Học sinh miền Nam: những mảnh vỡ của lịch sử

 23:37 | Chủ nhật, 16/10/2016  0

Bị tách lìa khỏi gia đình ở nhiều độ tuổi khác nhau vì một cuộc đổ vỡ, chia cắt chung của đất nước, học sinh miền Nam theo định nghĩa chung của tác giả Cao Tự Thanh là “trong ý nghĩa hành chính - hộ tịch, học sinh miền Nam dĩ nhiên là những người sinh ra ở miền Nam được đưa ra miền Bắc từ 1954 đến 1975 hoặc sinh ra ở miền Bắc nhưng có cha mẹ là người miền Nam tập kết sau Hiệp định Genève”.

Thế nhưng, thân phận của những số phận trẻ tuổi đã phải nếm mùi vị của chia ly, phải gánh vác giùm thân phận của dân tộc trong một thời kỳ lịch sử máu lửa này vẫn còn thay đổi. “Học sinh miền Nam là danh xưng chỉ một thân phận riêng biệt, tức không phải tất cả những học sinh sinh viên người miền Nam về mặt hộ tịch đều là học sinh miền Nam... thân phận ấy của mỗi cá nhân trước hết và chủ yếu tùy thuộc vào cha mẹ hay gia đình họ, mà những yếu tố này cũng có thể biến động qua thời gian”.

Chỉ với một thay đổi “Chẳng hạn theo Chỉ thị ngày 8.7.1958, một học sinh “là con cán bộ quê ở Nam vĩ tuyến 17 cũng theo cha mẹ ra Bắc khi cha mẹ được điều động hay di chuyển ra Bắc công tác trong kháng chiến, trước ngày hòa bình” không được kể vào loại học sinh miền Nam, nhưng nếu sau đó cha mẹ được điều động đi B thì lại có thể có được tư cách pháp lý học sinh miền Nam, được hưởng chế độ đãi ngộ dành cho học sinh miền Nam từ bậc phổ thông tới bậc đại học”.

“Phòng Quản lý học sinh miền Nam đã loại ra được “một số ít học sinh mà bản thân không bảo đảm chất lượng chính trị, hoặc gia đình có nợ máu với nhân dân”, và không loại trừ khả năng một số trong những người bị loại ra nói trên là không may có cha mẹ hoạt động ở miền Nam bị bắt rồi đầu hàng, khai báo”... Những thân phận nổi nênh, thay đổi, phân biệt từng chút ấy theo các điều kiện lịch sử, các hành động của người lớn ấy, đã tạo ra nhiều lớp người khác hẳn, kỳ lạ và gắn kết với nhau.

Đó chính là tiền đề của sách Học sinh miền Nam - Tư liệu và kỷ niệm (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ), nhìn học sinh miền Nam như những con người xã hội, những cá nhân của hoàn cảnh đặc biệt tạo ra tính cách cá nhân và tính cách cộng đồng đặc biệt. Những mảnh vỡ nhỏ của một cuộc chia cắt lớn đã biết gắn kết lại với nhau, tạo ra một bức tranh khảm đẹp và nhiều màu sắc về văn hóa, về thành tựu chung, đặc biệt là với sự chia sẻ và xây dựng một “xã hội nhỏ” đặc thù trong một xã hội lớn trong hoàn cảnh chiến tranh.

Sách gồm hai phần: Tư liệu và Kỷ niệm. Phần Tư liệu gồm 100 tư liệu và cụm tư liệu là các chỉ thị, nghị định, quyết định, thông tư, báo cáo... trực tiếp liên quan tới chủ trương đào tạo, chính sách sử dụng, chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước với học sinh miền Nam ở miền Bắc thời gian 1954-1975. Những tư liệu tràn ngập các con số, các trường hợp, bảng liệt kê khô khan ấy có thể gây bất ngờ với các học sinh miền Nam vì những sự việc ngỡ đã lãng quên, những bất công đã bị bỏ qua, những khuất tất đã nằm im... sẽ sống lại. Nhưng với người đọc bình thường, hơn 600 trang tư liệu ấy có thể là một chốn mênh mông các sự kiện không lớn theo cách hiểu về lịch sử hiện nay nếu không có phần đề dẫn đầu sách. Phần Kỷ niệm gồm hồi ký, thơ, nhạc phẩm của hơn 20 tác giả là học sinh miền Nam và giáo viên trường học sinh miền Nam cũng tập trung vào ba chủ đề hoàn cảnh, tính cách, số phận của học sinh miền Nam.

Có thể nói với tính nghiêm cẩn, khách quan và logic, quyển sách đã mở ra một hướng tiếp cận mới đối với lịch sử học sinh miền Nam.

Sách do một nhóm học sinh miền Nam ở Vĩnh Phú thời gian 1968-1972 tổ chức biên soạn, chủ biên là Cao Văn Dũng tức nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh.

Sách dày 872 trang, khổ 15 x 24 cm, bìa cứng, giá 350.000 đồng, sẽ phát hành ngày 17.10.2016.

Nam Thụ

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.