Hệ thống chiếu sáng hiện nay đã bao phủ hầu hết các đô thị của Việt Nam và đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Theo thống kê, tốc độ phát triển của hệ thống chiếu sáng năm sau tăng hơn năm trước khoảng trên 20%/năm đối với khu vực đô thị và 10%/năm đối với khu vực nông thôn. Hình thức chiếu sáng đa dạng và phong phú: chiếu sáng các công trình giao thông đô thị, dân dụng, thương mại, công nghiệp, thủy hải sản, công trình kiến trúc...
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến phát biểu tại hội thảo. |
Đặc biệt, trong bối cảnh lan toả mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lại càng đặt ra luật chơi mới cho các doanh nghiệp chiếu sáng tại Việt Nam. “Sự phát triển vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động mạnh mẽ lên môi lĩnh vực, vấn đề đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số được nâng lên một tầm cao mới là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Chủ tịch VLA, nhận định.
Theo ông Tiến, trong thời đại hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào dù lớn hay nhỏ, thuộc ngành nghề nào, nếu nhanh chóng chuyển đổi dữ liệu và quy trình làm việc từ môi trường truyền thống sang số hóa, tự động hóa quy trình sẽ nắm bắt được xu thế phát triển của thị trường, đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, nếu chậm chạp thay đổi sẽ sớm tụt hậu, bị đẩy ra khỏi cuộc chơi.
Ông Tiến cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho các doanh nghiệp chiếu sáng nhiều cơ hội và thách thức hơn. Tuy nhiên để kinh doanh thành công và bắt kịp nhịp độ phát triển của thị trường thì các doanh nghiệp chiếu sáng phải có giải pháp vận dụng số hóa doanh nghiệp hiệu quả, chính xác nhằm tạo bước đệm phát triển mới trong kinh doanh.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số hóa, doanh nghiệp chiếu sáng cần phải thay đổi để thích ứng. Đó là việc không chỉ phải xây dựng chiến lược phát triển tiệm cận và đón đầu xu thế thời đại mà còn phải đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các sản phẩm phần mềm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Ngoài ra, cũng cần chăm chút phát triển khách hàng trung thành.
Hệ thống chiếu sáng đã bao phủ hầu hết các đô thị của Việt Nam. Ảnh: worldtrans.vn
Cũng tại hội thảo, PGS.TS Ngô Trí Long, phân tích hiện tại doanh nghiệp chiếu sáng đang đứng trước những thời cơ không nhỏ. Đó là việc đi sau và thừa hưởng những thành tựu từ cuộc CMCN 4.0. Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được thời gian nghiên cứu để phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh có sẵn. Bên cạnh đó, với ưu điểm như dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet cao, mức độ tiếp cận và ứng dụng công nghệ tốt, nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp chiếu sáng trong việc xây dựng dữ liệu lớn. Đặc biệt, các doanh nghiệp chiếu sáng đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ đối với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, ông Long cũng chỉ ra, rằng hiện tại năng lực công nghệ của doanh nghiệp chiếu sáng Việt Nam còn nhiều hạn chế. Để nghiên cứu nguồn sáng chất lượng cao này đòi hỏi phải kết hợp của nhiều ngành khoa học khác nhau từ sinh học đến khoa học vật lý chiếu sáng đến điều khiển tự động hóa.
Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất chiếu sáng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự hóa, từng phần đến tự động hóa hoàn toàn. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đang khiến nhiều doanh nghiệp chiếu sáng vẫn chưa sẵn sàng.
Để tận dụng những thời cơ, vượt qua thách thức, theo ông Long mỗi doanh nghiệp cần xác định được hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, từ đó tận dụng và phát huy tối đa sức mạnh để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đang ngày càng được mở rộng nhờ vào thành quả của CMCN 4.0.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải xác định được vị trí của mình, xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi sản phẩm để chủ động hơn trong đổi mới sáng tạo và ứng dungk khoa học, công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình...
Linh Di