Trong thời đại ngày nay, sức mạnh của một quốc gia, lại còn liên quan đến lợi ích chung của cả khu vực, hay toàn thế giới, là sự tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế...
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc - Việt Nam, và các nước ASEAN xuất phát từ sự khác biệt lợi ích, ý chí áp đặt phi pháp của Bắc Kinh, và đó cũng là nguồn cơn dẫn đến xung đột. Trung Quốc đã đưa ra khái niệm đường lưỡi bò một cách vô lý, đòi chiếm trọn 80% vùng Biển Đông. Đồng thời với tuyên bố chủ quyền, trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc liên tục gây hấn, chèn ép các quốc gia trong khu vực, nhất là Việt Nam.
Hàng loạt vụ việc xảy ra trên biển, trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điển hình nhất là vụ hai lần cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 02 (năm 2011, 2012); đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam (2014), và mới đây nhất là việc tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 được hộ tống bởi nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính.
Trung Quốc còn chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa, củng cố tiềm lực quân sự ở khu vực này, cấm biển và tấn công ngư dân Việt Nam...
Con đường tìm kiếm lời giải cho bài toán chủ quyền quốc gia đó, luôn được Việt Nam đặt trên căn bản duy trì hòa bình, đối thoại, gìn giữ mối quan hệ hữu nghị láng giềng.
Tàu hải cảnh 3901 và tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực bãi Phúc Tần - Tư Chính. Nguồn ảnh: Ngư dân cung cấp - Báo Thanh Niên.
Nhìn lại thời gian qua, các tuyên bố cấp cao của hai bên rất thống nhất phương châm đối thoại để giải quyết tranh chấp, không chỉ song phương mà đa phương. Nhưng lời nói và việc làm của Trung Quốc luôn bất nhất. Một mặt đề cao đối thoại hòa bình, mặt khác lại tiến hành các hành vi gây rối, đe dọa dùng vũ lực, không chỉ đối với Việt Nam, mà với nhiều nước khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, như Philippines, Malaysia, Indonesia...
Mới đây, ngay trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Trung Quốc, trong khi tại Bắc Kinh phía lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố những lời hữu hảo thì ở bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tàu Trung Quốc lại tiến hành gây rối, thách thức nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.
Ở bình diện đa phương, chính Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông với ASEAN (DOC) từ năm 2002. Theo đó, các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)... Nhưng từ đó đến nay, cam kết mang tính chính trị này, gần như không được Trung Quốc tôn trọng.
“Vì đại cục”, không phải là những gì nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố, mà đại cục phải bắt đầu từ việc thực thi đầy đủ cam kết theo đúng luật pháp quốc tế, hướng đến một nền hòa bình, tự do, bình đẳng phát triển cho Việt Nam và các nước trong khu vực, mở rộng ra là cộng đồng thế giới.
Các nước trong khu vực đang cố thúc đẩy một cam kết có tính pháp lý cao hơn, đó là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhưng luôn bị Trung Quốc cố tình trì hoãn, song song đó là đẩy nhanh tiến độ quân sự hóa trên Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên quan đến vụ việc bãi Tư Chính đã chỉ ra Trung Quốc cố tình gây áp lực lên các nước ASEAN để chấp nhận COC nhằm mục đích ngăn chặn các nước hợp tác với nước thứ ba khai thác dầu khí trên Biển Đông, hòng kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực.
Những hành động gây hấn, chèn ép của Trung Quốc không chỉ vi phạm quyền lợi quốc gia của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác trong khu vực, kể cả an toàn, tự do hàng hải quốc tế.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19.7 vừa qua đã phát đi tín hiệu, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực góp phần bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
Chúng ta cần duy trì hòa bình với nước láng giềng, mặt khác Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp đa phương, mà ở đó những lợi ích tương đồng của cộng đồng quốc tế sẽ tăng thêm sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh quốc gia còn là ý chí thống nhất của toàn bộ người dân Việt Nam, thể hiện qua bản kiến nghị cử tri. Trong bản tập hợp kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 11 (tháng 3.2016), Quốc hội khóa XIII (2011-2016), cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.
Cũng cần nhắc lại, lúc xảy ra sự kiện giàn khoan 981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam (2014), Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (lúc đó) cho biết Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ liên quan đến bảo vệ chủ quyền trên tinh phần pháp lý quốc tế. Cho đến hôm nay, những kiến nghị ấy vẫn còn nguyên giá trị.
“Vì đại cục”, không phải là những gì nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố, mà đại cục phải bắt đầu từ việc thực thi đầy đủ cam kết theo đúng luật pháp quốc tế, hướng đến một nền hòa bình, tự do, bình đẳng phát triển cho Việt Nam và các nước trong khu vực, mở rộng ra là cộng đồng thế giới.
Duy Thông