Nhu cầu vẫn chưa được đáp ứng
Anh Nguyễn Trọng Kiên (quận Ba Đình), cho biết do nhà nằm ở vị trí trung tâm Hà Nội, quỹ đất xung quanh đã hết nên anh phải gửi xe ở một bãi xe cách nơi ở gần 2km. “Gia đình tôi mua xe để tránh vất vả trong những ngày trái nắng trở trời, nhưng thực ra lại thành vất vả hơn. Đi lại lấy xe đã vất vả nhưng chưa khổ bằng việc đi tìm chỗ gửi xe, xung quanh nhà tôi không có bãi cố định nên phải gửi các bãi trông tạm, mỗi khi vào “đợt cao điểm” phải đôn đáo đi tìm chỗ gửi khác. Chúng tôi mất tiền mà như là đi xin vậy”, anh Kiên cho hay.
Nhiều người dân sinh sống tại Thủ đô đang phải loay hoay tìm nơi gửi xe tạm. Ảnh minh họa |
Thừa nhận thực trạng trên, anh Nguyễn Trung Thanh, một môi giới chuyên thị trường khu vực quận Hai Bà Trưng, cho biết, gần 10 năm gắn bó với nghề, anh đã gặp rất nhiều trường hợp khách hàng bỏ ý định mua nhà chỉ vì xung quanh không có chỗ đỗ xe ô tô hoặc không tiện cho việc gửi xe, di chuyển. Những năm gần đây, nhu cầu ngày càng rõ ràng khi bãi xe là một trong tiêu chí đầu tiên để khách mua nhà quan tâm. Với nhiều khách hàng, họ quan tâm đến chất lượng cuộc sống, bao gồm cả việc có hay không có chỗ đỗ xe? Sau đó mới quay lại câu chuyện mua bán căn hộ...
Tại phiên chất vấn giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn Thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, đề cập đến nội dung thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Thành phố hiện có khoảng 8 triệu xe máy, gần 1,5 triệu xe ôtô, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm.
Đáng chú ý, quy hoạch dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3 - 4% nhưng Hà Nội hiện chưa đạt 1%, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị ở Hà Nội chỉ đạt 12,13% - chỉ đạt một nửa so với quyết định của Chính phủ về quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội (chỉ tiêu quy hoạch là 20 - 26% cho đô thị trung tâm), các bãi đỗ xe đang thiếu trầm trọng, dẫn đến tình trạng đỗ bừa bãi ở các bãi đất trống, dưới lòng đường và trên cả vỉa hè.
Trước thực trạng này, Sở Giao thông vận tải đã xin ý kiến, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, sau khi thông qua 2 Quy hoạch Thủ đô sẽ cho phép ngành Giao thông vận tải được phép rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu, quan tâm đến các quy hoạch thành phần như quy hoạch phân khu giao thông ngầm, quy hoạch bãi đỗ xe giao thông tĩnh. Từ đó nhằm chuẩn hóa quy định đầu tư, cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia. Hiện, Thành phố cũng đã giao các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương rà soát tất cả các dự án nhà đầu tư liên quan đến bãi đỗ xe để xác định rõ cái nào làm, cái nào không làm.
Cần cơ chế tháo gỡ
Có thể nói, tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện đang tạo nên áp lực rất lớn, đặc biệt cho mạng lưới giao thông tĩnh. Thiếu điểm trông giữ xe là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc khó xử lý dứt điểm tình trạng xe đỗ sai quy định hay lấn chiếm vỉa hè lòng đường.
Đáng chú ý, so với việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch thì việc xin cấp phép các “bãi tạm” trông giữ phương tiện lại là giải pháp kinh tế hơn rất nhiều. Thực tế, việc “đẩy” công tác quản lý các bãi trông giữ phương tiện xuống các địa phương có thể sẽ tăng cường được công tác quản lý nhưng lại thiếu đi tính tổng thể, kết nối và sự bền vững.
Đơn cử như, để giải quyết nhu cầu đỗ xe của nhân dân, mới đây, một số quận, huyện đã đề xuất cho phép đưa quỹ đất trống làm bãi trông giữ phương tiện tạm thời để giải quyết nhu cầu của người dân. Đề xuất này mặc dù chưa được thông qua do chưa có cơ chế quản lý, khai thác nhưng cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, việc khu đất trống để không có khi tới hàng chục năm,thậm chí nhiều hơn, trong khi người dân thiếu chỗ đỗ xe là lãng phí tài nguyên đất. Trong khi dù không cấp phép nhưng ở đấy bãi giữ xe tư nhân vẫn mọc lên…
Thực tế, không ít các nhà đầu tư quan tâm đến dự án giao thông tĩnh của Hà Nội, nhưng đến khi vào triển khai, nghiên cứu thực tế thì lại “chùn bước”. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hấp dẫn nhà đầu tư, kêu gọi vốn cho các dự án giao thông tĩnh, thành phố Hà Nội cần coi đó như công trình dịch vụ thương mại. Bởi nếu chỉ như một dịch vụ công ích thì sẽ rất khó triển khai.
Trong trường hợp cần thiết, Thành phố nên phân chia các dự án giao thông tĩnh thành hai loại: loại 1 do ngân sách đầu tư, đấu thầu quyền khai thác; loại 2 sử dụng vốn xã hội hóa, cho phép vận dụng giá phí linh hoạt để thu hút hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Tuấn Dũng