Những ai thuộc cộng đồng đặc biệt HSMN đều còn nhớ, đúng 50 năm trước, năm 1967, trước diễn biến ác liệt của chiến tranh, Chính phủ quyết định thành lập Khu giáo dục HSMN tại Quế Lâm (Trung Quốc). Các trường HSMN trong nước đã được chuyển gần hết sang Quế Lâm để tiếp tục học tập trong ba năm sau đó. Việc đãi ngộ và giáo dục, đào tạo đặc biệt mà Nhà nước dành cho HSMN từ năm 1954 đến năm 1975 - trong đó có việc thành lập Khu giáo dục tại Quế Lâm, được xem là một chính sách đối với một lực lượng cần thiết vừa cho việc xây dựng miền Bắc, vừa cho việc tiếp quản miền Nam.
Từ chính sách đó, HSMN thuộc nhiều thế hệ đã có những đóng góp nhất định cho đất nước trước và sau năm 1975. Và như vậy, dù muốn hay không, lịch sử HSMN đã là một bộ phận của lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975. Chỉ có điều, đến nay vẫn còn rất nhiều người chưa biết, chưa hiểu về cộng đồng HSMN, mặc dù đã có ít nhất ba cuốn sách về cộng đồng này. (*)
Bài viết ngắn và vài hình ảnh trên trang báo này chỉ là nét chấm phá về nỗi nhớ nhung của những người trong cuộc về một thời HSMN không thể quên, và cũng để những ai chưa biết có thể biết một chút về cộng đồng có bản sắc rất riêng này.
Bản sắc riêng như thế nào và vì sao?
Vì tất thảy họ đều “trở thành HSMN” khi còn rất nhỏ. Người thì chưa tới 15 tuổi; người thì 9, 10 tuổi, có người còn nhỏ hơn nữa. Nhỏ vậy nhưng đều đã phải xa cha mẹ, xa quê hương để đi đến sống và học tập ở một nơi xa lắc và... lạ hoắc là miền Bắc.
Cái gì với họ cũng lạ: tiếng nói, khí hậu, tập quán ăn ở. Điểm chung nhất mà họ có là khả năng sống tự lực, nỗi nhớ mẹ cha đến quay quắt và cái tính rất dễ tủi thân. Có lẽ vì vậy mà HSMN đặc biệt yêu thương nhau, rất chung thủy trong tình cảm bạn bè, chia ngọt sẻ bùi với nhau mỗi khi có thể. Được những người xa lạ, là thầy cô giáo và cô chú cấp dưỡng, tuy không phải là mẹ cha nhưng chăm sóc, yêu thương mình với sự tận tâm nên HSMN tự sâu trong lòng đã cảm nhận được tình nghĩa và biết sống có tình nghĩa.
Nhiều năm sau khi trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, những HSMN đã nên ông nên bà trong sự nghiệp và gia cảnh vẫn rủ nhau theo nhóm thỉnh thoảng về miền Bắc thăm lại thầy cô từng hôm sớm nuôi dạy mình, thăm lại những gia đình ở địa phương từng nhường nhà cho mình ở, sẻ cơm cho mình ăn. Mỗi dịp hội trường ở phía Nam, các trò HSMN đều đón thầy cô từ miền Bắc vào để bày tỏ niềm tri ân mà bạn Võ Ánh Tuyết từng thay mặt các bạn viết thành câu thơ lay động trái tim thầy trò:
Thầy dạy nghĩa, thầy dẫn đường
Thầy cho em chữ tình thương ở đời
Nghịch phá
“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” - nhưng các trò nghịch phá của HSMN thì không phải ai cũng tỏ tường, trừ các thầy cô và các cô bác địa phương nuôi chứa HSMN. Bơi qua sông Cà Lồ (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) để hái trộm những trái vải thiều ngọt lịm vừa chín tới, lội qua Đầm Vạc (Vĩnh Yên) để lấy trộm mấy chục trái dưa gang về cho đồng bọn lót lòng - đó không phải chỉ là “sở trường” riêng của Chinh Heo (Cao Hoài Chinh)! Chưa kể nhiều chú gà địa phương xấu số đã ẩn vào chuồng vẫn bị bàn tay “bắt gà chuyên nghiệp” của đám con trai HSMN lôi đi xử tử.
Còn nữa, Khanh Cò (Nguyễn Đức Khanh) có trò ăn chịu khoai lang của bầm Chinh (bầm là mẹ) nhưng khai dối tên mình là Giang (một giáo viên trong trường), khiến có lần thầy Giang bị bầm Chinh vào tận nơi đưa sổ nợ đòi tiền! Nhiều năm sau, trong lần thầy trò gặp lại ở Sài Gòn, Khanh Cò đã tự thú với thầy tội lỗi thuở nhỏ ấy. Lại còn chuyện cái kẻng. Thấy cái kẻng gang, rỗng ruột nhưng nặng có tới 30kg, cứ mỗi sáng lại ầm ĩ khua học trò dậy tập thể dục và lên lớp, vừa ghét cái kẻng vừa muốn trêu đùa cái tập thể đã quen làm theo tiếng kẻng, hai tên trong đám con trai hè nhau một đêm khiêng nó giấu mất tiêu chẳng ai có thể tìm được nữa, khiến cả trường náo loạn tìm kẻng!
Trở lại thăm thôn Mộ Đạo (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), nơi trú ngụ của HSMN 1968 - 1969. Một trong những ân nhân thưở ấy: vợ chồng anh Cả Đối (thứ ba và tư từ trái)
Khí phách
Dù thuộc diện được đãi ngộ đặc biệt, nhiều chàng trai HSMN tuổi 20 hồi ấy đã viết đơn xin nhập ngũ để được vào chiến trường miền Nam. Nguyễn Đức Khanh, Phan Văn Tánh, Nguyễn Việt Trung và Bùi Sĩ Dũng ở trong số đó. Đang là sinh viên Bách khoa, Giao thông, Nông nghiệp, họ bỏ hết để vào lính, để thực sự làm lính chiến trường.
Nguyễn Việt Trung nhớ lại: “Hành quân đêm ngày giữa rừng Trường Sơn, cấp trên giao nhiệm vụ gì cũng nhận, cũng làm bằng được”. Nguyễn Đức Khanh kể: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị trinh sát của tôi đi theo đội hình chiến đấu từ Thanh An (Củ Chi) tiến về Sài Gòn, sáng 30 tháng 4 đánh chiếm bót Lữ Gia”.
Phan Văn Tánh, sau khi tự nguyện rời Đại học Nông nghiệp để trở thành lính pháo binh cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam cuối năm 1972, đã mang theo kỷ niệm không bao giờ quên thời HSMN của mình: “Kết quả học kỳ một lớp 10 của tôi ở trường Vĩnh Yên (năm 1971) đạt trung bình khá. Sang học kỳ hai bỗng chán học, bỏ không lên lớp suốt ba tháng nên không đủ tiêu chuẩn dự thi tốt nghiệp phổ thông.
Một hôm, thầy hiệu trưởng Mai Hữu Trí gọi tôi lên nhẹ nhàng hỏi: “Nếu thầy coi kết quả thi học kỳ một của em là kết quả thi của cả năm học để cho em đi thi tốt nghiệp phổ thông thì liệu em có đậu được không?”. Tôi trả lời liền: “Thưa thầy, đã thi là phải đậu”. Thế rồi suốt 15 ngày sau đó, tôi bò lăn bò càng để học và cuối cùng đã thi đậu tốt nghiệp phổ thông, đậu luôn kỳ thi vào đại học năm đó. Suốt cuộc đời mình tôi khắc ghi trong lòng cách ứng xử nhân hậu ấy của một người thầy không khác một người cha”.
Về Đầm Dơi (Cà Mau) chuẩn bị xây nhà cho bạn Tô Hà (29.12.2016)
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Liên, cũng là một HSMN, từng công tác ở Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, đã được nghe những câu trả lời cảm động từ các đồng môn của mình khi chị hỏi “Điều gì đã làm số đông HSMN phải xa cha mẹ, xa gia đình từ khi còn rất nhỏ tuổi vẫn đi theo một con đường thẳng để sống tử tế và đóng góp cho đời?”. Đó là vì truyền thống yêu nước của gia đình. Vì được thầy cô tận tâm dạy dỗ dưới mái trường HSMN. Vì được đồng bào miền Bắc cưu mang, đùm bọc giữa những năm tháng khó khăn nhất. Vì tình bạn thủy chung, nồng ấm của HSMN. Hay nói như Khanh Cò - Đại tá QĐNDVN Nguyễn Đức Khanh: “Nhờ khí phách của HSMN mà tôi đi được trọn 36 năm trên con đường binh nghiệp”.
Tết Đinh Dậu 2017 rất vui
Vui vì các lớp của HSMN Vĩnh Yên - Tam Đảo cuối năm 2016 đã cùng nhau hoàn thành cuốn sách Học sinh Miền Nam - tư liệu và kỷ niệm. Nhóm biên tập Phạm Quốc Tâm, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Thư do Cao Văn Dũng (nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh) làm chủ biên. Nhóm tài trợ là các bạn Trần Thu Thảo, Tống Quang Anh, Võ Quang Triết, Nguyễn Thành Nhân.
Vui vì Tết này các bạn HSMN với vai trò chính rất tận tụy của bạn Châu Nhật Sinh đã vận động đủ tiền để xây ngôi nhà mới cho bạn Tô Hà - một HSMN lớp U70 sống neo đơn khó khăn ở tận Đầm Dơi (Cà Mau). Vui còn vì Tết này, trong dịp họp mặt nhân “50 năm học sinh miền Nam Quế Lâm - Vĩnh Yên”, có cả hai bạn Irene và Monique từ bên kia Tây bán cầu về dự. Họ cũng là HSMN đúng nghĩa vì từ bé xíu đã phải xa cha mẹ và đất nước đang kháng chiến để sang Việt Nam học dưới mái trường HSMN gần 15 năm. HSMN đã như là gia đình thứ hai của hai bạn.
Và vui nữa vì bức thư rất tình cảm của thầy Lê Ngọc Lập - người thầy đã gắn bó hơn 20 năm với các trường miền Nam trên đất Bắc gửi vào cho các học trò đúng dịp Tết thay cho sự hiện diện của mình: “Trong suốt nửa thế kỷ qua (1967 - 2017) thầy vẫn nhớ và khát khao được một lần gặp lại các thầy cô và học sinh trường Nguyễn Văn Bé, Quế Lâm, Trung Quốc ngày ấy. Thầy cảm thấy ấm lòng và tự hào khi các em nhắc tới Khu học xá Quế Lâm, các em đã không quên, vẫn dành cho thầy sự quý mến, quan tâm rất mực đạo lý. Thầy xúc động quá! Ý tưởng tổ chức cuộc gặp mặt sau 50 năm này rất học sinh miền Nam. Thầy trân trọng cuộc gặp mặt hiếm hoi này và xin chúc phúc cho tất cả các em. Chúc cuộc gặp mặt đầy sắc Xuân, sức Xuân và tình Xuân!”.
Tết Đinh Dậu đến với các cựu học sinh miền Nam bằng từng đó tin vui, hỏi còn gì vui hơn?
Thanh Nguyễn
(*) Trường HSMN - tổ ấm sư phạm, 2004; 55 năm HSMN trên đất Bắc, 2009; HSMN, tư liệu và kỷ niệm, 2016. Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách HSMN-tư liệu và kỷ niệm