Người thầy của muôn đời

 09:55 | Thứ ba, 24/01/2023  0
Thầy Chu Văn An và các tiên hiền hun đúc tinh hoa cho đất Việt trời Nam.

Tôi học lớp 3 trường tiểu học, một hôm thầy tôi mở sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp Đồng ấu đọc lớn bài ông Chu Văn An, cả lớp ê a đọc theo nhiều lần. Thầy dặn về nhà ráng học thuộc lòng. “Người trong nước ai cũng khen ông là bậc cao hiền. Khi mất vua cho đem thờ trong Văn miếu”. Nhớ hoài hình ảnh trong bài. Ông thầy mặc áo dài khăn đóng ngồi trên sạp, học trò già trẻ áo quần ngay ngắn, có người mặc áo nhà quan, khoanh tay kính cẩn. Nay tròm trèm tuổi tám mươi, tôi như mới cảm nhận trọn vẹn ân đức dạy dỗ của biết bao thầy.

Quốc văn Giáo khoa thư - NXB Tuổi Trẻ in lại năm 2014

Viếng Văn miếu Quốc Tử Giám

Hễ có dịp đến Hà Nội là tôi vào Văn miếu Quốc Tử Giám. Lần này tôi muốn bái vọng thầy Chu Văn An thật lâu.

Thiên Quang Tỉnh và gác sao Khuê. Giếng Trời vuông in bóng sao Khuê tròn, rõ là Trời tròn Đất vuông. Rõ là Đạo Trời Đất.

Rùa thần cõng bia thánh. Dọc hai bên giếng mấy hàng rùa đá cõng bia Tiến sĩ bao đời. Bậc minh quân Lê Thánh Tông sùng chuộng Nho thuật, phát triển Quốc Tử Giám, dựng bia đề danh Tiến sĩ (1484).

Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn miếu năm 1070. “Mùa thu tháng 8 dựng Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nho học đã thấm sâu vào đầu óc con người toàn cõi Á Đông. Tôi thành tâm chắp tay xá nhà giáo họ Khổng cùng các tiên hiền.

Tượng thầy giáo Chu Văn An trong Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội, 5.2022)


Thầy Chu Văn An được phối thờ ở Văn miếu

Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An được phối thờ ở Văn miếu từ năm 1370 cùng các bậc tiên hiền.

Tượng thầy đẹp quá. Năm 2003, Nhà nước cho đúc tượng thầy Chu Văn An và thờ ở tầng một nhà Hậu đường khu Thái Học - khu Quốc Tử Giám xưa. Tôi cung kính rất lâu trước tượng thầy. Tượng bằng đồng tư thế ngồi, hai chân buông cân đối phía trước, tay phải cầm quạt, tay trái đặt lên gối, đầu đội mũ Đinh. Khuôn mặt cân đối, vầng trán cao rộng, hai mắt sáng. Chu Văn An được thờ tự tại Văn miếu trong suốt 440 năm đến tận đầu thế kỷ XIX và nay vẫn ở đây.

Bái thầy thật lâu tôi mới thật ấm lòng. Đạo Nho từ phương Bắc, thầy Chu Văn An nương dòng chảy của đạo tưới nhuần biết bao người và hun đúc tinh hoa cho đất Việt trời Nam.

Lối vào Thiên Quang Tỉnh và gác sao Khuê trong Văn miếu Quốc Tử Giám - “Giếng Trời vuông in bóng sao Khuê tròn”

“Rùa thần cõng bia thánh” trong Văn miếu Quốc Tử Giám


Đền thờ Thầy Chu Văn An

Đền thờ được dựng lên tại nơi thầy dạy học trên núi Phượng Hoàng, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trải qua chiến tranh, ngôi đền bị phá hủy gần như hoàn toàn. Đền thờ được tôn tạo lại, xong năm 2007.

Tưởng niệm thầy. Chúng tôi khựng lại trước bảng Lễ dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An và cung kính vái thầy. Trong tâm tưởng tôi cảm thấy được vái tạ bao bậc hiền thánh khai sáng cho mình.

Đền thờ chính ở trên một thế đất cao, rộng và linh thiêng của núi Phượng Hoàng. Phải leo 112 bậc đá. Vào đền lễ thầy xong tôi ra trước sân đền ngắm cảnh. Đẹp như tranh, rừng thông bát ngát, nghe kể quanh đây có 72 ngọn núi giống 72 con Phượng Hoàng. Cuộc đời thầy gắn bó với nơi đây biết bao.

Đền thờ chính thầy giáo Chu Văn An ở trên thế đất cao, rộng và linh thiêng của núi Phượng Hoàng


Khu lăng mộ cách đền khoảng 600m. Theo truyền thuyết, nơi đặt mộ chính là đầu của chim phượng. Tưởng chừng anh linh của thầy luôn ở đâu đây.

Người thầy muôn đời. Trở xuống cổng đền, có nhiều bảng dẫn giải hấp dẫn quá: Chu Văn An với quê hương Thanh Trì, dạy học ở Huỳnh Cung, Chu Văn An với Văn miếu Quốc Tử Giám, Thất trảm sớ, Tiều Ẩn trên núi Phượng Hoàng...

Tác giả Nguyễn Chấn Hùng tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An trước đền thờ được dựng lên tại nơi thầy dạy học trên núi Phượng Hoàng (Hải Dương, 5.2022)


Mở trường tại quê nhà. Chu Văn An sinh năm 1292. Sau khi đỗ Thái học sinh năm 16 tuổi, không ra làm quan mà về mở trường Huỳnh Cung dạy học tại quê nhà (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội ngày nay). Học trò theo học rất đông, có nhiều người thi đỗ cao và làm quan to. Ông dạy kinh điển Nho giáo, dạy sự cung kính, trung hậu và văn nhã.

Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám. Ngoài 20 tuổi ông được vua Trần Minh Tông (trị vì 1314 - 1329) vời ra kinh đô làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Những năm đầu, ông lo kèm cặp Thái tử Trần Vượng, về sau lên ngôi năm 1329, tức vua Trần Hiến Tông. Từ đó ông mới chuyên tâm vào công việc ở trường Quốc Tử Giám: mở mang trường, viết Tứ thư thuyết ước tóm tắt bốn bộ sách Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại họcTrung dung làm giáo trình dạy học. Hơn 30 năm giữ chức Tư nghiệp ông đã đóng góp phát triển nền giáo dục Nho học, đào tạo nhân tài.

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở giữa rừng thông bát ngát, nơi xưa thầy ở ẩn và dạy học trên núi Phượng Hoàng


Về Chí Linh dạy học tới cuối đời. Đến đời Dụ Tông, quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh, vua không nghe. Ông cáo quan, về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, lấy danh hiệu Tiều Ẩn (người tiều phu ở ẩn) dạy học viết sách.

Khéo chọn Chí Linh đất thiêng tú khí. Côn Sơn chỗ cao tăng Huyền Quang nhà Trần tu hành, nơi tướng công Trần Nguyên Đán về trí sĩ. Nguyễn Trãi trí sĩ cũng về đây, dựng nhà dạy học bên núi Kỳ Lân. Rừng thông râm mát, mây trắng, trời xanh. Dấu xưa còn phiến đá to, ông ngâm thơ, đọc sách. Đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần nằm trong một thung lũng xanh tươi, ba phía núi Rồng bao bọc, phía trước là Lục Đầu Giang. Tôi cảm khái ngắm dòng sông mênh mông. Trận Vạn Kiếp năm 1285 trên sông Lục Đầu là chiến công lừng lẫy thắng Nguyên Mông.

Thầy Tiều Ẩn đúng là con chim hồng trong quẻ Tiệm (Kinh Dịch). “Con chim hồng bay tuột vào đường mây, chính là một hạng người xuất thế, khí tiết thanh cao, nêu gương cho đời. Chim bay ở đường mây, cọng lông rơi xuống còn được dùng làm nghi biểu”.

Cuối đời thật đẹp. Vua Trần Nghệ Tông dẹp yên loạn Dương Nhật Lễ, lấy lại ngôi vương, thầy Tiều Ẩn tuổi cao vẫn về triều chúc mừng. Trở lại Chí Linh, thầy gần 80 tuổi, ốm nặng. Thầy qua đời tại nhà riêng trên núi Phượng Hoàng (năm 1370). Vua tặng thụy Văn Trinh Công, hiệu Khang Tiết, sắc phong Thượng đẳng thần, cho dựng tượng thờ tại Văn miếu Quốc Tử Giám, cho dựng đền thờ tại núi Phượng Hoàng và tại quê hương.

Đại Việt sử ký toàn thư. Sử quan Tu soạn Tu thiện doãn Ngô Sĩ Liên, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp ca tụng: “Thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được”.

Nơi xưa thầy dạy học. Cách đền khoảng một trăm mét về phía Tây có Điện Lưu Quang, xây bằng gỗ lim trên một vị trí thoáng đãng giữa đất trời. Trong điện có thờ tượng thầy được khai quật trong lòng đất.

Một kỷ niệm không quên, khoảng năm năm trước, tôi cùng một đoàn bác sĩ vào đốt nhang thành kính vái thầy phù hộ học giỏi. Lần này tôi cùng hai tiến sĩ y học mới toanh đến làm lễ tạ ơn thầy.

Điện Lưu Quang nơi xưa thầy giáo Chu Văn An dạy học, nay là nơi thờ tượng thầy được khai quật trong lòng đất


Kể chuyện thầy trò. Có những danh sĩ nổi tiếng như Tướng quốc Lê Quát, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, trước sau vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm hỏi thầy thì lạy ở dưới giường (sử thần Ngô Sĩ Liên)... Chắc là các trò Lê Quát, Phạm Sư Mạnh lúc trẻ đã học trường Huỳnh Cung, làm quan lớn thì đến thăm thầy Tiều Ẩn tại trường này ở núi Phượng Hoàng, lúc đó thầy đã già.

Chảy về phương Nam

Thầy Chu Văn An và các tiên hiền hun đúc tinh hoa cho đất Việt trời Nam. Dòng chảy xuống phương Nam tạo hào khí Gia Định Đồng Nai.

Xử sĩ đất Đồng Nai - Gia Định. Từ chợ Ba Tri (Bến Tre) đi khoảng 15 cây số, vòng vo mới tới đền thờ Võ Trường Toản. Đền cùng mộ phần thật bình dị. Có bức tượng đẹp. Y phục của một ông đồ, gương mặt nghiêm trang. Ông dạy học trò: Sách Đại học một ngàn bảy trăm chữ, giở ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn hai trăm chữ, lại tóm nữa thì một chữ cũng không”. Có bấy nhiêu chữ thầy dùng đào tạo bao nhiêu trò tốt. Không ham danh lợi, không thiên Tây Sơn, không thờ chúa Nguyễn, làm thầy gieo hạt tốt cho đời. Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Nguyễn Thông là các học trò thành danh. Nguyễn Thông và Phan Thanh Giản di dời mộ thầy về Ba Tri không để giặc Pháp làm ô uế.

Văn Thánh miếu Vĩnh Long bên bờ sông Long Hồ (một nhánh sông Cổ Chiên). Không gian u tịch, có đền thờ Khổng Tử cùng Tứ phối. Về sau Văn Thánh miếu có thêm Tụy Văn Lâu thờ xử sĩ Võ Trường Toản và danh sĩ Phan Thanh Giản. Mấy năm trước tượng thầy Chu Văn An được rước vào Thánh miếu, tôi thật xúc động được vái thầy. Thật đẹp, dòng chảy đạo Nho.

Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Đạo lý tỏa rạng xóm làng, rồi rộng khắp. Đền thờ thầy Nguyễn Đình Chiểu uy nghi ở Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Tác giả Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc theo học nghè Chiêu, nghè Trúc, học trò của Võ Trường Toản.

Những người muôn năm cũ

Nhớ lời thầy dạy, theo gương của Giếng. Khi tôi là giảng viên trẻ trường Y Sài Gòn, thầy tôi truyền sức cho tôi. “Nước giếng trong ai cần thì cứ múc. Giếng không sợ cạn. Càng múc nước lên càng trong, đầy mà không tràn. Không được đậy lại, phải để mọi người dùng. Hãy học tinh thần của giếng mà lo cho người bệnh, chỉ dạy cho đàn em”. Lật sách Chu Dịch của Sào Nam Phan Bội Châu, thầy chỉ quẻ Thủy Phong Tỉnh dạy về tinh thần của giếng.

Ông già Bến Ngự bên bờ sông Hương. Tôi xúc động được chiêm bái tượng Ông già Bến Ngự ở công viên bên bờ sông Hương đầu cầu Trường Tiền. Ở trong ngôi nhà tranh dốc Bến Ngự, trên chiếc đò lênh đênh sông Hương, cảnh vật hữu tình, dòng sông êm ả, cảm hứng tuôn tràn, ông soạn biết bao nhiêu sách quý, cho bao lời dạy. Duyên may cho tôi được đọc sách quý Chu Dịch.

Nho giáo Trần Trọng Kim. Học lớp đệ tam trung học tôi vớ được quyển Nho giáo, chỗ nào khó hiểu nhảy qua, mỗi ngày một chút, nhai đi nhai lại. Nhờ vậy mà biết Tứ Thư Ngũ Kinh là bí kíp của học trò ngày xửa ngày xưa, thi đậu ra làm quan cũng xài bấy nhiêu. Thầy Chu Văn An cũng học sách này và cũng dạy học trò sách này. Tác giả Trần Trọng Kim thông thạo chữ Nho chữ Pháp chữ Quốc ngữ, có cái tài viết sách khó như soạn giáo trình xưa của thầy Chu Văn An lại diễn giải dễ hiểu.

Ước mơ chuyển tải. Học giả Nguyễn Hiến Lê để lại cho đời 120 đầu sách. Tôi mê Thầy giáo họ Khổng, Luận ngữ, Mạnh Tử, Kinh Dịch... phải chăng thầy Lê là học trò từ đời thuở nào phụng mệnh thầy Chu Văn An soạn giáo trình Tứ thư thuyết ước bằng tiếng Việt cho lớp trẻ đời nay.

Nhớ thơ Vũ Đình Liên:          

...Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Tác giả trước gian thờ thầy giáo Chu Văn An trong nhà Hậu đường khu Thái Học - khu Quốc Tử Giám xưa, Hà Nội


Thầy Chu Văn An thật xứng đáng nhận muôn vàn lòng tôn kính:

“Ông thật đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn miếu” (Ngô Sĩ Liên). “Không chịu ở trong vòng ràng buộc, trên thời quân vương tôn kính, dưới thời công khanh khâm phục, thật là bậc cao sĩ hạng nhất” (Lê Quý Đôn).

Ôi! Anh linh thầy Chu Văn An cùng các bậc thánh hiền vẫn luôn ở trong tâm tưởng chúng ta.  

Bài và ảnh Nguyễn Chấn Hùng - Trần Kim Liên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.