Ngày 6.4, UBND thành phố Đà Lạt có văn bản gửi Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đề nghị góp ý dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt, để có cơ sở hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trước khi triển khai thực hiện.
Văn bản cho biết dự thảo đã được chỉnh sửa, bổ sung theo nội dung Thông báo số 64 ngày 29.3.2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Một góc chợ đêm Đà Lạt ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: CTV
Theo đó, dự thảo đề xuất 6 mô hình kinh tế đêm thí điểm triển khai giai đoạn 2022 - 2025, gồm:
Mô hình công viên nhạc nước
Hoạt động tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt. Hình thành mô hình tham quan, mua sắm về đêm: Mô hình nhạc nước đa phương tiện tại 3 vị trí trong khuôn viên của vườn hoa (kết hợp giữa nước, nhạc và ánh sáng tạo nên những vũ điệu ấn tượng và đẹp mắt; các vòi phun nước được điều khiển thông qua lập trình sẵn phun nước theo giai điệu kết hợp với ánh sáng lung linh, độc đáo trong đêm tạo sức thu hút khán giả).
Xây dựng các tiểu cảnh hoa theo mùa kết hợp với hệ thống đèn LED trang trí, đèn chiếu sáng cảnh quan, khu vực hài hòa, tôn lên nét đẹp các tiểu cảnh phục vụ cho hoạt động tham quan, chụp hình về đêm. Lắp đặt sân khấu trên mặt nước, mời các ca sỹ, ban nhạc, ảo thuật gia nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia biểu diễn nghệ thuật, ảo thuật hàng đêm.
Bố trí, sắp xếp và hình thành thêm các gian hàng tham quan, mua sắm tại các vị trí phù hợp với các mặt hàng mỹ nghệ, đặc sản, nông sản đặc thù của thành phố Đà Lạt.
Hình thức hoạt động theo mô hình tham quan có thu phí; loại hình đầu tư dài hạn, thu hồi vốn thông qua bán vé tham quan. Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị thực hiện đầu tư từ nguồn vốn của đơn vị hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vườn hoa thành phố Đà Lạt được tạo lập năm 1966, tọa lạc tại đường Bà Huyện Thanh Quan. Ảnh: CTV
Lộ trình thực hiện dự kiến: Quý III.2022 hoàn thiện thiết kế thi công và báo cáo kinh tế kỹ thuật trình UBND thành phố Đà Lạt xem xét phê duyệt. Quý IV.2022 tổ chức triển khai xây dựng hoàn thành mô hình. Đầu quý I.2023 tổ chức hoạt động thí điểm, bước đầu chỉ tổ chức hoạt động vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Quý II.2023 tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình để xem xét, hoàn thiện mô hình.
Mô hình khu phố đi bộ
Hoạt động tại đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố) với chiều dài 1.600m. Hình thành khu phố đi bộ với các loại hình: Hoạt động biểu diễn nghệ thuật thu hút các nhóm nhạc, vũ điệu đường phố, trượt patin nghệ thuật, chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, chế tác thủ công, mỹ nghệ.
Hoạt động mua sắm với mô hình các toa xe lửa trang trí đẹp, bố trí toa xe uốn lượn theo cung đường, hài hòa với cảnh quan khu vực; bố trí kinh doanh ẩm thực nhẹ (thức ăn nhanh, món nướng, thức uống nóng), kinh doanh nông sản, đặc sản địa phương.
Hoạt động tham quan mặt hồ, chuyên chở khách bằng các thuyền trang trí đẹp từ khu vực Quảng trường Lâm Viên sang khu phố đi bộ (Từ cầu chữ Y đối diện Quảng trường, cầu chữ Y đối diện Nhà nghỉ Công đoàn sang các cầu chữ Y thuộc khu phố đi bộ).
Hình thức thực hiện: Nhà nước kêu gọi đầu tư theo hình thức cho thuê đất, mặt nước trả tiền hàng năm, nhà đầu tư trúng thầu tổ chức thực hiện mô hình theo phương án được duyệt; thu hồi vốn thông qua hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc cho thuê mặt bằng, thu phí vận chuyển (thuyền hoa).
Đối với loại hình tham quan không thu phí (khu phố đi bộ): Nhà đầu tư xây dựng các gian hàng, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để thu hút khách đến với khu phố đi bộ, tự tổ chức hoạt động kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, quầy kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Loại hình có thu phí (loại hình chuyên chở khách bằng thuyền hoa): Nhà đầu tư xây dựng mô hình thuyền hóa theo thiết kế được duyệt.
Kinh phí thực hiện đầu tư mở rộng đường giao thông từ vốn ngân sách nhà nước; đầu tư thực hiện mô hình khu phố đi bộ từ nguồn vốn nhà đầu tư.
Vị trí khu vực đường Trần Quốc Toản, đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố (còn gọi là Vườn hoa Bích Câu) trên Google map
Lộ trình thực hiện dự kiến: Năm 2022 UBND thành phố Đà Lạt xây dựng phương án mở rộng đường giao thông (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố) trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương, bố trí kinh phí thực hiện.
Sau khi chủ trương mở rộng đường giao thông được phê duyệt, UBND thành phố Đà Lạt xây dựng dự án trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thi công, hoàn thành trong năm 2023.
Năm 2022 xây dựng phương án đấu thầu theo hình thức cho thuê đất, mặt nước trả tiền hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để tiến hành kêu gọi đầu tư. Năm 2023 tổ chức kêu gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư xây dựng phương án, thiết kế trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quý I.2024 nhà đầu tư triển khai xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động theo phương án, thiết kế được duyệt. Quý II.2024 tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai hoàn thiện mô hình.
Mô hình chợ đêm
Hoạt động tại khu vực Công viên Ánh Sáng. Hình thành chợ đêm mới với hình thức hiện đại, mỹ quan hơn, phương thức quản lý hiệu quả hơn thay thế cho mô hình chợ đêm hiện nay tại đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Hình thành các gian kinh doanh thương mại với các sản phẩm hàng lưu niệm, hàng hóa đặc trưng của Đà Lạt, các gian hàng ẩm thực đêm. Bố trí hoạt động chế tác tranh ảnh nghệ thuật, chế tác hàng lưu niệm, biểu diễn ảo thuật, vũ điệu.
Hình thức thực hiện: Nhà nước kêu gọi đầu tư theo hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm, nhà đầu tư trúng thầu tổ chức thực hiện mô hình theo phương án, thiết kế được duyệt; thu hồi vốn thông qua hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc cho thuê mặt bằng, thu phí dịch vụ giữ xe.
Kinh phí thực hiện đầu tư bãi đậu xe ngầm và chợ đêm từ nguồn vốn của nhà đầu tư; Ngân sách nhà nước đầu tư công viên cảnh quan.
Khu vực Công viên Ánh Sáng được định hướng hình thành chợ đêm mới thay thế cho mô hình chợ đêm hiện nay tại đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: CTV
Lộ trình thực hiện dự kiến: Quý II - Quý III.2022 hoàn thiện quy hoạch khu công viên Ánh Sáng trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Quý IV.2022 xây dựng phương án đấu thầu theo hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để tiến hành kêu gọi đầu tư.
Quý I - Quý II.2023 tổ chức kêu gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quý II - Quý III.2023 nhà đầu tư xây dựng phương án, thiết kế trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quý IV.2023 - Quý II.2024 nhà đầu tư triển khai xây dựng phương án, thiết kế được duyệt. Quý II.2024 tổ chức hoạt động thí điểm; đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai hoàn thiện mô hình.
Mô hình tuyến phố ẩm thực
Hoạt động tại khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ với tổng chiều dài 900m. Hình thành tuyến phố ẩm thực với các món ăn đặc trưng của các vùng miền Việt Nam. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh hiện có đầu tư, nâng cấp mở rộng hoạt động kinh doanh về đêm với loại hình kinh doanh ẩm thực độc đáo với các món ăn đặc trưng của các vùng miền Việt Nam, hàng lưu niệm, đặc sản đặc trưng của Đà Lạt.
Trang trí đèn chiếu sáng, đèn trang trí tại khu vực thẩm mỹ nhằm thu hút sự tham gia của du khách. Các cơ sở kinh doanh đầu tư thêm các loại hình văn hóa, nghệ thuật, hoạt động mua sắm phù hợp để thu hút khách.
Vị trí khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ trên Google map
Sau khi lấy ý kiến nhân dân tại khu vực, nếu có trên 80% ý kiến đồng ý, nhà nước cho chủ trương thực hiện mô hình tuyến phố ẩm thực; người dân sinh sống trong khu vực tự đầu tư hoặc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê mặt bằng để kinh doanh.
Lộ trình thực hiện dự kiến: Tháng 6.2022 tổ chức lấy ý kiến người dân sinh sống trong khu vực đường Trần Lê. Quý II.2022 tổ chức tập huấn triển khai mô hình. Đầu quý III.2022 tổ chức hoạt động, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối năm 2022 và triển khai các hoạt động tiếp theo.
Mô hình tuyến phố đêm
Hoạt động tại đường Ba tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (phường 1, thành phố Đà Lạt). Hình thành tuyến phố đêm với các loại hình hoạt động: nightclub, pub, bar, game, cà phê, ẩm thực, mua sắm vào ban đêm.
Sau khi lấy ý kiến nhân dân tại khu vực, nếu có trên 80% ý kiến đồng ý, nhà nước cho chủ trương thực hiện mô hình tuyến phố ẩm thực; các cơ sở hiện có tổ chức hoạt động xuyên đêm, người dân sinh sống trong khu vực tự đầu tư hoặc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê mặt bằng để kinh doanh.
Vị trí tuyến đường Ba tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (phường 1, thành phố Đà Lạt) trên Google map
Lộ trình thực hiện dự kiến: Tháng 6.2022 tổ chức lấy ý kiến người dân sinh sống trong khu vực. Quý II.2022 nâng cấp cơ sở hiện có, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các cơ sở mới. Đầu quý IV.2022 tổ chức hoạt động, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối năm 2022 và triển khai các hoạt động tiếp theo.
Khu vực Quảng trường Lâm Viên
Mô hình kinh tế đêm tại Quảng trường Lâm Viên sẽ nâng cấp, tăng thời gian phục vụ và phát triển mới các dịch vụ mua sắm cao cấp, ẩm thực, vui chơi, giải trí hiện hữu tại: khu vực Quảng trường, Trung tâm thương mại Go! Đà Lạt, Trung tâm thương mại quốc tế (đang triển khai xây dựng) như cà phê, rạp chiếu phim, bowling, hoạt động mua sắm…
Tiếp tục các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại khu vực quảng trường như đi bộ, chụp hình check in, trượt patin, văn nghệ đường phố, vận động sự tham gia của các đoàn viên thanh niên, các nhóm nghệ thuật quần chúng, nhóm nhảy để làm phong phú, đa dạng hoạt động tại khu vực.
Đối với hoạt động kinh doanh: Nhà nước cho chủ trương, cơ sở kinh doanh hiện hữu, nhà đầu tư thực hiện theo phương án được duyệt.
Đối với hoạt động vui chơi, giải trí công cộng: nhà nước định hướng, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia để làm phong phú, đa dạng hoạt động tại khu vực.
Lộ trình thực hiện dự kiến: Qúy II.2022 tổ chức làm việc với các cơ sở kinh doanh, nhà đầu tư tại khu vực để triển khai các hoạt động về đêm; xây dựng kế hoạch hoạt động tại khu vực công cộng. Quý IV.2022 tổ chức hoạt động, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối năm 2022 và triển khai các hoạt động tiếp theo.
Quảng trường Lâm Viên với các kiến trúc hoa dã quỳ, atisô... tọa lạc ở đường Trần Quốc Toản, đối diện hồ Xuân Hương. Ảnh: CTV
Ngoài 6 mô hình kinh tế đêm đề xuất thí điểm, dự thảo cũng đưa ra kế hoạch phát triển mô hình kinh tế đêm tương lai với 8 khu vực:
Khu giải trí đêm tại tầng hầm sân Golf Đà Lạt: mô hình giải trí về đêm tại sân Golf Đà Lạt (tầng hầm giáp khu phố đi bộ) với tổ hợp các loại hình vui chơi, giải trí như bar, ăn uống, rạp chiếu phim, game,… Mô hình này sẽ bổ sung cho mô hình khu phố đi bộ tạm ngưng hoạt động vào những ngày mưa bão. Nhà nước cho chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện theo phương án, thiết kế được duyệt.
Khu trung tâm Hòa Bình: Hình thành khu trung tâm phức hợp đa chức năng với nhiều loại hình dịch vụ và giải trí hiện đại phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch. Kêu gọi đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ sở hiện có đầu tư dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm.
Công viên Bà Huyện Thanh Quan: Xây dựng công viên cảnh quan kết hợp với hình thành mô hình vui chơi, giải trí có quy mô lớn, hiện đại. Kêu gọi đầu tư.
Khu dân cư Lữ Gia: kết hợp với phố đi bộ, chợ đêm tại khu vực phía bắc hồ Xuân Hương với định hướng hình thành tuyến phố kiểu mẫu được đồng bộ về tiện ích, hạ tầng xã hội, hạ tầng kiến trúc, đảm bảo về dịch vụ; định hướng phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực. Kêu gọi đầu tư.
Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm: Hình thành tổ hợp các mô hình vui chơi, giải trí về đêm tại Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, trong đó phát triển các mô hình mới như casino, dịch vụ vui chơi có thưởng, các loại hình giải trí mới lạ về đêm nhằm phát huy hết tiềm năng của khu du lịch. Kêu gọi đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ sở hiện có đầu tư dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm.
Khu Du lịch Hồ Prenn: Hình thành tổ hợp các mô hình lưu trú, tham quan du lịch kết hợp với hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Kêu gọi đầu tư.
Khu dân cư mới Cam Ly: Hình thành tổ hợp khu dân cư cao cấp, dịch vụ du lịch và hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Kêu gọi đầu tư.
Khu phố đi bộ dọc theo tuyến suối Cam Ly (hạ lưu suối Cam Ly, từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly): Xây dựng tuyến phố đi bộ cảnh quan kết hợp với hoạt động tham quan, giải trí về đêm dọc theo tuyến suối Cam Ly. Kêu gọi đầu tư.
Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm với định hướng kinh tế đêm phát triển các mô hình mới như casino, dịch vụ vui chơi có thưởng, các loại hình giải trí mới lạ về đêm. Ảnh: CTV
Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt cho biết mục tiêu hình thành, phát triển các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ vào ban đêm nhằm khai thác, phát huy tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của địa phương, qua đó góp phần tác động tích cực trong việc thay đổi diện mạo ban đêm của thành phố Đà Lạt, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Phát triển kinh tế ban đêm nhưng đồng thời phải hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực của kinh tế đêm đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
“Việc phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên thiên, văn hóa người Đà Lạt “Thanh lịch – Hiền hòa – Mến khách”, với sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư thành phố Đà Lạt làm cơ sở để quy hoạch thu hút đầu tư các khu dịch vụ tập trung, theo chủ đề, có sự liên kết, giao thoa, có tính trọng điểm và quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí ẩm thực về đêm của nhân dân địa phương và du khách”, dự thảo cho biết.
Hữu Tiến – Hoàng Khải