Bài học thích ứng với bão lũ từ những công trình kiến trúc công cộng xưa

 14:39 | Thứ sáu, 27/09/2024  0
Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ, trong lịch sử, các di tích ở miền Bắc cũng không ít lần phải đối diện với tình trạng ngập lụt. Tuy vậy, đến nay, nếu không phải do ảnh hưởng của chiến tranh, đa số các công trình vẫn đứng vững với thời gian. Vậy người xưa đã có kỹ thuật gì trong xây dựng để giúp các công trình này thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết?

Bão Yagi gây xáo trộn tại các di tích ở miền Bắc

Siêu bão Yagi (bão số 3) càn quét miền Bắc trong thời gian qua, tàn phá nhà cửa, hạ tầng đường sá, công trình xây dựng, gây sạt lở, ngập lụt triền miên tại nhiều địa phương. Trong đó, những công trình văn hóa truyền thống như đình, đền, miếu, chùa cũng chọi số phận bị nhấn chìm trong biển nước.

Do yếu tố địa hình, miền núi phía Bắc là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận bão Yagi. Những di tích trong khu vực cũng phải hứng chịu hậu quả do bão gây ra. Ông Vũ Ngọc Ứng, Thường trực Ban quản lý đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, Yên Bái), cho biết từ khi ngập lụt, tính từ mặt sân vào đến trong đền, nước dâng cao khoảng 3 mét. Còn riêng gian thờ trong đền, nước ngập hơn 1 mét. Ngập lụt gây hỏng toàn bộ hệ thống điện của nhà đền, và cuốn đi nhiều tài sản có giá trị như bát hương, đồ hầu đồng,…

Cho đến ngày 15.9, khi nước đã rút, nhà đền làm lễ, xin được sắp xếp, bố trí lại không gian, để tiếp tục đón khách vào tuần kế tiếp.

Lực lượng chức năng tại địa phương chung tay cùng bà con dọn dẹp đền Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) sau khi ngập lụt. Ảnh: TL


Là khu vực trung du, làng Thổ Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang), dù đã trải qua nhiều đợt nâng cao nền, nhưng nước lũ dâng gần chạm tới vòm mái trên cổng làng. Theo lời kể của ông Nguyễn Bá Sinh, cư dân sống trong làng, trước khi bão về, người dân cũng tìm mọi cách để bảo vệ các di tích như đình, chùa của làng. Tuy nhiên, nước vẫn ngập lên gần sát lớp mái ngói, tới mức muốn vào bên trong thì phải bơi vào. Theo ông Sinh, đây là trận ngập lụt lịch sử, nhưng từ trước đó làng Thổ Hà dường như đã quen với việc ngập lụt như vậy rồi.

Thuộc quần thể các di tích liên quan tới đền Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), đền Mẫu – nơi thờ mẹ Thánh Gióng do nằm ngoài đê, nên chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Theo phản ánh của ThS. Nguyễn Ngọc Dũng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và là người địa phương, nước ngập từ cổng vào bên trong sân đền. Hai bên nhà giải vũ ở phía trước chính điện bị ngập lên gần tới mái. Bậc thềm dẫn lên chính điện cao khoảng 2,1 mét. Mực nước chỉ còn 15-20cm nữa là vào đến đền.

Ông Dũng cho biết các cụ ngày đó khi xây đền đã lựa chọn vị trí tương đối cao, hệ thống đê điều cũng được đắp tương đối vững chắc. Nhưng bản thân sinh ra và lớn lên đến nay đã hơn 40 năm, nhưng ông Dũng chưa thấy trận lụt nào lớn như năm nay.

Kiến trúc thích ứng trước thiên tai

Qua quan sát và đối sánh giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại mô phỏng truyền thống, ThS-KTS. Trịnh Văn Khuê, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhận định: “Kiến trúc truyền thống ở Bắc bộ không thể chống chọi, mà chỉ thích ứng với bão lụt”. Không riêng các công trình công cộng, mà với kiến trúc truyền thống nói chung, người xưa thường xây nhà theo hướng Nam. Bởi theo quan niệm dân gian, đây là hướng gió mát. Đồng thời, tránh gió lớn từ biển thổi thẳng vào theo hướng chính Đông hoặc Đông Bắc, nhằm hạn chế sự xô lệch nội thất bên trong ngôi nhà.

Một yếu tố nữa hạn chế sự xê dịch, được KTS. Trịnh Văn Khuê chỉ ra, đến từ hệ thống kết cấu. Cha ông sử dụng hệ khung gỗ, kết nối với nhau bằng mộng gỗ. Hệ thống kết cấu của thân nhà và móng tách rời, cột đặt lên trên nền, thay vì nền và cột liên kết cứng với nhau như bê tông cốt thép bây giờ. Nhờ vậy, khi gặp gió lớn, nhà chỉ bị rung lắc, chứ không rạn nứt, đổ gãy.

Ngoài ra, nhà truyền thống Bắc bộ trước đây ít sử dụng mái ngói, mà thường lợp mái lá, mái tranh. Đây là những vật liệu dễ tìm kiếm tại địa phương. Nên khi bị gió lớn thổi bay mái nhà, vẫn có thể tìm được vật liệu thay thế với chi phí thấp.

Người dân làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) dọn dẹp bùn đất sau trận mưa bão. Ảnh: Lí Học


Tương tự kiến trúc dân dụng, song, các kiến trúc cộng đồng, thực hành tôn giáo, tín ngưỡng được xây dựng kiên cố hơn. Theo KTS. Trịnh Văn Khuê, với đặc điểm ít vách ngăn, nên khi gió lớn thổi qua không gian thoáng, sẽ tự tản dần đi, giúp cho công tình ít chịu tác động của gió.

Đồng thời, trong khuôn viên các công trình sinh hoạt công cộng như vậy thường có hệ thống cây cao, lớn, với nhiều lớp lang. Cây cao đón gió lùa vào ở dưới gốc, sau đó thoát ra ở trên cành lá, hoặc làm chệch hướng gió, để gió không trực tiếp thổi thẳng vào công trình. Những cây xanh chịu được sức gió mạnh, hẳn phải bám rất chặt xuống lòng đất. Không khó hiểu là bởi trước đây nền đất chưa bị bê tông hóa, nên bộ rễ phát triển. Có thể nói, tán rộng bao nhiêu, rễ dài bấy nhiêu.

“Đặc điểm chưa bị bê tông hóa cũng góp phần giúp tiêu nước lũ nhanh hơn”, KTS. Trịnh Văn Khuê chỉ ra. Nền trong các công trình cũng thường là đất nền tự nhiên, hoặc là các vật liệu xây dựng được liên kết với nhau nhưng có độ hở nhất định để dễ dàng tiêu nước.

Bên cạnh đó, ngày xưa đất rộng, nhiều ruộng, ao, hồ, nên nước có chỗ để tiêu. Còn hiện nay, nhà cửa san sát nhau, ao, hồ ít đi, ruộng gần như không còn ở các đô thị. Chưa kể tới phương pháp xây dựng các công trình hiện nay là bằng bê tông cốt thép, hoặc có cấu kiện gỗ nhưng lại kết hợp khung bê tông cốt thép. Không thể phủ nhận về sự kiên cố, khả năng chịu tác động của sức gió mạnh hơn. Dẫu vậy, tồn tại nhược điểm là lát gạch bằng xi măng, nên lấp kín những khoảng hở dưới đất. Bởi thế, nước lũ chỉ có thể tiêu trên bề mặt và thoát ra cống. Cách thoát nước này sẽ chậm hơn, và nếu cống bị tắc nghẽn, tình trạng ngập sẽ kéo dài.

Tốt gỗ, cũng cần tốt cả nước sơn

“Các công trình kiến trúc cộng đồng truyền thống như đình, chùa, đền… trước đây thường dùng gỗ là chủ yếu. Hay kiến trúc truyền thống hiện được xây mới hiện nay, dù sử dụng bê tông, nhưng nếu có điều kiện vẫn ưu tiên gỗ làm cột, kèo”, KTS. Trần Đức Dũng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ. Vì điều này nên người xưa rất chú trọng tới việc gia công, xử lý gỗ làm sao để tăng độ bền, tránh ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Trong đó, bên cạnh việc chọn chất gỗ tốt, hay ngâm gỗ trong nước trong thời gian dài hay phương thức cho tới nay vẫn còn được áp dụng là phủ sơn lên bề mặt gỗ.

Ngập lụt tại đền Mẫu – nơi thờ mẹ Thánh Gióng (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Ngọc Dũng


“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là kinh nghiệm cha ông truyền lại trong xây nhà dựng cửa, nhưng KTS. Trần Đức Dũng cho rằng, không vì thế mà xem nhẹ nước sơn. Bởi sơn như một tấm màng bảo vệ gỗ khỏi mối mọt, không khí ẩm, nước. Người xưa thường sử dụng sơn ta – loại sơn rất bền với thời gian, cũng được sử dụng để sơn tượng, sơn mài... Đây là loại sơn được được lấy từ nhựa của cây sơn, có tính chất giống với nhựa của cây họ thông. Nó có thể hạn chế được ảnh hưởng từ nước lụt ngấm vào trong gỗ.

Vì chất liệu sơn trước đây là chất hữu cơ, nên có tuổi thọ nhất định. Qua thời gian, các lớp sơn mất độ kết dính, độ bám trên bề mặt, nên bong ra. Sau khi bong ra nhiều, người thợ sẽ cạo toàn bộ lớp sơn và thực hiện sơn lại từ đầu. Nhưng hiện nay, ở nhiều di tích bị bong tróc toàn bộ lớp sơn trên bề mặt gỗ, mà lại không được sơn lại. KTS. Trần Đức Dũng lý giải, bên cạnh vấn đề thiếu kinh phí, lý do một phần đến từ tư duy để trơ trọi như vậy để tạo vẻ cổ kính cho di tích. Tuy nhiên, họ quên mất rằng, một khi gỗ dù qua xử lý bị ngấm nước, sẽ tiếp tục nở ra, khiến cho cấu trúc xơ gỗ mềm ra, dẫn đến nứt nẻ, tạo điều kiện cho các tác nhân bên ngoài môi trường xâm nhập. Và phải chịu áp lực từ công trình, nên lâu ngày sẽ bị xuống cấp.

Đền thờ thánh Tam Giang (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) trước và sau cơn bão số 3. Ảnh: Nguyễn Phong


Cũng theo KTS. Trần Đức Dũng, kỹ thuật gia công gỗ hiện có nhiều cải tiến. Việc chế biến gỗ ngâm trong nước đã được thay thế bằng ngâm hóa chất, nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ với số lượng lớn. Chất liệu sơn cũng đa dạng hơn với các loại như sơn PU, NC, Vecni,…, mà giá thành lại rẻ. Cho nên, hoàn toàn có thể cân nhắc tới những loại sơn này trong xây dựng, trùng tu, thay thế cho sơn ta.  

Ngoài bảo vệ cấu trúc gỗ, KTS. Trần Đức Dũng cho biết, hiện ta cũng có những biện pháp khác để hạn chế ảnh hưởng của lũ như tôn nền di tích cao lên, sử dụng thanh chắn ở bậc thềm để ngăn lũ nhẹ,… Còn ngày xưa, do kỹ thuật dự báo thời tiết còn hạn chế, nên thiên tai xảy đến là khó lường trước, nên chỉ khi thiên tai gần xảy đến, người dân mới đắp đất, đắp cát ngoài di tích. Và các di tích thường được xây dựng cạnh sông, nên củng cố đê điều cũng được coi trọng.

Gỗ được ngâm trong nước trước khi đưa vào sử dụng. Ảnh: TL


Một khi cả vùng đã bị ngập lụt, thì di tích trong bối cảnh hiện nay, hay trước đây là công trình sinh hoạt văn hóa, thực hành tín ngưỡng công cộng – thành tố kiến trúc nằm trong khu vực đó, khó tránh khỏi số phận như nhà ở dân dụng. Có điều, dựa vào những kinh nghiệm từ cha ông, cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật xây dựng ngày nay, ta hoàn toàn có thể ứng dụng để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực sau mùa bão lũ ở khu vực Bắc bộ.

Nguyễn Phúc Nam Dương

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.