Tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư: Khởi đầu của gió

 09:36 | Thứ bảy, 26/02/2022  0
Lúc này đây, khi dõi mắt theo đứa chắt nhỏ thờ thẩn cời tro từ đống lửa tàn ngoài bãi đất bên hồ, cố nhớ cái sông trước nhà hồi cố còn nhỏ. Cũng có thể không phải là sông, nó chỉ là con kênh, hay rạch, nhưng với mọi đứa trẻ, khoảng nước nào cũng đủ rộng ngợp để thành sông, xao động nào cũng là sóng.

Hỏi sông tên gì thì cố chịu thua, nhưng cố chắc chắn không phải là cái ao hoặc hào ranh, bởi thủy triều xuống lên ngày mấy lượt. Những dòng chảy biết lớn ròng luôn thông với biển, đều dài rộng khôn cùng. 

Thế giới của cố và đồng bạn là cái biền dừa nước trước nhà. Nước lớn ròng để lại trên bùn nhão vô số những món đồ trôi dạt. Cố nhìn vào chúng, đoán xóm mình nằm ở giữa biển và thị tứ nào đó, chỉ không rõ khoảng cách với hai nơi nọ bao xa. Bìm bịp kêu ở đây âm thanh vọng tới tận đâu, đứa trẻ bảy tuổi là cố khi ấy hay thắc mắc, trong lúc lăn lóc trên bùn, thứ bùn được tráng một lớp phù sa mịn màng sau khi nước xuống. Ngày nào tụi cố cũng có niềm vui mới, khi sông đưa tới những con búp bê mất tay, chân hoặc đầu, mấy trái banh da, những chiếc dép lẻ phải hoặc trái, cây cài tóc. Kề cạnh những phẩm vật của thị thành, phơi trên bãi sình còn là bông bần, trái mắm, những con cá lạ hoắc. Có bữa cả xóm phải ra giải cứu hai ông nược mắc cạn. Con nước tháng Mười dào dạt tới mức khôn như ông nược cũng mất cảnh giác mà lội gần bờ. Dân xứ cố gọi cá bằng ông vì tin chúng có cốt người, hiểu tiếng người, từ khai thiên lập địa đã làm bạn với người. Bữa đó một đứa trong tụi cố đã được chạm tay vào bầu vú ông, sau nó tả mềm ấm như vú má nó, cả bọn đã cãi sanh tử lửa, không phải chỉ đàn bà mới có vú sao?

Cả ông nược, cùng vô số thứ vật chất trôi dạt ngang qua, lúc nào cũng gieo vào đầu tụi cố câu hỏi, rằng chúng tới từ nơi chốn xa xôi nào. Những trái mắm này đã rụng khỏi cây từ hồi nào mà khi tới đây đã mọc mầm ra rễ và bộ rễ đã dày phù sa? Những trái bần chín cũng vậy, trôi bao lâu mà rã hạt nơi này? Hay chủ nhân của búp bê sứt càng gãy gọng nọ, chắc con nhỏ cũng trạc tuổi cố, chắc nó thơm xà bông, da trắng bóc, chân mang guốc, mặc áo đầm. Hay chị gái nào từng lấy cái cài đóng rong rêu kia xước lên đầu, tóc chị dài đến đâu. Mỗi một vật đều kể câu chuyện riêng, cả cái chân giả cũng làm bọn cố chạnh lòng quá đỗi. Người bị mất nó chắc phải nhảy lò cò suốt từ bữa đến giờ.

“Thiệt muốn đem khúc chân này đi trả cho người ta quá”, cố nhớ như in mình nói vậy. Đồng bạn ó ré lên, trời đất minh mông biết đâu tìm. Thì cứ đi thôi, thấy ai cụt giò thì chính là người đó. 

Sau này cố không nhớ ra lý do mình bỏ nhà đi, nhưng mỗi khi nhớ lại khúc chân giả cùng những thứ vớt được dưới biền, nghĩ chính chúng đã rủ rê mình. Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời. 

Sau cái đận cố trốn theo ghe hát, đồng bạn ở cái xóm bên sông đó cũng đã lần lượt rời đi. Là cố nghe đứa bạn cũ kể vậy, khi tình cờ gặp nó ở bến tàu Ngã Chín (đời cố luôn có những cuộc gặp gỡ ở bến xe, sân ga, phi trường, thời khắc trước khi mỗi người đi mỗi hướng). Bạn đang trên đường về quê ăn tết, sau đó có ở lại không thì chẳng biết được. Mười bốn tuổi bạn cố theo người ta nuôi vịt chạy đồng, hồi đầu chăn thả đồng gần nhưng mỗi lúc càng xa, giật mình thì đã xa đến năm bảy ngày đường.

Bạn hỏi nhớ thằng Lụt không, nó cũng đi biệt sau bữa đuổi theo ông Sơn Đông mua thuốc ghẻ. Con Ba thì câu dính con cá vồ chúa, thứ cá lớn ngang với đứa con nít mười tuổi, khôn cũng ngang bằng, mắc câu rồi mà cá cứ ngênh ngang lội tiếp, kéo theo chiếc xuồng ba lá có con nhỏ ngồi trên, chắc nó nghĩ cá không đi xa đâu nên chẳng cắt đứt dây câu. Người cuối cùng gặp con nhỏ ở ngã ba sông, nó nằm ườn trên chiếc xuồng trôi xuôi phía Cái Lớn. Lại có đứa bỏ đi chẳng cớ gì, âm thầm không nói, má nó ngủ dậy sờ chỗ nằm đứa con đã lạnh, tưởng nó đi chơi đâu đó nên vẫn chừa cơm trong lồng bàn, tới chừng mốc thiu thì biết con không về nữa.

Thường thì những bà mẹ khóc một trận, sau không khóc nữa, hoặc có thì khóc lặng trong lòng, chẳng lời an ủi nào làm cho họ nguôi ngoai bằng chuyện nhớ ra chính mình hay ông bà tía má mình cũng từ chỗ khác giạt tới đây, hay như ông chồng họ, cũng đi đâu đó mới tạt về, mặt hãy còn ngây ngất. Bà mẹ của đứa con lang bạt nhìn ra vườn, tin con rồi cũng như cây ổi cây khế nọ, cao ngọn lớn tàng ra hoa kết trái dù chỉ là chim trời mang tới. Con người ở xứ này giống như cái biền dừa nước dày rợp ven sông, bởi một vài bụi dừa con ở đâu trôi lại, bắt rễ sinh sôi, mà thành rặng. Rồi tàu sắt cày sông làm nên bao sóng, khiến đất lở đem theo mớ cây tới những nơi chốn khác. Mọi thứ trên đất này, kiểu gì rồi cũng đi, cố nhớ nội mình chôn hũ vàng dưới bàn thờ, vài năm sau đào đúng chỗ đó không thấy nữa, rốt cuộc phải bới cả nền nhà lên mới hay cái hũ đi về phía bếp. “Tao quên đất đi”, nội cố nói vậy. 

Đất còn đi, sao người lại không? Cố nghĩ vậy, khi ngó qua cửa sổ, dõi nhìn thằng nhỏ giờ đã bỏ đống tro sau lưng, tần ngần ướm chân vào vết hằn bánh xe lún vào đất đỏ, chỗ chiếc mobihome từng đậu lại cắm trại bên hồ. Chịu thua, cố không nhớ ra tên thằng nhỏ là Bi, Bo hay Gấu, Tí, có quá nhiều cháu chắt, những cái tên cứ nhịu lẫn trên những gương mặt. Nhưng cố chắc chắn nó là cháu mình, bởi trong mấy bữa cơm gần đây, người nhà cố cứ náo loạn lên chuyện thằng nhỏ ở suốt ngoài bờ hồ, từ khi ngôi nhà di động nọ ghé qua.

Không về ăn cơm, nó được kẻ lang bạt nọ đãi đồ hộp hâm nóng trên bếp ga hoặc than hồng từ đống lửa đêm qua, uống coca trong ly giấy. Tối mịt thằng nhỏ mới về, vẻ mặt cho thấy chuyện về ngủ cũng là chẳng đặng đừng. Lòng dạ nó vẫn để lại ngôi nhà di động, đống lửa bập bùng ngoài đó, nhìn cái cách nó hở cái chạy lại cửa sổ ngó ra thì biết. “Thằng nhỏ như bị bùa, ai đó nói, kiểu này sớm muộn gì thằng nhỏ cũng bị người ta bắt cóc”. 

Nhưng người lạ trên chiếc mobihome đó, không có ý định bắt cóc thằng nhỏ. Ông tới gõ cửa nhà cố, vẻ mặt hãy còn thất kinh với cái viễn cảnh phải cưu mang thêm đứa nhỏ khét nắng, nói “thằng nhóc đòi trốn theo tôi, người lớn phải coi chừng kỹ cậu giang hồ con này mới được”. Chứng minh ý định bỏ đi của thằng nhỏ thật sự nghiêm túc, ông đưa trả lại cái ba lô học trò mà thằng nhỏ đã nhét đầy chật quần áo vô đó. Không ai biết nó chuẩn bị cho cuộc ra đi từ hồi nào. Ai đó dựng ngược đồng tử rít lên ơi là trời, mới tí tuổi mà gan cỡ đó rồi. Ai đó ngăn ai đó đừng nóng vội mà kéo thằng nhỏ vô nhà quất cho mấy roi, “nhớ coi, hồi nhỏ mình cũng vậy, đâu phải chưa từng tính chuyện bỏ nhà đi”. Hoạt cảnh đó làm cố tức điên, thật muốn yên tĩnh chút để kéo khách ngồi lại mà hỏi chuyện đường xa, thứ là cố lúc nào cũng háu đói.

Vô tư không nhận ra mình bị phản bội, thằng nhỏ ở ngoài kia vẫn rạo rực thêm củi nướng mấy xiên cá suối. Nhưng nó không ăn ngoài đó, về đúng buổi cơm chiều. Quá kích động với ý nghĩ bữa cơm này là bữa cuối với đại gia đình, thằng nhỏ không nhận ra vẻ mặt giả lả, cái nhìn đầy ẩn ý của người lớn trong nhà. Ăn xong nó tót lên giường sớm, lăn mọi góc, nghĩ chỉ còn đêm nay là mình còn cuộn vào mớ chăn chiếu này, nghĩ mình thức tới sáng luôn quá, ai mà ngủ được trong cái đêm trọng đại này, nghĩ má chắc buồn nhưng mấy đứa em sẽ làm bà bận rộn hết hơi, chẳng còn sức đâu mà nhớ đứa xa xôi, nghĩ mình sẽ không ngủ đâu, dễ gì. Nhưng nó quên mình chỉ là đứa con nít, đúng tuổi ăn tuổi ngủ.

Ngôi nhà di động đã rời đi đúng lúc thằng nhỏ vào chiêm bao. Cố chứng kiến từ đầu cuộc trốn chạy đó, người già thì ngủ mấy đâu, qua cửa sổ cố thấy ông ta thận trọng nhìn quanh, khi bảo đảm không có ai lảng vảng, bèn tuồn vào ca bin đánh vô lăng đưa xe ra khỏi bãi đất, ngoặt vào đường cái. Khi ngang qua nhà cố, bất ngờ ông dừng xe lại, bước xuống nghiêm chào một phát, kiểu nhà binh. Chắc ông ta nghĩ lung lắm trước khi rời khỏi, nên tốc độ xe cứ lừng chừng, không dứt khoát bỏ lại đám bụi đỏ đang lì lợm bám theo.

Tự dưng cố nhớ cái dáng ngồi chắc nụi của ông thầy tuồng bên đống phục trang phía sau ghe hát, che chắn để chẳng ai phát hiện ra đứa nhỏ đang ém trong đó. Ông thấy nó trốn vào trước khi ghe nhổ sào, đứa nhỏ từng năm lần bảy lượt xin ông cho quá giang ra chợ. Không hành lý, chỉ bộ đồ dính da, con nhỏ khư khư cặp nách khúc chân giả. Khi ông giở đống vải cho nó chui ra, phóng mình lên một bến chợ, ông đã nói, “giữ mình, nghen nhỏ”.

Cái bến chợ đầu tiên nọ, cho tới cái lũng bên dưới dãy đồi hình con bọ, nơi cố gỉ sét chờ ngày vào đất, cố không nhớ mình đã từng đi qua bao nhiêu nơi chốn. Rốt cuộc thì con người ta có thể đi xa tới đâu. Khúc chân giả cố đã trao cho một người hát rong bên chợ, sau mùa bom đạn, người thương tật đầy đường. Trả xong thứ cần trả, nhưng cố vẫn đi, nghĩ giờ quay về cũng uổng. 

Nói cho cùng, đi thì đâu cần cớ. Cố nghĩ vậy. Đứa chắt giờ đã quay lại chỗ đống tro. Mờ trời nó đã phóng ra bãi đất đó, dụi mắt ngó quanh, chừng như đã khóc, ống tay áo nó chắc giờ tèm lem nước mũi. Chiếc mobihome biến mất, nhưng đống tro, vài thanh củi cháy dở, những lon thiếc rỗng vẫn còn đây, chỗ cái ghế xếp người lạ ngồi xoi lỗ sâu trên đất, xác tín cho thằng nhỏ rằng mọi thứ không phải là giấc mơ. Và khi ngó đứa chắt đưa mắt phía chiếc xe đi nhờ vào dấu vết trên con đường hãy còn ngái ngủ, cố biết thằng nhỏ đã hứa hẹn với chân trời.

Nguyễn Ngọc Tư

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.