Năm 2024 đánh dấu 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (*), văn hóa thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, An Dương Vương mở nước Âu Lạc và Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa cứu nước (thế kỷ VII TCN - thế kỷ I). Thời Đông Sơn, tức thời kỳ văn hóa Đông Sơn, tín ngưỡng vật tổ là tâm thức cơ bản của người Đông Sơn.
Cò trắng - Thần Lúa - Mẹ Lúa
Trống đồng Đông Sơn là biểu tượng cao quý nhất của văn hóa Đông Sơn, đặc biệt trên mặt trống Ngọc Lũ, chiếc trống Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn, nổi bật nhất là hình mặt trời ở trung tâm và hình đàn chim mỏ dài bay quanh. Hình mặt trời là biểu tượng cho Nữ thần Mặt trời, vị thần lớn nhất của xã hội mẫu hệ. Xã hội Đông Sơn cơ bản là xã hội mẫu hệ, thời Hai Bà Trưng là xã hội mẫu quyền.
Hình đàn chim bay quanh mặt trời là hình loài cò trắng, loài chim di trú có màu lông trắng muốt như ánh sáng mặt trời bay đến và bay đi theo chu kỳ chuyển động của mặt trời, trở thành một biểu tượng của mặt trời hay là chim - mặt trời… Trong truyền thuyết, cò trắng là chim thần đã mang những hạt lúa cho con người, mở ra nghề trồng lúa, từ đó trở thành một biểu tượng của Thần Lúa - Mẹ Lúa.
Mặt trống đồng Ngọc Lũ - chiếc trống Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn, nổi bật là hình mặt trời ở trung tâm và đàn chim mỏ dài bay quanh. Ảnh: TL
Cò trắng là loài chim vật tổ của hoàng tộc Hùng Vương và An Dương Vương, cũng là vật tổ của người Lạc Việt, tộc người chủ thể của hai nước Văn Lang và Âu Lạc.
Sự nổi trội của hình chim - mặt trời trên mặt trống đồng Đông Sơn phản ánh tín ngưỡng Bà tổ Chim chủ đạo thời Đông Sơn. Nhưng tuy cùng thờ Bà tổ Chim, mỗi nhóm người, dòng họ lại thờ một loài chim khác nhau. Các nhóm trồng lúa nước vùng đồng bằng thờ cò trắng, các nhóm miền núi thờ hồng hoàng, các nhóm ven biển thờ chim cốc, bồ nông...
Lạc Việt từ chim Lạc
Học giả lỗi lạc Đào Duy Anh (1904 - 1988) là người đầu tiên gọi loài cò trắng trên trống đồng là chim Lạc bởi theo ông, Lạc là từ chỉ chim vật tổ của người Lạc Việt và tên Lạc Việt đã bắt nguồn từ tên chim Lạc, một tên gọi giàu ý nghĩa lịch sử và tính biểu tượng. Dù còn có những ý kiến khác, tên gọi đó vẫn được nhiều người Việt, đặc biệt giới văn nghệ sĩ ưa chuộng.
Truyền thuyết cội nguồn của người Việt được ghi trong sử sách có tên là Họ Hồng Bàng. Xét hai chữ Hồng Bàng, chữ Hồng 鴻 gồm chữ Giang (sông) chỉ âm đi cùng với chữ Điểu (chim) chỉ dấu loài chim nước, có thể gọi là chim giang, chim hồng, ngỗng trời hay cò trắng... Thực tế, người xưa không phân biệt rạch ròi các loài chim như ngày nay. Chữ Bàng 龐 gồm chữ Long và chữ Quảng, chỉ rồng, vật huyền thoại biểu tượng cho sông nước. Rồng thời Đông Sơn tùy lúc tùy nơi mang hình cá sấu, rắn, rùa, rái cá, ếch…
Như vậy, truyền thuyết Họ Hồng Bàng là một dấu tích của tín ngưỡng vật tổ Chim - Rồng hay tục thờ Bà tổ Chim - Ông tổ Rồng thời Đông Sơn. Cặp Ông Bà tổ đó được nhân hóa thành Âu Cơ và Lạc Long, linh hóa thành thần tiên. Đó chính là cội nguồn của việc người Việt bao đời gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”, tự nhận mình là “dòng dõi Lạc Hồng”, “con Lạc - cháu Hồng” hay “con Rồng - cháu Tiên”.
Trong truyền thuyết, Hùng Vương là con trai cả trong số 100 người con của Lạc Long - Âu Cơ theo mẹ lên núi. Hùng có gốc Khun/Kun là từ chỉ vua - thủ lĩnh trong tiếng Việt cổ. Chữ Hùng có tượng hình chim và có nghĩa là chim trống, phản ánh tín ngưỡng vật tổ chim.
Nhận nhau qua hình chim
Một biểu hiện của tín ngưỡng vật tổ chim là tục hóa trang thành người - chim bằng cách đội mũ hình đầu chim hay khăn mũ cắm lông chim để thực hiện các điệu múa mô phỏng các động tác của chim trong hội lễ. Trong đám ma, đó là cách tốt nhất để Bà tổ Chim nhận biết và phù hộ con cháu mình trên đường về với tổ tiên.
Trong truyền thuyết Rùa Vàng, Mị Châu, nàng công chúa nước Âu Lạc mặc áo lông ngỗng. Đó là một dạng áo - chim, một đặc quyền dành cho nữ quý tộc Đông Sơn. Sau này, một số nhóm Tày con cháu người Âu Lạc vẫn có tục nuôi ngỗng lấy lông làm áo, tục chú rể tặng ngỗng làm lễ vật cưới hỏi cho nhà gái để cô dâu có áo lông ngỗng trong lễ cưới.
Dấu tích của khăn mũ mang hình hài và linh hồn Bà tổ Chim thời Đông Sơn chính là tấm khăn “mỏ quạ” của các cô gái Việt, Tày ngày nay. Tên gọi “khăn mỏ quạ” bắt nguồn từ dáng khăn như mỏ chim và màu đen đặc trưng của quạ. Trong tâm thức của người Việt xưa, quạ đen, gà đen hay cò trắng đều là biểu tượng của mặt trời. Mặt khác, màu đen của chàm cũng là màu được người Việt cổ ưa chuộng bởi là màu thích hợp nhất với cuộc sống nhà nông.
Trong lễ phục của các cô gái vùng quan họ Bắc Ninh, khăn mỏ quạ gắn liền với kiểu vấn “tóc đuôi gà”, cùng với chiếc nón quai thao với nan nón tỏa ra như tia mặt trời bên ngoài và hình mặt trời thêu bên trong cùng chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy tha thướt, mềm mại như cánh chim, tất cả mang thần thái của những người - chim thời Đông Sơn.
Trang phục quan họ với khăn mũ mang hình hài và linh hồn Bà tổ Chim. Ảnh: CTV
Nhiều tộc người con cháu người Đông Sơn cho đến nay vẫn bảo tồn các điệu múa chim. Người Việt có điệu múa - hát xoan với bộ quần áo trắng, khăn đầu và thắt lưng màu đỏ của các chàng trai là dấu tích của bộ trang phục trong điệu múa cò trắng - điệu múa chim - mặt trời thời Đông Sơn. Người Mường múa sạp, gốc từ một điệu múa chim với các động tác nhảy nhanh nhẹn để không bị kẹp các thanh tre nhảy ra - vào, lên xuống giống bẫy chim và với các động tác duyên dáng như bay lượn trên đồng lúa. Người Cơ Tu có điệu múa Tung Tung - Da Dá, gốc từ điệu múa chim hồng hoàng, loài chim vật tổ của nhiều nhóm Đông Sơn miền núi.
Là loài chim di cư bay thành đôi hay đàn báo mùa xuân, chim én trở thành một biểu tượng của mùa xuân, gắn với sự đoàn tụ, chung thủy, sinh sôi nảy nở, may mắn, tốt lành. Từ đó, chim én đã trở thành một vật tổ của một số nhóm Việt cổ vùng biển đảo và vùng thung lũng ven sông.
Từ mái nhà, con thuyền đến miếng trầu…
Một biểu hiện nữa của tín ngưỡng vật tổ chim là tục làm nhà hình chim. Trên trống Ngọc Lũ, đó là dạng nhà sống mái võng giống lưng chim, hai đầu nóc có hình đầu chim, trên bờ nóc có hình đôi chim trống - mái.
Nhiều tộc người ở Việt Nam cho đến nay vẫn bảo tồn các dấu tích của ngôi nhà hình chim thời Đông Sơn. Đó là ngôi nhà sàn của người Thái Trắng vùng Tây Bắc trong truyền thuyết đã được tổ tiên họ làm theo hình chim phượng hoàng. Đó là ngôi nhà làng Cơ Tu vùng Trường Sơn với hai đầu nóc có hình đôi chim tring (phượng hoàng đất) hay chim grooc (hồng hoàng) ở tư thế trống trên - mái dưới, thân và đuôi hòa một. Đó cũng là ngôi đình làng Việt với hình đôi chim vợ chồng loan - phượng trên bờ mái…
Ngoài nhà hình chim, người Đông Sơn còn có thuyền hình chim. Trên tang trống Ngọc Lũ có các con thuyền đầu rồng (cá sấu), đuôi chim, là gốc của các dạng thuyền rồng và thuyền chim sau này. Đặc biệt, đuôi thuyền có hai nhánh được thể hiện trên mặt phẳng thành nhánh trước và nhánh sau đều cong lên và mang hình đầu chim.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Hà Nội có trưng bày mô hình một chiếc thuyền “mông đồng”, dạng thuyền chiến của thủy quân Việt từ thời Ngô Quyền đến thời Nguyễn. Mông đồng chính là tên gọi khác của chim hồng hoàng, loài chim vật tổ được thể hiện trên một vành hoa văn mặt trống Ngọc Lũ. Gốc của thuyền mông đồng là một dạng thuyền chiến dài và hẹp, có tốc độ nhanh, tấn công và phòng ngự đều rất hiệu quả, đặc biệt đầu thuyền có gắn mũi lao nhọn như mỏ chim có thể cắm vào thuyền địch.
Liên quan tới tín ngưỡng vật tổ chim, người Việt hiện vẫn còn miếng trầu têm hình cánh phượng, một tục có thể đã gắn với tục ăn trầu cau - nhuộm răng đen có vào thời Đông Sơn. Các miếng trầu được xếp trong cơi trầu hình tròn hay trên đĩa hình tròn gợi tới mối liên hệ chim - Nữ thần Mặt trời thời xa xưa.
Gắn với tín ngưỡng vật tổ chim thời Đông Sơn còn là nhiều đồ đồng - lễ khí có hình chim như trống, chuông, bình hương, đèn, khóa thắt lưng, vừa thể hiện nguồn gốc vừa tạo nên bản sắc của văn hóa Đông Sơn. Nhưng dấu tích bền bỉ và sâu sắc nhất của tín ngưỡng thờ Bà tổ Chim - cò trắng thời Đông Sơn là biểu tượng cò trắng hay chim Lạc trong tâm thức dân gian Việt.
Lướt theo dấu Bà Chim tổ để thấy loài chim nói chung, cò trắng hay chim Lạc nói riêng, đã, đang và vẫn là một biểu tượng của lịch sử - văn hóa - con người - đất nước Việt Nam. Theo dấu bầy chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn, cũng là cách chúng ta hiểu biết nhiều hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Tạ Đức
______________
Nhà nghiên cứu Tạ Đức (1953) tốt nghiệp ngành dân tộc học tại khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980. Ông công tác tại Viện Dân tộc học - Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từ năm 1980 - 1989. Sau thời gian thực tập tại Đại học Humboldt (Đức), năm 1999 ông tham gia thành lập Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thuộc Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á và nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Đông Sơn.
(*) Lịch sử 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn mở đầu bằng việc năm 1924, một nông dân ở làng Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa tình cờ phát hiện một số đồ đồng phát lộ ở bờ sông Mã. Louis Pajo, cộng tác viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã mua được số đồ đồng đó. Được EFEO ủy nhiệm, trong khoảng 1924 - 1928, Pajo đã tiến hành một loạt cuộc khai quật ở Đông Sơn, tìm thấy một khu mộ cổ với nhiều di vật đặc sắc của nền văn hóa được R. Heine-Geldern, một nhà khảo cổ học người Áo vào năm 1935 đặt tên là “Văn hóa Đông Sơn” như nền văn hóa đồng thau muộn ở Đông Nam Á, do các di vật của nền văn hóa này được tìm thấy ở nhiều nơi tại khu vực Đông Nam Á cổ, bao gồm Nam Trung Quốc.