Sự việc được bà Vương Thị Việt Hoa, cháu ruột ông Sển, phát hiện ngày 10.8 khi đại diện gia đình chứng kiến đoàn cán bộ nhà nước đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà (9/1 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh) từng được xếp hạng di tích cấp thành phố "Di tích Kiến trúc Nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống" theo Quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM năm 2003.
Bên ngoài và bên trong nhà cố học giả Vương Hồng Sển. Ảnh tư liệu của bà Vương Thị Việt Hoa
Sau khi ông Sển qua đời, bà Hoa chăm lo hương khói trong căn nhà suốt giai đoạn 1996 - 2004. Trước khi dời về nhà chồng tại đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), bà Hoa giao lại chìa khóa cho ba cháu nội ông Sển mà bà từng là người giám hộ.
Khối lượng 23 tủ sách là một phần hiện vật mà ông Sển hiến tặng Nhà nước theo di chúc. Dấu hiệu tội phạm liên quan đến công sản “bốc hơi” là nội dung mà phóng viên Người Đô Thị thảo luận với luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Viện dẫn Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, luật sư Ánh Loan nói rằng bất kỳ cá nhân nào phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm đều có quyền trình báo, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để xác định hiện vật trong di chúc của ông Vương Hồng Sển (bao gồm 23 tủ sách) thuộc quyền sở hữu Nhà nước và có đầy đủ căn cứ để Nhà nước xác lập quyền sở hữu thì khi đó, để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không cần làm rõ ai là người được Nhà nước giao quản lý những hiện vật này, trong đó bao gồm 23 tủ sách bị biến mất để truy cứu trách nhiệm và xử lý bởi những hiện vật trong di chúc ông Sển hiến tặng cho Nhà nước đã được niêm phong và lưu giữ tại nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, quận Bình Thạnh.
Một góc không gian trong nhà cố học giả Vương Hồng Sển, năm 2020. Ảnh: Minh Hoàng
Trường hợp xác định được người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Giả sử người có thẩm quyền giao người khác quản lý không thực hiện phân công quản lý dẫn đến mất mát thì trường hợp này có thể xem là thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước và có thể bị truy cứu trách nhiệm bởi khi đó người này được xác định là người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản. Tuy nhiên như đã phân tích, phải xác định rõ ai là người được giao quản lý (nếu có) hoặc ai là người trực tiếp có thẩm quyền giao cho người khác quản lý thì mới có thể truy cứu trách nhiệm.
Sinh thời, cụ Vương Hồng Sển đã bỏ công tìm kiếm và mua nguyên căn từ một vùng ven miệt Phú Xuân - Nhà Bè về dựng lại gần khu vực chợ Bà Chiểu năm 1952 (tư liệu chụp vào tháng 7.2016). Ảnh: Lê Quân/Znews
Cũng theo luật sư Võ Thị Anh Loan, trường hợp nếu xác định được người lấy trộm sách thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, như đã phân tích thì đầu tiên phải xem xét đến trách nhiệm của người được giao quản lý hay người có thẩm quyền trong việc quản lý xem đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm hay chưa. Nếu có đủ cơ sở cho thấy người này đã thực hiện đầy đủ những biện pháp theo quy định, tuân thủ đúng quy trình thì không có căn cứ truy cứu trách nhiệm đối với người có thẩm quyền quản lý hay người được giao quản lý mà sẽ truy cứu trách nhiệm đối với người lấy trộm sách.
Mặt khác, nếu có cơ sở xác định người có thẩm quyền quản lý hay người được giao quản lý vì thiếu trách nhiệm dẫn đến mất mát tài sản Nhà nước thì trường hợp này người có thẩm quyền quản lý hay người được giao quản lý có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” còn người trộm sách sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội “Trộm cắp tài sản”.
Thượng Tùng