Người Lô Lô về Lô Lô Chải

 20:43 | Thứ ba, 29/10/2024  0
Bất kỳ khách du lịch nào dù trong nước hay ngoài nước mà đã đặt chân đến đây thì cũng muốn ở lại lâu một chút, đi ngủ lúc trời tối và thức dậy khi bình minh ló dạng trên những đỉnh núi tai mèo phía Đông…

Có lẽ mãi về sau này tôi vẫn sẽ cứ lưu giữ trong tâm trí cái khoảnh khắc ấy, khi tôi ngồi trong hiên nhà Vương nhìn ra ngoài sân. Bây giờ là mùa thu. Nắng chiều mượt mà óng ả giống hệt như những giọt mật ong đang rớt xuống qua những kẽ lá xanh biếc của cây đào vẫn còn vài quả vương vất lại. Mọi người đang ngồi dưới tán cây ấy, uống trà. Tất cả đều thật thảnh thơi. Bọn trẻ con không cắm mặt vào điện thoại, người lớn nói lan man những chuyện không đầu không cuối về mùa vụ. Bên ngoài cánh cổng lợp ngói âm dương là mấy mảnh ruộng khô, thu hoạch đã lâu, đất để không cho cỏ mọc. Mấy con trâu béo mầm béo mụp, da căng bụng tròn, thong thả gặm cỏ. Hồ nước nhỏ trong trẻo. Mấy thanh niên cắm ô ngồi câu trên bờ. 

Yên tĩnh. 

Thứ yên tĩnh của một cuộc sống thanh bình, mọi nhu cầu đều giản dị, người với người hòa nhã, cỏ cây cứ thế mà đâm chồi nảy lộc ra hoa kết trái. 

Tôi thích ngắm cái cuộc sống này quá. 

Ở Hà Giang thì người Lô Lô sinh sống đông nhất tại Đồng Văn, chủ yếu tập trung ở Lô Lô Chải.


Tôi và chúng ta đã sống quá lâu trong những tháng ngày ồn ã, chật chội, khói bụi, cấp tập. Đôi khi tôi cứ chẳng hiểu tại sao ở thành phố hễ đi ra đường là ai ai cũng vội vã đến thế. Đèn đỏ chỉ còn một giây sẽ chuyển sang màu xanh là dấn ga vọt qua, đèn vàng còn một giây cũng nhất định không thể dừng. Không biết nhanh hay chậm một giây ấy, người ta sẽ làm được gì? Làm ra bao nhiêu tiền hay là có thêm bao nhiêu kilogam hạnh phúc? Vội vã và dễ nổi nóng. Hễ có một chút va chạm là mặt đỏ phừng phừng, miệng lớn tiếng tay chân sẵn sàng vung lên. Cứ như thế thì làm sao cảm nhận được cuộc sống muôn màu muôn vẻ? Hơn thế, cái đám đông nóng nảy cuồn cuộn chảy trên đường phố bất kể sáng chiều ấy đã cuốn tất cả những người muốn chậm lại một chút theo họ. Như lũ quét vậy. 

Dù thế, dễ gì mà thoát ra. Cuộc sống mà, ai cũng nói vậy. 

Thế nên tôi hiểu vì sao mình lại thấy cái khoảnh khắc này, hình ảnh này, những giọt nắng ấm áp trong buổi chiều trong veo này lại đáng quý đến thế. Nó như một viên kẹo ngọt và mềm, xoa dịu những tổn thương vô hình trong tâm trí. 

Nguyễn Đức Vương sinh năm 1978, người Hà Nội, đã gắn bó với Hà Giang hàng chục năm nay. Thậm chí anh chuyển cả hộ khẩu từ Hà Nội lên Đồng Văn để thuận lợi cho việc xây dựng một căn homestay đúng chuẩn Mông từ viên ngói đến miếng đất sét trình tường. Vương cũng có một căn homestay ở Lô Lô Chải, ngôi làng nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú. Chính là ngôi nhà mà tôi đang ngồi trên hiên đây. Mùa này ít khách. Vương nói cả tháng nay mình em vừa là chủ vừa là khách.

Vắng khách thì Vương đi tỉa cây cối, sửa sang lại nhà cửa, nắng lên thì đem chăn màn ra giặt giũ phơi phóng cho thơm tho. Đây là một căn nhà truyền thống của người Lô Lô, được Vương thuê lại trong 10 năm. Sửa sang rồi làm dịch vụ lưu trú. Trước cửa nhà Vương là chiếc hồ mà người địa phương gọi là hồ Mắt Rồng, xuất phát từ một huyền tích khá thú vị ở đây. 

Nguyễn Đức Vương là người Hà Nội, đã gắn bó với Hà Giang hàng chục năm nay.


Lô Lô Chải thuộc xã Lũng Cú. Tất cả các hộ trong thôn đều là người dân tộc Lô Lô. 

Theo thống kê gần đây nhất thì dân số Lô Lô ở nước ta chỉ chưa đầy 5.000 người, chủ yếu ở Hà Giang, một số bà con ở Cao Bằng, Lào Cai. 

Ở Hà Giang thì người Lô Lô sinh sống đông nhất ở Đồng Văn và ở Đồng Văn thì chủ yếu tập trung ở Lô Lô Chải. Tổng số dân Lô Lô Chải có chưa đầy 300. 

Tôi với Vương đi một vòng quanh thôn. 

Đã lâu rồi tôi mới trở lại và thật sự ngỡ ngàng vì nơi này đổi thay nhiều quá. Phần lớn số hộ trong thôn đều kinh doanh homestay. Cũng đúng thôi. Một nơi đẹp như cổ tích thế này mà không kinh doanh lưu trú thì cũng phí. Chưa kể bất kỳ khách du lịch nào dù trong nước hay ngoài nước mà đã đặt chân đến đây thì cũng muốn ở lại lâu một chút, đi ngủ lúc trời tối và thức dậy khi bình minh ló dạng trên những đỉnh núi tai mèo phía Đông.

Lô Lô Chải, vào những ngày đông khách, nghe nói phải chen chân nhau vì những con đường dốc đều rất hẹp. Những ngôi nhà trình tường vàng óng, mái lợp ngói âm dương nâu thẫm nằm sát nhau, nhưng vẫn còn chừa những khoảng trống để trồng ngô. Tôi nói với Vương, làm thế nào để bà con giữ lại những mảnh ruộng ngô thế này, đừng ham kinh doanh mà phá đi dựng nhà làm homestay nữa. Đang mùa ngô xanh biếc, lấp ló những bắp non. Dưới gốc ngô, chằng chịt dây bí đỏ bò, quả bí lăn lóc. Người Lô Lô cũng như người Mông, luôn tranh thủ trồng bí dưới những gốc ngô. Trồng ngô lúc nào trồng bí lúc ấy. Thu hoạch ngô cũng là lúc những quả bí đã kịp chín vàng, già đanh, hái về vứt vào góc bếp, suốt những ngày đông tháng giá vẫn có bí để ăn thay rau xanh. 

Những cái lá ngô cứa vào cánh tay tôi sắc lẻm. Mùi thơm của cỏ cây, của những vạt hoa dại đang trổ ra hai bên lối đi, thật dễ chịu. Đi xuyên qua những con dốc ngoằn ngoèo, đi qua những khu vườn và sân nhà, chui qua những cánh cổng... thôn làng yên ắng. Vài người đang ngồi làm việc vặt bên hiên nhà, thấy khách đến thì ngẩng lên chào rồi lại cắm cúi làm. Nhà ai bạn cũng có thể bước chân vào, chào nhau một câu, giơ máy ảnh chụp thoải mái, loanh quanh ngắm nghía chán chê rồi đi ra. Mọi cánh cổng đều mở. Đến cả những chú chó cũng hiền lành, không một tiếng sủa. Nắng cứ vàng óng ả lên, chiếu xuống thơm tho. 

Tôi rất muốn làm một cái gì đó ở đây, chính cái Lô Lô Chải này. Tranh thủ khi nó còn chưa bị việc khai thác thái quá làm cho biến dạng đi. Là tôi cứ lo ngại thế. Biết đâu, người ta, những người sinh sống ở đây, cũng sẽ biết cách giữ những gì đang có. 

Nhiều hộ dân đã cho người dưới xuôi lên thuê nhà, cải tạo để làm dịch vụ. Tất nhiên là đời sống tốt lên, khấm khá hơn, nhưng mà... 

Tôi không gặp Hương ở Lô Lô Chải vì cô gái đang về trường Bách khoa trả nốt vài môn học trước khi tốt nghiệp. Gia đình Hương có một quán cà phê có thể nói là đáng yêu nhất trên rẻo đất này. Quán nằm trong khuôn viên nhà, quầy pha chế ở trên hè, bàn ghế đặt ngoài sân, dưới những tán cây mận xanh biêng biếc. Ngoài sân nhà Hương có một con mèo. Nghe nói cô mèo này đã đi vào không biết bao nhiêu bức ảnh của du khách vì cô ấy dễ thương cực kỳ. Khách nào đến cũng thích chơi cùng. Cô nàng đang nằm phơi nắng, thư thái, dễ chịu, bàng quan. Hương là một trong số rất ít thanh niên ở thôn đi học đại học. 

Dìu Thị Hương gặp tác giả ở Hà Nội.


Sau đấy ít ngày tôi hẹn gặp Hương ở Hà Nội. Tôi chỉ muốn hỏi một câu thôi: “Tại sao em lại quyết định quay về Lô Lô Chải?”. Một câu hỏi vô cùng đáng để hỏi với tất cả những thanh niên người dân tộc thiểu số đã vượt qua muôn ngàn ngọn núi để về thành phố học hành. Tại sao lại quay về? Đường về thực sự rất khó, khi người ta đã đi. 

Dìu Thị Hương, đấy là tên em. Cô sinh viên năm cuối chuyên ngành kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa. Hương chưa tốt nghiệp đại học nhưng cô đã kịp làm việc cho một công ty chuyên về thiết bị máy tính của Trung Quốc tại Hà Nội. Phía công ty muốn cô làm việc lâu dài cho họ, dự định Hương tốt nghiệp đại học sẽ cho Hương sang Trung Quốc học tiếp hai năm chuyên ngành. Một cánh cửa lớn vừa mở ra trước mắt Hương.

Nhưng cô đã quyết định quay về. 

Quán cà phê của gia đình Hương vốn do một người Nhật Bản, một ông già đã trên bảy mươi tuổi, rất yêu Việt Nam và đặc biệt yêu cái thôn Lô Lô Chải, bỏ tiền ra đầu tư, hướng dẫn bố mẹ, chị em Hương cách kinh doanh. Lợi nhuận gia đình Hương hưởng. Ông Yasushi Ogura không có bất kỳ điều kiện gì ngoài việc: hãy kinh doanh một thứ cà phê sạch và phục vụ khách bằng văn hóa của người bản địa, trong chính ngôi nhà đã nhiều thế hệ sinh sống. Thứ duy nhất ông muốn gia đình Hương sửa cho thật hợp lý là cái... nhà vệ sinh. 

Một góc quán cà phê của gia đình Dìu Thị Hương.


Hương nói, lẽ ra em vẫn theo kế hoạch sang Trung Quốc học tiếp sau khi tốt nghiệp. Nhưng gần đây nhất em về nhà, em thấy bố mẹ em vẫn thích đi làm ruộng làm nương hơn. Khách đến chẳng thấy chủ đâu, họ lại gọi cho em vì số điện thoại niêm yết ở cửa hàng là số của em, trong khi đó em lại ở Hà Nội. Em tiếc công của bác ấy. Em nghĩ, một người Nhật chẳng thân quen gì lại yêu cái vùng đất của mình đến thế, trong khi mình sinh ra lớn lên ở đấy, mình lại bỏ đi hay sao? 

Và Hương trở về Lô Lô Chải. 

Tôi nói, người hạnh phúc nhất có lẽ là ông ấy. 

Hương đáp khẽ:

- Vâng, bác ấy vui lắm. Bác ấy rất muốn em quay về trông coi quán cà phê, nhưng bác cũng không dám cản em đi học vì đó là cuộc đời em. 

- Em có tiếc tấm bằng đại học không? Về Lô Lô Chải bán cà phê chẳng phải có chút phí phạm sao?

Hương im lặng một lát rồi nói: 

- Em nghĩ rằng, những năm qua em học được nhiều hơn là lấy một tấm bằng. 

Tôi hiểu ý Hương. 

Tôi cũng rất thích cái quán cà phê của em. Nếu có thể chọn, tôi cũng chọn quay về. Nhưng tôi khác Hương, vì những gì lớn nhất trong cuộc đời hầu như tôi đã làm rồi, gần xong rồi. Hương thì mọi thứ mới bắt đầu. 

Hương nói nhiều về những âu lo khi Lô Lô Chải phát triển du lịch mạnh mẽ. Kinh tế tốt lên, văn hóa mai một đi. Bọn trẻ con ít nói tiếng Lô Lô. Bố mẹ chúng, thế hệ 9X - 2000 cũng đã rất ít dùng tiếng Lô Lô trong gia đình. Người Lô Lô có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Nếu cộng đồng Lô Lô không nói tiếng Lô Lô nữa, một ngày nào đó nó sẽ biến mất. Người Lô Lô bận kinh doanh cũng không làm nghề truyền thống nữa, thêu thùa đan lát, dần dà có thể bỏ cả nghề nông...

Dìu Thị Hương trong trang phục truyền thống của người Lô Lô.


Tôi chăm chú nhìn Hương. Nếu như người Lô Lô trẻ tuổi nào cũng suy nghĩ như em, cũng có những lo lắng như em, thì đó thực sự là điều hạnh phúc tuyệt vời cho cộng đồng dân tộc Lô Lô. 

Tôi nói với Hương, lần sau trở lại tôi sẽ vẫn ghé quán cà phê nằm chót vót trên lưng chừng một con dốc, lối đi vào có hàng rào đá và những tán cây xùm xòa thật là dễ thương. Có lẽ để mùa xuân, khi hàng triệu bông hoa đào nở rộ. Khi đó, chắc chắn tôi sẽ có thể gọi một cốc cà phê bốc khói thơm phức, mà người đứng sau quầy pha chế là Hương. 

Hương không nói một câu nào đến tình yêu của cô, nhưng tôi cảm thấy nó trĩu nặng cả tâm trí. Chỉ khi yêu lắm cái thôn làng nhỏ bé của mình thì người ta mới có thể muộn phiền âu lo về nó, người ta mới quyết định làm một cuộc quay về khi mới ngoài hai mươi tuổi. 

Lô Lô Chải có những người như Hương, có lẽ sau này sẽ còn đẹp hơn.

Đỗ Bích Thúy

__________ 

(Các ảnh trong bài do tác giả và nhân vật cung cấp)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.