Ngược dòng lịch sử, Đào Thục từ thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789) là cái nôi nghề rối nước vùng kinh thành Thăng Long, do công thám hoa (tiến sĩ) Nguyễn Đăng Vinh đem nghề về làng truyền dạy, phát triển cho đến tận bây giờ. Đào Thục hôm nay vẫn nguyên vẹn một làng cổ nhỏ xinh, bình yên nơi vùng ven Hà Nội. Nếu đi theo đường đê sông Cà Lồ vào làng, sẽ ngang một quần thể mái đình, ao làng, được tôn tạo, trùng tu, xây mới thật khang trang, đẹp mắt và nổi bật nhất trong quần thể ấy là thủy đình, đại bản doanh phường rối Đào Thục.
Các suất nữ của Đào Thục đang điều khiển rối nước sau cánh gà.
Nghe nhiều về Đào Thục mỗi khi đề cập chuyện rối nước, lại thêm nguyên cớ từ tháng 6.2023 rối nước Đào Thục trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao hình ảnh về rối nước Đào Thục được phác họa thật đẹp, tráng lệ, với sân khấu thủy đình đậm nét dân gian, với những dãy nhà san sát người phường rối kỳ cạch đục đẽo những con rối đặc biệt…
Nhưng thực tế thật phũ phàng.
Trước kia Đào Thục nhiều nhà làm rối nước lắm, nhưng giờ cả làng còn mỗi vị trưởng thôn Nguyễn Văn Phi, kiêm luôn phó phường rối nước dân gian Đào Thục theo nghề. Nguyên cớ được vị trưởng phường rối Nguyễn Đức Cường bộc bạch: “Nhiều người làm được nhưng họ theo nghề khác, đi làm ăn xa, làm công nhân vì thu nhập ổn định hơn. Làm con rối ra không tiêu thụ được nên họ bỏ dần”. Hỏi thêm về hoạt động của phường rối Đào Thục, ông Cường cho biết thêm: “Tháng nào khá thì diễn được 10 suất, có tháng chỉ 3 suất, ai trực diễn suất nào thì được nhận công trung bình 100 ngàn đồng. Mọi người tham gia vì muốn giữ nghề và đam mê thôi, để sống được thì khó”.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Cường bên tượng chú tễu, một tạo hình đặc trưng trong rối nước Đào Thục.
Để đào tạo được một người điều khiển rối nước thuần thục, nghệ nhân Nguyễn Đức Cường đúc kết: “Có nhanh và kiên trì cũng mất 5 - 6 tháng, phải tập từ con rối phụ, mới lên được chính. Có người tập mãi cũng chỉ khiển được rối phụ. Có người sức khỏe tốt nhưng không lên chính được vì không dẻo. Cái đấy ngoài yếu tố học hỏi, kinh nghiệm, cũng phải có mẹo nữa đấy, không nắm được là diễn đơ lắm, chẳng cảm xúc gì cả”.
Đào Thục hiện lưu giữ 21 trò diễn khác nhau, đều là tích truyện dân gian, gắn liền với đời sống người đồng bằng Bắc bộ.
Ngày đến Đào Thục, đúng hôm phường rối rôm rả bởi có suất diễn cho 5 vị khách đến từ Pháp. Lịch diễn đặt 10 giờ sáng, nhưng từ 8 giờ các anh em phường rối đã tề tựu, lo quét dọn khuôn viên, căn chỉnh các con rối, sắp xếp thứ tự theo từng trò. Giờ diễn đến, hơn chục suất nghệ nhân của làng cần mẫn đầm mình dưới ao, khách đang say sưa, hỉ hoan xem các trò thì bỗng điện tắt phụt. Nhạc câm tịt, loay hoay một hồi vẫn không tín hiệu, kết luận lỗi tại ông nhà đèn chứ không phải sự cố, sự vụ gì cả. Vậy là buổi diễn bị cướp kèo, lời xin lỗi vẳng ra sau cánh gà: “Vì sự cố mất điện, mong quý khách thông cảm”. Khách ngậm ngùi ra về, anh chị em phường rối sắp xếp lại trận địa các quân rối rồi giải tán.
Khách nước ngoài xem trình diễn rối nước Đào Thục ở thủy đình của làng.
Nhìn lại các hoạt động nghề của rối nước Đào Thục, việc tạo hình con rối là chi tiết nổi bật, sống còn của nghề. Cả làng nghề thống kê có đến hơn 2.000 nhân khẩu, nhưng tổng chỉ 50 suất sinh hoạt ở phường rối, trong đó hơn 20 suất sinh hoạt ổn định, thường xuyên. Bảy suất nữ có thể diễn dưới nước, 10 suất nữ diễn cạn (hát, nhạc). Vài người trong phường rối biết chỉnh sửa dụng cụ múa rối, riêng việc tạo hình giờ chỉ còn một nghệ nhân của làng làm được. Và cách làm vẫn theo lối cổ, ấy là tự mày mò, đúc kết những phương pháp, kỹ thuật, thể nghiệm theo kiểu “thử và sai” như vài thế kỷ qua tiền nhân đã làm.
Các thành viên của phường rối Đào Thục với công việc chuẩn bị trước giờ diễn.
Các tích truyện cũng nhạt nhòa dần theo thời gian, vẫn bấy nhiêu trò diễn, chừng ấy động tác lặp đi lặp lại, có chăng là sự uyển chuyển, linh hoạt, thần thái khác đôi chút với những người khiển rối lâu năm. Những giới hạn đó khiến rối nước khó hấp dẫn người xem ở lần diễn thứ hai. Chưa kể đa phần các buổi diễn rối nước phục vụ khách nước ngoài, người xem vui thích từ hình rối và các động tác, còn ngôn ngữ là một rào cản.
Đào Thục vẫn còn lắm những đam mê, nhiệt huyết, say sưa và đầy tự hào của người làng khi nói về rối nước. Còn lắm những cần mẫn chế tác của người tạo hình cho rối thêm sinh động, có hồn. Đồng hành theo đó là nhữn`g gian khó, bấp bênh của nghề rối nước khi dấu ấn lịch sử làng nghề, của đam mê… chưa được bù đắp bằng giá trị tương xứng.
Hình tượng tiên - rồng trong văn hóa dân gian được đưa vào nghệ thuật rối nước.
Để rối nước Đào Thục bền với thời gian là điều khó khi lớp nghệ nhân hiện tại đang ngày một xế bóng, người mới chưa thấy xuất đầu lộ diện. Cần lắm một sự kết hợp đa chiều vào rối nước Đào Thục, các biên kịch, soạn giả, người sản xuất nội dung có thể sáng tạo thêm các trò mới dựa trên nền dân gian, các thợ nghề cơ khí, các điêu khắc gia có thể phối hợp để tạo hình cho rối thêm hoàn thiện cả về sắc diện lẫn bộ chuyển động điều khiển.
Nếu vẫn cứ duy trì sự cần mẫn, mày mò, tự thể nghiệm những kỹ thuật thử và sai trong tạo hình cho rối, diễn những trò xưa cũ không có gì thay đổi, người xem vắng dần, người tham gia phường rối ngày càng giảm, di sản khó giữ để truyền đời.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình