Chơi một mình

 14:55 | Chủ nhật, 05/05/2024  0
Ra cửa rồi không biết đi đâu, lòng rỗng không, vô vị, thấy mọi người nhọc nhằn đi tới còn mình ham chơi mà quay lại đằng sau, phía không có ai, phía một mình.

Xe đứt sên cứng ngắc giữa dốc cầu, nắng ong óng trên đầu, điện thoại bảo cuộc họp đang chờ, mà bài đã xong chưa vậy bà ơi, báo sắp in rồi. Già tôi ngồi phịch xuống mặt đường nóng rẫy, tính coi còn gì nữa, trưa ăn cơm với khách, chiều làm báo cáo, đọc bản thảo, đón con về, nấu cơm, cho con nó ăn, xong đi đám tang một họ hàng, tối về lại cho con ăn, dỗ ngủ...

Ảnh minh họa: Pinterest


Bỗng thấy đời ta mỏi nhừ, mỏi mê mãi, triền miên. Bỗng nhớ bộ phim Hàn Quốc có anh đẹp trai bị xe đâm, không rõ là trúng đâu, chân hay đầu, nhưng quên mất tiêu quá khứ, quên cả chị người yêu đẹp gái, nhà nghèo. Hấp dẫn là từ cái mặt buồn nhăn buồn nhó anh chuyển qua hớn hở rạng rỡ cười. Trời ơi, già kêu lên, sao mình không quên thử chút chơi.

Và mặc kệ chiều đang đợi (và mai và mốt chực hờ sẵn tự hồi nào), già gọi điện thoại cho mấy đứa bạn hồi đó thân (nhưng bây giờ chừng ba tháng mới gặp một lần), rủ đi ăn kem. Đứa nào cũng kêu trời, tao mắc công chuyện quá. Cuối cùng, chỉ bốn đứa, mà không, tụi nó cũng đã thành con già, chạy lại, hỏi, “Ủa, Tư, bữa nay sao hứng bất tử vậy, có gì hôn ?” (ý sâu xa là bị chạm dây thần kinh nào ?).

Già tôi cười ngắc nga ngắc ngéo (thì mình đã thành người mới rồi, hỏng lẽ chơi cái mặt trầm tư hoài), “Trời nắng quá chừng, tự nhiên thèm ăn kem, như hồi đó...”.

Rồi già kêu bốn ly kem, dặn mình thong thả thôi, không có gì gấp gáp, ngắm cảnh đi, nhìn trời nhìn đất xa xa ấy, đừng có coi người ta chen chúc trên đường. Già tôi ngó cây me keo trước quán cũ giờ đã cỗi (y chang mình), một chòm cuối cùng xanh trơ trụi (mình đi qua lại hằng ngày có phát hiện ra đâu), nghe bốn con bạn đang thở dài nhìn nhau, sao lúc này tóc bạc quá trời.

Già tôi nhắc chuyện xưa, chuyện hồi mười tám, hai mươi, thuở hay cười, thuở nhẹ nhỏm rong chơi... Bốn đứa kia tươi tỉnh lên, bảo ừ, nhớ rồi, nhớ hồi còn đi học, tụi mình mê nhứt món chè ở đây, chiều nào cũng dụ dỗ mấy thằng con trai dẫn đi ăn, đến nỗi nghe tên quán Me Keo là tụi nó nghe... lạnh túi. Ừ, nhớ rồi, thằng Bay, thằng Bướm, hai đứa cũng đẹp trai hen, tội nghiệp, vì chiều chuộng mấy đứa mình mà tụi nó nhịn ăn sáng, mặt mày xanh dờn, thấy ớn. Một đứa chen vô, “hồi đó, chè, kem rẻ hơn bây giờ”.

Kỷ niệm như mảng tươi xanh bắt đầu lém vào những tâm hồn xám ngoét bỗng bị đá văng ra cái bụp. Ba đứa bạn than vãn một cách hào hứng, ừ, lúc này gạo cá gas lên giá thấy ghê. Ký nhận lương nhìn mớ tiền, muốn khóc. Đi chợ nhiều khi ngơ ngác như con điên, không biết mua gì, ăn gì... ông già bán nước mưa hôm qua bảo chuyến tới sẽ tăng giá hai ngàn một đôi, ổng nói tại vàng lên giá.

Ủa nước mưa trên trời rớt xuống mắc mớ gì tới vàng. Thì vậy mới kỳ... Và con gái sắp thi cuối cấp, má đau chân, chồng lơ là chuyện nhà, chắc là có bồ nhí ở ngoài... Già tôi thầm kêu lên hai tiếng trời ơi, mình đã như một sợi chỉ đứt rời, như ngọn cây bị cưa lìa, đã quên mà đám bạn bè vẫn bị đời trĩu nặng. Nên trông cái cách ăn kem cũng thấy tội. Đáng lẽ phải nhẩn nha múc từng miếng nhỏ, sướng rơn nghe cái lạnh dịu dàng buốt qua răng, ngọt ngào tan trên đầu lưỡi, bạn của già tôi nhai sồn sột (làm như đang nhai miếng thịt trâu luộc mẻ), nuốt trợn nuốt trạo, nuốt vội nuốt vàng.

Từng người, từng người một đã mắc bệnh thắc thỏm hết rồi, thắc thỏm nói thắc thỏm cười và thắc thỏm gánh đời lên đôi vai đã bắt đầu trĩu xuống. Tội nhất là Bé Tám, yêu vội, sớm chồng, con gái tật nguyền, mới xin được một chân quét dọn trong khách sạn, nhớ bạn mà không dám bỏ việc chạy lại chơi. Sao đời đau như thế mà chẳng muốn lìa, quên cho rồi, Tám cười trong điện thoại (mà giọng nghe như chớm nghẹn ngào), “Tao mà buông xụi con tao nó biết dựa vô ai…”.

Cả bốn đứa ngồi đây cũng vậy, chẳng ai quên chỗ đứng của mình (mà có vẻ không muốn quên), chưa kịp ăn thêm ly đá đậu, bốn đứa ào đứng lên về, bảo chiều nay quyết toán với tài chánh, bảo mắc may gấp cho khách cái áo dài, bảo tới giờ đi gom hụi...

Già tôi cũng nhấp nhổm, giờ này, đáng lẽ... nhưng rồi sực nhớ, ủa kỳ vậy, mình đang quên mừ. Vậy thì thong dong thôi, chơi cho đã đời. Mua về nửa ký hạt dưa, già tôi ngồi ở công viên cắn đến quá nửa trưa (và biết chắc chiều thể nào cũng chảy máu cam nhưng nhẩn nha như vầy sướng quá chừng, chẳng bù những lần tọng cả nắm vô miệng, nhai xong nhả xác). Xong già tôi chạy về nhà má, giăng cái võng ngoài vườn, nhìn mây trôi, gió trôi và nắng đang trôi về phía xế chiều.

Ngoài đồng có đám trẻ thả diều, ngơ ngác nhìn chị kia hát vống lên một câu vọng cổ (đơn giản vậy, mà gần mười năm ra chợ, mình chẳng có dịp nào để làm)... Sẵn trớn mắc ca, già ta đi thuê một phòng karaoke, vặn nhạc thật to, lắc lư gật gù cho đã đời, nhưng tới lúc tung tẩy ra về, ghé rạp chiếu phim, lòng bỗng se lại, thấy chơi một mình hơi... buồn. Sực nhớ cái anh chàng hồi xưa đã từng nói yêu mình, đã viết vô lưu bút mình hai câu thơ (sáo dễ sợ ) “Trăm tuổi không phai tình vụng dại. Ngàn năm thương nhớ mãi người xưa”...

Người tối tối hay leo lên tầng thượng của trường để ngắm trăng sao, chiều nghe chuông nhà thờ đổ, người biểu tôi nhắm mắt lại mới nghe hồn mình thấm đẫm âm thanh buồn bã và trong trẻo đó, tôi tưởng sau này người sẽ làm nhà thơ. Ai dè...

Già tôi đứng trong nhà người, nóng la mày mặt, sững sờ ngó mái tóc xanh dày giờ chớm bạc, nhắc chàng - lãng - mạn xưa, mà như không tin được cái người đó bây giờ đang ngồi đây, đang cười nhấp nhổm, nhấp nhổm ờ ờ, vậy ha vậy hả. Chớ tâm trí đâu khi heo dưới chuồng đang đói, chúng la eng éc như ... kèn.

Chàng nhấp nhổm biểu em ngồi chơi anh đi trộn cám cái đã. Vợ chàng đang đứng bếp nấu nồi cặn cơm, cứ tần ngần, ngại thiệt, lâu lâu chị lại chơi mà bầy heo quậy quá trời. Già tôi đứng giữa mù mịt khói, nhìn chàng đang hùng hục làm lụng, cám vương trắng tóc, tự nhiên nghe lòng buồn thê thiết, buồn không xiết, bảo thôi, về.

Ra cửa rồi không biết đi đâu, lòng rỗng không, vô vị, thấy mọi người nhọc nhằn đi tới còn mình ham chơi mà quay lại đằng sau, phía không có ai, phía một mình. Không có gì để làm, không sống cho ai, vì cái gì… để đi qua tháng ngày dài phía trước.

Bỗng nhớ quá cái gánh đời vừa thử cho rơi bên cỏ...

Nguyễn Ngọc Tư

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.