Đàn ông bị ung thư vú: Cảnh giác yếu tố làm tăng nguy cơ

 10:28 | Thứ tư, 10/01/2024  0
Theo cảnh báo của chuyên gia và bác sĩ, ung thư vú nam thường chẩn đoán ở giai đoạn trễ hơn ung thư vú nữ, do đa số người bệnh thiếu nhận thức rằng nam giới có thể phát triển ung thư vú và thiếu thăm khám sức khỏe, tầm soát định kỳ căn bệnh mà nghiên cứu dịch tễ gần đây cho thấy tần suất đang gia tăng đến 1,1% mỗi năm.

U ác mà nghĩ u lành

Một ca lâm sàng ung thư vú nam đang điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vừa được GS-TS-BS. Mai Trọng Khoa, PGS-TS-BS. Phạm Cẩm Phương, ThS-BS. Lê Văn Long báo cáo, cho biết bệnh nhân nam 75 tuổi, quê ở Nam Định. Khoảng sáu tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân tự sờ thấy khối u vú trái, không đau tức, đi khám tại y tế cơ sở đã nghĩ nhiều đến u lành tính, không cần điều trị.

Khoảng một tháng trước khi vào viện, bệnh nhân thấy khối u vú trái to dần, kèm theo đau tức tuyến vú trái, dùng thuốc không đỡ. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, được chẩn đoán theo dõi ung thư tuyến vú trái / stent mạch vành, nhập viện điều trị tiếp (bệnh nhân đã đặt stent mạch vành hai lần, đang duy trì thuốc tim mạch…).

Kết quả thăm khám ghi nhận tuyến vú trái tại vị trí 1/2 trên ngoài cách núm vú 1cm có khối u vú kích thước 2 x 2,5cm, chắc, ranh giới không rõ, còn di động. Tuyến vú phải không sờ thấy u. Hạch nách hai bên không sờ thấy. Hạch ngoại vi không sờ thấy… Trên hình ảnh siêu âm tuyến vú vị trí 1/2 trên ngoài, cách núm vú 1,5cm có khối u vú trái 2 x 2,5cm. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ tuyến vú có khối u ngay dưới núm vú trái kích thước 21 x 28mm, chưa xâm lấn cơ thành ngực, bờ không đều, co kéo núm vú, không có hạch bất thường.

Sinh thiết u vú trái dưới hướng dẫn siêu âm cho kết quả ung thư biểu mô xâm nhập độ II, ER dương tính 90%, PR dương tính 10%, Ki67 dương tính 10%. Hình ảnh chụp PET-CT có khối đặc tăng chuyển hóa FDG ở 1/2 trên ngoài kích thước 33 x 19mm, ngay sát núm vú trái, có vôi hóa thô bên trong, chưa xâm lấn cơ ngực. Chẩn đoán xác định bệnh nhân ung thư vú trái/stent mạch vành, giai đoạn 2. 

Bệnh nhân được hội đồng hội chẩn về ung thư vú tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ định điều trị phẫu thuật Patey tuyến vú trái (cắt toàn bộ tuyến vú trái và vét hạch trái). Sau hậu phẫu, bệnh nhân ổn định sẽ tiếp tục điều trị các liệu pháp toàn thân (hóa trị, nội tiết…) kết hợp với điều trị và theo dõi bệnh lý về tim mạch.

Nam giới nào dễ bị ung thư vú?

Theo nhóm bác sĩ điều trị ca lâm sàng trên, ung thư vú ở nam giới là một loại ung thư hiếm gặp, hình thành trong mô vú của nam giới. Mặc dù ung thư vú thường được coi là căn bệnh của phụ nữ nhưng vẫn xảy ra ở cả nam giới, với tỷ lệ khá thấp. Ung thư vú nam có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở nam giới lớn tuổi. 

Đến nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư vú ở nam giới, di truyền gen có thể làm tăng nguy cơ. Một số nam giới thừa hưởng gen bất thường (đột biến) từ cha mẹ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Đột biến ở một số loại gen, đặc biệt là gen có tên BRCA2 sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Cùng với khám sức khỏe định kỳ, chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú) là bước quan trọng trong việc tầm soát sớm ung thư vú ở nam giới. Ảnh: T.A.T


Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới cần cảnh giác: người lớn tuổi (nam giới nhiều tuổi thì nguy cơ ung thư vú tăng, thường trên 60 tuổi); đã sử dụng estrogen (nam giới đã dùng thuốc liên quan đến estrogen, như thuốc dùng trong liệu pháp hormone điều trị ung thư tuyến tiền liệt, thì nguy cơ ung thư vú ở nam giới sẽ tăng lên); tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú (nếu có người thân trong gia đình bị ung thư vú thì nam giới trong gia đình này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn); hội chứng Klinefelter (hội chứng di truyền xảy ra khi các bé trai được sinh ra với nhiều hơn một bản sao của nhiễm sắc thể X khiến tinh hoàn phát triển bất thường, kết quả là những người đàn ông mắc hội chứng này sản xuất ra một số lượng nội tiết tố nam  androgen thấp hơn và nhiều nội tiết tố nữ estrogen hơn); bệnh gan (một số bệnh lý như xơ gan có thể làm giảm nội tiết tố nam và tăng nội tiết tố nữ, làm tăng nguy cơ ung thư vú); béo phì (liên quan đến nồng độ estrogen trong cơ thể cao hơn, làm tăng nguy cơ); bệnh tinh hoàn hoặc phẫu thuật (bị viêm tinh hoàn hoặc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới)…

Phát hiện sớm có thể điều trị khỏi

Điều trị ung thư vú ở nam giới cũng giống như ở nữ giới. Ngày nay đã có nhiều tiến bộ bên cạnh những phương pháp điều trị căn bản (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích…), mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, góp phần kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú. 

“Ung thư nói chung và ung thư vú ở nam giới nói riêng có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn sớm và có phương pháp điều trị đúng, kịp thời. Để phòng ngừa bệnh ung thư vú, nam giới cần có chế độ ăn uống khoa học, tránh thực phẩm không tốt cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chế biến sẵn; tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc bức xạ; có thói quen tập thể dục hàng ngày, thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 - 2 lần…”, nhóm bác sĩ khuyến nghị. 

Bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm 

TS-BS-CK2. Nguyễn Văn Hùng (Trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu - cơ sở Tân Triều, Bệnh viện K Trung ương) cho biết theo một nghiên cứu công bố tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ năm 2021, ung thư vú ở nam giới chiếm 1% tổng số ca ung thư vú. Chính vì không phổ biến nên đàn ông có xu hướng chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu bất thường và trì hoãn đi khám sớm. 

Theo BS-CK2.Trần Nguyên Hà (Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM), các nghiên cứu dịch tễ gần đây cho thấy tần suất ung thư vú nam đang gia tăng đến 1,1% mỗi năm. Các triệu chứng rất khó phát hiện nên nam giới thường có chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở giai đoạn muộn. Một số nam giới cảm thấy đau ở ngực, nhưng đại đa số không nhận thấy gì khác ngoài một cục u nhỏ ở gần một trong hai núm vú của họ.

Hầu hết ung thư vú ở nam giới biểu hiện với một khối chắc, không đau, thường ở dưới quầng vú, ảnh hưởng núm vú 40 - 50% các trường hợp. Vú trái thường bị ảnh hưởng nhiều hơn so với vú phải và <1% trường hợp có ở hai bên. Có thể đi kèm các thay đổi ở da, gồm co kéo núm vú, loét hoặc khối bướu dính chặt vào da hoặc mô bên dưới. Hạch nách thường được sờ thấy ở các trường hợp tiến xa. 

Ung thư vú ở nam giới tuy rất hiếm gặp nhưng nam giới cũng nên cảnh giác, tự kiểm tra hoặc nhờ ai đó kiểm tra nếu có bất kỳ bất thường nào. Nếu phát hiện ra một khối u hoặc gặp bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào khác, như chảy dịch từ núm vú, thì nam giới nên đi khám ngay lập tức.

Đối với cả nam giới và nữ giới, việc tự kiểm tra vùng ngực để rà tìm khối u hoặc các triệu chứng có thể xảy ra khác là thao tác đơn giản. Nam giới nên di chuyển tay theo chuyển động nhất quán trên mô ngực, có thể giúp phát hiện những biểu hiện bất thường. “Điều quan trọng là phải hiểu rằng, mặc dù hiếm gặp và phần lớn liên quan đến phụ nữ nhưng ung thư vú vẫn gây nguy hiểm cho nam giới”, BS. Hùng lưu ý.

Lê An - Nguyễn Khải

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.