Tại cuộc tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon” ngày 16.8 ở TP.HCM, ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon ngày càng cấp thiết.
Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP.HCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như: đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật… Thêm vào đó, thành phố cũng cần giải quyết những thách thức như đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực để thực hiện các mục tiêu kế hoạch hành động và phát thải carbon thấp.
Xây dựng đô thị carbon thấp sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị... Ảnh minh họa. Ảnh: Alex Thiện
Bốn hợp phần để TP.HCM “xây” đô thị carbon thấp
Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư “Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM trong các lĩnh vực ưu tiên”. Dự án nhằm giúp thành phố tăng tốc đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 thông qua đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải và xây dựng cơ chế, thể chế, hỗ trợ thành phố trong việc tạo và phát hành tín chỉ carbon chất lượng cao để giao dịch trên thị trường quốc tế, đảm bảo thực hiện tốt và tối ưu hóa cơ chế tài chính carbon tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, dự án sẽ chia làm 4 hợp phần với tổng mức đầu tư 250 triệu USD (tương đương 5.775 tỷ đồng).
Hợp phần thứ nhất bao gồm đầu tư, lắp đặt, thay thế hệ thống đèn đường từ dạng đèn sợi đốt sang đèn LED thông qua sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh; đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho các tòa nhà công sở và trong khuôn viên các nhà máy xử lý nước thải tập trung, các nhà máy cung cấp nước sạch...; đầu tư trang thiết bị tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà hành chính công và nhà máy xử lý nước thải tập trung, các nhà máy cung cấp nước sạch...
Với dự án thay thế đèn LED và lắp đặt điện mặt trời trên các mái nhà công sở, tổng lượng giảm phát thải trong 10 năm dự kiến gần một triệu tấn carbon và nguồn thu chỉ riêng từ bán tín chỉ carbon có thể đến 220 tỷ đồng (chưa tính phần tiết kiệm điện). Chi phí dự án này khoảng 170 triệu USD, trong đó 150 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới và 20 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan.
TP.HCM chọn Cần Giờ để thí điểm đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Tính toán sơ bộ, rừng ngập mặn Cần Giờ có giá trị trao đổi tín chỉ carbon khoảng 77 triệu USD/ha/năm. Ảnh: P.N
Hợp phần thứ hai của dự án là thiết lập và triển khai vận hành cơ chế tín chỉ carbon. Các công việc cụ thể như hoàn thiện tài liệu hoạt động của dự án và các tài liệu thiết kế dự án để nộp cho tổ chức phát hành tín chỉ carbon quốc tế, thuê tư vấn thẩm định và xác minh, xây dựng kế hoạch chia sẻ lợi ích, báo cáo giám sát, tổng hợp giảm phát thải và nộp yêu cầu phát hành tín chỉ, đấu giá tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế… Chi phí dự tính 10 triệu USD từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan.
Hợp phần thứ ba là thúc đẩy khối tư nhân đầu tư các giải pháp giảm phát thải thông qua tiếp cận thị trường carbon quốc tế. Đây là một cơ chế thay thế các ưu đãi về thuế vốn phổ biến tại các thành phố có thu nhập cao ở Mỹ, châu Âu bằng nguồn thu từ thị trường carbon quốc tế. Từ đó góp phần kích thích các khoản đầu tư nhỏ và phân mảnh của khu vực tư nhân. Khoản hỗ trợ tài chính được chi trả dựa trên kế hoạch chia sẻ lợi ích. Chi phí khoảng 40 triệu USD, trong đó 20 triệu USD từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, còn lại vay từ Ngân hàng Thế giới.
Hợp phần thứ tư sẽ hỗ trợ các công việc liên quan để thực hiện đầu tư các hạng mục thuộc ba hợp phần trên, bao gồm công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, tư vấn, quản lý dự án và các loại thuế. Chi phí dự kiến 30 triệu USD, sử dụng từ vốn đối ứng của TP.HCM. Toàn bộ các công tác nói trên dự kiến chuẩn bị từ năm 2024 đến năm 2025. Từ năm 2026 đến năm 2030 đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ sau năm 2030.
Cơ hội sống tốt hơn cho cư dân đô thị
TS-KTS. Trần Ngọc Linh (Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng) cho biết mô hình đô thị carbon thấp thông qua việc giảm thiểu hoặc ngừng sử dụng năng lượng để giảm phát thải khí nhà kính, ngăn ngừa hiện tượng ấm lên của khí hậu toàn cầu được kỳ vọng là giải pháp cơ bản triệt tiêu tận gốc nguyên nhân sản sinh hiện tượng biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, mang đến cơ hội đời sống tốt đẹp hơn cho cư dân đô thị. “Đô thị có thể giảm lượng khí thải carbon xuống mức tối thiểu, lý tưởng là bằng 0 hoặc âm, qua việc quy hoạch và thiết kế đô thị hiệu quả, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành, thay đổi lối sống cư dân”, TS. Linh chia sẻ.
Các lĩnh vực đô thị được chú trọng bao gồm: năng lượng, giao thông, thực phẩm, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng xanh và quản lý chất thải. Bên cạnh đó là các chiến lược cụ thể nhằm giảm thiểu hoặc hướng đến phát thải ròng bằng 0 cho từng lĩnh vực đô thị như: cung cấp, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo; giảm sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên qua quy hoạch và thiết kế đô thị hiệu quả hơn; thay đổi lối sống, giảm rác thải đồng thời tạo ra không gian xanh trong đô thị. Mô hình đô thị carbon thấp cũng chú trọng đến tính chủ động của đô thị trong việc sử dụng thực phẩm, năng lượng và tài nguyên tái tạo có nguồn gốc tại địa phương qua đó tạo cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và tiếp cận nguồn tài chính xanh đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu.
TS. Linh cho biết sự phát triển mô hình đô thị carbon thấp trên thế giới đi cùng những cam kết của cộng đồng quốc tế liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Đã có hơn 1.000 đô thị trên toàn cầu thực hiện các bước chuyển đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến các siêu đô thị tiêu biểu như: Rio de Janeiro, New York, Paris, London, Tokyo, Oslo, Milan, Mexico City, Melbourne, Vancouver, Cape Town, Copenhagen, Buenos Aires, Caracas, Hong Kong… Bên cạnh đó là hàng trăm đô thị của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
Tháng 11.2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia cam kết giảm phát thải khí methane; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch... Hiện thực hóa các cam kết tại COP26, tháng 7.2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.
“Liên quan đến lĩnh vực phát triển đô thị, việc nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính lần đầu được đề cập đến trong Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030”, TS. Linh cho biết.
Với dự án lắp đặt điện mặt trời trên các mái nhà công sở và thay thế đèn LED, tổng lượng giảm phát thải trong 10 năm tại TP.HCM dự kiến gần một triệu tấn carbon và nguồn thu chỉ riêng từ bán tín chỉ carbon có thể đến 220 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Nhân
Trong cả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, việc phải tích hợp nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính vào quy hoạch phát triển đô thị nhằm giảm nhu cầu năng lượng, tài nguyên và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các thành phố là những nội dung cụ thể nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đô thị giảm phát thải.
Thêm vào đó, Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn sau năm 2030, 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; đến năm 2050 sẽ có 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp…
“Đây là những chủ trương, định hướng mang tính chiến lược trong việc phát triển hệ thống đô thị, là cơ sở quan trọng ban đầu cho các nghiên cứu phát triển mô hình đô thị carbon thấp, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện và bối cảnh Việt Nam”, TS. Linh nhận định.
Một số trở ngại khi “xây” đô thị carbon thấp
TS. Linh cho biết thời gian gần đây, một số đô thị với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu có sự quan tâm, chú trọng đến phát triển mô hình đô thị carbon thấp như: Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, TP.HCM, Nam Định, Huế, Cao Lãnh, Sa Pa… Các dự án này đã bước đầu xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, đánh giá mức độ rủi ro của biến đổi khí hậu; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện đi kèm một số chương trình, dự án ưu tiên, qua đó nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân đô thị.
“Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển mô hình đô thị carbon thấp thành công hoàn toàn không đơn giản…”, TS. Linh nhận định. Để cắt giảm được lượng khí thải như mong muốn đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực của tất cả các bên liên quan, sự đầu tư thích đáng vào công nghệ mới gắn với chuyển đổi số, công nghệ số cũng như thời gian vận hành, giám sát và hoàn thiện. Điều đó cũng gián tiếp làm tăng chi phí vận hành, chi phí sản phẩm, dịch vụ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế.
Có thể thấy rõ một số khó khăn, thách thức chính trong phát triển đô thị carbon thấp hiện nay:
1. Chưa có đầy đủ hành lang pháp lý bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí cho việc phát triển đô thị carbon thấp cũng như phát triển công trình xanh.
2. Các yêu cầu về giảm phát thải carbon chưa được cân nhắc, lồng ghép cụ thể trong quy hoạch phát triển đô thị.
3. Cơ chế tài chính liên quan đến tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tạo lập thị trường carbon còn trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dẫn đến khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
TS. Linh nhận định để phát triển theo mô hình đô thị carbon thấp trong bối cảnh chưa có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí và hành lang pháp lý như hiện nay, các đô thị sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình xây dựng và phát triển. Bên cạnh một số khuyến nghị tập trung vào giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng tái tạo từ công cụ quản lý cấp tỉnh đến triển khai đối với từng đô thị, thì sự phát triển thành công của mô hình đô thị carbon thấp còn phụ thuộc vào các giải pháp mang tính cốt lõi (mà các mô hình phát triển đô thị khác như: đô thị sinh thái, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh… cũng phải áp dụng), bao gồm quy hoạch và thiết kế đô thị tối ưu cho sử dụng đất hỗn hợp; ưu tiên phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích đi bộ hoặc các phương tiện không phát thải; thúc đẩy tái chế rác thải, nước thải và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển công trình xanh, không gian xanh, không gian công cộng; nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường và thay đổi lối sống.
Về cơ bản, mô hình đô thị carbon thấp sẽ thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của đô thị, mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp mới và chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Do vậy, cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện, luôn được điều chỉnh dựa trên nhu cầu, điều kiện cụ thể và nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn. “Xây dựng đô thị carbon thấp vì vậy sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, đòi hỏi có sự thống nhất, đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như các bên liên quan trong toàn xã hội, với kỳ vọng đô thị carbon thấp sẽ là tương lai cho các đô thị Việt Nam, hòa nhịp với xu hướng chung trên toàn thế giới” - TS. Linh kết luận.
Phạm Tuấn - Hoàng Minh