"Loạng choạng để nhìn đời ngay ngắn"
Trong đêm nhạc tối 17.8 ở TP.HCM, ca sĩ Hà Anh Tuấn bất ngờ bị sự cố sức khỏe. Ngay khi vừa xuất hiện trên sân khấu anh đi lảo đảo, phải ngồi bệt xuống sàn diễn, không thể hát bài đầu tiên. Anh được nhân viên đưa chai nước uống, ngồi chống hai tay ngã người ra sau một lúc rồi gượng đứng lên. Bài hát đầu tiên của giọng ca sinh năm 1984 khá yếu, đôi chỗ lạc giọng.
Hát xong anh tiếp tục loạng choạng, mất thăng bằng phải ngồi xuống, nói nhỏ tiếng: “Xin lỗi khán giả cho phép Tuấn ngồi một tí nhé”. Người dẫn chương trình bước tới hỗ trợ giao lưu khán giả để nam ca sĩ có thời gian nghỉ mệt. Một lúc lâu sau, anh mới ổn định sức khỏe để tiếp tục phần biễu diễn còn lại.
Trên trang cá nhân sau đêm nhạc, Hà Anh Tuấn chia sẻ: “Năm phút đầu chắc huyết áp còn bằng 0. Trải nghiệm ấy thật kỳ lạ, khi tất cả đen mờ và chầm chậm đi. Chỉ còn một ý chí mỏng như sợi chỉ là phải hát không được bỏ cuộc. Rồi thì vẫn là quý vị đưa tôi quay về với nhịp đập của âm nhạc. Nhờ vậy mà được hát bù lại nhiều gấp đôi. Dù thế nào cũng là sống và sót trong âm nhạc”.
Sau khoảng 5 phút bị tụt huyết áp ngay trên sân khấu, Hà Anh Tuấn mới biễu diễn bình thường. Ảnh: CTV
Hà Anh Tuấn cho biết khi xin phép khán giả cho ngồi xuống nghỉ chút, anh đã cảm nhận rõ mình may mắn: “Hơn 5.000 người ở đó im phăng phắc, cùng thở thật nhẹ trong vài chục giây để rồi lại ào lên cùng âm nhạc của tôi. Vậy là họ không chỉ xuất hiện trong những lúc rực rỡ nhất mà còn trở thành một phần trong cả những lúc hơi mệt của mình. Để rồi giữa không gian tuyệt đẹp ấy, tôi đã hát như chẳng còn gì để mất. Lâu lâu chắc ông Trời cho loạng choạng chút để nhìn mình và nhìn đời ngay ngắn hơn. Trên hết, để biết mình được yêu, được quý, được ấm lưng cỡ nào…”.
Đây không phải lần đầu Hà Anh Tuấn gặp sự cố tụt huyết áp khi đang biễu diễn. Hơn hai tháng trước tại lễ khai mạc Tuần du lịch Ninh Bình 2024, nam ca sĩ cũng đã đột ngột mất thăng bằng, loạng choạng trên sân khấu, phải cúi người chống tay lên đầu gối. Vì chương trình truyền hình trực tiếp nên anh cố gắng hát dù đôi chỗ lạc giọng. Chia sẻ với khán giả, Hà Anh Tuấn nói: “Tôi vừa bị tụt huyết áp. Cảm giác này giống như một năm trước, khi tôi biểu diễn trong live show Chân trời rực rỡ ở Ninh Bình. Nói thật là vừa rồi tôi suýt ngất xỉu...”.
Do đâu bị tụt huyết áp?
PGS-TS-BS. Nguyễn Hoài Nam (Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM; Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực TP.HCM) cho biết, huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Mỗi khi tim đập, máu sẽ được bơm vào động mạch để cung cấp cho cơ thể. Đây là lúc huyết áp cao nhất, gọi là huyết áp tâm thu.
Khoảng thời gian nghỉ giữa các nhịp tim, huyết áp sẽ giảm xuống, gọi là huyết áp tâm trương. Tụt huyết áp là tình trạng huyết áp thấp, gọi theo tên y khoa là hạ huyết áp (hypotension). Các tên khác: hạ huyết áp sau bữa ăn; hạ huyết áp thế đứng; hạ huyết áp qua trung gian thần kinh...
“Nó xảy ra khi huyết áp thấp hơn nhiều so với bình thường. Huyết áp bình thường chủ yếu nằm trong khoảng từ 90/60mmHg đến 120/80mmHg. Đặc trưng huyết áp thấp là dưới chỉ số 90/60mmHg, trong đó huyết áp tâm thu <90mmHg hoặc huyết áp tâm trương <60mmHg. Điều này có nghĩa là tim, não và các bộ phận khác của cơ thể không nhận đủ máu…”, BS. Nam nói.
Có nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp. Hạ huyết áp nghiêm trọng có thể do mất máu đột ngột (sốc), nhiễm trùng nặng, đau tim hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ). Hạ huyết áp thế đứng là do sự thay đổi đột ngột về vị trí cơ thể. Điều này xảy ra thường xuyên khi chuyển từ nằm sang đứng. Loại huyết áp thấp này đa phần chỉ kéo dài vài giây hoặc vài phút. Nếu xảy ra sau khi ăn, nó được gọi là hạ huyết áp thế đứng sau bữa ăn, thường gặp với người lớn tuổi, người mắc bệnh Parkinson... Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh thường ảnh hưởng đến người trẻ và trẻ em. Nó có thể xảy ra khi một người đã đứng trong một thời gian dài. Trẻ em thường vượt qua loại hạ huyết áp này một cách dễ dàng.
Một số loại thuốc và chất có thể dẫn đến huyết áp thấp: lạm dụng rượu bia, dùng một số thuốc như thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc tim (bao gồm cả thuốc dùng để điều trị huyết áp cao và bệnh tim mạch vành), thuốc dùng trong phẫu thuật, thuốc giảm đau. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường, thay đổi nhịp tim (loạn nhịp tim), không uống đủ chất lỏng (mất nước), suy tim…
Dấu hiệu bị tụt huyết áp
Theo BS. Nam, những người có nguy cơ dễ bị huyết áp thấp là: phụ nữ có thai; người mắc các vấn đề tim mạch, các bệnh nội tiết; nhóm người bị mất nước, mất máu; người bị nhiễm trùng nặng; người bị dị ứng trầm trọng hay còn gọi là sốc phản vệ; nhóm người bị thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống và nhóm dùng một số thuốc chữa bệnh như đề cập ở trên.
Triệu chứng thường gặp của huyết áp thấp: mờ mắt, chóng mặt, ngất xỉu, choáng váng, lú lẫn, nhịp tim nhanh, buồn nôn hoặc nôn mửa, buồn ngủ, suy nhược yếu đuối… Ở người bị hạ huyết áp nếu tim, não, gan, phổi, thận… không nhận đủ lưu lượng máu chứa oxy cần thiết thì có thể gây tổn thương các cơ quan này. Cũng như tăng huyết áp, trong trường hợp này nó cũng làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ… “Huyết áp thấp hơn bình thường ở người khỏe mạnh không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, thường không cần điều trị…”, BS. Nam chia sẻ.
Điều trị và phòng ngừa
BS. Nam cho biết huyết áp thấp có thể điều trị thành công, tùy thuộc nguyên nhân và triệu chứng. Khi có dấu hiệu tụt huyết áp hãy ngồi hoặc nằm xuống ngay lập tức, sau đó nâng chân lên cao hơn mức tim.
Đối với hạ huyết áp thế đứng nếu nguyên nhân do thuốc, cần thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang loại thuốc khác. Đừng ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào trước khi nói chuyện với bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị uống nhiều nước hơn để xử lý tình trạng mất nước. Mang vớ nén có thể giúp ngăn máu tụ ở chân (giữ nhiều máu hơn ở phần trên cơ thể). Đối với những người bị hạ huyết áp qua trung gian thần kinh nên tránh các yếu tố kích thích, như đứng trong thời gian dài. Các phương pháp điều trị khác bao gồm uống nước và tăng lượng muối trong chế độ ăn uống. Trong trường hợp nghiêm trọng, thuốc có thể được kê đơn.
“Về phòng ngừa, trước tiên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Nên ăn mặn hơn một chút so với bình thường, lượng muối nên ăn 10 - 15g/ngày ở những người bệnh huyết áp thấp. Tăng cường chất dinh dưỡng, bổ sung chất đạm như thịt, cá trong mỗi bữa ăn. Uống đủ nước. Không uống rượu. Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Tập thể thao đều đặn, mỗi ngày nên tập ít nhất 10 - 15 phút bằng các bài tập nhẹ nhàng phù hợp, tránh các môn dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy đu... Đứng dậy từ từ sau khi ngồi hoặc nằm, không đứng lâu nếu bị hạ huyết áp qua trung gian thần kinh, sử dụng tất nén để máu không ứ đọng ở chân… Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và nhất là bình tĩnh. Tránh những xúc động mạnh như lo lắng, sợ hãi, chán nản có thể làm huyết áp hạ thêm”, BS. Nam lưu ý.
Nguyễn Khải - Hữu Đức