Buổi tọa đàm xoay quanh cuốn sách Nhàn đàm giáo dục (Phanbook và NXB Dân trí ấn hành) vừa mới ra mắt vào đầu tháng 7 của tác giả Phan Chánh Dưỡng, với những kinh nghiệm cá nhân về thực hành giáo dục cũng như những thao thức trước bức tranh giáo dục còn nhiều vấn đề bất cập, ngổn ngang hiện nay. Tại đây, tác giả đã nói nhiều hơn về động lực thúc đẩy cũng như câu chuyện cá nhân để ông chấp bút viết nên cuốn sách được không chỉ độc giả phổ thông mà còn là giới chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục quan tâm này.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Anh
Những suy tư riêng
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho biết mình không chủ ý viết ra một cẩm nang mô phạm hay đưa ra phát kiến lý thuyết, tuyên ngôn triết lý giáo dục, mà thay vào đó, đây là những góc nhìn riêng, mang tính đóng góp của một người quan tâm và có thời gian hoạt động rất lâu trong lĩnh vực này trước khi được biết đến như một chuyên gia chủ chốt của Tổ Tư vấn của Thủ tướng trong lĩnh vực kinh tế và chính sách công, cũng như đóng vai trò cố vấn mang lại nhiều thành tựu phát triển cho TP.HCM thời kỳ Đổi mới.
“Tôi xin mạnh dạn ghi lại những gì tôi đã kinh qua, cả những gì từ cuộc sống tự học, và sự suy tư về việc dạy - học của ngành giáo dục hiện nay”, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng bộc bạch, đồng thời cho biết việc chia sẻ trách nhiệm xã hội của ông vốn bắt nguồn từ mối bận tâm cá nhân, khi sau thời điểm đất nước thống nhất, bản thân đã “bước vào xã hội với tinh thần nghiêm túc” để vừa giúp bản thân, vừa giúp xã hội. Sứ mệnh nói trên đã dẫn ông bước vào ngành giáo dục, để những người thiếu sót có cơ hội học tập, còn người đã có cơ hội biết cách tự học.
Trong đó tấm gương sáng từ người thầy giáo mà ông suốt đời ghi nhớ cũng chính là động lực để ông bước vào ngành này. Ông kể sau chiến tranh, khi hòa bình lặp lại, mình có cơ hội học trường song ngữ. Trong một lần kết thúc niên học, người thầy nọ đã bỏ vé đi Sài Gòn để chờ phụ huynh của một học sinh dù không phải do mình chủ nhiệm đến để rước về. Chính điều đó đã tạo cho ông cảm giác quý trọng một "người đưa đò" hết mình vì học sinh, từ đó ước mơ lớn nhất của ông là được đứng trên bục giảng. Ông cũng nói thêm sau này, khi tuổi đã cao, nhưng người thầy vẫn cố gắng giảng dạy, và vào những ngày cuối đời, ông vẫn nặng lòng tìm người thay thế trước khi an tâm nhắm mắt xuôi tay.
Nói thêm về Nhàn đàm giáo dục, tác giả cho biết với ông, việc theo sát trẻ từ những ngày đầu là rất quan trọng. Điều này xuất phát từ những kinh nghiệm và trải nghiệm ông trong thời gian kháng chiến chống Mỹ. Ông kể khi đó gia đình đã phải chạy giặc về một thôn xóm nhỏ chỉ có 12 căn nhà. Vào một ngày nọ, một thầy giáo nói được tiếng Pháp bị bắt giam do nhầm tưởng là gián điệp, dù cuối cùng không phải nhưng người này vẫn phải ở lại nhà ông. Và để giải khuây, người dân trong làng đã đề xuất người này dạy học cho trẻ em. Từ đó mà Phan Chánh Dưỡng từ tuổi lên 5 cho đến 14 đã được học từ chữ quốc ngữ, cộng trừ nhân chia cho đến tiếng Tây, tiếng Hán… Cũng vì điều này khiến ông nhận ra tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập là như thế nào.
Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cho rằng cần xác định đúng tình hình trong nước để có các chính sách, thay đổi phù hợp. Ảnh: Minh Anh
Trong lĩnh vực giáo dục, Phan Chánh Dưỡng còn được biết đến như một “người-tự-học-chuyên-nghiệp” trước khi trở thành giáo sư vật lý và giảng viên thực tiễn của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông cho biết việc tự học đã đến với mình ngay từ rất sớm, nhờ vào cách dạy dỗ của gia đình. Chẳng hạn ông kể mình đã đúc rút ra cách quản lý cuộc đời từ quản trị nhà bếp, trong việc mỗi một ngày luôn được thực hiện theo một quy trình cụ thể.
Cụ thể, khi 13-14 tuổi, ở Cà Mau, ông đã quen với việc thức dậy, dọn dẹp giường ngủ, rửa ly, mở cửa dọn hàng chạp phô của gia đình… ngày nào cũng như ngày đó. Không những thế, ông cũng được dạy tất cả đồ đạc đều có vị trí và công năng riêng, từ đó đã quen với việc hành động theo khuôn khổ, làm đến nơi đến chốn cũng như làm sao để hoàn thành tốt công việc mà vẫn linh hoạt trong quản lý thời gian. Nói theo ngôn ngữ khoa học, đó là biết tư duy hệ thống, đổi mới sáng tạo. Đây cũng là nội dung được ông đề cập rất chi tiết trong Nhàn đàm về giáo dục, và là cách thức hiệu quả mà gia đình nào cũng có thể thực hiện cho con trẻ ở giai đoạn đầu phát triển.
Cần tìm "phương thuốc" phù hợp
Nhìn về tương lai, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cũng nói về những ưu tư trước hiện trạng giáo dục hiện nay. Theo ông, sau khi giành được độc lập, nhà nước đã rất quan tâm đến giáo dục bằng hàng loạt cải cách đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, những thay đổi này phải được thực hiện một cách đúng đắn thì mới hiệu quả, trong khi thực tế triển khai lại còn xuất hiện nhiều bất cập và chính điều này đang là một hạn chế còn kéo dài mãi cho đến ngày nay.
Theo ông, một trong những nguyên nhân chính là việc áp dụng chưa hợp lý các chính sách giáo dục ở nước ngoài vào nước ta. Ông cho rằng mô hình giáo dục cần phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia, vì thế nếu không cân nhắc một cách rõ ràng phần “gốc” mà chỉ xử lý phần “ngọn”, thì những hạn chế vẫn luôn còn đó.
Cho dễ hiểu, ông đã ví von mô hình giáo dục là một “phương thuốc”, nhưng thay vì giải quyết vấn đề bất cập trong nước là một người “suy dinh dưỡng”, thì cách làm này lại đang giải quyết cho người “béo phì” với các nền tảng đã có từ trước ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Chính việc này đã để lại những hạn chế không thể không thấy, mà ngày càng rõ nét hơn tại các trường tư thục, quốc tế… qua đó đòi hỏi cần có thêm những chính sách quản lý phù hợp.
Vì vậy cái thiếu của giáo dục Việt Nam là chưa tìm hiểu một cách cặn kẽ tình hình trong nước, để xem thật sự nó đang thiếu sót thế nào, ở đâu. Và khi đã nắm được điều đó rồi, thì những người làm chính sách mới có thể tìm ra những giải pháp riêng, từ việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền giáo dục vượt trội.
Sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng gồm 7 phần, trình bày quan điểm của tác giả về vấn đề giáo dục ở các góc độ: vai trò gia đình, nhà trường, xã hội, bản thân, đặc thù của cộng đồng và cá nhân đóng góp cho nền giáo dục, tầm nhìn giáo dục trong tương lai. Ngoài ra, phần phụ lục với 15 bài báo tuyển chọn về chủ đề giáo dục từ 1981 - 2004. Ảnh: Phanbook
Khi được hỏi đâu là biện pháp để cải thiện, ông cho biết đó là việc làm cần nhiều nghiên cứu và nỗ lực của nhiều cơ quan quản lý, tổ chức nhà nước nên không thể dễ dàng võ đoán. Nhưng từ góc nhìn cá nhân, ông đề xuất nên quan tâm đến việc giáo dục tiểu học vì đây là bậc quan trọng nhất, cũng như nên chú trọng đầu tư vào các ngành có tiềm năng trong tương lai, dù có thể ngay bây giờ đây nó chưa phổ biến hay cần thiết, nhưng từ đó mà nước ta mới có thể theo kịp trào lưu và không bị chậm lại trước xu thế chung của toàn cầu.
Là một người học, một nhà giáo sinh ra từ thực tiễn và mang sứ mệnh phải vượt qua những trở lực từ chính thực tiễn của nhiều thời kỳ, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng đã đem đến cho người đọc những góc nhìn và chiêm nghiệm riêng vô cùng thú vị qua buổi tọa đàm và cuốn sách mới. Tin rằng qua đây độc giả có thể tìm thấy những luận điểm hấp dẫn để dễ dàng tham chiếu vào đời sống, từ đó góp phần xây dựng một thế hệ mới tốt đẹp và hoàn thiện hơn.
Minh Anh