Tên người Pháp dành cho phố Hàng Bè là Rue des Radeaux, tức phố của những chiếc bè. Khác với những phố Hàng khác, tên gọi của phố Hàng Bè không phản ánh loại hàng hóa đặc trưng của nó. Con phố này được đặt tên dựa trên vị trí đặc thù và loại phương tiện di chuyển gắn với cư dân địa phương. Để thử lý giải sự khác biệt này, ta cần “theo bè” ngược dòng lịch sử.
Bản đồ Hà Nội năm 1873 của nhà địa lý Frederic Romanet du Caillaud.
Làng nghề - một nguồn gốc khởi sinh các phố Hàng
Thuở xưa, kinh tế làng Việt cổ truyền không nhất thiết thuần túy nông nghiệp, cho dù nông nghiệp vẫn là sinh kế chủ đạo. Chợ làng giữa các liên làng chính là mầm mống kinh tế nông thôn cũng như kinh tế hàng hóa đầu tiên, thúc đẩy thủ công nghiệp và thương nghiệp. Từ chỗ kinh tế chợ trong làng quy mô nhỏ, vốn ít, mặt hàng chủ yếu là nông phẩm và nhu yếu phẩm, thì dần dần kinh tế nông thôn bước sang phường hội thủ công nghiệp mang tính chất thành thị, có thể khái quát bằng “từ chợ lên phố”.
Bản chất của các phường nghề hay phố nghề là do sự chuyển dịch của dân các làng nghề đến thành phố buôn bán rồi kinh doanh và định cư. Mối quan hệ giữa kinh thành Thăng Long và các làng nghề thủ công truyền thống trong giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX đã minh chứng việc các làng nghề là nơi cung cấp nguyên liệu, nhân lực và kỹ nghệ cho các phố ngành nghề, trong khi các phố này là thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề.
Phố Hàng Bè đầu thế kỷ XX. Ảnh: TL
Nhu cầu dành cho các sản phẩm thủ công nghiệp ngày một lớn, cùng với sự xuất hiện của các đô thị mang tính chất thương mại như Thăng Long, Phố Hiến. Những làng nghề ven đô này chính là cơ sở để thiết lập và hình thành các phố nghề trong nội thành Hà Nội.
Mỗi làng nghề nổi tiếng ven đô dần dần đều có “đại diện” của mình ở đất Thăng Long kinh kỳ. Do đó, không ít ngõ nghề, phố nghề tại kinh đô có gốc là các làng nghề Hà Tây, chẳng hạn như phố Hàng Tiện và phố Tô Lịch xa xưa có cùng nguồn gốc từ làng tiện gỗ Nhị Khê (Thường Tín), hoặc những hiệu may nổi tiếng như An Trạch, Vạn Trạch, Đức Trạch, Vinh Trạch trên phố Lương Văn Can (thời Pháp là phố Lê Quý Đôn) khởi phát từ nghề may áo dài ở làng Trạch Xá (Ứng Hòa)…
Chợ Hàng Bè phía ngõ Cầu Gỗ năm 1975. Ảnh tư liệu
Một phố Hàng khác lớn lên cùng đô thị sông
Phố Hàng Bè không xuất phát từ một làng nghề ven đô cụ thể, cũng không có tổ nghề, và bè cũng không phải là mặt hàng chính yếu. Trên thực tế, nó là chợ thay vì phố nghề. So với các phố Hàng khác, phố Hàng Bè nguyên thủy nằm ở vị trí rìa, ngoại vi khu phố cổ, cận sông Hồng.
Trong lịch sử, “nhất cận thị, nhị cận giang” là quy ước mặc định tồn tại trong tâm thức Việt (một số dị bản còn bổ sung thêm “tam cận lộ”). Như vậy để thấy, tiêu chí gần chợ và gần sông nước thậm chí còn xếp trên tiêu chí gần đường. Nghiễm nhiên, chợ và sông là hai yếu tố quan trọng cấu thành đô thị Việt Nam trong lịch sử, cụ thể là đô thị sông nước. Nhu cầu thương nghiệp, trao đổi hàng hóa là nhu cầu tất yếu khi các làng đã vượt qua hạn mức tự sản tự tiêu, tự cung tự cấp và có sản phẩm đặc thù.
Chợ Hàng Bè khu vực ngã ba Hàng Bè - Gia Ngư năm 1992. Ảnh: Henk Stakelbeek
Mạng lưới sông cung cấp một con đường vận chuyển nông sản lẫn hàng hóa thuận tiện và giá thành rẻ. Hơn nữa, trước đây khi hệ thống các tuyến đường bộ chưa có nhiều, người Việt cổ hoạt động thương mại chủ yếu bằng đường thủy. Các thương thuyền chở hàng buôn bán, đối lưu từ đồng bằng lên miền thượng du, thường cập hai bên bờ sông để mua bán trao đổi. Vì thế, những khu vực ven sông, và những nơi có các bến thuyền thường là những nơi trù phú, nhà cửa chợ búa đông đúc, mua bán tấp nập, trở thành địa điểm lý tưởng để tụ cư, kiến tạo các tiểu đô thị - dạng thị trấn thị tứ ven các hệ thống sông miền Bắc.
Thăng Long hiển nhiên là một đô thị sông nước. Nằm ở trung tâm của mạng lưới đường thủy, địa giới nội thành Thăng Long bị giới hạn bởi ba con sông Hồng, sông Tô và sông Kim Ngưu, tạo khả năng thông thương thuyền bè trao đổi hàng hóa với sông Đáy và sông Nhuệ. Nơi đây cũng đóng vai trò là trung tâm chợ - thương mại (do đó xuất hiện cái tên Nôm Kẻ Chợ), với bốn chợ chính nội đô Đông, Tây, Nam, Bắc và mạng lưới các chợ ven đô hình thành cùng với các làng nghề thủ công.
Chợ Hàng Bè trước khi bị giải tỏa vào năm 2009. Ảnh tư liệu: Dân Trí
Vị trí quan yếu của phố Hàng Bè ở chỗ vốn dĩ nó là một phần của đê sông Hồng cũ, thuộc thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc. Đến thế kỷ XIX, thôn Nam Hoa đổi tên thành Nam Phố và tổng Hữu Túc đổi thành Đông Thọ, huyện Thọ Xương cũ. Khúc đê này bởi thế mới có tên Hàng Bè, còn phía trên đê, nhờ vào vị trí sát sông, bắt nối với tuyến đường thủy của nó, mới hình thành chợ.
Không chỉ có các bè gỗ, nứa, song, mây chở vật liệu làm nhà từ miền ngược trở về cập vào đây để tiêu thụ, mà còn có cả sự hiện diện các thuyền mành của lái buôn Việt chở nông sản Đàng Trong như vây cá, tôm he, cá khô, nước mắm, cau khô, đường Quảng, vật dụng như chén bát, giấy hàng mã, vải, nồi đồng, mâm thau, hoặc thuyền đinh lớn của lái buôn Trung Hoa chở theo các xa xỉ phẩm như hoành phi câu đối, khám thờ, tủ chè… khiến Hàng Bè trở nên tấp nập và xuất hiện các hiệu buôn Hoa kiều lớn.
Đoạn giao phố Hàng Bè và Gia Ngư ngày nay. Ảnh: Thạch Thảo
Từ đê sang phố chợ
Sau quá trình cát bồi tụ, dòng chảy của sông chuyển sang phía Đông và lòng sông dần rút xa, bè không thể cập vào chân đê, thì lúc này đây đê trở thành phố. Từ cơ sở mạng lưới trao đổi và tập quán thương mại có sẵn, phố Hàng Bè chuyển mình từ bến giao thương thành một không gian giao lưu, mậu dịch và văn hóa dành cho dân phố cổ. Tuy nhiên, việc không còn “cận giang” đồng thời khiến phố không còn nhà buôn lớn, chỉ còn các tiểu thương buôn bán nhỏ.
Biến thiên theo thời gian, phố Hàng Bè cũng có những lần thay đổi tên gọi (năm 1920 đổi thành Rue Hulet), hoặc thậm chí có tên gọi song hành thể hiện mặt hàng chủ đạo trong một thời điểm nhất định (phố Hàng Cau vào những năm 1920 - 1930).
Con phố cũng từng là nơi cư ngụ của một số gương mặt trí thức đầu thế kỷ XX. Nhà số 15 Hàng Bè là tư gia của Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh, 1906 - 1963), người khởi xướng phong trào Tự Lực văn đoàn, chủ bút tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết (1912 - 1995), một bác sĩ thuộc lớp đầu tiên của trường Y Đông Dương, có luận đề nghiên cứu về lốt in ngón tay người Việt Nam (*), sau này tham gia kháng chiến chống Pháp, từng sinh sống tại nhà số 10 Hàng Bè, được xây dựng vào năm 1938.
Phố Hàng Bè hiện tại Ảnh: Thạch Thảo
Phố Hàng Bè được trả lại tên gọi cũ vào năm 1945. Ngày nay phố Hàng Bè kéo dài từ ngã tư tiếp giáp phố Hàng Thùng - Hàng Dầu - Cầu Gỗ tới ngã ba tiếp giáp phố Hàng Bạc - Hàng Mắm. Con phố tuy chỉ dài 180m, nhưng thực thể chợ Hàng Bè mở rộng ra cả ngã tư Gia Ngư - chợ Cầu Gỗ và kéo dài đến tận nút giao với phố Hàng Đào. Mặc dù lọt giữa hai chợ lớn là chợ Đồng Xuân và Long Biên, nhưng chợ Hàng Bè vẫn thu hút một lưu lượng lớn khách từ cả nơi xa chứ không riêng dân phố cổ.
Với nền cốt là một tinh thần thương mại đã ăn sâu kéo dài hơn trăm năm, chợ Hàng Bè vẫn bảo lưu được tập quán trao đổi buôn bán và tính chất tự quản cao. Trước khi bị chính quyền giải tỏa vào năm 2010, chợ được tổ chức dưới hình thức các lều lán nhỏ dựng tạm, mỗi người kinh doanh một ô, một khoảnh tự quy định với nhau, trong khi bốn đầu phố vào chợ bị ngăn lại, không cho xe cộ lưu thông. Hậu giải tỏa, chợ được thu lại vào các cửa hàng bán tại nhà mặt phố, nhưng mật độ khách đông đảo là tác nhân góp phần khiến công cuộc tái chiếm vỉa hè tương đối thành công, duy chỉ còn thiếu “đặc quyền” chiếm dụng lòng đường trước đây.
Chợ Hàng Bè ngày giáp Tết. Ảnh: Vietnamnet
Vài năm trở lại đây, danh xưng “chợ nhà giàu” đã được gán cho chợ Hàng Bè. Đặc biệt vào những ngày cận Tết Nguyên đán, mặt hàng đồ cúng mang phong vị cổ truyền như gà luộc, xôi gấc, nem gói, giò chả, thịt đông, cá kho, dưa hành... trở nên vừa đắt khách lẫn vừa… đắt đỏ so với mặt bằng chung thị trường. Một thương hiệu một khi đã được định vị và biết đến rộng rãi, thì sức sống của nó hẳn sẽ rất lâu dài.
Nhìn phố - chợ Hàng Bè, là thấy một sự vận động không chỉ một con phố, mà là sự chuyển biến từ chợ quê lên chợ phố, cũng như sự tồn tại bền vững của văn hóa chợ giữa lòng đô thị, hay tính chất thương mại không bao giờ tách rời khỏi một đô thị.
Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)
______________
(*) Báo Khoa Học, số 205, 1.1.1939