Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế rượu, bia lên tới 100%

 22:29 | Thứ năm, 13/06/2024  0
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Đặc biệt, nước ngọt cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế này.

Cụ thể, với rượu 20 độ trở lên, Bộ Tài chính chọn phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030. Rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.

Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock


Theo dự kiến, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5.2025. Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Song, các mức này được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh theo lộ trình từ 2026-2030. Việc này nhằm tăng giá bán thêm 10%, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

"So với năm 2025, giá bán rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026. Các năm sau đó, giá các mặt hàng này sẽ thêm 2-3%, tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế", Bộ Tài chính cho biết.

Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, đồ uống Việt Nam, đến năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỉ lít bia, 350 triệu lít rượu, 9,1 tỉ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Bộ Tài chính cho rằng tiêu dùng rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồ uống có cồn (rượu, bia) có tính chất gây nghiện, dễ dẫn đến lạm dụng. "Áp dụng thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia. Việc áp thuế suất cao giúp giảm tiêu thụ, hạn chế lạm dụng sản phẩm này", Bộ Tài chính khẳng định.

Theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất ở người trưởng thành Việt Nam đã tăng từ 2,9 lít/người năm 2005 lên 7,9 lít/người năm 2019.

Tỷ lệ nam giới uống rượu bia ở mức cao, năm 2021 có 64,2% nam và 9,8% nữ hiện uống rượu bia trong 30 ngày qua. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại cũng đang rất phổ biến, đặc biệt ở nam giới (28,3% năm 2021).

Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỉ trọng thuế rượu, bia chiếm 40-85% giá bán lẻ.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.