Trong diễn biến dịch COVID-19, UBND tỉnh Đồng Nai phải nhanh chóng điều chỉnh biện pháp cách ly (đã ban hành trước đó) với người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai, một lần nữa khiến số người quan tâm đến cơ chế vùng có lẽ tăng thêm, theo nghĩa mong chính quyền hai địa phương có “thỏa ước lâu dài” giữ ổn định hành trình mưu sinh của họ. Vì ít nhất đang có hơn 10.000 người hàng ngày từ TP.HCM qua Đồng Nai làm việc và khoảng 6.000 người “đang làm cho TP.HCM” ở tại Đồng Nai, chưa kể những chủ xuất nhập hàng qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải qua lại TP.HCM - Đồng Nai, và còn rất nhiều nhóm người lao động di chuyển theo hành trình này cũng lo lắng trước các biện pháp cách ly mạnh.
Tất nhiên UBND tỉnh Đồng Nai có lý cho hành động cứng rắn nhằm đảm bảo an toàn cho các cư dân thuộc “lãnh thổ hành chính tỉnh nhà” giữa đại dịch. Nhưng các biên giới hành chính lại thường không trùm lên được các không gian kinh tế, xã hội lẫn không gian sinh thái tự nhiên, nên khi ra quyết định dễ bị gọi là “thiếu tầm nhìn chung liên tỉnh, thành phố”, chưa nói đến cơ chế để kết nối của một vùng kinh tế.
Lượng giá tổng giá trị kinh tế dịch vụ hệ sinh thái của Cần Giờ là 4.555 tỷ đồng/năm. Tầm nhìn vùng cần tính đủ các giá trị to lớn ấy vào bài toán kinh tế sinh thái vùng. Ảnh: Trung Dũng
Tầm nhìn vùng kết nối những mảnh rời rạc
TP.HCM hàng năm thu hút hơn 133.000 lao động nhập cư, nói chung đã nhận được những “người con khỏe mạnh nhất” từ mọi miền đất nước. Sự tăng mạnh dân số đòi hỏi hệ thống hạ tầng vật chất (đường, nhà ở, các loại công trình xây dựng khác…) tương ứng. Để có chúng, thành phố phải khai thác vật liệu bên ngoài lãnh thổ hành chính, mà sự kiện tháng 6.2017 UBND TP.HCM phát công văn đề nghị các tỉnh miền Đông hỗ trợ nguồn cung cấp cát (chủ yếu từ những mỏ trên đất Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh..), chỉ là một ví dụ về nhu cầu hợp tác vùng, hay độ mở của hệ xã hội (social system). Hệ này bao gồm các yếu tố dân số, văn hóa, sản phẩm vật chất, tổ chức xã hội và thể chế xã hội…, đương nhiên nó phi giới hạn so với bất cứ loại “biên giới lãnh thổ hành chính nào”.
Chuyện đang nóng ở huyện Cần Giờ cũng thuộc chủ đề này, với các tham luận của hội thảo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” (Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP.HCM tổ chức 30.3.2021 tại TP.HCM). Có lẽ lần đầu tiên, các diễn giả thống nhất và nêu một cách thẳng thẳn, cụ thể, rằng TP.HCM đã dùng gần hết các không gian phát triển trong địa giới hành chính của mình (chỉ riêng về đất đai) và giảm đáng kể chỉ số năng lực cạnh tranh. Hiểu theo lối dân dã là “hết đất bán” mà không thể làm theo cách của Hà Nội “sáp nhập các tỉnh lân cận để to gấp ba lần, có nhiều đất hơn”.
Vẫn nhìn theo không gian, lãnh thổ hành chính TP.HCM các mặt đều bao bọc bởi “biên giới hành chính các tỉnh khác”, duy còn mặt hướng biển là Khu sinh quyển thế giới Cần Giờ, được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ sự nỗ lực tuyệt vời của cả thành phố. Nhưng cũng tất nhiên, các động lực “thị trường hoang dại” coi nó là một trở ngại, ngăn trở bước tiến của cuộc đô thị hóa cũng tiềm ẩn tham vọng “hoang dại” (nếu chỉ lấy đất chia lô, bán nền, xây bất động sản, bán). Nó quá nhạy cảm, nên cần đặt ra câu chuyện tầm nhìn, để có thể chọn cách phát triển tiến biển tốt nhất. Mô hình cộng sinh với tự nhiên để cùng xây dựng ngành kinh tế sinh thái và du lịch giá trị gia tăng cao đã được các chuyên gia khuyến nghị tại hội thảo đó.
Khu vực được các chuyên gia cao cấp thực hiện Báo cáo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” đề xuất tạo Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công. Ảnh: Google map
Tầm nhìn sẽ cho ra hai hướng nhìn: Hẹp, gần: TP.HCM cố giữ rừng Cần Giờ cho chính nó. Rộng, xa: Rừng Cần Giờ, lấy lõi tự nhiên khổng lồ làm trung tâm vùng của tám tỉnh Đông Nam bộ, nơi giao hòa các lưu vực sông lớn Nam bộ tụ về Vịnh Cần Giờ - Gành Rái (TP.HCM, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Xin bàn về hướng thứ hai, để thấy sẽ không cần hướng thứ nhất, và cũng chỉ đề cập đến vài trong số nhiều giá trị khu rừng này đối với toàn vùng Đông Nam bộ.
“Phổi” có giá, “thận” thì chưa…
Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ thường được coi là “lá phổi của TP.HCM”, nhưng theo đường thủy, khoảng cách từ TP.HCM đến Cần Giờ xa gấp ba lần từ TP. Vũng Tàu. Nghĩa là người TP. Vũng Tàu “thở bằng lá phổi Cần Giờ ” trước cả dân TP.HCM? Còn nếu quy ra tiền (bán tín chỉ carbon, năm 2020 Ngân hàng Thế giới đã ký hợp đồng đầu tiên với Việt Nam để mua 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn) thì, các chuyên gia ở hội thảo nói trên cho biết nó bằng hơn 1.555 tỷ đồng/năm.
Rừng Cần Giờ nhìn từ vịnh vào. Ảnh: Trần Trung Chính
Nói đến chức năng lọc của “quả thận Cần Giờ”, tính đến tháng 6.2018 trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai có 98 khu công nghiệp lớn, lượng nước thải từ chúng được xem là lớn nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước (20% trong số 26.000 nguồn thải điều tra có lưu lượng nước thải vượt 1.000m3/ngày) và ngày càng gia tăng, chưa kể 57.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp vừa và nhỏ tập trung ở 4 tỉnh, thành phố lớn.
Các báo cáo cho biết nước thải từ các khu công nghiệp tập trung đều đã được xử lý (tạm tin thế), nhưng phải thừa nhận chưa có số liệu thống kê đầy đủ về hoạt động sản xuất công nghiệp và dữ liệu về nguồn thải đang phân tán khắp lưu vực sông Đồng Nai. Đó mới chính là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm trầm trọng lưu vực sông này, bởi phần lớn đang xả thẳng ra môi trường.
“Phổi, thận và áo giáp” - ba loại dịch vụ sinh thái mà rừng Cần Giờ đang cung cấp cho toàn vùng Đông Nam Bộ, nhưng vì thuộc lãnh thổ hành chính TP.HCM nên thường quan niệm chỉ Thành phố này mới có trách nhiệm giữ “nguyên vẹn ” tình trạng của nó.
Lưu vực sông Đồng Nai còn có sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt 126.310 tấn/ năm, nước thải, chất thải từ đây gây ô nhiễm môi trường hoàn toàn không được kiểm soát, xử lý. Nước thải từ khoảng 710 làng nghề bám theo sông cũng vậy, đang gây ô nhiễm nặng với các đặc trưng khác nhau của mỗi loại hình sản xuất.
Nước thải sinh hoạt đô thị, vốn tăng theo đô thị hóa chóng mặt cũng tệ không kém: TP.HCM chỉ xử lý được khoảng 21,2%, Bình Dương trên 60%... Đánh giá chung “Rất ít đô thị trong vùng Đông Nam bộ được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ xử lý loại nước thải thấp, và đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường nước”. Nước thải y tế toàn vùng cũng trong tình trạng các cơ sở y tế tuyến dưới hầu như không có điều kiện xử lý, vẫn xuôi theo sông đến rừng Cần Giờ.
Và, dĩ nhiên 75.740ha hệ sinh thái rừng phải làm nhiệm vụ “quả thận khổng lồ” ngày đêm lọc khối lượng nước thải cũng khổng lồ từ tám tỉnh (vụ Formosa Hà Tĩnh mới chỉ do một khu công nghiệp mà gây hại cho môi trường biển ba tỉnh), và nếu con người có ý định thay nó bằng xây nhà máy xử lý, rồi thu phí đủ từ tất cả các bên xả thải (theo Luật Bảo vệ Môi trường), thì ai dám chắc nguồn thu cho kinh tế toàn vùng liệu có giữ được như hiện tại?
Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ đảm bảo cho khả năng làm sạch và tái tạo môi trường của một vùng rộng lớn. Ảnh: Anh Tân
Trong bảng lượng giá rừng Cần Giờ còn thiếu nội dung này, PGS-TS. Lưu Thế Anh (Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia) khẳng định: “Chắc chắn nó (loại rừng ngập mặn) đóng vai trò chủ lực trong quá trình xử lý nước ô nhiễm do những hoạt động của con người gây ra, chảy qua nó trước khi ra biển. Nhưng chúng tôi chưa hoàn tất được việc này, hiện trong vô số các chỉ số ô nhiễm phải phân tích, mới tính được có phốtpho và nitơ...”. Đành chờ khi nào họ tính xong sẽ biết “quả thận khủng” ấy giá bao nhiêu?
Tính tiền cho bộ giáp xanh
Thuật ngữ kinh tế sinh thái gọi những gì thế giới tự nhiên cung cấp cho con người là “dịch vụ hệ sinh thái”, nôm na chẳng mất tiền mà vẫn được phục vụ.
Hàng năm vùng ven biển của các tỉnh Nam bộ rất ít bão, nhưng thường khu vực này bị ảnh hưởng của những trận bão đổ bộ vào Nam Trung bộ và bão ngoài khơi vùng biển Nam bộ gây gió mạnh, kèm nước biển dâng cao. Hệ thống rừng Cần Giờ đóng vai trò bức tường “xanh” khổng lồ chắn sóng, giảm bớt thiệt hại của bão gây ra cho đất liền phía trong, giúp bảo vệ tài sản, mùa màng cho cộng đồng nhân dân các xã ven biển. Giá trị phòng hộ này được tính cho lớp rừng “đầu sóng ngọn gió” diện tích 132.446ha, trung bình bằng khoảng 531,45 tỷ đồng/năm.
Toàn bộ hệ thống cảng sông, biển Vịnh Cần Giờ đang hưởng lợi từ tính năng cố định đất phù sa của rừng (rễ cây rừng ngập mặn có tác dụng làm giảm 20-30% lượng vật chất bồi lắng hàng năm), có nghĩa giảm khối lượng nạo vét bùn bồi lắng cho luồng lạch giao thông thủy (các cảng siêu lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu đang được hưởng). Giá trị này tính theo đơn giá 130.000 đồng/tấn chi phí nạo vét là 87,7 tỷ đồng/năm, thì rừng Cần Giờ đã cho khoảng 20,925 tỷ đồng/năm. Tổng của hai khoản (phòng hộ bồi lắng, phòng hộ thiên tai) thì giá trị của “bộ giáp xanh” là 608, 65 tỷ đồng/năm.
Tất nhiên còn nhiều khoản giá trị nữa thuộc các nhóm: giá trị kinh tế từ dịch vụ cung cấp, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ văn hóa... được lượng giá để lý giải cho tổng giá trị kinh tế dịch vụ hệ sinh thái đó là 4.555 tỷ đồng/năm. Tầm nhìn vùng cần tính đủ các giá trị to lớn ấy cũng được khuyến nghị vào bài toán kinh tế sinh thái vùng, mà phạm vi bài này chưa thể đề cập.
Tuyến phà biển đầu tiên từ huyện Cần Giờ đi Vũng Tàu đã chính thức hoạt động từ ngày 4.1.2021. Ảnh: CTV
Có thể ông Hubert Jenny lại cười
“Phổi, thận và áo giáp” - ba loại dịch vụ sinh thái mà rừng Cần Giờ đang cung cấp cho toàn vùng Đông Nam bộ, nhưng vì thuộc lãnh thổ hành chính TP.HCM nên thường quan niệm chỉ thành phố này mới có trách nhiệm giữ “nguyên vẹn” tình trạng của nó. Tức là dù còn tới 75.740ha rừng án ngữ đường ra biển, TP.HCM vẫn khó “đụng vô nó”?
Những người dự hội thảo quốc tế bàn về tình trạng quy hoạch manh mún ở Việt Nam (ngày 24.8.2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban kinh tế Quốc hội, UN Habitat tổ chức tại Hà Nội) có thể còn nhớ ông Hubert Jenny (chuyên gia cao cấp ADB) hài hước: “Việt Nam có thể gây hiểu nhầm rằng các bạn đang giàu quá, bởi tỉnh nào cũng có, cũng muốn có sân bay, cảng… Trong khi ở vùng biên giới Pháp - Tây Ban Nha chính quyền hai quốc gia quyết định xây sân bay chung; giữa Bỉ - Đức cũng vậy, vì họ có chung tầm nhìn vùng”.
Cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Trần Trung Chính
Trong 3 năm gần đây (2018-2020) nguồn thu tiền sử dụng đất của TP. HCM giảm mạnh, 2020 chỉ đạt 7.634 tỷ đồng - bằng nửa số thu năm 2019 và bằng một phần ba 2017 (theo TBKTSG 9.6.2021). Dĩ nhiên có nhiều lý do, nhưng không thể bỏ qua do thiếu nguồn cung đất (không gian để phát triển). Nói đơn giản TP.HCM đang “mặc cái áo quá chật với thân thể”, mà việc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất xây cảng tại Cần Giờ cho loại tàu cỡ hơn trăm tấn, có thể là một trong các giải pháp góp phần tăng thu ngân sách?
Nếu thế nay ông Hubert Jenny vẫn có quyền tiếp tục hài hước. Vì nếu TP.HCM làm cảng tại Cần Giờ, trong khi ngay bên kia bờ sông Thị Vải đã có cảng Cái Mép - Thị Vải (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong số cảng container nước sâu lớn trên thế giới, đầu tư khoảng 2 tỷ USD, đón được “siêu tàu” với trọng tải gần 200.000 tấn), khánh thành đã 8 năm và hiện cũng chỉ đạt 40-50% công suất. Vậy mở cảng lớn trong không gian chung của Vịnh Cần Giờ, vô tình hay hữu ý, TP.HCM sẽ bước vào cuộc cạnh tranh với người anh em Bà Rịa - Vũng Tàu “trên thương trường như chiến trường”?
Và tất nhiên người ta sẽ không chỉ xây mỗi cái cảng, liền với nó luôn là hệ thống kho bãi, các công trình phụ trợ, đường giao thông các loại… Nghĩa là diện tích rừng Cần Giờ sẽ bị thu hẹp, toàn bộ hoạt động của con người và những công trình của nó sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của khu rừng, cũng là làm suy giảm ít nhất ba chức năng dịch vụ mà nó đang cung cấp miễn phí cho hàng chục triệu dân miền Đông Nam bộ.
Đến đây, có thể thấy logic câu chuyện dẫn tới, không thể khác: cần xây dựng một tầm nhìn chung toàn vùng Đông Nam bộ, nhỏ hơn là các hợp tác chiến lược giữa các tỉnh để cùng sử dụng 160km đường đới bờ (chứ không phải chỉ 40km của riêng TP.HCM) và cả không gian mặt nước hơn 42.000km2 toàn Vịnh Cần Giờ cho ba tỉnh thành có chung mặt tiền biển: Gò Công, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, mà TP.HCM với sức nặng kinh tế đặc biệt của mình, sẽ đóng vai trò dẫn dắt.
Tầm nhìn chung, tư duy cộng sinh, tích hợp đa mục tiêu... được lập nên từ cơ sở của các khoa học liên ngành đang chứng minh tính đúng đắn của nó. Để hình thành và vận hành chung một tầm nhìn, năm 2001, Nhật Bản phải sáp nhập bốn bộ và cơ quan ngang bộ thành một bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông - Du lịch (viết tắt MLIT); Hàn Quốc đến 2013 cũng hoàn thiện việc hợp nhất nhiều bộ... Tức là nó đang buộc các nhà thiết kế chính sách, lập kịch bản phát triển, làm quy hoạch… thay đổi phương pháp tác nghiệp. Nhưng cuộc thay đổi này sẽ vô cùng khó khăn, nếu cơ chế kết nối vùng vẫn chưa có, hoặc vận hành theo lối cũ.
Trần Trung Chính
_________________
Tài liệu tham khảo: kỷ yếu hội thảo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”; chuyên đề “Môi trường nước các lưu vực sông” (Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018).