Việt Nam-Lào cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp

 17:27 | Thứ sáu, 18/10/2024  0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith thống nhất cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước, đặc biệt là trao đổi đoàn các cấp...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN


Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45), sáng 18.10, tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội kiến Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Lào và tham dự AIPA-45; nhấn mạnh chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai nước, là sự cổ vũ, động viên rất lớn đối với Lào trong năm Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA 2024.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã kề vai sát cánh với Lào trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây và sự ủng hộ, giúp đỡ trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; đánh giá cao sự hỗ trợ, ủng hộ của Việt Nam đã giúp Lào hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024, Chủ tịch AIPA trong năm nay, nhất là sự hỗ trợ dành cho Lào ngay trong lúc Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi (Việt Nam gọi là bão số 3), thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, có một không hai trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào cũng chuyển lời thăm hỏi thân tình tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào đánh giá cao việc hai bên tích cực phối hợp triển khai kết quả cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị vừa qua, trong đó phía Việt Nam đã thành lập tổ công tác để triển khai các thỏa thuận hợp tác; phía Lào cũng tổ chức hội nghị, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban, ngành.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng trở lại thăm đất nước Lào tươi đẹp và gặp lại Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith, người đồng chí, người bạn thân thiết của Việt Nam; trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith; chúc mừng Lào đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2024 và tin tưởng Lào sẽ tiếp tục đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch AIPA trong năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng về những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử mà Lào đạt được sau gần 40 năm đổi mới và sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI; tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Thongloun Sisoulith đứng đầu, sự điều hành của Chính phủ, sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, đất nước Lào anh em sẽ chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Lào giai đoạn mới (2026-2030), tiếp tục xây dựng đất nước Lào phồn vinh, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp, vững chắc của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong những năm qua, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của Quốc hội hai nước; nhấn mạnh trong thời gian tới, hai bên cần phát huy cao độ truyền thống hợp tác gắn bó, tin cậy, cùng nhau triển khai tích cực các thỏa thuận cấp cao, trong đó có kết quả cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị trong tháng 9/2024 vừa qua.

Hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước, đặc biệt là trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ kinh nghiệm về sửa đổi Hiến pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn Nghị viện và quốc tế như AIPA, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF); phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Phan Phương

Nguồn TTXVN/Vietnam+
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.