Cháy nổ tại các quán karaoke: Không thể cứ mãi cảnh báo!

 22:02 | Thứ bảy, 06/08/2022  0
Hát karaoke là một trong những hoạt động giải trí phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, loại hình giải trí này vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn cháy nổ.

Với đặc thù kết cấu không gian kín, cách âm, nhiều thiết bị điện công suất lớn lại sử dụng các vật liệu dễ bắt lửa, nên khi xảy ra hỏa hoạn sự tàn phá rất lớn, công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn. Những vụ việc thương tâm xảy ra tại Hà Nội mới đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các mô hình kinh doanh quán karaoke về việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Nhiều vụ cháy tại các quán karaoke

Nhìn lại từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, những ngày vừa qua, vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) khiến 3 chiến sĩ của Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) hy sinh khiến dư luận bàng hoàng.

Về vụ việc này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Công an Thành phố khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, qua sự việc đau lòng trên cũng tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các quán karaoke.

Vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng phòng chống cháy nổ.


Trên thực tế, đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy ra các vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người thương vong. Điển hình là vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người tử vong hồi đầu tháng 11.2016; vụ cháy dữ dội ở quán karaoke 43G Giảng Võ vào tháng 5.2014 khiến 5 người tử vong, gồm chủ quán và 4 nhân viên; cháy quán karaoke Zone 9 (Trần Thánh Tông) khiến 6 người tử vong…

Cháy quán karaoke được đánh giá rất khó để dập nhanh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phòng hát karaoke bị cháy nổ là do thiết kế phòng hát không đảm bảo an toàn về PCCC. Đa phần các quán karaoke đều thiết kế phòng hát cách âm rất cao, không gian trong và ngoài đều kín. Điều này khiến người bên ngoài khó nhận biết đám cháy trong phòng hát và người bên trong phòng cũng không định hình được những mối nguy hại cháy nổ bên ngoài.

Theo đại diện Đội PCCC&CNCH (Công an quận Bắc Từ Liêm) cho biết, khi quán karaoke cháy sẽ vô cùng nguy hiểm. Các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi đi vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC theo tiêu chuẩn đã đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ nội dung. Vật dụng trong quán, vật liệu cách âm là phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, hệ thống điện chiếu sáng, điện phục vụ âm thanh phải đảm bảo đi trong ống ghen, không được đấu nối... Tuy vậy, trên thực tế, các quán karaoke thường có không gian hạn chế, vật liệu cách âm và trang trí, khi xảy ra cháy thường sinh ra nhiều khói độc dẫn đến việc tiếp cận cũng như tìm kiếm người bị nạn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, điểm chung của các quán bar, karaoke, khách sạn… đa phần đều được chủ cơ sở thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa và trang trí nội thất thật sang trọng, bắt mắt để thu hút khách hàng. Quá trình tiến hành sửa chữa là một trong những mối nguy hại lớn dẫn đến cháy nổ tại quán karaoke khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, hút thuốc, bật lửa khi làm việc. Cùng với đó, hiểm họa từ sự cố chập điện do các quán karaoke thường xuyên sử dụng công suất điện lớn cho hệ thống âm thanh, ánh sáng, biển quảng cáo…

Nguy cơ là vậy song công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu; nhiều cơ sở không có phương án chữa cháy, thoát nạn theo quy định; nhân viên thường xuyên thay đổi, không được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa hỏa hoạn.

Làm sao để giảm thiểu thiệt hại?

Trên thực tế, đã có những quy định và tiêu chuẩn cho việc thiết kế và hệ thống PCCC tại các quán bar, karaoke. Điều kiện về PCCC với các cơ sở kinh doanh karaoke thường quy định rất nghiêm ngặt. Thông tư 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ về biện pháp đảm bảo an toàn PCCC&CNCH với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Tại Điều 5 Thông tư này nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/ NĐ-CP như sau: Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC. Cụ thể, có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.

Đồng thời, phải có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hệ thống chống sét, hệ thống điện, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.

Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có văn bản về việc xử lý vụ cháy xảy ra tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy và tăng cường công tác PCCC&CHCN trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan phối hợp với Công an thành phố, quận Cầu Giấy khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy, sớm ổn định tình hình và chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa chung trên địa bàn thành phố. Đảng ủy Công an Thành phố chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật. Quận ủy Cầu Giấy chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm khắc phục hậu quả, tổ chức kiểm điểm và có biện pháp thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Cơ sở cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.000m3 phải bảo đảm điều kiện sau: Phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC; có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC. Người làm nhiệm vụ PCCC phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC…

Thông tư 147/2020/TT-BCA cũng đã quy định cụ thể chi tiết điều kiện về đảm bảo PCCC. Với quy định tại các văn bản nêu trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ karaoke có nghĩa vụ đảm bảo an toàn PCCC theo đúng quy định. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải bảo đảm có khoảng cách an toàn PCCC với các công trình khác theo quy định của QCVN 06:2020/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình”. Khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tới trường học thực hiện theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường…

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, tại các cơ sở kinh doanh quán karaoke nên trang bị đầy đủ thiết bị phương tiện chữa cháy ban đầu, thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, tổ chức tuyên truyền kỹ năng PCCC&CNCH cho cán bộ nhân viên tại cơ sở cách xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra. Kiểm tra hệ thống điện định kỳ, tuyệt đối không tự ý đấu nối thêm các thiết bị gây chập cháy, quá tải, ngắt nguồn điện các phòng khi không sử dụng. Khi cải tạo sửa chữa phải đảm bảo an toàn về PCCC, chỉ được thực hiện việc sửa chữa khi công tác PCCC đã đảm bảo và thường xuyên có người giám sát việc thi công. 

Thiếu tá Lê Tiến Thành - Phó Đội trưởng Đội PCCC&CNCH (Công an quận Bắc Từ Liêm):

Giảm thiểu tối đa yếu tố dẫn đến cháy nổ

Để bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại, giảm thiểu tối đa nguy cơ dẫn đến cháy nổ tại các quán karaoke, loại bỏ thương vong về người và kéo giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản, Công an Quận Bắc Từ Liêm khuyến cáo người dân khi tiến hành công việc hàn cắt trong các buồng, thùng, khoang, bể phải thực hiện thông gió, cử người theo dõi và phải có biện pháp an toàn cụ thể và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Không tiến hành hàn ở các hầm, thùng, khoang, bể đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ. Khi hàn bên trong các hầm, thùng, khoang bể phải tiến hành thông gió với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/s. Phải kiểm tra đảm bảo hầm, thùng, khoang bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy, nổ mới cho người vào hàn.

Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ. Khi tiến hành hàn trên cao và ngoài trời tại các vị trí hàn, nếu chưa có biện pháp phòng chống cháy nổ thì không được tiến hành công việc hàn cắt, phải làm sàn bằng vật liệu không cháy (hoặc khó cháy).

Đối với khu vực hàn cắt kim loại, phải cách ly với khu vực làm các công việc khác. Trường hợp do yêu cầu của quy trình công nghệ, cho phép bố trí chỗ hàn cùng với khu vực làm việc khác, nhưng giữa các vị trí phải đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy. Khi khử dầu mỡ trên bề mặt của vật hàn phải dùng những chất không gây cháy, nổ và không độc hại. Sử dụng máy hàn phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Chỉ sử dụng những người có chứng chỉ về công việc hàn, được huấn luyện về an toàn lao động, an toàn phòng cháy chữa cháy để thực hiện công việc hàn, cắt kim loại; thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hàn để họ nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn, cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.

Bà Phạm Thị Hồng Sim, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận số 6, phường Quán Thánh (quận Ba Đình):

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến từng người dân

Mới đây, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra vụ cháy tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đọc được thông tin, tôi cảm thấy rất buồn. Tôi cho rằng, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác trong phòng chống cháy nổ. Nhiều năm nay, trên địa bàn dân cư phường Quán Thánh thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, hội thao nhằm nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng chống cháy nổ. Ví dụ, trên địa bàn Tổ dân phố số 6 thường xuyên tuyên truyền để người dân cẩn trọng trong việc sử dụng các vật liệu dễ cháy như bếp ga, bếp điện, sử dụng điện…

Tại tổ dân phố, chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy. Nghị quyết họp Chi bộ của Ban Công tác mặt trận tháng nào cũng đưa việc phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống cháy nổ ngay tại Tổ dân phố.

Ông Nguyễn Tài Minh - Phó Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7, phường Đội Cấn (quận Ba Đình):

Cần nâng cao hơn nữa ý thức của người dân

Mới đây, vụ cháy quán karaoke tại Cầu Giấy khiến 3 chiến sĩ hy sinh, đó là một cảnh báo cho toàn thể những người dân ở Hà Nội về việc nêu cao tinh thần PCCC cho cá nhân, gia đình và những người xung quanh. Các vụ cháy nổ hiện nay diễn ra rất nhiều trên địa bàn. Tuy nhiên, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy cháy ở các quán karaoke rất nhiều và vô cùng nguy hiểm.

Trước đây, cũng đã có một số vụ cháy quán karaoke đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại đến người và của.

Các vụ cháy như thế phần lớn là do trong quá trình sửa chữa không thực hiện nghiêm túc công tác an toàn, bảo hộ lao động. Vì thế, khi xảy ra các vụ cháy đều gây hậu quả rất nặng nề. Mặc dù, các đơn vị PCCC đã thường xuyên nhắc nhở, tập huấn nhưng ý thức của người dân còn rất chủ quan.

Để nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ cho người dân, ngay tại cơ sở, Tổ dân phố số 7 chúng tôi cũng đã thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở mọi người làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt, đối với các cửa hàng kinh doanh. Với các hộ gia đình nhà ở chật hẹp, kinh doanh các vật liệu dễ cháy, nguy hiểm, chúng tôi luôn nhắc nhở, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức của người dân.

Kim Tiến (ghi)

Kim Tiến - Minh Phương

Nguồn laodongthudo.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.