Ảnh: TL
Sự thật không phải như vậy. Người phát minh ra bút bi là một người Hungari, tên là László Bíró (cùng người em là George Bíró) và năm phát minh là 1938. Là một nhà báo, trong một lần đến nhà in, ông thấy việc in bằng thứ mực chóng khô có ích lợi như thế nào, và thế là ông nghĩ đến việc chế tạo một loại bút máy mực nhanh khô so với loại mực viết bằng bút sắt - một việc rất cần và có lợi cho nghề nghiệp làm báo của ông.
Ông nung nấu ý tưởng này rồi tình cờ, một lần khác, Bíró ra công viên, thấy bọn trẻ đang chơi bi. Một viên bi vô tình chạy qua vũng nước, để lại sau một vệt dài. Từ trò chơi đó khiến ông nảy ra một sáng kiến đặt viên bi ở đầu bút để nó truyền mực trong ống ra giấy. Cùng thời gian này, Bíró làm ra một nguyên mẫu của thứ bút dùng bi có riêng một loại mực. Nhưng rồi Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ. Để tránh khỏi sự đàn áp của bọn phát xít Quốc xã, Bíró phải tị nạn sang Argentina.
Tại đây ông hoàn chỉnh phát minh của mình và đăng kí bản quyền phát minh về bút bi của ông. Trước đây, nhiều người ở ta còn gọi là “bút nguyên tử”. Có lẽ vì nó ra đời vào một thời điểm đặc biệt, ngày 10.6.1943, cũng là ngày phát minh ra bom nguyên tử. Từ năm 1945, bút bi đã được bán rộng rãi ở Buenos Aires, rồi từ đó tràn lên Bắc Mỹ, Tây Âu rồi khắp thế giới. Có lẽ loại bút này xuất hiện nhiều ở nước ta vào những năm cuối thập kỉ 40 của thế kỉ 20 (khoảng năm 1948 gì đó).
Sau khi bút bi được phát minh, lần lượt có nhiều người cải tiến nó. Trong đó, có thể kể đến một người Anh là H. Martin đã cải tiến vào năm 1944 để bút bi thích ứng với việc sử dụng của của các phi công lái máy bay ở tầm cao.
Còn ở Pháp, bút bi mang tên BIC sản xuất theo dây chuyền công nghiệp lớn vào năm 1953, một công ty do Nam tước Bich sáng lập. Ngày nay, trên thế giới đã xuất hiện nhiều chủng loại bút bi với rất nhiều tính năng, kiểu dáng khác nhau.
Cũng từ ý tưởng bi lăn
Mà ra kiểu bút rất cần cho ta...
PGS-TS. Phạm Văn Tình