Trong cuộc gặp mặt báo chí chiều nay, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, việc xử lý nồng độ cồn là tiến bộ, văn minh và thực sự đi vào cuộc sống nếu tất cả cùng đồng hành.
Về việc mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao, dễ dẫn đến tiêu cực, “chia đôi”, Cục trưởng Cục CSGT khẳng định tất cả các cuộc xử lý nồng độ cồn đều có camera giám sát nên rất khó có tiêu cực.
Không vi phạm nồng độ cồn khi ăn hoa quả, uống siro
Ông Dũng cũng cho biết, qua kiểm tra lấy mẫu 150 mẫu ăn hoa quả như dứa, sầu riêng, chuối... kết quả hoàn toàn không có nồng độ cồn. Còn với siro thì chỉ 5 phút là hết.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng. |
“Những trường hợp này lực lượng tuần tra cho uống một cốc nước, rồi đo là chính xác”- Cục trưởng Cục CSGT cho biết.
Cũng nói về lo lắng ăn hoa quả có thể bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, Phó chủ tịch chuyên trách UB an toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nói: "Bộ Y tế cho biết, ăn hoa quả sẽ tạo cồn trong vòm họng và trong ống tiêu hóa. Việc test thổi không khí trong vòm họng có thể có nồng độ cồn nhưng nếu thực hiện đúng quy trình lấy khí từ đáy phổi, kết quả sẽ khác.
Quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn là máy đo lấy 1 lít khí từ đáy phổi thổi nên nếu ăn hoa quả không nên lo lắng".
Đến nay, các quốc gia cấm tuyệt đối trong hơi thở, trong máu có nồng độ cồn chưa có thống kê chính thức về việc xử phạt lái xe ăn trái cây và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
"Lực lượng CSGT chỉ chặn xe dựa trên hành vi lái xe của người điều khiển phương tiện như đi loạng choạng, đi không vững hoặc vừa ra khỏi quán nhậu... Nếu không uống rượu bia thì không có gì phải ngại khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Tất cả những quy định cấm đó đều với mục đích cuối cùng là bảo vệ lợi ích của người dân", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Phó trưởng Phòng CSGT (Công an Hà Nội), Thiếu tá Đào Việt Long, từ khi nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, chưa trường hợp nào khiếu nại việc bị phạt vì uống siro, ăn hoa quả.
Huyền Anh - Vũ Điệp