Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ sắp tới và sơ kết một năm thực hiện Quy định 1374, sáng 16.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết một Đảng bộ lớn với 220.000 đảng viên, công việc của các cơ quan kiểm tra, giám sát là rất lớn. Do đó, để phát huy hiệu quả, cần phải kết nối các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra TP, MTTQ và HĐND.
Khắc phục tình trạng làm sai vẫn được "qua đò"
Nói về kết quả sơ kết một năm thực hiện Quy định 1347 (giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước), ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá tỉ lệ giải quyết 82% trong tổng số hơn 3.000 thông tin, phản ánh từ người dân, báo chí, MTTQ khi thực hiện Quy định 1347 là tỉ lệ đáng trân trọng.
"Tuy nhiên, kết quả kỷ luật 97 Đảng viên, 142 công chức, cán bộ nhưng chỉ công bố 4 trường hợp cho báo chí là quá thấp. Công bố ít sẽ chưa tăng được tính răn đe. Hàng quý, Ủy ban Kiểm tra cần có một báo cáo về tình hình kiểm tra, giám sát toàn TP. Cả 4 cơ quan cùng làm, cùng thông tin sẽ góp phần tạo không khí khác rõ nét hơn" - Bí thư Thành ủy TP nói và cho rằng báo chí, người dân rất quan tâm TP đã làm gì trong việc xử lý cán bộ có sai phạm.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu khắc phục tình trạng làm sai vẫn được "qua đò".
Bí thư Thành ủy nêu 2 tình trạng là cán bộ, công chức làm việc chưa tốt nhưng đánh giá cuối năm vẫn tốt và có sai phạm mà không bị phát hiện, xử lý, vẫn "qua đò" bình thường. Ông nhìn nhận 2 hiện tượng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến động lực, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức.
Để khắc phục tình trạng làm chưa tốt mà vẫn được đánh giá tốt, Bí thư Thành ủy cho rằng cần sử dụng "đòn bẫy" thu nhập tăng thêm. Theo ông, trước đây việc đánh giá hiệu quả công việc không có áp lực, nay nó liên quan đến thu nhập tăng thêm nên có áp lực, phải đánh giá chính xác, nếu làm không công bằng thì xã hội phản đối, cán bộ, công chức cũng phản đối.
Về xử lý cán bộ sai phạm, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định phải hạn chế và chấm dứt tình trạng có sai phạm nhưng vẫn "qua đò" bình thường. "Phải làm thế nào để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng. Chứ họ làm mà không bị phát hiện thì vẫn cứ dám thôi. Ủy ban Kiểm tra của cấp trên cũng phải tăng cường kiểm tra chính Ủy ban Kiểm tra cấp dưới" - ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Trị "căn bệnh" lý do khách quan
Bí thư Thành ủy TP đánh giá năm 2019 là năm TP tăng tốc, cần tập trung, đẩy mạnh nhiều đầu việc, trong đó có 2 nhiệm vụ quan trọng là tạo đột phá về cải cách hành chính và thực hiện tốt Nghị quyết 54.
Ông Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn việc dù là TP có nền kinh tế lớn nhất nước, nhiều sáng kiến, đổi mới nhất cả nước nhưng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công và cạnh tranh địa phương đều không nằm ở trong top 5, top 10 là điều khó chấp nhận. "Nhất là hiệu quả quản trị và hành chính công; không ai nghĩ được TP lại xếp thứ 47 (2015), 44 (2016) và 39 (2017). Năm nay chưa biết tiến bộ cỡ nào vì chưa công bố kết quả nhưng theo đà này thì lên được lên hạng 25-26 là tốt rồi" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.
Bí thư Thành ủy TP nói Thủ tướng yêu cầu đến năm 2020, 80% người dân đến phường, xã phải hài lòng mà nay TP vẫn chưa trả lời được bao nhiêu phần trăm tỉ lệ người dân hài lòng. Vì vậy, TP phải gấp rút triển khai, đến cuối năm 2019 phải trả lời được câu hỏi này. Phải đột phá cải cách hành chính mới tiến nhanh được". Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nếu tỉ lệ hài lòng của người dân thấp thì cán bộ sẽ không được nhận tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Sau Tết nguyên đán, Thành ủy sẽ nghe UBND TP trình bày phương án, đánh giá bằng công cụ gì, phương pháp nào.
Song song đó, Bí thư Thành ủy TP yêu cầu phải chữa cho được "căn bệnh" lý do khách quan. Khi người dân, doanh nghiệp bức xúc, chính quyền các cấp hay có lý do khách quan để không giải quyết. "Nếu cấp phường không giải quyết được thì phải báo cấp quận; cấp quận cũng không giải quyết được thì phải báo TP" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. "Có những việc dân rất cần, rất bức xúc mà cứ để đó không làm là không được. Doanh nghiệp thì có những dự án 3 tháng, 6 tháng không được giải quyết mà không ai chịu trách nhiệm cả" - Bí thư Thành ủy trăn trở.
Dẫn chứng dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng đình trệ hơn 6 tháng khiến tiến độ bị chậm, máy móc bị ảnh hưởng, Bí thư Thành ủy hỏi: "Ai chịu trách nhiệm cho việc này?".
Theo Bí thư Thành ủy, nếu Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách chưa gỡ được thì phải đem ra Thường trực UBND TP bàn. Nếu vẫn không giải quyết được thì phải báo cáo ngay lên cho Thành ủy, Ban chấp hành Đảng bộ TP giải quyết… Chứ không thể để tình trạng thấy bế tắc quá rồi để đó, để cho việc "nguội lạnh".
Trường Hoàng - Phan Anh
Ảnh: Hoàng Triều