Hội thảo nhằm mục đích cập nhật các xu hướng mới nhất và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sàng lọc và chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú, qua đó cải thiện điều kiện điều trị và tiên lượng của bệnh nhân. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 200 chuyên gia y tế hàng đầu trong việc thảo luận về tương lai của việc sàng lọc bệnh lý tuyến vú và chẩn đoán hình ảnh.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 200 chuyên gia y tế hàng đầu trong việc thảo luận về tương lai của việc sàng lọc bệnh lý tuyến vú. . Ảnh: BTC
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong ngành đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc sàng lọc và phát hiện sớm bệnh lý thông qua các phương pháp như chụp nhũ ảnh và siêu âm, giúp định hướng điều trị hiệu quả hơn, tăng cường tỷ lệ sống sót và giảm thiểu can thiệp xâm lấn.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS-TS. Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, đã nhấn mạnh sự quan trọng của phát hiện sớm các bệnh lý, là yếu tố then chốt để áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả chống lại ung thư vú. Theo vị chuyên gia này thì trong thời đại số hóa y tế, việc phát triển và áp dụng công nghệ sàng lọc hiện đại là cơ hội để phụ nữ nâng cao khả năng kiểm soát sức khỏe và thực hiện phát hiện, điều trị sớm khi cần thiết.
“Bởi vì các bệnh lý của phụ nữ đặc biệt là các bệnh lý về tuyến vú là bệnh lý rất thường gặp và ngoài siêu âm ra thì bắt buộc phải dùng mammography (Chụp X-quang tuyến vú) và cả cộng hưởng từ (MRI) để giúp chuẩn đoán chuyên sâu cũng như phát hiện sớm. Các mảng bệnh lý tuyến vú và các mảng về chuẩn đoán hình ảnh tuyến vú ngày càng được chú ý phát triển trong các hội nghị, hội thảo đặc biệt cũng được Chính phủ quan tâm. Và trong chiến lược điện quang đồ ở Việt Nam cũng như chiến lược phát triển y học phóng xạ, y học bức xạ đến năm 2050 cũng đưa mục tiêu là đưa mammography vào trong hệ thống chuẩn đoán hình trên khắp các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và xã ở Việt Nam”, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam chia sẻ.
GS-TS. Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: BTC
Với kinh nghiệm phát triển hệ thống siêu âm toàn bộ vú tại Nhật Bản, TS-BS. Tokiko Endo, Bệnh viện Quốc gia Higashi (Nagoya, Nhật Bản) cũng đã mang đến hội thảo những thông tin hữu ích của quy trình sàng lọc và chẩn đoán ung thư vú đang được triển khai tại Nhật Bản cũng như những hiệu quả mang lại đối với sức khoẻ phụ nữ. Chia sẻ tại sự kiện, TS-BS. Tokiko Endo cho biết: “Để phát hiện sớm, có phương pháp điều trị phù hợp, giảm thiểu tử vong thì việc thiết lập một hệ thống sàng lọc có khả năng phát hiện sớm với độ chính xác cao là điều cần thiết. Việc sàng lọc và chẩn đoán cần được thực hiện bởi các tổ chức có đủ điều kiện và các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm tỷ lệ tiếp thu sàng lọc và điều trị phù hợp. Từ kinh nghiệm xây dựng và phát triển quy trình sàng lọc và chẩn đoán tại Nhật Bản, tôi tin rằng việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ mở ra một hướng đi mới hiệu quả hơn, chính xác hơn, giúp y bác sĩ và các bệnh nhân tại Việt Nam có cơ hội tiếp nhận điều trị sớm.”
Chia sẻ tại hội thảo các bác sỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chụp nhũ ảnh cho các bệnh lý về vú. Chụp nhũ ảnh có dung lượng lớn hơn, khi phóng to ảnh không bị vỡ hình và vẫn quan sát được những chi tiết nhỏ. Phương pháp này giúp các bác sĩ chẩn đoán có thể khai thác được những thông tin về khối, đậm độ không đối xứng, rối loạn cấu trúc, vi vôi hoá, và các dấu hiệu kèm theo. Biết cách khai thác thông tin chụp nhũ ảnh sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để thăm khám và tầm soát sớm ung thư vú.
Để có thể tăng cường khả năng phát hiện bệnh lý ở những giai đoạn sớm 0 - 1, bên cạnh chụp nhũ ảnh cần kết hợp thêm với siêu âm và chụp cộng hưởng từ. Đồng thời cần nâng cao kiến thức của đội ngũ bác sĩ để có thể hiểu được giá trị của các phương pháp tầm soát này, hướng tới xây dựng và phát triển thành Trung tâm quản lý và tầm soát sớm ung thư vú ứng dụng công nghệ hiện đại, mang đến nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.
Bên cạnh các bài trình bày chất lượng nhằm tăng cường kiến thức, thông tin và công nghệ, chuyên gia y tế cũng được tham gia hai phiên thảo luận ca lâm sàng về chủ đề “Kết hợp siêu âm và nhũ ảnh trong chẩn đoán ung thư vú” và chủ đề “Tầm soát ung thư vú bằng hình ảnh 2D hay 3D” đầy hữu ích.
Là nhà tiên phong cung cấp các giải pháp y tế hàng đầu, Fujifilm đã nghiên cứu và xây dựng giải pháp chăm sóc sức khoẻ phụ nữ INNOMUSE, bao gồm những tiến bộ trong bốn lĩnh vực quan trọng: sức khoẻ tuyến vú, sản phụ khoa, phụ khoa và sức khoẻ xương. Trong đó, bộ giải pháp đầy đủ các công cụ chẩn đoán hàng đầu bao gồm siêu âm, nhũ ảnh và Chụp cộng hưởng từ (MRI) là tổ hợp hoàn chỉnh những phương tiện cần thiết cho việc phát hiện ung thư vú sớm, là kết quả của sự nghiên cứu, cống hiến và cam kết của Fujifilm trong việc ưu tiên chăm sóc và cải thiện sức khoẻ phụ nữ.
Bên cạnh những đóng góp cho nền y tế Việt Nam thông qua các sản phẩm y tế tiên tiến, Fujifilm Việt Nam cũng hướng đến cộng đồng với chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư vú "tầm soát chủ động - tự tin vui sống". Thông qua chiến dịch này, Fujifilm mong trao quyền và góp phần tạo nên một cộng đồng được trang bị kiến thức và công nghệ hiện đại, sẵn sàng hành động để phòng ngừa ung thư vú tại Việt Nam.
“Hiểu rõ ung thư vú là một trong các căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất Việt Nam Fujifilm luôn sẵn sàng chung tay giải quyết vấn đề tầm soát và chẩn đoán sớm căn bệnh này. Bên cạnh cung cấp những giải pháp công nghệ hiện đại, chúng tôi luôn mong muốn được hợp tác cùng các chuyên gia y tế và chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam để phát huy những giá trị mà công nghệ mang lại. Hội thảo hôm nay là một cơ hội để Fujifilm được chia sẻ kiến thức và trao đổi với các bác sĩ và Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, để cùng nhau phát triển các hệ thống chẩn đoán sớm, mang lại lợi ích cho bệnh nhân”, ông Mamoru Morota – Tổng giám đốc, đại diện Fujifilm Việt Nam, chia sẻ.
Ung thư vú chiếm 28.9% tổng số các bệnh ung thư ở phụ nữ
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2022, toàn cầu có hơn 2,3 triệu phụ nữ mắc bệnh với hơn 670.000 ca tử vong vì ung thư vú, đưa ung thư vú trở thành loại bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới.
Riêng tại Việt Nam, năm 2022 đã có thêm 24.563 ca ung thư vú mới, chiếm 28.9% tổng số các bệnh ung thư ở phụ nữ. Đây là con số đáng báo động, cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng một quy trình sàng lọc cũng như ứng dụng các công nghệ hiện đại trong chẩn đoán ung thư nhằm giúp theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng bệnh lý, để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, giảm thiểu những ca tư vong do ung thư vú.
Trà My