Đi về phía Cội Nguồn

 09:03 | Thứ ba, 03/09/2024  0
Cội Nguồn là bảo tàng tư nhân đầu tiên vùng Tây Nam bộ, dựng lên bởi vợ chồng ông Huỳnh Phước Huệ, những người dân đảo Phú Quốc nặng lòng với mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Bảo tàng thiết kế 5 tầng bề thế, trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Dương Đông) - một trong những trục giao thông sầm uất bậc nhất đảo Ngọc, tập trung nhà hàng, khách sạn, resort… và nhiều loại hình dịch vụ vui chơi giải trí. Khi thiên hạ rục rịch đầu tư vào đất đai Phú Quốc, ông Huệ quyết định khởi công xây bảo tàng trên thửa đất cha mẹ chia thừa kế. Chi phí xây dựng nghe đâu cũng bộn. 

Bỏ bạc chẵn, lượm bạc cắc. Phí tham quan áp dụng cho người trên 16 tuổi là 20 ngàn đồng/lượt, không phân biệt quốc tịch theo Quyết định 05/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang. Miễn phí đối với trẻ dưới 12 tuổi, người khuyết tật nặng; tổ chức, cá nhân đến nghiên cứu, học tập. Giảm nửa giá vé với trẻ em 12 - 16 tuổi và người cao tuổi. Mặc dù vậy, học sinh cấp ba (đủ 16 tuổi trở lên) cũng vào cửa tự do. Báo trước, ông chủ còn “giành” trực tiếp thuyết minh, trò chuyện với những người trẻ quan tâm đến cội nguồn xứ sở. 

Ông Huệ giới thiệu các hiện vật tại bảo tàng. Ảnh: Khuê Anh


Ngậm ngùi dấu chân hoàng đế 

Dừng lại bên mô hình giếng Tiên bố trí trong khuôn viên Bảo tàng, ông Huệ nhắc chuyện tích xưa. Bị quân Tây Sơn truy sát khắp vùng sông nước Nam bộ, ngài Nguyễn Ánh dẫn tàn binh chạy ra Phú Quốc. Đến mũi Ông Đội (nay thuộc thị trấn An Thới), lương thực, nước ngọt đều cạn kiệt. Lòng quân dao động, ngài cắm thanh kiếm xuống đất, ngẩng mặt mà rằng: “Nếu trời cho ta làm vua thì hãy ban cho ta nước ngọt và lương thực”. Nước ngọt trào lên nơi mũi kiếm cắm xuống. Cá kéo đến vây đen mũi Ông Đội, từ đó gọi là cá cơm. Qua cơn nguy khốn, ông tiếp tục khởi binh đánh bại nhà Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế năm 1802, lấy niên hiệu Gia Long. Vậy nên giếng Tiên còn được gọi là giếng Gia Long hay giếng Ngự. 

Chốn ấy thiêng liêng trong tâm thức truyền đời của cộng đồng bản địa. Lạ lùng là thủy triều lên nhưng giếng không bị nhiễm mặn. Trước khi ra khơi, ngư dân thường ghé giếng lấy nước, thắp nén nhang trong đền thờ vua Gia Long cầu mưa thuận gió hòa, thuyền về nặng cá. Gần giếng có vết lõm trên đá tương truyền là dấu chân nhà vua lần đầu đặt lên đảo. Kế đó là một phiến đá hình dạng giống ngai vua mà dân đảo vẫn dặn nhau tuyệt nhiên không ngồi. “Long ỷ” chỉ dành cho chân mệnh đế vương.

Ngoài thời tiết, tình trạng xuống cấp của Bảo tàng Cội Nguồn còn do "nhân tai". Một số hiện vật bị mất cắp, nhiều nhất là tiền cổ, đến mức bảo tàng đã tạm ngừng trưng bày loại hiện vật này. Trong hình cho thấy ai đó đã đập vỡ kiếng, bẻ hai cái răng nhọn trên mũi cá đao. Cá đao hiện nằm trong số những loài cá biển nguy cấp nhất, thuộc danh mục tuyệt chủng tại 46 quốc gia,theo một nhóm nghiên cứu từ Đại học Simon Fraser (Canada).


Mùng một, ngày rằm, người dân thường đến giếng Tiên lễ bái. Tiếc thay, quần thể giếng Tiên giờ đây bị “vây” bởi nhiều công trình bê tông thuộc một dự án bất động sản. Cơ quan cấp phép và nhà đầu tư có thấu giá trị, ý nghĩa của không gian tâm linh này? Không ít người dân trên đảo than phiền rằng họ không còn thoải mái, thuận tiện khi đến giếng Tiên chiêm bái như đã từng. Bên cạnh ý nghĩa văn hóa, với ông Huệ, dấu tích của hoàng đế Gia Long còn là bằng chứng thiêng liêng xác lập chủ quyền lãnh thổ: “Dấu chân vua Gia Long trên đảo đã không được khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt. Rất đau lòng”. Thực hành tín ngưỡng dân gian phai lạt. Thiếu hụt tương tác, văn hóa tinh thần của cộng đồng bản địa bị mài mòn. Cội nguồn tổn thương. 

Niệm lành cho xứ sở - xuất xử 

Những mất mát hôm nay ông Huệ đã mơ hồ cảm nhận từ nhiều năm trước khi nghe chủ trương phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực. Ủng hộ phát triển kinh tế nhưng người con xứ đảo vẫn ít nhiều băn khoăn. Liệu môi trường, cảnh quan, những di tích, hiện vật giá trị ở Phú Quốc có được bảo tồn, bảo vệ như vốn có. Phôi thai ý tưởng làm bảo tàng, nỗ lực trình bày tương đối tổng quan về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế - xã hội của Phú Quốc. Âu cũng là lựa chọn ứng xử của một cá nhân trước thời cuộc khôn lường biến động. 

Ông Huệ bên con tàu cổ chở tĩn nước mắm trục vớt ở vịnh Thái Lan.


Đi về phía Cội Nguồn là một hành trình dài của những cá nhân nặng lòng với xứ sở. Năm 1991, ông Huệ vào đại học. Bè bạn ở Sài Gòn hỏi nhiều về Phú Quốc. Hiếu kỳ, tò mò bởi thông tin về Phú Quốc lúc ấy còn ít ỏi. Đường sá lại xa xôi. Đảo dài rộng thế nào? Có nước ngọt chưa? Văn hóa, lịch sử ra sao? Nhiều câu hỏi ông đành xin khất.

Thực vật đảo Phú Quốc của giáo sư Phạm Hoàng Hộ là cuốn sách duy nhất ông tiếp cận từ thời học phổ thông. Là người ở đảo, bên nội qua đời thứ ba, bên ngoại đến đời thứ năm, mà không giải đáp được những câu hỏi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, khiến chàng trai trẻ ít nhiều hổ thẹn. Câu trả lời tìm được ở thư viện. Càng đọc nhiều, càng thêm yêu xứ sở.

Năm 1998, bản thảo cuốn sách Tiềm năng Phú Quốc, xưa và nay mà Huệ chấp bút được NXB Thanh Niên ấn hành. Tri thức tích lũy là vốn liếng để người con Phú Quốc bắt nhịp với công việc hướng dẫn viên du lịch tại quê nhà, nhanh chóng thăng tiến lên vị trí trưởng phòng lữ hành của chi nhánh một công ty du lịch có tiếng. 

Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Cội Nguồn. Ảnh: Khuê Anh


Phú Quốc khi ấy đã gần hơn với đất liền, được du khách trong và ngoài nước mến chuộng. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch còn khá nghèo nàn. Thị trường sơ khai mở ra cơ hội trong khi tài nguyên bản địa dồi dào, nhiều loại nguyên liệu đầu vào gần như cho không. Mẫu mã cũng đơn giản. Vỏ ốc dễ dàng biến thành gạt tàn, cây đèn ngủ… Phức tạp hơn chút xíu là chế tác gỗ lũa, tốn thêm chút công đục đẽo. Tay nghề, kỹ năng tiến bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của thị trường. Sản phẩm bán chạy nhất là bàn ghế bằng gỗ lũa. 

Cũng nhờ tri thức tích lũy trong những năm tháng vùi đầu vào thư viện mà trong quá trình thu gom nguyên liệu sản xuất, ông Huệ nhận biết những hiện vật có giá trị, có ý nghĩa lịch sử văn hóa của đảo. Có những món bà con cho không. Nhưng cũng không ít món phải mua bằng được, chẳng hạn bộ xương bò biển (dugong) đang trưng bày tại Bảo tàng. May mắn là công việc kinh doanh thuận lợi. Quá trình “tích lũy tư bản” chuẩn bị nguồn lực đổ vào xây dựng Bảo tàng.  

Bảo tàng có trên 3.300 hiện vật, trong đó gồm 2.600 cổ vật (gốm, đá, sứ, đồng, gỗ hóa thạch…), trên 540 hiện vật là tác phẩm nghệ thuật... Ảnh: Khuê Anh


Thập niên đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động là giai đoạn rực rỡ nhất của Cội Nguồn. Nhưng từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, lượt khách tham quan giảm đáng kể. Một phần là ngành du lịch Phú Quốc chưa phục hồi, thậm chí “có những tháng cả thành phố 20h tắt đèn đi ngủ”, chủ một khách sạn ba sao trên đường Trần Hưng Đạo nói với người viết. Phần khác là nhiều năm nay ông Huệ từ chối chi tiền vô cổng cho hướng dẫn viên. “Khi giá vé còn 20 ngàn đồng/lượt (mới tăng lên 50 ngàn đồng/lượt sau Covid-19), có ngày doanh thu 12,5 triệu đồng vẫn không đủ bù tiền cổng (hoa hồng)”, ông Huệ chua chát. 

Không lẽ cầm chừng vậy hoài? Ông Huệ cho biết đã chuẩn bị phương án duy tu Bảo tàng nhưng người thực hiện là con gái của ông, sắp tốt nghiệp đại học ngành du lịch. Mấy năm gần đây, ông Huệ hiếm khi có mặt ở Bảo tàng. Hai vợ chồng say sưa đi rừng hái dược liệu, bào chế thuốc nam. Thuốc phát miễn phí, ai cần ghé lấy. 

Bảo tàng Cội Nguồn bao gồm một quần thể với nhiều hạng mục được thiết kế bài bản, hợp lý theo nhóm chủ đề, dòng chảy thời gian trên diện tích khoảng 4.000m2, gồm: 5 tầng trưng bày chính cổ vật trên 1.100m2 (trong đó, nhà trưng bày mỹ nghệ gỗ lũa trên 200m2; trưng bày tranh nghệ thuật, mỹ thuật, các loại ốc biển, ảnh về đất nước con người, kinh tế, văn hóa, xã hội Phú Quốc qua các thời kỳ trên 310m2; khu quà lưu niệm, sản phẩm ngọc trai 450m2; nhà sàn truyền thống của nông thôn Phú Quốc trên 140m2…); hạng mục nhà tổ đường họ tộc, tín ngưỡng dân gian khoảng 100m2; khu chế tác thủ công mỹ nghệ, bán hàng lưu niệm trên 200m2; khu bảo tồn động vật đặc trưng của Phú Quốc, các khu tạo cảnh thiên nhiên trên 2.000m2

Bảo tàng có trên 3.300 hiện vật, trong đó: 2.600 cổ vật (gốm, đá, sứ, đồng, gỗ hóa thạch…) niên đại từ 1.500 năm trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XX, đã được Trung tâm UNESCO Nghiên cứu & Bảo tồn cổ vật Việt Nam thẩm định, công nhận; trên 540 hiện vật là tác phẩm nghệ thuật, bàn ghế (được chế tác từ gỗ lũa cây trai, mai núi, tre, ráng, ổi), công cụ sinh hoạt (50 hiện vật là rìu đá tìm thấy tại Cửa Cạn, Phú Quốc), và nhiều công cụ làm nước mắm, trồng tiêu, khai thác, chế biến hải sản… Hàng trăm hiện vật từ biển, rừng Phú Quốc như: trên 20 hiện vật là xương bò biển, cá voi, nanh heo rừng; trên 90 loại ốc, sò, hơn 10 loại san hô, 20 mảng đá - rêu hóa thạch. Đặc biệt, với 300 thư mục, tài liệu bằng chữ Hán, tiếng Việt, Pháp, Anh là cơ sở dữ liệu để tìm hiểu, nghiên cứu về vùng đất, lịch sử quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của Phú Quốc.

(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Sở Du lịch Kiên Giang

Bài và ảnh: Thượng Tùng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.