Hồi đó, xe máy (xe hai bánh, chạy bằng động cơ) vẫn còn là phương tiện chưa thực sự phổ biến như bây giờ (vừa hiếm vừa đắt). Và những hãng xe máy của Nhật (Honda, Suzuki, Yamaha…) cũng còn thưa thớt. Trong số những nhãn hiệu xe máy Nhật được ưa chuộng lúc đó có dòng Honda Cub.
Cub (nghĩa là “con thú nhỏ”) này còn gọi là Honda 50, vì đây là loại xe có dung tích 49 phân khối, tốc độ tối đa 50km. Cub lại có loại Cub 78, 79, 80 (máy cánh) và Cub 81 (máy cối). Riêng Cub 81 lại có 4 “đời”: đời đầu, đời trung, đời áp chót, đời chót. Chính Cub 81 đời chót này là loại xe được đánh giá cao hơn (về kiểu dáng và các tính năng cải tiến). Chương trình Discovery của Mỹ đã xếp loại Cub vào TOP TEN (10 xe máy) hay nhất thế giới hồi đó.
Nhưng thực tế, các loại xe Nhật (trong đó có Honda Cub 81) nhập vào Việt Nam đa số ở tình trạng “xê cần hen”, xe bãi, tức là những xe này đã qua tay người sử dụng (người ta đã thải ra). Thế nhưng, với “dân ta” thì vẫn vô cùng quý hiếm. Một chiếc Cub 81 có màu “mốt” (màu ốc bươu, màu su hào, màu lá bàng già…) lúc ấy có giá tới trên 1.100 USD, tương đương hơn 2 cây vàng cơ đấy!
Và người Nhật cũng chưa bao giờ gọi chiếc xe (do chính họ sản xuất) là “Kim vàng giọt lệ”. Cái tên ngồ ngộ, giàu hình ảnh này, vừa có giá trị “định danh”, vừa có ý nghĩa “vinh danh” do giới sành điệu xe máy Việt Nam đặt cho đấy.
Ảnh: TL
Về ngoại hình, ngoài kiểu dáng máy cối (lốc tròn) Cub 81 có kim chỉ tốc độ sơn màu vàng (chứ không sơn trắng như các xe đời trước). Đặc biệt (cái này mới thực sự đáng nói) là cuối vạch chỉ đồng hồ tốc độ của xe có một đèn led màu vàng.
Cái đèn “hạt ngô” này sẽ bừng sáng nhấp nháy khi xe chạy vượt quá tốc độ 40km/h. Chà, đây chính là căn cứ để người ta bổ sung thêm từ “giọt lệ” để hoàn chỉnh cụm từ 4 âm tiết (Kim vàng giọt lệ). “Giọt lệ” vốn dĩ là sản phẩm của nỗi buồn (nước mắt tiết ra từ khoé mắt khi xúc động). Ấy vậy mà trong tổ hợp này nó lại tạo ra một hiệu ứng ngữ nghĩa thú vị, nghe thật vui tai và tràn đầy lãng mạn.
Kim vàng giọt lệ long lanh
Nối duyên em với tình anh đậm đà...
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)