Hà Nội đập bỏ tòa nhà 'Hàm cá mập': Trả lại không gian công cộng bền vững cho muôn đời sau

 17:39 | Thứ hai, 10/03/2025  0
Tòa nhà “Hàm cá mập” (còn gọi là Tòa nhà trung tâm thương mại số 7 Đinh Tiên Hoàng) vốn là nhà ga cuối các tuyến xe điện cũ, có giá trị lịch sử nên được xây dựng trung tâm thương mại để phục vụ khách du lịch, người dân đến tham quan Hồ Gươm và khai thác cảnh quan.

Công trình vốn được KTS Tạ Xuân Vạn thiết kế nhưng lại giao cho người khác sửa chữa, thay đổi năm 1996 và 1998. Sau hơn ba thập kỷ, “Hàm cá mập” dù bị không ít người chỉ trích vì thiết kế xấu, song lại rất thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ và du khách nước ngoài. Nay tòa nhà này sắp được phá đi để mở rộng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về phương án thiết kế, cải tạo Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm. Nhân thành phố tán thành phương án đề xuất phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập”, đề xuất không gian ngầm tại khu vực quảng trường hiện có, phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, xoay quanh chủ đề này. 

KTS. Trần Huy Ánh trả lời phỏng vấn trước tòa nhà “Hàm cá mập”.


Chào KTS. Trần Huy Ánh, là người đã gắn bó với nhiều nghiên cứu đô thị về Hà Nội, cá nhân ông cảm nhận như thế nào về sự tồn tại của tòa nhà "Hàm cá mập" này?

Công trình nằm tại vị trí nổi bật bên hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), nơi được ví như là trái tim Hà Nội – nơi mà những ngày lễ trọng đại của Hà Nội và của đất nước mọi người dân đều muốn tập trung tại đây để hân hoan chào đón. Vì vậy mọi hoạt động, thay đổi tại khu vực này đều được người dân Hà Nội nói riêng, cũng như dư luận cả nước nói chung, quan tâm đặc biệt.

Trước hết, nhìn nhận với vai trò là một công dân Thủ đô, việc TP Hà Nội nhất trí với đề xuất phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập” là quyết định rất được mong đợi. Bản thân tôi cũng như đông đảo người dân Thủ đô hào hứng, phấn khởi khi biết thông tin này.

Tòa nhà này vốn ban đầu do KTS Tạ Xuân Vạn thiết kế, mang tính ẩn dụ của “vầng trăng và cánh diều” nhưng sau khi xây dựng phần thô, công trình bị dư luận nhiều chiều bàn thảo, trong đó có cả những ý kiến phê phán, đặt tên là “hàm cá mập” mang tính chế giễu.

Sự đổi thay từ “Vầng trăng cánh diều” từng bước thành “Hàm cá mập”. Ảnh: TL


Công trình dừng lại và giao cho người khác sửa thiết kế, xây dựng. Sau nhiều lần sửa chữa, cơi nới, đến thời điểm hiện tại, công trình đã đổi khác xa với thiết kế ban đầu, không còn nét thanh thoát, tinh tế như thiết kế của KTS Tạ Xuân Vạn nữa, mà trở nên cứng nhắc đúng như tên “Hàm cá mập” đã được áp đặt. KTS Tạ Xuân Vạn, người đã ấp ủ với bao ước vọng, muốn dâng tặng cho Hà Nội một tác phẩm xứng đáng thì lại là người phải chịu ấm ức là tác giả của cái công trình biến thể tùy tiện, xấu xí này mà không có cơ hội biện giải. Như KTS Tạ Xuân Vạn chia sẻ với báo chí hồi năm 2019 thì ông thậm chí đã ngồi khóc, uất ức vì không hiểu tại sao người ta lại có cách đối xử dã man như vậy với tác phẩm kiến trúc, với tác giả thiết kế như thế[1].

Ông nghĩ sao về đề xuất phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập” vừa được UBND TP Hà Nội đưa ra?

Công trình nằm tại vị trí đắc địa bên hồ Hoàn Kiếm, trước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục phải là công trình có giá trị lịch sử văn hóa cao. Đó còn là không gian kết nối giữa Bắc Hồ Gươm để bắt đầu đi vào không gian phố cổ. Tòa nhà “Hàm cá mập” đã không đạt thẩm mỹ về kiến trúc, chịu nhiều điều tiếng nhưng lại án ngữ ngay tại vị trí với nhiều điểm nhìn từ các hướng, toà nhà ngày càng trở nên lòe loẹt, chắp vá gây cảm giác nhức nhối đối với không ít người đã sống tại Hà Nội nhiều năm.

Khu vực ngã 5 bờ hồ Hoàn Kiếm năm 1989. Tòa nhà giữa bức ảnh là nhà điều hành xe điện đối diện bến tàu điện Bờ Hồ, nay là tòa nhà “Hàm Cá Mập”. Ảnh: Francoise De Mulder


Nếu như toà nhà này bị phá dỡ thì tại đây, UBND TP Hà Nội dự kiến xây dựng không gian ngầm tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và di dời một số trụ sở cơ quan để làm công viên, mở rộng không gian công cộng khu vực phía Đông của Hồ Hoàn Kiếm. Theo ông điều này sẽ có những tác động, về cả mặt tích cực và cả mặt chưa hợp lý, ở điểm nào?

Không gian Hồ Gươm đã có lịch sử gắn bó với Thăng Long ngàn năm lịch sử. Truyền thuyết dựng nước và giữ nước, yêu chuộng hòa bình từ thời Lê – Trịnh – Nguyễn cho đến những sự chuyển hóa – hội nhập Đông Tây từ đầu thế kỷ XX đã tạo ra kiệt tác kiến trúc cảnh quan đẹp đẽ cho đến trước khi mở cửa (thập kỷ 1980 – 1990). Nhưng trong hơn 30 năm trở lại đây (1990 – 2025) đã mọc lên nhiều công trình làm suy thoái cảnh quan kiến trúc tại đây. Đã có nhiều đề xuất quy hoạch hay các phương án dự thi quy hoạch… nhưng vẫn còn “rón rén” mà chưa vượt qua những hạn chế của tư duy thực dụng, lợi ích ngắn hạn.

Quyết định thu hồi mặt bằng, dỡ bỏ các công trình kém chất lượng để mở rộng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Hồ Gươm vừa qua là rất tích cực, mang tính cách mạng, giải phóng những lợi ích vụn vặt để khai thông năng lượng mới cho khu vực này... Tuy vậy những ý tưởng mới công bố tôi cho rằng là hơi nóng vội và ẩn chứa không ít điều bất hợp lý, rủi ro chưa lường hết.

Không gian Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tòa nhà “Hàm cá mập” nhìn từ trên cao. Ảnh: VietNamNet


Nhìn tổng quan về không gian cảnh quan Hồ Gươm hiện nay, ông có những đánh giá chia sẻ gì, khi mà nhiều năm qua, việc chỉnh trang cải tạo Hồ Gươm còn gặp những khó khăn nhất định?

Có quy hoạch nhưng không theo quy hoạch. Có quy hoạch nhưng không có giá trị bền vững lâu dài và bị chi phối bởi các lợi ích ngắn hạn, xây cao tầng, khối tích lớn ven hồ làm suy giảm không gian cảnh quan... Thành công nhất theo tôi là dự án kè Hồ Gươm thực hiện năm 2021 – 2022 đã khắc phục được nhiều hạn chế tồn tại và thích ứng với nhu cầu tương lai.

Có thể thấy một bài toán khó đang đặt ra đối với Hà Nội với việc đầu tư mở rộng không gian mở quanh Hồ Gươm. Vậy theo ông, cần phải có những giải pháp gì và cần ưu tiên đầu tư gì với không gian mở quanh khu vực đặc biệt này?

Khi biết tin Hà Nội giải phóng mặt bằng và cải tạo không gian lớn tại Bắc và Đông Hồ Gươm, tôi thấy giới kiến trúc sư Hà Nội rất quan tâm. Lãnh đạo Hội (Kiến trúc sư Hà Nội) và Thường vụ đã trao đổi và xác định đây là nhiệm vụ của các kiến trúc sư Hà Nội, đồng hành với thành phố. Các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các chuyên gia có uy tín đã trao đổi và thống nhất đây là cơ hội lớn cho thành phố và cả nước, cho hôm nay và mai sau, nhằm thể hiện trách nhiệm của chúng ta với tài nguyên của cải tổ tiên ngàn đời đã để lại là trả lại không gian công cộng bền vững cho muôn đời sau. 

Do vậy, cần có một cuộc thảo luận rộng rãi và chuyên sâu để nhìn nhận thấu đáo toàn diện giá trị của Hồ Gươm với Hà Nội và cả nước. Xác định chính xác những giá trị trường tồn và đáp ứng được nhu cầu tương lai… từ đó mới đặt ra nhiệm vụ bỏ đi cái gì, giữ lại những gì và sẽ làm gì tại đây, chứ chưa vội bàn nên đầu tư xây dựng mới vào đây cái gì và như thế nào.

Đây là công việc rất khẩn trương nhưng cũng không thể nóng vội, cẩu thả.

Xin cảm ơn ông!

Trang Ngọc thực hiện.

Một số phương án Dự thi Ý tưởng Quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận vào năm 2009.

Phương án của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP).

Phương án của Công ty cổ phần tư vấn, đầu tư và xây dựng CDCC.

Phương án của Ytalia.

Phương án của Công ty cổ phần Quy hoạch, Kiến trúc và Đô thị MQL (MQLPAU).

Phương án của NHQ.

Phương án của Nikken Sekkei (Nhật).

Phương án của IUID.

Phương án của Đạt giải thưởng lớn của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) năm 1995 của KTS. Lê Thị Kim Dung.

Ảnh: NVCC

________________

[1] https://danviet.vn/cha-de-ham-ca-map-va-nhung-cau-chuyen-it-ai-biet-2025030711215837.htm

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.