trường gặp nhiều khó khăn vì Nam Kỳ đã quen với việc canh tác lúa nước, nên thái độ khinh bỉ với nghề tay chân chưa thể khắc phục ngày một ngày hai. Tuy nhiên tại đây cũng cho ra nhiều lực lượng lao động có tay nghề, có các sản phẩm được mang tham gia đấu xảo trong nước cũng như Quốc Tế.

Xưởng sơn mài ở Trường Thủ Dầu Một. Đây cũng là nơi có nhiều tác phẩm tham gia Triển lãm thuộc địa Marseille. Ảnh trích từ báo cáo năm 1931 của Phủ Toàn quyền Đông Dương.


Thế nhưng không thể phủ nhận là sự phát triển của những trường này vẫn còn rất chậm. Ở xứ Trung Kỳ, khác biệt lớn nhất là các trường nghề vốn được triều Nguyễn chỉ đạo thành lập. Và bên cạnh các trường chính quy, thì việc “tập nghề” không chính quy cũng được tổ chức trên khắp đất nước.

Tác giả Trần Thị Phương Hoa đã cho thấy ở Bắc Kỳ việc tập nghề đã được khởi xướng từ thập niên đầu của thế kỷ 20 dưới nhiều hình thức khác nhau, với mục tiêu là đưa dạy nghề đến với đông đảo người dân, nâng cao nhận thức của họ về tầm quan trọng của việc học lấy một nghề trong điều kiện đất chật người đông. Trong khi đó ở Nam kỳ, tình trạng thiếu công nhân và lợi thế của nông nghiệp khiến các trường dạy nghề nở rộ nhiều hơn là trường tập nghề.

Một lớp học cơ khí ở trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Ảnh trích từ báo cáo năm 1931 của Phủ Toàn quyền Đông Dương.


Ở Bắc kỳ tập nghề đã được triển khai, trước hết là nhằm tìm kiếm các nghề hiện có để bảo tồn, cải tiến những nghề đó và tăng số lượng cũng như chất lượng thợ học việc. Thế nhưng do không có kinh phí, tình thế bấp bênh cũng như ích lợi không thật rõ ràng dẫn đến các trường không chính quy này đã không cho thấy được hiệu quả tốt. Còn ở Nam Kỳ thì việc học nghề được tích hợp vào chương trình phổ thông, có thêm thuế tập nghề để san sẻ chi phí giáo dục. Dẫu vậy vốn đã quen thuộc với ngành nông nghiệp, nên tập nghề ở đây ít nhiều cũng bị hạn chế.

Đặc biệt một góc nhìn mới được tác giả trình bày trong tác phẩm này đó là rất nhiều học sinh trường nghề thời Pháp đã có đóng góp quan trọng cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và kiến thiết đất nước. Đây là chủ điểm mới mẻ và rất đặc biệt được tác giả khảo sát, bởi sự tương đồng về mặt “giai cấp” cũng như bối cảnh, khi họ dễ dàng hòa đồng với giai cấp công nhân vì ngay khi ngồi trên ghế nhà trường đã phải trực tiếp thực hành với máy móc và tạp chí lẻ tẻ. Họ tuy có số lượng ít hơn các trường phổ thông, thế nhưng đã sớm cung cấp lực lượng thanh niên tiến bộ làm nòng cốt cho quá trình phát triển Đảng từ những bước đầu.

Lớp học vẽ ngoài trời của Trường mỹ thuật Gia Định. Di sản của trường vẫn đang được tiếp nối tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ảnh irích từ báo cáo năm 1931 của Phủ Toàn quyền Đông Dương.


Như vậy có thể thấy rằng mặc dù số lượng các trường dạy nghề còn rất hạn chế, nhưng sự đóng góp của các trường này vào hệ thống giáo dục Việt Nam hiện đại, cũng như vai trò của các học sinh trong phong trào Cách Mạng, là rất đáng kể. Với cách tổng hợp thông tin chi tiết, rõ ràng, Trường dạy nghề ở Việt Nam thời Pháp thuộc là một trong những nghiên cứu bao quát đầu tiên về bối cảnh kinh tế - chính trị của những trường nghề vào các năm đầu thập niên 1920, từ đó làm rõ chính sách của người Pháp và những vấn đề bên lề.

Minh Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Khám phá mbti là gì Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệp

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.