Đã đến lúc các nghệ sĩ nên nhìn lại cách làm từ thiện của mình

 21:46 | Thứ sáu, 28/05/2021  0
Nghệ sĩ cứu trợ mà đủng đỉnh, thích thì trao, quên thì xin lỗi, khó mà chấp nhận. Cộng đồng, khán giả thừa khả năng đánh giá.

Giữa lúc dịch bệnh bùng phát căng thẳng, cả nước dồn sức chống trả quyết liệt; dư luận xã hội vẫn không bớt nóng việc các nghệ sĩ vận động quyên góp cứu trợ nhưng chậm trao quà. Người bênh thì ít, người lên án thì nhiều. Bên nào cũng có lý lẽ riêng. Một số kẻ còn lo lắng: "Cứ như này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa. Rồi ai sẽ cứu người dân?", hay "Làm việc thiện mà cứ bị soi mói, công kích thế này, không ai muốn rước rắc rối vào thân. Chỉ có người khổ, người cần cứu trợ là thiệt thòi".

Nói vậy, không chỉ buồn cười mà còn cảm thấy… xúc phạm. Đừng "lo bò trắng răng", đừng gắn việc một số nghệ sĩ làm từ thiện với việc cứu dân. Đoàn kết, tương trợ “Lá lành đùm lá rách”… là tính cách và truyền thống người Việt bao đời nay, từ thời chưa có danh xưng “nghệ sĩ”. Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận sự đóng góp thiết thực, cụ thể của mọi người, mọi thành phần, trong đó có nghệ sĩ.

Nghệ sĩ làm từ thiện, dù là bỏ tiền túi hay bỏ công kêu gọi, tổ chức là những hành động thể hiện một phần trách nghiệm của nghệ sĩ với cộng đồng. Dư luận quan tâm tới những việc làm này là điều đáng mừng. Còn rắc rối hay không là do động cơ, cách làm của từng nghệ sĩ, cả vô tình lẫn cố ý.

Phải đến khi dư luận phanh phui (chứ không phải soi mói như ai đó lên án), nghệ sĩ mới giật mình xin lỗi, giải trình. Nếu không, chưa biết các nghệ sĩ sẽ quên tới bao giờ? Tiếc gì mấy lời nói, vài dòng chữ cho các nhà hảo tâm, lẫn người dân biết lý do chưa kịp trao quà. Đáng trách là sự im lặng kéo dài hơn nửa năm. Phải chăng các nhà hảo tâm đã "trao nhầm địa chỉ"?

Trấn Thành và Hoài Linh là những nghệ sĩ gây ồn ào trong mấy ngày qua về việc sử dụng tiền từ thiện ủng hộ cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Ảnh: Lê Nhân/Báo Thanh niên

Khi tặng quà, nhà hảo tâm nào cũng muốn quà đến thật nhanh, kịp thời và tận tay người nhận. Họ đã tin tưởng vào các nghệ sĩ. Người nghệ sĩ bỏ ít thời gian làm việc này. Đổi lại, hình ảnh được PR rộng rãi, từ người nhận trực tiếp đến công chúng thông qua truyền thông và mạng xã hội. Làm từ thiện mà sợ khó, tốt nhất là không làm.

Mọi hành vi của con người đều có mục đích riêng. Từ việc nhỏ đến chuyện lớn. Chuyện làm từ thiện cũng vậy. Với các tu sĩ hoặc tín đồ tôn giáo, đó là việc làm tích đức cho đời sau. Có người làm từ thiện để trả ơn cuộc đời. Có người làm để lòng thanh thản. Không ít người làm để PR. Cách nào cũng được. “Của cho không bằng cách cho”.

Riêng chuyện PR cũng phải công bằng và đừng quá lố. Mọi hoạt động xã hội đều có khả năng PR nhất định, thể hiện cả tính cách lẫn mục đích của người tổ chức. Dù không có chủ đích, tự thân các hoạt động từ thiện cũng sẽ PR cho nhà tổ chức. Khác hẳn với những đơn vị lấy quảng cáo làm mục đích, từ thiện chỉ là phương tiện.

Việc các nghệ sĩ vận động quyên góp và tổ chức cứu trợ rất đáng hoan nghênh. Thực tế đã chứng minh cả hiệu quả lẫn những bất cập. Không chỉ cần minh bạch mọi nguồn thu, chi mà cần rạch ròi cả việc thông tin tài trợ, trừ khi các nhà tài trợ yêu cầu dấu tên. Nếu tự bỏ tiền thì việc tổ chức thế nào là quyền của từng nghệ sĩ.

Nếu nghệ sĩ chỉ quyên góp rồi tổ chức trao thì phải công bố cho truyền thông và người nhận biết, số tiền tài trợ từ đâu. Lâu nay, cứ lập lờ một chiều việc các nghệ sĩ trao quà từ thiện, làm không ít người ngộ nhận, tiền đó là của nghệ sĩ. Nhà hảo tâm có tiền, người nghệ sĩ có công. Tôi không tin là có nghệ sĩ nào dám bớt xén tiền quà cứu trợ.

Hình như thích nhận về mình công lao của người khác là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay? Cần lên án mạnh mẽ để thói quen này không trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt? Không riêng gì các nghệ sĩ. Rất nhiều chương trình, bao bì quà tặng chỉ ghi đơn vị tổ chức mà quên mất các nhà hảo tâm.

Việc chậm trễ cứu trợ vì nghệ sĩ muốn giao trực tiếp để PR thêm hình ảnh mà chưa lường hết những hệ lụy từ cách nghĩ giản đơn của mình. Làm từ thiện thật phải khẩn trương, kịp thời, hiệu quả. Cứu trợ phải như cứu hỏa. “Miếng khi đói bằng gói khi no”. Trong cơn hoạn nạn, món quà nhỏ cũng mang ý nghĩa lớn.

Cứu trợ mà đủng đỉnh, thích thì trao, quên thì xin lỗi, khó mà chấp nhận. Cộng đồng, khán giả thừa khả năng đánh giá.

Và cũng đã lúc các nghệ sĩ nên nhìn lại cách làm từ thiện mình.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.