Ngày 28.10, tại Quần thể danh thắng Tràng An, Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội phối hợp Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức công bố Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”.
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, phát biểu mở đầu lễ công bố. Ảnh: Minh Đường/Báo Ninh Bình
Phát biểu tại buổi lễ, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đã nhận diện cũng như như nhấn mạnh tầm quan trọng và tính độc đáo của Tràng An với tư cách là di sản thiên nhiên hỗn hợp duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Đề án Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể Danh thắng Tràng An và đóng góp của di sản vào phát triển bền vững là một phần trong việc triển khai Chính sách UNESCO 2015 về Di sản Thế giới và Phát triển bền vững thông qua nghiên cứu mô hình cụ thể tại Quần thể Danh thắng Tràng An.
PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục, Chủ trì Đề án, khẳng định Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào năm 2014 là dấu ấn quan trọng, không chỉ khẳng định bản sắc quốc gia và lòng tự hào dân tộc mà còn củng cố chủ quyền quốc gia.
Để phát huy những giá trị đặc biệt này, cần có sự kết nối cộng đồng và xây dựng niềm tin chung thông qua việc đẩy mạnh du lịch di sản, nhằm truyền tải và củng cố bản sắc văn hóa dân tộc. Xa hơn, điều này hướng đến xây dựng một chiến lược phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ, bao gồm cả thành phố di sản và thành phố sáng tạo.
PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục, Chủ trì trình bày về tổng quan về Đề án Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể Danh thắng Tràng An. Ảnh: Minh Đường/Báo Ninh Bình
PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục đồng thời cho biết Đề án sẽ trả lời câu hỏi khoa học về giá trị kinh tế di sản, giá trị kinh tế do cơ hội mà di sản mang lại là bao nhiêu, trong bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Những giá trị này cần được định lượng thông qua các phương pháp lượng giá khoa học tổng thể di sản. Bởi định lượng giá trị để lan tỏa giá trị thương hiệu Tràng An - Hoa Lư mà du khách sẵn sàng chi trả để tham quan và quảng bá cho di sản vô giá này ra quốc gia và quốc tế...
Đánh giá tổng thể bức tranh của di sản Tràng An hiện nay sau một thậm kỷ nhận danh hiệu Di sản thế giới hỗn hợp, Đề án xây dựng thông qua 4 nhánh nghiên cứu: di sản tự nhiên, di sản văn hóa, di sản định cư, và kinh tế du lịch, nhằm làm nổi bật những giá trị phức hợp có tầm vóc toàn cầu và đặc trưng khu vực Đông Nam Á. TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia hà Nội) đã trình bày tổng quan cách tiếp cận và các phương pháp lượng giá cho đối tượng của từng nhánh.
Cụ thể Đề án đã lượng giá giá trị thương hiệu - kinh tế của các địa điểm - công trình đại diện tại Di sản, đang đưa vào bảo tồn và khai thác hoạt động du lịch. Đồng thời lượng giá tổng thể giá trị thương hiệu - kinh tế của di sản thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An gắn với bối cảnh của chính sách, chiến lược, quy hoạch và đồng bộ kết nối cộng đồng dân cư bản địa, quản lý di sản và nghiên cứu mang tính đặc thù.
Có được kết quả định lượng giá trị, bổ sung cứ liệu, tạo nền tảng định hướng chính sách “Lấy Di sản Tràng An – Hoa Lư” làm động lực thúc đẩy kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo; Bảo tồn di sản làm nguồn cội để phát triển đô thị Di sản (Thiên niên kỷ) trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam. Thực hiện lan tỏa thương hiệu di sản thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An ra thế giới, Đông Nam Á và quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đưa Di sản Tràng An cùng tham gia vào mạng lưới các đô thị di sản thế giới; mạng lưới các thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Cũng tại lễ công bố, ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Ưu tiên châu Phi và Quan hệ đối ngoại, cho biết quay trở lại Tràng An sau một năm ông nhận thấy sự thay đổi tích cực nhờ di sản mà không thấy ở nhiều nơi, khi đời sống người dân được cải thiện, cuộc sống có sinh kế ổn định. Ông chúc mừng cho sự thành công và tính khoa học của dự án.
TS. Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh rằng việc nhận diện chính xác giá trị kinh tế của thương hiệu di sản không chỉ góp phần bảo tồn giá trị truyền thống mà còn đóng vai trò quan trọng trong hoạch định các chính sách phát triển, nâng cao đời sống dân sinh và dân kế cho cộng đồng địa phương, đảm bảo giữa hài hòa và phát triển.
Các đại biểu tham gia lễ công bố Đề án. Ảnh: Minh Đường/Báo Ninh Bình
Ông Mạnh cho biết, Đề án đang hướng tới một chiến lược hành động nhằm phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ, đồng thời thông qua đề án này để làm sâu sắc thêm các giá trị phức hợp của di sản. Kết quả dự kiến sẽ được công bố với sự hợp tác của UNESCO nhằm khẳng định giá trị quốc tế của Quần thể Danh thắng Tràng An.
Khẳng định việc phát triển di sản cần hướng đến sự bền vững và hài hòa, với những sách lược cụ thể và chính sách phát triển hợp lý, tuân thủ các công ước quốc tế, ông Mạnh kêu gọi cộng đồng các nhà khoa học, doanh nghiệp và các bên liên quan tích cực phối hợp, nghiên cứu và dự báo để xây dựng các chính sách phù hợp, phát huy giá trị toàn cầu của di sản theo công qước quốc tế của UNESCO. Đặc biệt, thông qua Đề án sẽ xây dựng một tuyên bố chính thức, tiến tới việc thiết lập Hiến chương Tràng An nhằm bảo vệ và phát triển di sản trong bối cảnh mới.
Đề án được tiến hành bởi các chuyên gia Việt Nam (tại Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng hành với các chuyên gia quốc tế (UNESCO, Santagata Foundation, IOER Leitbild) để đảm bảo tính khoa học và chính xác tầm quốc tế. Các kết quả lượng giá đề án được công bố quốc tế về mặt khoa học và truyền thông quốc tế những giá trị hiện tại và giá trị cơ hội trong tương lai của Di sản thế giới phức hợp quan trọng này.
Tràng An, một trong những quần thể danh thắng nổi bật của Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2014, nhờ vào giá trị kép của cả di sản văn hóa và tự nhiên, duy nhất ở Đông Nam Á cho đến nay. Nằm ở tỉnh Ninh Bình, Tràng An không chỉ nổi tiếng với cảnh quan karst(*) độc đáo, hệ thống hang động ngầm và đa dạng sinh học phong phú, mà còn là một vùng đất liên tục duy trì các hình thái quần cư đa dạng, làm cho sức sống di sản được duy trì, bồi đắp trong đời sống sinh hoạt và sinh kế, lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc như các chùa, đền, đình và các lễ hội truyền thống.
Các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là những địa điểm có ý nghĩa văn hóa, tự nhiên hoặc hỗn hợp có giá trị nổi bật toàn cầu gồm ba dạng chính: di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp. Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những khu vực duy nhất trên thế giới hội tụ đầy đủ các giá trị toàn cầu về văn hóa và tự nhiên, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương. Việc xác định và lượng giá giá trị của quần thể danh thắng Tràng An là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng các chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong phát triển bền vững, với sự đột phá trong tư duy và hành động.
Để tiếp tục củng cố hợp tác liên quan tới các hoạt động nghiên cứu và phát huy giá trị Khu Di sản Thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An với định hướng ưu tiên trao đổi giữa lãnh đạo UNESCO và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình và nhận thấy ý nghĩa quan trọng của đề án nghiên cứu trong việc triển khai Chính sách UNESCO 2015 về Di sản Thế giới và Phát triển bền vững thông qua nghiên cứu mô hình cụ thể tại Quần thể Danh thắng Tràng An, Văn phòng UNESCO triển khai hỗ trợ Đề án Nghiên cứu về Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể Danh thắng Tràng An được thực hiện bởi Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, các đối tác tỉnh Ninh Bình và đơn vị tài trợ cho đề án nghiên cứu, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.
Trang Ngọc
________________
(*) Karst là một loại cảnh quan mà quá trình hòa tan của nền đá đã tạo ra các hố sụt, các dòng suối sụt, hang động, suối và các đặc điểm đặc trưng khác.