Vinbus kiến nghị TP.HCM tăng trợ giá xe buýt điện lên 64.8%

 13:13 | Thứ tư, 04/10/2023  0
UBND TP.HCM chỉ đạo báo cáo rõ tình hình thực hiện đối với 5 tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố. Phân tích, đánh giá các khoản mục chi phí và doanh thu thực tế của tuyến xe buýt điện…

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản ngày 2.10 thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường về tình hình hoạt động thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên dự họp ngày 26.9, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo tình hình hoạt động thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn thành phố; tham mưu nội dung dự thảo để UBND TP.HCM báo cáo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét, có ý kiến về việc triển khai thực hiện theo quy định.

Trong đó, cần lưu ý báo cáo rõ tình hình thực hiện đối với 5 tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm theo chủ trương của UBND TP.HCM tại công văn ngày 14.2.2022. Đối với những tuyến chưa triển khai phải xác định rõ nguyên nhân và có phương hướng, lộ trình thực hiện cụ thể.

Phân tích, đánh giá các khoản mục chi phí và doanh thu thực tế của tuyến xe buýt điện D4, kết hợp tham khảo việc triển khai xe buýt điện tại Hà Nội để làm rõ sự phù hợp của mức trợ giá đang áp dụng. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì phối hợp với tổ công tác nghiên cứu, tính toán kỹ để tham mưu UBND TP.HCM phương án thực hiện, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, khả thi và đúng quy định.

Báo cáo tình hình, tiến độ và dự kiến kế hoạch thực hiện sau khi các bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn TP.HCM được cấp thẩm quyền ban hành.

Tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng năng lượng điện thí điểm đầu tiên đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.HCM từ ngày 9.3.2023. Ảnh: T.L.V


Trong diễn biến liên quan, trước đó ngày 1.8, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất tháo gỡ khó khăn tuyến xe buýt sử dụng xe buýt điện trên địa bàn thành phố.

Sở cho biết đã nhận được các văn bản của Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đề nghị tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp duy trì hoạt động tuyến D4 và tiếp tục mở mới các tuyến xe buýt điện; đồng thời ý kiến một số nội dung sau cuộc họp về tình hình hoạt động vận tải tuyến xe buýt điện D4, trong đó Vinbus đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trợ giá là 64.8% kể từ ngày 1.1.2023 và kéo dài thời gian thí điểm các tuyến xe buýt điện đến hết năm 2025.

Tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng năng lượng điện thí điểm đầu tiên đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.HCM từ ngày 9.3.2023. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, tuyến xe buýt điện này thuộc hệ thống các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố, hành trình tuyến mang tính chất độc đạo, đa số hoạt động trên những tuyến đường chưa có xe buýt phục vụ (gần 70% hành trình tuyến), kết nối nhiều điểm thu hút hành khách quan trọng (Khu công nghệ cao, UBND Thành phố Thủ Đức, các trường học, khu dân cư, trung tâm thành phố…) giúp mở rộng khả năng phục vụ cũng như tăng cường kết nối trong mạng lưới tuyến xe buýt.

Theo báo cáo của Tập đoàn Vingroup (đơn vị sản xuất xe buýt điện Vinbus) nguyên giá xe buýt điện khoảng 6,5 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2,3 lần so với nguyên giá xe của một phương tiện xe buýt CNG cùng sức chứa. Ảnh: T.L.V


Trong 6 tháng đầu năm 2023, tuyến xe buýt D4 thực hiện khoảng 19.000 chuyến, vận chuyển khoảng 525.400 lượt hành khách, giúp giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường, qua đó góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và đặc biệt giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ, trạm nạp điện chưa kịp thời, bị kéo dài…

Chủ trương của UBND TP.HCM tại công văn ngày 14.2.2022 thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn thành phố, đã chấp thuận tổ chức 5 tuyến xe buýt điện, thời gian thí điểm 24 tháng kể từ khi các tuyến xe buýt điện bắt đầu hoạt động. Trong thời gian thí điểm cho phép đặt hàng với đơn giá xe CNG, tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%.

Tỷ lệ này xây dựng trên cơ sở thống kê tỷ lệ trợ giá bình quân trong 10 năm (2009-2019) của hệ thống xe buýt có trợ giá. Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm quản lý giao thông công cộng, giai đoạn 2020-2023 tỷ lệ trợ giá/chi phí bình quân toàn hệ thống là 63,7%. Cụ thể, năm 2020 là 59,7%, năm 2021 là 58,3% (chưa điều chỉnh mức lương nhân công), năm 2022 là 68,5% và năm 2023 là 64.8%. “Như vậy, có thể thấy tỷ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống”, Sở Giao thông vận tải nhận định.

Với tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1% thì mức trợ giá của tuyến là 309.800 đồng/chuyến (chi phí/chuyến là 702.496 đồng), phần doanh thu phải đảm bảo 55,9% chi phí là 392.696 đồng/chuyến (tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến).

Qua đánh giá sản lượng thực hiện trên tuyến thì với mức sản lượng thực hiện năm 2022 là 22,5 hành khách/chuyến chỉ đạt 31,8% so với sản lượng, doanh thu tính trợ giá và với mức thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 đạt 27,6 hành khách/chuyến chỉ đạt 38,9% so với sản lượng, doanh thu tính trợ giá.

Ngoài ra, trong thời gian thí điểm 5 tuyến xe buýt điện tính toán chi phí theo đơn giá cố định được áp dụng vận dụng cho xe buýt CNG theo nhóm 4_CNG.2 tại Quyết định 3677 của UBND TP.HCM ngày 30.8.2019 (với nguyên giá xe trong đơn giá nhóm xe 4_CNG.2 thấp hơn khoảng 2,7 lần so với nguyên giá xe buýt điện). Do vậy, các yếu tố biến động nhiên liệu, thay đổi mức lương cơ sở sẽ không được áp dụng như các tuyến xe buýt có trợ giá hiện nay.

Sở Giao thông vận tải nhận thấy việc thí điểm 5 tuyến xe buýt điện có chất lượng, hiện đại, thân thiện với môi trường để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo đề xuất của Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus - Chi nhánh TP.HCM là cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách về phát triển phương tiện sử dụng năng lượng điện tại Quyết định 876 ngày 22.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động vận tải hành khách công cộng nên sản lượng thực hiện trên tuyến chỉ đạt 38,9% so với sản lượng tính trợ giá, doanh thu chỉ đạt khoảng 20,9% so với chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG) và tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ, trạm nạp điện chưa kịp thời, bị kéo dài nên ảnh hưởng đến triển khai đưa vào vận hành 4 tuyến xe buýt điện còn lại.

Hiện nay tại TP.HCM xe buýt điện là loại phương tiện mới chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá. Ảnh: T.L.V


Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn và khuyến khích đơn vị vận tải tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức 5 tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố.

Tỷ lệ trợ giá/chi phí làm cơ sở đặt hàng: áp dụng với tỷ lệ 64,8% theo đơn giá cố định đã được ban hành tại Quyết định 3677 của UBND TP.HCM ngày 30.8.2019 đối với loại xe CNG nhóm 4_CNG.2 (chi phí là 24.224 đồng/km). Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1.1.2023 đến hết ngày 31.12.2025.

Trường hợp UBND TP.HCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong thời gian thí điểm thì áp dụng theo mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá loại hình xe buýt điện được ban hành trong thời gian thí điểm còn lại.

Trường hợp đơn giá xe buýt điện được UBND TP.HCM ban hành đối với loại xe đang hoạt động thấp hơn đơn giá đang tạm áp dụng là đơn giá xe buýt CNG nhóm 4_CNG.2, thì thực hiện thu hồi phần kinh phí trợ giá chênh lệch từ ngày 1.1.2023 đến khi UBND TP.HCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện theo công thức:

Kinh phí thu hồi = (Đơn giá đồng/km xe buýt điện - 24.224 đồng) x Cự ly tuyến x Số chuyến được nghiệm thu trợ giá.

Trường hợp đơn giá xe buýt điện được UBND TP.HCM ban hành đối với loại xe đang hoạt động cao hơn đơn giá đang tạm áp dụng là đơn giá xe buýt CNG nhóm 4_CNG.2 từ ngày 1.1.2023 đến khi UBND TP.HCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện, thực hiện theo đơn giá tạm trong thời gian thí điểm.

Cho phép tiếp tục áp dụng phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.HCM đối với 5 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm. Kinh phí trợ giá từ nguồn vốn sự nghiệp (trợ giá xe buýt).

“Hiện nay tại TP.HCM xe buýt điện là loại phương tiện mới chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, do đó cần thời gian vận hành thí điểm để Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở ngành và đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu UBND TP.HCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện”, văn bản của Sở Giao thông vận tải cho biết.

Minh Hoàng – Phạm Tuấn

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.