UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục biệt thự cũ trên địa bàn thành phố đã được phân loại. Đây là đợt phân loại thứ 14, với 25 biệt thự cũ. Đến nay, thành phố đã phân loại 595 biệt thự cũ, trong đó có 64 biệt thự nhóm 1, 249 biệt thự nhóm 2 và 282 biệt thự nhóm 3.
Mỗi biệt thự một số phận
Biệt thự cũ chủ yếu nằm ở quận 1, quận 3 và rải rác ở TP Thủ Đức, quận 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận... Một số tuyến đường trung tâm thành phố tập trung nhiều biệt thự cũ là Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Tú Xương, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ngô Thời Nhiệm... Trong đó, có biệt thự cũ là trụ sở cơ quan nhà nước, trường học; một số biệt thự đẹp được chuyển đổi công năng thành nhà hàng, quán cà phê phong cách xưa.
Đáng chú ý, do nhu cầu sử dụng cao, nhiều biệt thự đã được cải tạo, cơi nới xây dựng thêm ki-ốt phía trước để làm mặt bằng kinh doanh... khiến diện mạo bị thay đổi, biến dạng, thô kệch. Nhiều biệt thự bị che khuất hoàn toàn nên gần như không còn nhiều ý nghĩa cũng như vẻ đẹp.
Đáng buồn, nhiều biệt thự loại 1, loại 2 bị bỏ hoang, xuống cấp. Chẳng hạn, biệt thự 283 Điện Biên Phủ (quận 3) được phân loại nhóm 2 hồi tháng 4.2021, sau nhiều năm vẫn cửa đóng then cài, những tấm cửa cuốn bị vẽ bậy gây mất mỹ quan.
Biệt thự tại 177 Võ Thị Sáu (quận 3) được phân loại nhóm 1 hồi tháng 5.2020 nhưng đến nay cũng bị bỏ trống, phía trước là ki-ốt bán vé máy bay đã đóng cửa. Cách đây vài tháng, một phụ nữ chuyển quầy nước gần đó đến "án ngữ" vỉa hè ngay biệt thự. "Khi đó, bên trong rất lộn xộn, rác rất nhiều, ổ khóa bị phá..., phải chở 4 xe ba gác mới dọn dẹp xong. Nhiều người lui tới đây quay phim, chụp hình, hỏi giá thuê nhưng rồi cũng không thấy quay lại" - người phụ nữ này cho biết.
"Thảm" hơn cả là biệt thự nhóm 1 tại 201 Võ Thị Sáu (quận 3). Ghi nhận tại đây những ngày đầu tháng 10.2024, chúng tôi chỉ thấy phía trước là hàng rào ván, tôn tạm bợ; chốt bảo vệ bỏ trống, lối vào cho xe máy cũng trống hoác; rác tràn từ hàng rào đến tận bên trong, chất cao thành đống. Không thể tin nổi đây là công trình bảo tồn khi cánh cửa của biệt thự mở sẵn, bên trong là một số tấm kính, gạch sàn, bàn ghế nằm ngổn ngang...
Cần bảo tồn có chọn lọc
Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TP.HCM về quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn đối với Sở Xây dựng cuối tháng 9.2024, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương đã đề nghị cơ quan chức năng nêu rõ giải pháp đối với các biệt thự cũ phát sinh nhu cầu xây dựng trong thời gian chờ kiểm tra, phân loại nhằm bảo tồn giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử.
Ông Lê Trần Kiên - Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, thời điểm đó là Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tổng hợp và chuyển danh sách về Sở Quy hoạch - Kiến trúc để từng bước đưa ra Hội đồng phân loại biệt thự. Sở Xây dựng cũng đã triển khai đến các địa phương danh mục biệt thự ban đầu và danh mục được UBND TP.HCM quyết định phân loại.
"Tinh thần là giữ nguyên hiện trạng, không để xảy ra việc cải tạo đối với biệt thự chưa được phân loại. Đối với công trình chưa phân loại, khi chủ nhà có yêu cầu sửa chữa, nâng cấp, quận - huyện sẽ có văn bản xin ý kiến Hội đồng Phân loại biệt thự để cho ý kiến thống nhất việc sửa chữa bảo đảm kết cấu nguyên trạng hoặc cho phép tháo dỡ" - ông Lê Trần Kiên khẳng định.
Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng phối hợp xử lý vấn đề biệt thự cũ, hướng dẫn người dân trong quản lý, sửa chữa. Bởi hiện nay, nhu cầu cho thuê làm nhà hàng, quán cà phê rất nhiều, nếu không cho sửa chữa thì ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của chủ nhà. Trong khi đó, biệt thự cũ hiện khó bán vì giá cao và có những vướng mắc liên quan.
"Biệt thự nào dứt khoát bảo tồn thì không cho sửa chữa, còn lại cần có hướng dẫn cho người dân. Các sở, ngành liên quan có thể đề xuất thành phố xem xét, cần thiết thì mua lại biệt thự cũ để nhà nước quản lý, bảo tồn" - ông Phạm Thành Kiên nhấn mạnh.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng từng kiến nghị HĐND, UBND TP.HCM xem xét nhiều vấn đề liên quan biệt thự cũ. Trong đó, với biệt thự nhóm 1 có số lượng không nhiều, cần có chủ trương thu hồi hoặc trưng mua (nếu của tư nhân) để có điều kiện gìn giữ và phát huy giá trị của các biệt thự này.
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận bảo tồn biệt thự là tốt nhưng cách làm hiện nay còn nhiều bất cập, cảm tính và chưa khoa học. Ông Sơn góp ý việc giữ nguyên trạng chỉ nên áp dụng với những công trình gắn với sự kiện lịch sử mang tầm quốc gia, quốc tế và nên chọn những công trình thuộc quản lý nhà nước.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, nêu quan điểm do số lượng biệt thự cũ đã phân loại lên đến gần 600 nên việc bảo tồn cần có chọn lọc với số lượng vừa phải, theo các tiêu chí thời gian, giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc.
"Thành phố không nên giữ quá nhiều, chỉ nên gom lại số ít biệt thự nhưng đặc sắc. Thậm chí, nếu biệt thự nào là báu vật của nghệ thuật kiến trúc thì nhà nước nên mua lại, việc này nhằm nâng cao vai trò nhà nước trong bảo tồn" - ông Nguyên nhấn mạnh.
Không được phá dỡ nếu chưa hư hỏng nặng
Theo quyết định phê duyệt danh mục biệt thự cũ, UBND TP.HCM yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ tuân thủ các nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo. Trong đó, đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 1, phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Biệt thự nhóm 2 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Biệt thự nhóm 3 thực hiện theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng.
Chủ sở hữu không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng. Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại, phải làm theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, bảo đảm mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao như biệt thự cũ.
Bài và ảnh: Quốc Anh