“Chuồng cọp” - “di sản” kiến trúc bất đắc dĩ
Trong từ điển kiến trúc hay sách cấu tạo kiến trúc chắc chắn không có mục “chuồng cọp” hay định nghĩa về “chuồng cọp”. Có thể mô tả từ thực tế như sau: “Chuồng cọp” là cái lồng sắt được gắn cố định vào các khoảng không ở logia, ban công trong nhà ở. Chức năng của nó là để nới rộng không gian, thêm diện tích sử dụng và ngăn cách để tăng sự an toàn - nhất là để chống trộm cắp.
Cái bộ phận kiến trúc ấy không có trong sách vở, hoàn toàn do dân gian sáng tạo nên. Không ai biết rõ bộ phận kiến trúc ấy và cái tên “chuồng cọp” có tự bao giờ ở Việt Nam. Nhưng theo trí nhớ của nhiều người cao tuổi, “chuồng cọp” xuất hiện khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước ở Hà Nội, trong những khu chung cư cũ (thời đó gọi là nhà tập thể) được xây dựng vào những năm 60-70.
Những căn hộ trong các chung cư cũ thời ấy có diện tích vô cùng khiêm tốn và kém tiện nghi. Chuồng cọp ra đời với chức năng đầu tiên là để cải thiện diện tích, được lắp ở các ban công, logia vốn được thiết kế để phơi quần áo. Khoảng diện tích nhỏ bé này đã làm cải thiện đáng kể công năng của căn hộ. Có nhà đặt chậu cây làm cái vườn treo, có nhà làm cái kho, có nhà làm thành gian bếp, có nhà biến thành… phòng ngủ. Tùy chức năng sử dụng mà sau khi đã quây lồng sắt, người ta để thoáng hoặc bao che một phần hay tất cả bằng những vật liệu rẻ tiền, tạm bợ như tôn, ván, cót ép, tấm ni lông…
Thế hệ đầu tiên của những chuồng cọp có cấu tạo khá giống nhau: đó là cái lồng sắt nhô ra khỏi đỉnh lan can chừng 40-50cm, vật liệu chủ yếu là những loại sắt tròn Ø10-Ø12 hoặc sắt vuông tương đương.
Sau này, một số nhà đã phá bỏ lan can (chủ yếu là lan can xây gạch) và làm lồng sắt từ sàn. Cách làm này đã mở rộng diện tích sàn lên một chút, thuận tiện cho sử dụng. “Chuồng cọp” được cho là bắt nguồn từ Hà Nội, lan dần ra các tỉnh thành phía bắc và sau là cả nước.
Nhà A6 khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) là một chung cư cao 9 tầng có thang máy, hoàn thành xây dựng và sử dụng từ năm 2003. Nhưng đến nay công trình này trông không khác chung cư của thập niên 1970 bởi “chuồng cọp”.
Một công trình chung cư cao tầng ở khu đô thị Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Rất nhiều logia đã bị quây kín theo một kiểu “chuồng cọp” mới với vách cửa kính bên ngoài và hoa sắt bên trong.
Tới khoảng những năm cuối 90, đầu 2000; “chuồng cọp” thế hệ thứ hai đã ra đời, với “công nghệ” xây dựng mới. Đó là người ta đã phá bỏ hoàn toàn lan can, phi dầm thép từ sàn cũ ra khoảng không, đổ sàn mới, quây lồng sắt và tạo thành một không gian - phòng mới với diện tích đáng kể lấn chiếm ra khoảng không bên ngoài.
Phải nói thêm rằng, ở thời điểm này, nhu cầu cuộc sống đã thay đổi rất nhiều nên vấn đề diện tích, chỗ ở là rất bức thiết. Tùy từng kết cấu hiện trạng của tòa nhà, giải pháp thi công và cả… độ liều của gia chủ cũng như thợ thi công, người ta có thể vươn ra khoảng không từ 1-2m, thậm chí là 3m. Những căn phòng lơ lửng thế này đến giờ vẫn được gọi là chuồng cu, chuồng chim hay nhà đeo ba lô. Việc làm “chuồng cọp” trở thành một trào lưu - nhưng cũng là nhu cầu thực tế ở hầu hết các chung cư cũ. Bây giờ, ở các chung cư cũ ở Hà Nội, rất hiếm tìm thấy một ô ban công, logia nào mà không có “chuồng cọp”.
Thế nhưng chưa phải là hết, “chuồng cọp” tưởng chừng chỉ là quá độ một thời nhưng không phải vậy. Từ nhà chung cư, “chuồng cọp” đã lan sang cả những ngôi nhà phố. Có nhà làm ban công, logia rồi sau đó cải tạo, quây lồng sắt làm “chuồng cọp”; có nhà làm “chuồng cọp” ngay từ đầu. “Chuồng cọp” có thể ở các tầng dưới hay cả tầng tum, sân thượng. Có thể thấy ở hầu hết các tuyến phố, đều có những ngôi nhà phố có “chuồng cọp”.
Và ngay cả ở nhiều chung cư cao tầng mới xây dựng trong khoảng năm 2000 ở Hà Nội, “chuồng cọp” cũng xuất hiện và không phải là cá biệt ở một vài căn hộ. Ngoài nhu cầu về diện tích sử dụng thì vấn đề an toàn là điều cần nghiên cứu thấu đáo ở góc độ xã hội và chuyên ngành xây dựng. Nếu như ở các chung cư cũ (dưới 5 tầng) người ta lo ngại trộm cắp thì ở các chung cư mới cao tầng, người dân lại lo lắng vấn đề rơi, ngã từ trên cao xuống.
“Chuồng cọp” trong các chung cư cũ và nhà phố thường thấy ở nhiều tuyến phố Hà Nội.
“Chuồng cọp” cho đến bây giờ vẫn chưa hề cũ. Vẫn rất có nhiều gia chủ ở nhiều hình thái nhà khác nhau có nhu cầu làm “chuồng cọp”, với nhiều kiểu, với muôn vàn lý do. Nếu tìm trên Google cụm từ “Làm chuồng cọp lồng sắt” sẽ ra vô số kết quả của các cơ sở dịch vụ đáp ứng nhu cầu này.
Theo quy hoạch, trong tương lai, các khu tập thể cũ ở Hà Nội sẽ giải tỏa nhường chỗ cho các dự án nhà ở mới, cao tầng, hiện đại. Điều đó là đương nhiên. Và đã có những ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng nên giữ lại một phần nào đó của các khu tập thể cũ, như một bảo tàng, để lưu giữ ký ức của một thời kỳ khó khăn, cũng như thể hiện dấu ấn phát triển đô thị. Trong luồng ý kiến ấy, thì “chuồng cọp” là một “di sản” đặc biệt, tạo nên gương mặt ấn tượng, khó lẫn của không gian đô thị, đậm tính… Hà Nội.
Tất nhiên, đây là một “di sản” bất đắc dĩ.
Bi kịch “chuồng cọp” và đâu là giải pháp?
Chính quyền, nhà quản lý ngành và nhà chuyên môn chưa bao giờ thừa nhận, ủng hộ hay tán đồng giải pháp “chuồng cọp” trong các công trình nhà ở. “Chuồng cọp” có nhiều tác động tiêu cực: ảnh hưởng mỹ quan đô thị; ảnh hưởng tới kết cấu của các công trình chung cư - thậm chí có thể gây nguy hiểm đối với nhiều chung cư quá cũ; và ảnh hưởng tới khả năng thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn nếu có sự cố cháy nổ xảy ra. Nhưng “chuồng cọp” vẫn hiện diện và liên tục phát triển, ở các chung cư cũ và mới, ở cả nhà phố cũ và mới. Điều đó chứng minh nó vẫn có những ưu điểm và sự cần thiết đối với số đông người dân, vượt lên nỗi sợ cháy nổ, hỏa hoạn mà không có lối thoát.
Thực tế, đã có những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại tới tính mạng bởi “chuồng cọp” che chắn, quây kín không có lối thoát. Nhưng phải đến vụ hỏa hoạn xảy ra trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội ngày 4.4.2021 vừa qua, cùng với sự vào cuộc của truyền thông, thì vấn đề “chuồng cọp” mới làm thức tỉnh nhiều người. Vụ hỏa hoạn đã khiến 4 người trong một gia đình tử vong - là một trong những vụ hỏa hoạn nhà ở đơn lẻ gây thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian qua.
Theo những gì được tường thuật từ hiện trường, vụ việc xảy ra trong đêm; ngôi nhà chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa chính đã bị ngọn lửa ngăn chặn; các nạn nhân đã chạy lên tầng tum, nơi cao nhất nhưng không thể thoát thân bởi “chuồng cọp” bịt kín, và đã tử vong tại đây.
Đau xót hơn, là trong tiếng kêu cứu từ biển lửa, nhiều người hàng xóm đã cố gắng tiếp cận nơi nạn nhân mắc kẹt nhưng không thể vượt qua lớp “chuồng cọp” từ phía ngoài. “Tầng tum hàn chắc quá, không sao cứu được người”- lời than bất lực của người hàng xóm chứng kiến vụ cháy được trích dẫn trên nhiều tờ báo những ngày qua, để lại nhiều suy nghĩ.
Và rồi, hình ảnh “chuồng cọp” - quen thuộc và nhan nhản tại các đô thị lớn lại xuất hiện liên tục trên những tờ báo trong các phóng sự, với nhiều băn khoăn và những câu hỏi.
“Chuồng cọp” trong các chung cư cũ ở Hà Nội.
Nhà phố thì vậy, còn chung cư thì sao? Thực tế, nhà phố còn có nhiều vị trí và cơ hội thoát hiểm hơn, vì có nhiều tầng, đặc biệt có sân thượng là nơi dễ thoát hiểm nhất (tất nhiên không quây “chuồng cọp”); còn chung cư chỉ có một lối thoát duy nhất ra hành lang chung. Trong trường hợp có hỏa hoạn không thoát được ra cửa trước mà logia bị bịt kín bởi chuồng cọp (thực tế đa phần chung cư cũ là vậy) thì cực kỳ nguy hiểm. Cần nói thêm rằng với những chung cư cũ mặt bằng nhỏ, ít phòng riêng thì nếu có hỏa hoạn ngọn lửa bùng phát - chiếm lĩnh không gian rất nhanh.
Ở Hà Nội, nhiều năm trước, đã từng có đề xuất dự án cải tạo chỉnh trang đô thị trong những khu chung cư cũ, trong đó có việc tháo bỏ các lồng sắt, chuồng cọp ở ban công logia các căn hộ. Có thể thấy là việc này không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là bất khả thi. Người ta vẫn thấy sự tiện dụng và những quyền lợi riêng tư thiết thực hơn là những yếu tố khác. Bây giờ, có lẽ không mấy ai nói về thẩm mỹ đô thị nữa, mà vấn đề an toàn hỏa hoạn đang là điều cần quan tâm.
Đã có những đề xuất đưa ra nhằm làm giảm nhẹ hậu quả bởi “chuồng cọp” nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn; như việc những nhà sống gần nhau, liền kề tổ chức một lối thông thoát hiểm sang nhà nhau; hay trổ các ô cửa nhỏ thoát hiểm trên “chuồng cọp”, để dùng khi hữu sự. Nhưng những đề xuất ấy cũng không dễ triển khai, bởi ở đô thị, người ta đã quen với việc nhà nào biết nhà nấy, và nỗi lo lắng ô cửa thoát hiểm lại thành “gót chân Asin” để kẻ gian lợi dụng.
Nói “chuồng cọp” là xấu, ảnh hưởng thẩm mỹ đô thị thì rất dễ. Nói cần dẹp bỏ “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn khi hỏa hoạn cũng rất dễ. Nhưng “chuồng cọp” là một sản phẩm dân gian, nó gắn liền với người dân với tâm lý, tâm thức tận dụng, tạm bợ… đã in sâu; và tồn tại trong một xã hội bất an với quá nhiều tệ nạn, thì câu chuyện không thể là một sớm một chiều. Và có khi, chính những nhà chuyên môn kiến trúc, những nhà quản lý đô thị, những người làm công tác phòng cháy chữa cháy cũng đang… sống trong ngôi nhà hay căn hộ có “chuồng cọp”.
Khi người viết đang thực hiện bài viết này, thì ngày 16.4.2021, Đài truyền hình Việt Nam - VTV đưa một tin ngắn, nói về việc chính quyền và công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã thí điểm vận động, tuyên truyền 3 phường trong quận, đối với các hộ dân sống ở chung cư có “chuồng cọp”, thực hiện việc trổ cửa thoát hiểm ở “chuồng cọp”. Đợt vận động ban đầu tới nay - sau một năm đã có 60% với khoảng 2.000 hộ đồng ý và triển khai thực hiện. Mô hình này đang được nhân rộng sang các phường khác. Đó chỉ là con số nhỏ so với hàng chục/trăm vạn ngôi nhà, căn hộ có chuồng cọp trong đô thị. Nhưng dù sao đó cũng là tín hiệu đáng mừng, để thấy ý thức người dân cũng đã có những thay đổi nhất định.
Có ý kiến cho rằng “chuồng cọp” là một bi kịch thẩm mỹ đô thị, và nó cũng đã gây ra bi kịch theo đúng nghĩa đen như vụ cháy đã đề cập ở trên. Điều đó không sai. Nhưng rất khó có một chế tài nào đủ mạnh mẽ, lại vừa linh hoạt để có thể xử lý thấu đáo được vấn đề này. Và có lẽ, trong tương lai, “chuồng cọp” vẫn hiện diện như một phần tất yếu của cuộc sống, và luôn trông chờ… giải pháp.
Hà Thành