Thế nhưng công cuộc tái thiết sau thảm họa lại không phải câu chuyện một sớm một chiều. Một trong những mối quan tâm hàng đầu là chốn an cư khi mà mưa lũ kéo sập nhà, cuốn trôi tài sản, nhận chìm hoa màu… của nhân dân tại nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn.
Những giải pháp khắc phục nhà ở bị hư hại, dựng lại nhà mới nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho giai đoạn tái thiết là một nội dung đang được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn phi chính thức. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đinh Bá Vinh, Kiến trúc sư trưởng phụ trách Chương trình Nhà Chống Lũ (tiền thân là Quỹ Sống) - tổ chức hơn 10 năm qua đã sửa chữa, xây dựng hơn 1.200 căn nhà thích ứng thiên tai (chưa kể xây mới hai làng Hạnh Phúc gồm 120 hộ tại huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) tại 11 tỉnh ở cả ba miền đất nước, trong đó có Quảng Ninh, địa phương đầu tiên Yagi đổ bộ.
KTS. Đinh Bá Vinh nói: Sau khi Yagi rời Quảng Ninh, nhân viên dự án chủ động điện thoại thăm hỏi những hộ dân mà Nhà Chống Lũ hỗ trợ trong giai đoạn 2015 - 2016. Đến nay chúng tôi chưa có thông tin đầy đủ: một là nhiều trường hợp điện thoại đổ chuông nhưng không nhận cuộc gọi; hai là thuê bao không còn đứng tên hộ dân từng cung cấp cho Nhà Chống Lũ. Có một trường hợp từ chối cung cấp thông tin. Còn lại 13/52 cuộc gọi kết nối thành công thì chủ hộ đều an toàn, nhà chính hư hại không đáng kể.
Bên cạnh căn nhà chính bị ngập sâu thì có một ngôi nhà phao của người dân "Làng du lịch tốt nhất thế giới" Tân Hóa (Quảng Bình) nổi theo dòng nước. Thay vì lo âu, sợ hãi chạy lên núi tránh trú khi lũ đến như mọi năm, bây giờ người dân ở đây sinh hoạt ăn uống bình thường trên nhà phao một cách bình yên. Ảnh chụp ngày 20.9.2024. Nguồn: Người Lao Động
Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở miền Bắc mà Nhà Chống Lũ hỗ trợ tính đến thời điểm này. Là một địa phương có nhiều khu vực bị kẹp giữa địa hình đồi núi và biển, có nhiều căn nhà ở Quảng Ninh được xây dựng bám theo triền dốc, triền đồi… Đợt mưa lớn hồi cuối 7.2024 đã gây sạt lở khiến một số căn nhà tại nhiều phường ở Hạ Long (thủ phủ Quảng Ninh) bị hư hại. Theo ông, đâu là những yếu tố rủi ro mà người dân cần lưu tâm?
Sau quá trình triển khai dự án hỗ trợ nhà thích ứng thiên tai tại Quảng Ninh, chúng tôi phân cấp bốn mức độ rủi ro theo thứ tự tăng dần. Thứ nhất là ngập úng cục bộ do mưa lớn kéo dài, mức nước từ 1,5m trở xuống. Thứ hai là ngập do nước dâng từ sông suối, mức ngập sâu và dòng chảy xiết hơn. Dạng thứ ba liên quan đến đặc thù địa hình nhiều triền dốc, kể cả khu vực đô thị, khi mưa lớn dễ cuốn theo bùn đất, tác động trực tiếp vào công trình.
Dạng thứ tư, nguy hiểm nhất, là những ngôi nhà dưới chân taluy dương (phần mái dốc tính từ mặt đường trở lên). Những cấp độ rủi ro thiên tai ở Quảng Ninh khá tương đồng với nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đang gánh chịu thảm họa.
Nhà ông Cao Thế Kỷ ở xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình năm 2022. Khu vực ngập gần 2m. Cải tạo xây gác tránh lũ trên nhà hiện trạng.
Có thể hình dung thế nào về phương thức hỗ trợ của Nhà Chống Lũ?
Nhà Chống Lũ có hai mảng hỗ trợ riêng biệt với mỗi dự án. Về kỹ thuật, chúng tôi có đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, chuyên gia về địa chất, thủy văn, dân tộc học… phối hợp nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho từng căn nhà từ nhiều khía cạnh gồm kiến trúc, kinh tế, xã hội… Dự án sẽ hỗ trợ thêm mỗi hộ dân một phần kinh phí. Mức trần với nhà xây mới và nhà cải tạo lần lượt là 50 triệu đồng và 35 triệu đồng, khoảng 30% giá trị xây dựng.
“Hỗ trợ thêm một phần kinh phí” hàm ý rằng người hưởng lợi cần có vốn đối ứng…
Đúng vậy. Từ khi bắt đầu thiết kế dự án, chúng tôi và người hưởng lợi cùng nhau thảo luận nhằm tìm kiếm nguồn lực. Nguyên vật liệu cũ có thể tái sử dụng để giảm chi phí? Vốn đối ứng bao nhiêu? Phần vay nợ còn lại từ những kênh nào? Khả năng chi trả ra sao? Thông tin thu thập chi tiết là cơ sở để “vẽ” phương án trả nợ cho từng trường hợp cụ thể. Bởi lẽ, nếu không trả nợ đúng hạn, người hưởng lợi có thể bị siết nợ bằng chính căn nhà mà cộng đồng chung tay dựng lên, lãng phí nguồn lực xã hội. Chúng tôi từng từ chối không ít trường hợp vì không nhìn thấy khả năng hoàn trả những khoản vay.
Ngoài tài chính, người hưởng lợi từ chương trình Nhà Chống Lũ còn phải đáp ứng thêm 6 tiêu chí: (1) Căn nhà nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. (2) Người hưởng lợi phải sở hữu hợp pháp mảnh đất dự kiến dựng lại nhà, loại trừ rủi ro tài sản không được cấp sổ hồng. (3) Ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. (4) Hộ dân phải có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ. (5) Người hưởng lợi phải tham gia vào toàn bộ các khâu của dự án, từ khảo sát, lên phương án, triển khai xây dựng cho đến khi hoàn thiện. (6) Hộ dân có nhu cầu và động lực để làm nhà.
Có một số quan sát cho thấy hoạt động cộng đồng sẽ thuận lợi hơn khi có chính quyền địa phương hỗ trợ. Với Nhà Chống Lũ thì sao?
Một trong những nguyên tắc của Nhà Chống Lũ là làm việc ba bên, gồm đại diện dự án, người hưởng lợi và chính quyền cơ sở vốn có nhiều thông tin giá trị về người hưởng lợi, chẳng hạn như điều kiện về sở hữu hợp pháp đối với thửa đất dự kiến xây dựng nhà, hoặc thửa đất dù đang sở hữu hợp pháp nhưng đã có chủ trương, kế hoạch chuyển đổi sang mục đích khác… Thông tin về những khoản trợ cấp, hoặc vốn vay ưu đãi từ ngân sách nếu có cũng từ chính quyền địa phương vô cùng hữu ích khi dự án thiết kế phương án trả nợ cho người hưởng lợi. Nhà Chống Lũ không trao tiền hỗ trợ trực tiếp cho người dân mà giải ngân thông qua UBND cấp xã. Sau khi nghiệm thu, ba bên cùng ký biên bản, làm hồ sơ lưu trữ.
KTS. Đinh Bá Vinh (phải) cùng cộng sự (trái) thăm hỏi một người hưởng lợi từ dự án Nhà Chống Lũ ở tỉnh Quảng Nam.
Ngoài nhân mạng, nhiều gia đình có thể đã khánh kiệt khi tài sản trôi theo mưa lũ. Không có gì bảo đảm rằng trong tương lai gần sẽ không xuất hiện những phiên bản có thể còn tàn khốc hơn bão Yagi. Nhà Chống Lũ đã sẵn sàng lên đường?
Tháng 9 hằng năm là thời hạn chúng tôi chuẩn bị xong kế hoạch triển khai dự án cho năm kế tiếp. Năm sau (2025), Nhà Chống Lũ tập trung cho Quảng Nam và Quảng Trị. Yagi bất ngờ ập đến. Chúng tôi nhận được đề nghị từ một số tổ chức nghiên cứu khu vực bãi giữa sông Hồng, thiệt hại cũng rất nặng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang liên hệ một số địa phương bị ảnh hưởng, trao đổi thông tin để xem năng lực của Nhà Chống Lũ có thể tham gia vào quá trình tái thiết đến mức độ nào.
Thông thường, sau thảm họa, chính quyền địa phương sẽ tập trung giải quyết chóng vánh nơi ăn chốn ở cho người dân với quy mô lớn. Ưu tiên tốc độ e rằng địa phương không đủ thời gian nghiên cứu mô hình tối ưu theo nhu cầu của từng gia đình, trong khi quy trình của Nhà Chống Lũ lại chậm hơn, như đã trình bày.
*
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nhưng mức độ tổn thương không phải phép chia bình quân đầu người. Quy mô thiệt hại khác nhau phụ thuộc nhiều yếu tố, khách quan lẫn chủ quan. Mối quan hệ hữu cơ khiến thiên tai và nhân tai ngày càng hung hãn không chỉ đòi hỏi nhà thích ứng thiên tai thiết kế “may đo”, mà còn thách thức cải thiện năng lực dự báo, điều phối, phản ứng cấp thời… đi kèm trách nhiệm giải trình; nỗ lực theo đuổi con đường phát triển bền vững, mở rộng hợp tác quốc tế ứng phó liên vùng, liên quốc gia…
Chỗ ở an toàn là một trong những ưu tiên sau thảm họa. Trên một số diễn đàn phi chính thức, những giải pháp công trình sản xuất hàng loạt, sẵn có, lắp đặt nhanh gọn, chi phí tương đối thấp đang được thảo luận sôi nổi. Khi được hỏi liệu rằng Nhà Chống Lũ sẵn có mô hình nhà thích ứng thiên tai nhằm góp sức giải quyết nhu cầu cấp thiết này, ông Vinh khẳng định ngay là bất khả. Kinh nghiệm “thực chiến” cũng như quan sát mức độ thiệt hại tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc mà Yagi đi qua cho thấy mô hình nhà thích ứng thiên tai an toàn và phù hợp nhất với người sử dụng phải được thiết kế dựa vào ba yếu tố:
1. Đặc trưng địa hình, địa chất, thủy văn
2. Nguy cơ xảy ra thiên tai tại khu vực xây dựng nhà
3. Thói quen sinh hoạt của người dân
Trước khi triển khai dự án, đội ngũ kỹ thuật của Nhà Chống Lũ phải tiến hành khảo sát tận nơi, thu thập thông tin liên quan đến địa hình địa chất, những mốc thiên tai lịch sử, thói quen xây dựng, kỹ thuật xây dựng, đội thợ xây dựng tại địa phương, thói quen sinh hoạt, đời sống tín ngưỡng của người địa phương… Dữ liệu là cơ sở để đối chiếu với những mô hình mà Nhà Chống Lũ từng thiết kế, triển khai. Nếu không phù hợp, phải trao đổi với người hưởng lợi, thống nhất ý tưởng để thực hiện một bản thiết kế mới phù hợp nhất với nhu cầu của người sử dụng.
Thượng Tùng thực hiện - Ảnh: TLNV