Đô thị hóa là một quá trình tự nhiên và mang tính lịch sử của nền kinh tế phi nông nghiệp tập trung ở các đô thị, song hành cùng với công nghiệp hóa. Đó là xu thế khách quan của sự phát triển, là biểu tượng quan trọng của hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi cả xã hội sang công nghiệp hóa, nguồn lực công và tư trong phát triển đô thị, dịch vụ, hạ tầng, phương tiện kỹ thuật... chưa bao giờ tương xứng với tốc độ đô thị hóa. Chưa kể đến sự tích tụ dân cư từ dòng di dân nông thôn vào đô thị ngày càng gia tăng, khiến cho các thành phố đang không ngừng chất tải khi “cơ thể” đã rệu rã.
Sự đảo ngược ở Việt Nam: đô thị hóa đi trước công nghiệp hóa
Gần 150 năm trước trào lưu đô thị hoá bắt đầu ở phương Tây lan sang Mỹ những năm cuối thế kỷ 19 và châu Á là những thập niên 60 tk 20 - là hệ quả tự nhiên của cuộc cách mạng công nghiệp. Chỉ trong thế kỷ 20 các nước phát triển đã chuyển gần như 80, 90% dân số cư trú từ nông thôn sang đô thị, đưa số người sống trong đô thị hiện nay lên hơn 60% dân số trái đất (khoảng hơn 3 tỷ người chỉ trong một thế kỷ).
Hình ảnh người dân các tỉnh miền Tây tiếp trở lại TP.HCM sau dịp nghỉ Tết khiến nhiều nơi tắc nghẽn hàng chục km. Ảnh tư liệu: Vnexpress
Trào lưu đô thị hoá, không có điểm khởi đầu rõ ràng, nhưng chính cuộc cách mạng công nghiệp đã chuyển hoá cả thành thị và nông thôn một cách sâu sắc và toàn diện. Khác với chúng ta, các nước phát triển có cả hàng trăm năm để xây dựng nếp sống, văn minh đô thị. Họ có đô thị với những cư dân công nghiệp đi làm theo thời gian biểu của nhà máy, công xưởng và đi lại bằng các phương tiện công cộng, họ coi các giá trị công ích của đô thị lớn hơn các lợi ích cá nhân. Họ có văn hoá đô thị và quản trị đô thị hình thành trong nhiều thế hệ.
Trung Quốc cũng là bài học lớn cho chúng ta về đô thị hóa, khi xây dựng bài bản và vận hành hàng chục siêu đô thị hơn 10 triệu dân, trong đó kỷ lục là siêu đại đô thị 123 triệu dân ở vùng đô thị hóa Bắc Kinh-Thượng Hải- Thiên Tân. Theo kế hoạch đô thị hóa kiểu mới quốc gia (2014–2020), tỷ lệ đô thị hóa ở Trung Quốc đạt 60% vào năm 2020, với dân số đô thị vượt quá 800 triệu người. Khoảng 100 triệu người dân nông thôn và những người nhập cư khác dự kiến sẽ được định cư ở các thành phố và thị trấn.
Ở Việt Nam quá trình đô thị hoá xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hoá, khiến cho các mô hình và tư duy đô thị gặp sự khủng hoảng lớn. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Cương Trần
Ít ai nhận ra rằng ở Việt Nam quá trình đô thị hoá xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hoá, khiến cho các mô hình và tư duy đô thị gặp sự khủng hoảng lớn. Chưa kịp phân tích nguyên nhân do đâu dẫn tới hiện tượng này (có thể do sức ép nhà ở sau hai cuộc chiến tranh và thả lỏng nền kinh tế đất chăng?), nhưng ai cũng nhận thấy các đô thị Việt Nam càng phát triển càng bộc lộ các yếu kém gây tác hại lâu dài. Các căn bệnh đô thị như: phát triển tràn lan kết bè mảng trên diện rộng, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm không khí và nước thải, di dân tự do, an ninh xã hội và quản trị đô thị… ngày càng trầm kha.
Ba nghịch lý đô thị hóa ở Việt Nam
Thứ nhất, đô thị hóa xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hóa. Ở Anh, trước khi phát triển các thành phố hiện đại đầu tiên đã có 80 năm công nghiệp hóa, nước Mỹ là 50 năm và các "con rồng" châu Á là 30 năm. Chính cuộc cách mạng công nghiệp hóa đã chuyển hóa phương thức sản xuất nông nghiệp và cư trú nông thôn sang lao động công nghiệp - dịch vụ gắn với cư trú đô thị.
Ở Việt Nam, quá trình này ngược lại, làn sóng dịch cư tới các đô thị ngày càng gia tăng sớm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ. Nhu cầu định cư tại đô thị vì thế tăng theo. Sự bùng nổ hệ thống khu đô thị mới cao tầng và chung cư mini (biến hình từ nhà ở đơn lẻ được xây cao tầng và phân thành các phòng ngủ chen chúc để cho thuê) đang diễn ra, một mặt giảm áp lực chỗ ở cho người dân nhập cư, mặt khác đem lại lợi nhuận khổng lồ cho giới kinh doanh bất động sản. Nhưng khu ở này, bản chất chỉ là dạng đô thị - phòng ngủ, bị bỏ qua các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Làn sóng dịch cư tới các đô thị ngày càng gia tăng sớm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ. Nhu cầu định cư tại đô thị vì thế tăng theo. Trong ảnh là một "chung cư mini" nằm trong một con hẻm ở Hà Nội và xung quanh nhà dân quây kín. Ảnh: Người Lao Động
Thứ hai, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và công trình đi sau. Nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ có khả năng kế hoạch hóa tốt hơn kinh tế nông nghiệp, theo đó là hạ tầng kỹ thuật, xã hội luôn đi trước phát triển khu dân cư để các thành phố (TP) có thể chịu đựng tốt làn sóng người làm việc trong đô thị.
Còn các TP của chúng ta không chịu đựng được. Khảo sát đất dành cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nhiều đô thị ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10-15% đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30-35% (Hà Nội đang phấn đấu năm 2025 đạt 10-12% và TP.HCM chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn).
Nghịch lý thứ ba là gia tăng mật độ và chiều cao ở lõi trung tâm quá ngưỡng tải đô thị. Tuy nhiên các TP lại thôn tính đất vành đai để phát triển nhà chia lô thấp tầng. Đây chính là các đặc điểm nhận dạng của ‘bệnh đầu to’, đồng nghĩa với chất tải nhà cửa, dân số, việc làm, dịch vụ... đến nghẹt thở ở các trung tâm khu phố cổ, khu phố Pháp và phố hóa hết các làng mạc cận kề, liếm hết tới 90% các cấu trúc mặt nước, cây xanh tự nhiên...
Hà Nội là ví dụ, TP đã áp sát thủ phủ của các tỉnh lân cận, tức là đã "thanh toán" vùng vành đai xanh bao bọc nó, đi ngược nguyên tắc bảo tồn các vành đai xanh đảm bảo phát triển bền vững. Khi TP mẹ xóa đi ranh giới địa lý giữa các thành phố cận kề, lấy đi những vùng đất màu mỡ cung cấp rau xanh, thực phẩm và hoa, thủ tiêu những lá phổi xanh, không gian nghỉ dưỡng thì nó có tên gọi là ‘thành phố xám’.
Hình ảnh cao ốc ở trung tâm Hà Nội. Ảnh: Zing
Và hình ảnh Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông. Ảnh: internet
TP đầu to, về bản chất là đô thị phép cộng của các dự án (mở ngay trong nội đô lịch sử và liếm đất nông nghiệp vành đai) với hình thái phình ra nhanh chóng theo mảng xôi đỗ. Các TP lịch sử ở Việt Nam đang bị đứt gẫy cấu trúc để trở thành những siêu đô thị phi danh tính, không thể nhận dạng.
Hà Nội mở rộng lên gấp 4 lần, dân số 10,5 triệu năm 2019, ôm trọn xứ Đoài mây trắng của nhà thơ Quang Dũng. TP đang đi ngược lại quy hoạch chung phê duyệt 2008 hứa hẹn giải tỏa nội đô xuống còn 800 ngàn dân. Đến nay nội đô lịch sử đã lên đến 1,6 triệu dân và TP đang tiếp tục cấp phép các khu siêu cao tầng đậm đặc vào nội đô ấy, ngay trên những khu đất công: Triển lãm Giảng Võ, nhà máy rượu, khu zone 9, nhà máy Rạng Đông, khu cao xà lá...
Chất tải trung tâm cũng có nghĩa là đưa các đô thị cực lớn vào chỗ bế tắc, vào hiểm họa.
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục
Còn TPHCM, diện tích từ 850km2 cách đây mười năm đến 2025 sẽ lên tới 2095 km2, tức gần 3,5 lần với 11 triệu dân tại chỗ, chưa kể vãng lai. Chất tải trung tâm có nghĩa xóa sổ dần các thời kỳ lịch sử, sự thịnh vượng, văn hóa và ký ức. Chất tải trung tâm cũng có nghĩa là đưa các đô thị cực lớn vào chỗ bế tắc, vào hiểm họa. GS. Matteo Aimini (Đại học Milano, Ý) gọi tên thời kỳ phát triển này của Hà Nội một cách trào lộng - TP bonsai trăm hoa đua nở.
Sự lệch pha lớn không giống ai đó đã tạo hậu quả đứt gãy cho đô thị Việt Nam về cảnh quan tự nhiên và cảnh quan văn hoá. Và như một quả bom nổ chậm đã phát nổ, vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13.9.2023 vừa qua đã xảy ra vụ cháy chung cư mini 200m2 đất, khi nó chất tải đến hơn 150 người sinh sống trong 45 "căn hộ ổ chuột" đầy hiểm họa, có tới 62% dân cư bị nạn, để một niềm đau khôn tả cho xã hội.
Cột khói bốc cao hàng chục mét từ vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh Người dân cung cấp.
Hiện trường sau vụ cháy tại chung cư mini ở phố Khương Hạ. Ảnh: Vietnamnet
Thành phố và những phận đời nhập cư
Các đô thị lớn với hoạt động kinh tế sôi động vốn được xem là "miền đất hứa" cho những người dân ở các vùng quê gần xa muốn "thoát nông" lên lập nghiệp, đổi đời. Dòng di cư vào đô thị đang ngày càng đông, làng quê sau 10 năm đã vắng hoe, mặt khác đang khiến cho các đô thị trở nên quá tải và gánh nhiều áp lực chưa từng gặp. Trên thực tế, tài nguyên, môi trường, nước, năng lượng, thực phẩm... và cả khả năng vận chuyển chúng cho xây dựng và hoạt động sống của các thành phố (bùng nổ đô thị quá nhanh) không thể đáp ứng được lượng dân số lớn như vậy.
Kể từ khi cải cách và mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhảy vọt, trình độ hiện đại hóa và thiết bị thông minh được nâng lên nhiều lần. Sự lựa chọn tất yếu của quá trình đô thị hóa đòi hỏi phải thay đổi phương thức phát triển với tầm nhìn của kỹ trị, của hoạch định làm sao cho hạ tầng thiết yếu và việc làm đi trước, trong đó quan trọng nhất là lo an cư cho đại bộ phận dân cư và cách định cư bền vững tại các khu ở đô thị.
Hình ảnh khu nhà trọ gần kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thế Sơn
Nhưng thực tế khác hẳn, ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội có tới hàng triệu người sống chen chúc trong các ngõ hẻm tối tăm, không được thoả mãn nhu cầu tối thiểu về nhà ở, việc làm, chưa nói đến các nhu cầu dịch vụ chợ búa, trường học, chăm sóc sức khoẻ, nước sạch, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật… Phần lớn được phát triển mạnh ở trung tâm và khu cận kề, trá hình trong vỏ bọc xin cấp phép xây dựng "nhà ở đơn lẻ", rồi ngăn thành hàng chục phòng ngủ để cho thuê hoặc bán.
Chỉ cần seach (tìm kiếm) trên mạng các từ khóa "thuê, bán chung cư mini" sẽ xuất hiện hàng ngàn tin rao trên mạng, chúng đều cao 7-10 tầng, có mặt ở tất cả các khu vực và các con phố nội ngoại thành, khá giống nhau về qui mô và cách kinh doanh hái ra tiền (một phòng khép kín có giá 3-4 triệu, và một chung cư mini có giá hàng chục tỷ, mua căn hộ mini có thể lên tới 2 tỷ). Cũng có nghĩa tình trạng chất tải (một cách quái gở) dân số vào TP, dạng kinh doanh chung cư mini góp phần lớn khi nó trở thành bộ phận không thể thiếu của đô thị Việt Nam. Nó luôn cận kề trường học, bệnh viện, cơ quan và các khu phố thương mại nhiều việc làm, ẩn sâu trong các ngõ ngách, chen chúc trên các con đường hẹp của làng xã xưa, không vỉa hè, hạ tầng cấp điện, nước và ngạt thở.
Đây cũng chính là nơi cư trú cho những phần lớn những phận đời nhập cư, là những sinh viên, người trẻ tuổi tìm việc làm, gia đình mới, người dịch vụ..., trong đó rất nhiều con người ưu tú ra TP để học hành, làm việc, là hy vọng của gia đình và xã hội.
Các mẩu rao bán, cho thuê chung cư mini nhan nhản trên mạng lẫn ngoài đời. Ảnh: TL
Suốt những ngày sau "thảm họa" cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến nay, chính quyền và người dân cả nước vô cùng đồng cảm, thương xót những người xấu số, là nạn nhân của sự vô minh ‘kiếm tiền’ bằng mọi giá. Bởi đằng sau thảm kịch không chỉ là sự ra đi tức tưởi của 56 con người và 37 người bị thương tật mà mới đây họ còn được sống, còn thanh xuân, tìm cơ hội đổi đời ở thành thị và những gia đình đứng sau họ với những nỗi đau lớn vượt quá các bi thương nhất.
Nhưng với sự thức tỉnh, chúng ta phải biết nói "không" với sự chất tải đã quá ngưỡng cho các TP lớn nhỏ ở Việt Nam, làm sao để chính quyền không "đi vắng" trong công tác quy hoạch, hoạch định, cấp phép, kiểm soát phát triển các khu ở và môi trường ở đúng nghĩa, đảm bảo chỗ ở các cư dân lao động chăm chỉ, lương thiện, miệt mài đóng góp cho các TP. Để văn hóa Việt, từ trong sâu thẳm tiếng đồng bào ăn sâu vào tâm thức của người Việt, đùm bọc và chia sẻ như là điểm tựa của đời sống đô thị Việt. Đó mới là căn cơ phát triển của đô thị, của tinh thần và tâm linh khiến con người không bao giờ bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta phải nhìn rõ thảm kịch này như vậy, để tìm cách tự gượng dậy, tìm cách vực dậy cấu trúc gia đình, xã hội đô thị Việt Nam một cách văn minh hơn, do vậy phải thấy nỗi đau ngày 12.9 vừa rồi là nỗi đau của mất mát quá lớn, chính vào lương tâm chúng ta.
Chung cư mini – cỗ máy hái ra tiền hay hiểm họa?
Trở lại chung cư mini, chúng là "cỗ máy đẻ ra tiền" cho người kinh doanh, nhưng phải khẳng định là hiểm họa đô thị, từ góc độ quản lý và vận hành lại càng có nguy cơ mất an toàn cho xã hội. Chỉ tính sơ như một phổ biến của dạng ở này, doanh thu tại chung cư Khương Đình bị cháy là: 45 căn x 6 triệu/tháng = 225 triệu đồng/tháng, vận hành với 1 bảo vệ già không có bất cứ một chứng chỉ kỹ thuật tối thiểu nào.
Đáng lưu ý hơn, sống ở chung cư mini, người thuê trọ sinh hoạt trong không gian chật hẹp, thiếu nhiều tiện ích. Thế nhưng trước nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, họ vẫn cam chịu, vì diện tích khiêm tốn, giá cả phải chăng, chung cư mini là lựa chọn tối ưu của nhiều sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình, thấp. Chung cư mini thường nằm trong các hẻm sâu, hẹp gần các trường đại học, cơ quan, khu công nghiệp. Như vậy có nghĩa là dạng nhà ở này khó mà loại bỏ, vì người thu nhập thấp và trung bình lựa chọn và vì đã tích tụ trong cơ thể đô thị quá rộng và sâu.
Chung cư mini-nơi xảy ra đám cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc phố Khương Hạ. Ảnh: TTXVN
Nhưng phải làm cho rõ các yêu cầu cơ bản để chúng có thể được tồn tại:
Thứ nhất, cần đánh giá tác động cả môi trường ở và khu dân cư tại chỗ: Tối thiểu, trước khi cấp phép xây dựng, cần phải đánh giá tác động của khu, nhà cao tầng mới xen cấy vào môi trường đã ổn định của khu vực đã có trước, cả về không gian xây dựng và không gian văn hóa, xã hội.
Thứ hai, cần đánh giá tác động về giao thông khu vực: Theo tiêu chuẩn, khu vực có 250 căn hộ xây mới phải làm đánh giá ùn tắc cục bộ và có 750 xe/giờ hoạt động tại khu vực là đánh giá tắc nghẽn theo phương pháp ITE, TIA. Sau đó là môi trường, không khí, nước, rác thải, rồi đến hệ thống điện nước, cứu hỏa, hạ tầng xã hội...
Sau nữa là kết nối cảnh quan, kiến trúc, kết cấu, trang thiết bị kỹ thuật, khả năng nhiệt đới hóa của chính dự án với bối cảnh đô thị xung quanh. Nếu không đủ điều kiện thì không được chất tải thêm nhà ở và lượng người ở mới.
Chúng ta hãy đối xử thật cẩn trọng với đô thị hóa và suy nghĩ cho số đông - những con người bình dị làm nên chính đô thị và luôn cần nương nhờ vào đô thị.
Thứ ba, chi tiết hóa các tiêu chuẩn cơ bản cho nhà chung cư cao tầng mini, không để tình trạng đội lốt nhà ở đơn lẻ (nhà ống) để cấp phép, "phạt cho tồn tại", hãy vì an toàn cho đô thị và bản thân công trình, xử lý chúng như một chung cư cao tầng thông dụng về: Hệ thống thông gió, điều hòa không khí (HVAC), bảo dưỡng thiết bị, và dữ liệu; Quản lý năng lượng, bao gồm tự động ngắt thiết bị, kiểm soát theo tầng và giới hạn sử dụng điện trong giờ cao điểm; Hệ thống giao thông đứng, bao gồm thang máy và thang bộ; Các hệ thống an toàn, bao gồm hệ thống chống cháy, giám sát các hệ thống thoát người khẩn cấp, báo khói và hệ thống tín hiệu âm thanh. Các hệ thống quản lý an ninh, bao gồm hệ thống camera giám sát tất cả các lối vào, lối ra, đường thoát khẩn cấp.
Xây dựng và vận hành đô thị còn cần chính quyền đô thị - bộ máy của những con người tuân thủ kỹ thuật đô thị vốn rất phức tạp, còn là phép tắc quản trị đi đầu để đô thị tồn tại và sống tốt. Họ không phải công chức theo nhiệm kỳ mà là những chuyên gia đô thị có kinh nghiệm kỹ thuật đô thị và làm việc suốt cuộc đời. Việc xây dựng quy chuẩn môi trường ở đô thị, đi đôi với tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc về nhà ở, với từng loại hình: chung cư siêu cao tầng (trên 20 tầng), chung cư cao tầng (từ 9 tầng trở lên), chung cư mini, nhà ở liền kề, nhà ở đơn lẻ. Môi trường ở cần bố trí các không gian mở, dịch vụ đời sống thiets yếu, tiêu chuẩn tối thiểu về nhà trẻ, trường học, khám bệnh... Kiểm soát các bãi xuất nhập hàng hóa, bãi đậu xe và hệ thống kiểm tra công trình khu vực, liên kết các trạm kiểm soát tại một số vị trí trọng điểm với quản lý công trình để giám sát bổ sung.
* * *
Những sai lầm đô thị thường trả giá bằng sự hoang tàn hay bằng mạng sống, chúng tích tụ trong cơ thể đô thị dai dẳng và ung nhọt, không thể ngày một ngày hai giải quyết bằng những mệnh lệnh hành chính. Chúng ta hãy đối xử thật cẩn trọng với đô thị hóa và suy nghĩ cho số đông - những con người bình dị làm nên chính đô thị và luôn cần nương nhờ vào đô thị.
Lối ra - phát triển đô thị vì số đông
Bức tranh đô thị Việt Nam hiện nay, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, đang gợi lên một nỗi buồn lớn, rằng đô thị của chúng ta sau các cuộc quy hoạch bài bản để đáp ứng nhu cầu dân cư và nền kinh tế lại phát triển lộn xộn, manh mún và thiếu an toàn đến vậy.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người/năm, chiếm 4,5% dân số thành thị. Riêng TP.HCM từ năm 2016-2019 tăng 950.000 dân, trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến, góp phần làm nên dân số 11,5 triệu và đến 2030 có thể lên 15 triệu dân tại chỗ.
Hình ảnh kẹt xe trên một cây cầu vượt ở TP.HCM. Ảnh TL: Vietnamnet
Điều tra của Viện Kontrart 2016 cho thấy khoảng 30% dân nhập cư vào đi học và làm việc có tay nghề, còn đa số người nhập cư tìm được việc làm sau khi vào thành phố, nhưng học vấn của những lao động này rất thấp, chưa qua đào tạo nghề (học vấn cấp tiểu học, THCS và THPT tương ứng tỉ lệ có việc làm là 70%, 60% và 58%). Như vậy, họ nhập cư vào thành phố để làm những công việc lao động chân tay, giản đơn và nhu cầu lao động loại này của thành phố cũng rất lớn. Hậu quả là đã dẫn đến quá tải hạ tầng, nhà ở, dịch vụ thiết yếu, trường học, bệnh viện, xuất hiện nhà ổ chuột, lấn chiếm, không phép và tệ nạn rất nan giải.
Hiện nay đang diễn ra các cuộc quy hoạch quy mô nhất cho các TP lớn Việt Nam, cùng một lúc chúng ta vừa mở rộng thành phố mẹ, vừa phát triển đô thị vệ tinh, vừa kết nối vùng đô thị. Các nhiệm vụ này đặt ra cùng lúc đã trở thành gánh nặng cho khai thác nguồn lực phát triển và khó có cơ hội để nâng cấp, cải tạo chỉnh trang các khu vực quá tải ở nội đô.Đồng nghĩa với việc dân nhập cư càng khó tiếp cận khu ở mới, hiện đại, an toàn.
Nhưng đã đến lúc đường lối đô thị hóa của Việt Nam cần thay đổi về nhận thức và tư duy phát triển. Các tính toán định lượng về ngưỡng tải và sức chứa khoa học phải được đưa vào qui trình bắt buộc, để kiểm soát về qui mô dân số, chỉ tiêu qui hoạch, khu ở gắn với việc làm và dịch vụ thiết yếu, phải đảm bảo cho đất đai và các khu chức năng chính trong đô thị hoạt động hiệu quả.
Nguồn lực và dòng tiền đầu tư từ Nhà nước và xã hội chủ yếu đổ vào TP lớn, kéo theo là công nghiệp, dịch vụ, việc làm, tiện ích và cơ hội thăng tiến, làm giàu rất lớn. ‘Nồi cơm’ đô thị ở đâu lớn thì dòng di dân sẽ đi theo nó, nên giãn dân ra ngoại vi, tăng cường hạ tầng và giao thông công cộng, xác định rõ các nền kinh tế chủ đạo và nhường bớt các chức năng cho các thành phố lân cận. Chỉ khi các đô thị nhỏ và vừa được hỗ trợ cùng phát triển thì mới có sự liên kết vùng thật sự (liên kết về hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ), khi đó người dân có thể vẫn ở tại địa phương vì nhiều cơ hội việc làm, dân cư không cần đổ dồn về thành phố mẹ như hiện nay.
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục