10 tham luận đã được các diễn giả hiện là giảng viên các trường đại học, chuyên gia nghiên cứu về đô thị… trình bày tại Hội thảo Khoa học với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa” (*).
Tham luận mở đầu hội thảo, TS. Lê Thanh Hòa (Trưởng khoa Đô thị học) và TS. Lưu Văn Quyết (Trưởng khoa Lịch sử) của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP.HCM phân tích những thách thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa tại TP.HCM trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng. Cho rằng các di sản văn hóa, đặc biệt là các biệt thự cổ, đang bị đe dọa bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng và thiếu nguồn lực bảo tồn., các chuyên gia đồng thời chỉ ra rằng việc bảo tồn di sản không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa mà còn có tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế, tất nhiên, mọi thứ đang gặp phải những thách thức như sự xung đột giữa nhu cầu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và bảo tồn các công trình kiến trúc cũ, sự thiếu hụt trong cơ chế pháp lý và quản lý, cũng như thiếu sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc bảo tồn.
Thống kê cho thấy chỉ có một số ít các biệt thự cổ được bảo tồn tốt, trong khi hơn 1.000 công trình đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp như tăng cường hợp tác, kêu gọi đầu tư tài chính, và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện khung pháp lý được đề xuất để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đô thị.
TS. Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM, thảo luận về tầm quan trọng trong ứng xử của người dân, doanh nghiệp... với di sản. Ảnh: CTV
Từ góc nhìn về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đình tại TP.HCM, TS. Trương Hoàng Trương (Khoa Đô thị học) và PGS. TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển) cũng nêu lên thực trạng là các ngôi đình tại TP.HCM đang phải đối mặt với những thách thức lớn như thời gian, khí hậu và quá trình đô thị hóa. Nhiều ngôi đình bị hư hỏng, xuống cấp hoặc bị xâm phạm đất đai…
Văn hóa đình cũng đối mặt với những thách thức như mất mát môi trường cộng đồng truyền thống, sự thiếu vắng thế hệ tiếp nối, và thương mại hóa lễ hội đình. Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng đến việc duy trì các lễ nghi và hoạt động văn hóa.
Trước bối cảnh mới, các chuyên gia nêu trên cho rằng cần có những hướng tiếp cận mới, đa dạng hơn, hiệu quả hơn, đó không chỉ ở Ban quản trị đình, chính quyền dịa phương, chính quyền thành phố mà còn ở cộng đồng. Trên cơ sở đó, các tác giả đề xuất một số định hướng và giải pháp trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng đến phát triển bền vững.
Lăng Ông Thủy Tướng (Cần Giờ) trước thách thức đô thị hóa. Ảnh: Vnexpress
Tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế và gìn giữ lịch sử - văn hóa, vấn đề định giá di sản đô thị được Ths. Lê Khánh Hưng (Khoa Đô thị học) nêu ra tại hội thảo. Chuyên gia này cho rằng định giá di sản đô thị giúp nhận thức rõ giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của di sản, từ đó xây dựng các chiến lược bảo tồn và phát triển đô thị. Kinh tế học di sản giúp lượng hóa và đánh giá những giá trị hữu hình và vô hình của di sản nhằm thúc đẩy bảo tồn và phát triển bền vững.
Theo Ths. Lê Khánh Hưng di sản đô thị không chỉ bao gồm các công trình kiến trúc, di tích lịch sử tạo ra các giá trị kinh tế, mà còn mang lại các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường quan trọng. Vì vậy, các học giả trên thế giới cũng nỗ lực đưa ra khung khái niệm mới trong việc tiếp cận việc định giá di sản đô thị đa chiều, đảm bảo sự phát triển bền vững và khả năng duy trì và phát huy giá trị di sản theo thời gian.
Nhiều ví dụ cụ thể cũng được nêu ra trong hội thảo, chẳng hạn như việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Lăng Ông Thủy Tướng (Cần Giờ). TS. Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử TP. HCM) cho rằng giá trị của di sản này không chỉ chứa đựng nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn là nơi tổ chức chính của Lễ hội Nghinh Ông – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông/Cá Voi ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước sự phát triển của quá trình đô thị hóa huyện Cần Giờ và thị trấn Cần Thạnh trong thời gian qua, di tích đã phần nào bị xâm lấn, bó hẹp và phá vỡ không gian cảnh quan, gây ảnh hưởng đến việc tổ chức Lễ hội Nghinh Ông.
Nhà Chú Hỏa nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một địa chỉ gắn với di sản kiến trúc, văn hóa của Sài Gòn - TP.HCM. Ảnh: Trung Dũng
Ths. Hà Việt Hùng (Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) cũng dẫn chứng về Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử hiện là một địa danh quen thuộc với người dân. Di tích kiến trúc nghệ thuật này nguyên là khu dinh thự của gia tộc Hui Bon Hoa - thường gọi là Nhà Chú Hỏa, và kèm hội sở của Công ty Bất động sản Hui Bon Hoa. Nhiều giai thoại đã được gán với Chú Hỏa, hay được nhắc đến cùng với khu nhà này.
Theo Ths. Hà Việt Hùng nếu hiểu đây là di sản kiến trúc gắn liền với sự phát triển đô thị Sài Gòn, và song hành với sự phát triển đó là vai trò trong văn hóa xã hội miền Nam Việt Nam từ đầu thế kỷ XX của các hoạt động kinh tế thương mại liên quan đến người Hoa, việc nghiên cứu về lịch sử hình thành công trình và giá trị nghệ thuật đúng của nó, rồi nhìn tiếp theo hướng phát triển đô thị bền vững, hy vọng sẽ đưa thêm luận cứ để khẳng định tầm quan trọng của di sản kiến trúc và đề ra mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong không gian đô thị...
Trâm Anh
_________________
(*) Hội thảo do Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức sáng 6.12. Chương trình được chia làm hai tiểu ban. Tiểu ban 1 do GS- TS. Võ Văn Sen và TS. Lê Thanh Hòa chủ tọa về nội dung Cơ sở lý luận về phát triển đô thị bền vững với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa. Tiểu ban 2 do PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa và PGS-TS Trần Thị Mai chủ tọa về nội dung Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong phát triển đô thị bền vững.