Báo Mỹ: Ô tô tự lái 'bó tay' với giao thông Việt Nam

 00:05 | Thứ bảy, 10/09/2016  0

Một mẫu xe tự lái

Dưới đây là bài viết của phóng viên Alexei Oreskovic từ trang tin Business Insider do VnReview.vn lược dịch để giới thiệu tới bạn đọc, nhằm cung cấp thêm một góc nhìn khác từ bên ngoài về những gì mà giao thông Việt Nam đang phải đối mặt:

Hiện nay, xe ô tô tự lái đang được dự báo là có thể trở thành một xu hướng mới trong tương lai. Chính vì vậy mà rất nhiều công ty lớn như Google hay Ford đều đang tiến hành nghiên cứu và phát triển loại phương tiện này. Và chỉ một vài năm nữa thôi việc những chiếc xe không người lái tham gia giao thông sẽ không còn trở nên quá xa lạ với chúng ta.

Tháng trước, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên thử nghiệm taxi tự lái. Không ít người đã có cơ hội trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi ngồi trong những chiếc xe thử nghiệm tự động vận hành trên đường phố, di chuyển xung quanh các xe khác và dừng đèn đỏ khi có tín hiệu.

Tuyết và băng có thể sẽ là những yếu tố cản trở hoạt động của xe tự lái. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề cải thiện công nghệ.

Hình ảnh một con đường điển hình ở thủ đô Hà Nội

Theo chia sẻ của Alexei  trên trang tin Business Insider, đối với bất cứ ai đã quen với giao thông ở Mỹ thì giao thông Việt Nam là một cảnh tượng hỗn loạn. Nhiều đoạn đường như thế này không hề có đèn giao thông và mọi người có thể tự do lái xe theo ý mình. Và một điều kỳ diệu là dù không được hỗ trợ bởi tín hiệu đèn nhưng họ vẫn điều khiển phương tiện rất khéo để không va chạm với nhau.

Khi tham gia giao thông, con người dựa trên các tín hiệu hướng dẫn bao gồm hình ảnh và âm thanh, cùng với khả năng xử lý song song của não bộ. Còn xe tự lái xe mới chỉ hoạt động dựa trên những công cụ hỗ trợ hạn chế. Đầu năm nay, một chiếc xe tự lái của Google đã va chạm với một xe buýt tại Mountain View, California vì nhầm lẫn khi cho rằng xe buýt đang giảm tốc độ và chuẩn bị dừng lại.

Do số lượng xe máy, ô tô và người đi bộ di chuyển không theo quy định trên các đường phố của Việt Nam là rất lớn nên một chiếc xe tự lái sẽ cần phải thực hiện hàng trăm phán đoán phức tạp, thậm chí còn có thể trở nên "choáng ngợp" và... ngừng hoạt động vì sợ gây ra tai nạn.

Số phận của ô tô tự lái tại Việt Nam sẽ ra sao?

Giáo sư Raj Rajkumar của trường Đại học Carnegie Mellon là một trong những chuyên gia về xe ô tô tự lái hàng đầu trên thế giới. Ông cho biết mô hình giao thông ở một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đang đặt ra một thách thức lớn cho các phương tiện tự lái.

Giao thông ở TP.HCM

Và giao thông ở Hà Nội

Mặc dù vậy, ông tin rằng công nghệ sẽ có thể giải quyết vấn đề này nhưng sẽ mất một thời gian dài và ít nhất là hơn một thập kỷ. "Các bộ phận cảm biến trên xe ô tô tự lái sẽ phải đối mặt với một số sai sót và yêu cầu năng lực tính toán hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, việc thiết kế, triển khai và thử nghiệm những cải tiến này cũng sẽ tốn không ít thời gian".

Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng hơn cả là phải "giải mã" được nguyên lý hoạt động của giao thông ở Việt Nam, bởi không giống các lái xe tuân thủ nghiêm túc quy định về an toàn giao thông ở Mỹ, người điều khiển phương tiện tại Việt Nam thường sử dụng quy tắc ngầm và không chính thức.

Rajkumar giải thích: "Ví dụ, nếu tôi đang di chuyển theo một hướng với tốc độ nhất định thì tôi sẽ có một số quyền trong khu vực đó. Đồng thời, những người khác sẽ có phản ứng phù hợp như đi chậm, rẽ hay dừng lại. Mọi người đều phải quan sát, thích ứng và phản ứng liên tục để tránh gây tai nạn. Ngoài ra, tiếng còi xe cũng là một phần không thể thiếu trong việc cảnh báo những người xung quanh. Thậm chí, đôi khi tôi còn sử dụng ánh mắt để giao tiếp (tại Việt Nam). Các yếu tố này tương tác với nhau và đóng vai trò quan trọng khi tham gia giao thông."

Tất cả những "quy tắc" trên cần được "giải mã" và mã hóa vào trong hệ thống của xe tự lái. Vậy nên công tác này sẽ tốn không ít thời gian và công sức, nhất là trong bối cảnh ngập úng mùa mưa hay tắc đường triền miên ở các thành phố lớn hiện nay của Việt Nam.

Phương hướng giải quyết vấn đề

Rajkumar đã có cơ hội làm việc với General Motors về một hệ thống có liên quan đến công nghệ đặc biệt, có thể giải quyết vấn đề giao thông phức tạp ở một số nước như Việt Nam. Đây là công nghệ tương tác giữa "xe với xe" và "xe với người đi bộ". Về cơ bản, công nghệ này có khả năng kết nối tất cả các xe ô tô và người tham gia giao thông trên đường để họ có thể tự động tương tác với nhau.

Mô hình của công nghệ giao thông mới

Nhưng Rajkumar cũng thừa nhận rằng, chúng ta còn phải làm nhiều điều để biến hệ thống này thành hiện thực. Nó chỉ có thể hoạt động tốt khi mỗi chiếc xe và mỗi người đi bộ được trang bị công nghệ phù hợp và điều này không dễ để thực hiện trong một sớm một chiều.

Tích hợp công nghệ này vào điện thoại hay áp dụng thêm các quy định khác hiện đang là một số phương án được đề xuất để xem xét và áp dụng.

Ô tô tự lái có thể là một đột phá lớn trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên với điều kiện không đồng nhất thì việc đưa phương tiện này vào hoạt động rộng rãi trên khắp các quốc gia còn là một chặng đường dài với không ít khó khăn và thử thách, ít nhất là đối với một mô hình giao thông "kỳ lạ" và vô cùng phức tạp như ở Việt Nam.

Huyền Thanh (Theo Vnreview)

» 3.500 tỷ đồng làm đường trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất

» TP.HCM: kẹt xe kinh hoàng, người dân 'chịu trận' dưới cơn mưa

» TP.HCM mưa lớn, Tân Sơn Nhất ngập nặng

» Hà Nội có thể xem xét cấm xe máy cá nhân từ năm 2025

» Đột phá nào để giảm kẹt xe, ngập nước ở TP.HCM?

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.