Điện gió và điện mặt trời đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay: chiếm 30% lượng điện của EU trong nửa đầu năm nay, cao hơn so với 27% điện năng từ nhiên liệu hóa thạch (vốn giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023).
Sự sụt giảm của sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch xảy ra ngay cả khi nhu cầu điện phục hồi với mức tăng 0,7% so với năm ngoái sau tác động của đại dịch Covid và cuộc khủng hoảng giá gas.
Sản lượng điện than vẫn giảm mạnh, gần 1/4 (-24%) và sản lượng điện khí giảm 14%.
Theo Ember, sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời là động lực chính cho điều này khi tốc độ tăng trưởng của chúng vượt xa nhu cầu thay thế năng lượng hóa thạch đang phục hồi.
Tiến sĩ Chris Rosslowe, nhà phân tích của Ember, cho biết: “với sự phát triển của điện gió và điện mặt trời, vai trò của năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng bị thu hẹp.”
Tăng trưởng năng lượng tái tạo vượt xa xu hướng theo mùa
Theo phân tích của Ember, thời tiết ôn hòa và hiệu suất thủy điện tốt cũng góp phần làm giảm đáng kể sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng sự tăng trưởng của điện gió và điện mặt trời là yếu tố lớn nhất.
Điều này phản ánh sự thay đổi dài hạn hơn, sau khi bổ sung công suất kỷ lục cho cả điện gió và điện mặt trời vào năm 2023. Để đối phó với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU và nhiều quốc gia thành viên đã đưa ra các chính sách tăng tốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt và tăng cường năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Dự kiến EU sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề này sau khi Ursula von der Leyen được xác nhận là Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Tiến sĩ Chris Rosslowe nói thêm: “Nếu các Quốc gia thành viên có thể duy trì đà phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời thì việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sẽ thực sự bắt đầu xuất hiện”.
Những cột mốc mới trên khắp EU
Sự tăng trưởng nhanh chóng của điện gió và điện mặt trời đã diễn ra ở khắp các nước EU trong nửa đầu năm nay. 13 quốc gia thành viên hiện nay đã tạo ra nhiều điện từ gió và mặt trời hơn là từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó các quốc gia như Đức, Bỉ, Hungary và Hà Lan lần đầu tiên đạt được cột mốc đó.
Vào tháng 5, Tây Ban Nha lần đầu đạt hơn 50% sản lượng điện đến từ gió và mặt trời.
Trong cùng tháng đó, Ba Lan cũng lần đầu đạt được 1/3 sản lượng điện từ gió và mặt trời. Hungary lập kỷ lục hàng tháng liên tiếp về sản xuất năng lượng mặt trời vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6.2024.
L.Quỳnh